Trên Vietnamnet ngày 13-4-2009, bà Trần Thị Tâm Đan nói rõ “Xóa độc quyền sách giáo khoa: không cần sửa luật!” Bà chỉ ra rằng Luật giáo dục của ta là bộ “luật mở”, hoàn toàn không ngăn cản việc biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa (SGK). Song bà lại viết rằng: “Tính khả thi của giải pháp viết nhiều bộ SGK (…) cần xem xét ở khâu tổ chức thực hiện việc biên soạn SGK chứ không phải ở khâu ban hành luật”.

 Thế là đã rõ, điều cần được quan tâm là tổ chức viết sách giáo khoa sao cho có chất lượng, chứ không phải chuyện lưu hành một hoặc nhiều bộ sách giáo khoa kém cỏi. Ý kiến đó cũng phản ánh lòng hoài nghi năng lực tổ chức viết sách giáo khoa. Sự nghi ngờ là có cơ sở. Một lực lượng hùng hậu và một núi tiền dự án đã làm ra bộ SGK dùng gần chục năm, nhưng tới đầu năm học 2008-2009 vừa rồi, hai chục triệu học sinh cả nước vẫn phải gò lưng sửa 99 triệu bản sách giáo khoa theo ba cuốn sách đính chính! Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn ngay đầu năm học đã la lên: “điều chưa từng thấy trong Giáo dục!” (Sài gòn tiếp thị, được nhiều báo mạng đăng lại). 
Cốt lõi của một bộ SGK không chỉ là những kiến thức này khác: nếu chỉ cần đến “kiến thức” thì cứ chép Từ điển bách khoa là đủ. Một bộ SGK tốt qua việc cung cấp kiến thức còn trao cho giáo viên cả một bộ công cụ học tậpđể tổ chức cho chúng thành trí tuệ người học. Nói cho rõ: một  bộ SGK tốt phải giúp học sinh có năng lực tự học, biến công trình giáo dục thành tự giáo dục. Đó là một điều vô cung khó, không phải cứ có tiền dự án mà xong!   
Ta hãy cùng phân tích vào hai việc dạy Tiếng Việt và dạy Văn dưới đây.
Trước hết, về dạy tiếng Việt, ta có cuốn sách dân chúng vẫn gọi nôm na là cuốn “E-bờ”. Cuốn sách E-bờ đó chẳng có gì mới so với sách cùng loại trước nó, từ những sách vỡ lòng thời thuộc Pháp đến những sách vần quốc ngữvà học vần sau này, tất cả đều lặp lại mối quan tâm nhồi những con chữ vào đầu trẻ em. Ngay trang đầu sách E-bờ, người dùng SGK đã gặp một loạt vật liệu, e, b, vẽ mặt, bè, kéo xe …  thật khó mà hình dung học sinh sẽ có tư duy gì và sẽ tự học như thế nào trong rừng “trí tuệ” lộn xộn ấy?  
Bên cạnh đó, sách Tiếng Việt lớp 1 của Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CGD) thực nghiệm từ năm 1978 và đến năm 2000 đã phổ biến rộng ra 43 tỉnh và thành phố, huấn luyện trẻ em cách học khác hẳn. Nó bắt đầu bằng việc cho trẻ em tập phân tích chuỗi lời nói thành các tiếng đơn âm. Ngay từ tiết học đầu tiên, trẻ em được tập sở hữu một công cụ nghiên cứu ngữ âm học: tập phát âm cho tròn vành rõ tiếng, tập phân tích rồi tập tự ghi các âm đó lại. Công việc đó, công cụ đó sẽ đi theo các em suốt năm học. Việc “ghi âm” lúc ban đầu rất thô kệch, từng tiếng trong chuỗi lời nói có thể “ghi” bằng hạt ngô, quân nhựa, hoặc hình vuông, hình tròn. Cách ghi âm sẽ tinh tế dần với những con chữ quy ước. Trình độ tinh tế có thể cao đến mức trẻ em dân tộc thiểu số có thể tự đặt ra và ghi những phụ âm đầu như sl (tiếng Tầy, Thái slon slư, có nghĩa “đi học”, hoặc phụ âm đầu pr thường gặp trong ngôn ngữ nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, tiếng prăl chẳng hạn). Hy vọng rằng khán giả màn ảnh nhỏ có thể sẽ được xem biểu diễn cách học đó. Sự thất bại của sách E-bờ dẫn đến việc CGD quay trở lại vùng sâu vùng xa khó khăn nhất của Lào Cai từ năm 2006, và từ năm 2008 CGD quay lại với 7 tỉnh trong một Dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn gọi vui là “3 Tây”, 2 tỉnh Tây Bắc, 2 tỉnh Tây Nguyên, và 3 tỉnh Tây Nam Bộ.   
Bây giờ chúng ta phân tích sang cách học Văn thông qua cách dạy Văn thể hiện trên hai bộ sách đối lập nhau.
Sách dạy Văn của CGD ngay từ khi bắt đầu, ở lớp 2 tiểu học, đã cung cấp cho trẻ em một công cụ học văn. Công cụ đó gửi trong ba thao tác học văn, tưởng tượng, liên tưởng và sắp xếp bố cục. Điều này hoàn toàn được thấy rõ trong bộ sách Văn do Nhà xuất bản Giáo dục in từ năm 1986 cho tới khi CGD bị ngừng vào đầu những năm 2000. Điều đó cũng được tổng kết rõ trong các sách Nghề dạy văn (Trung tâm CGD và Sở GD TT-Huế, 1991), Công nghệ dạy văn (Đại học, 2000,  Đông – Tây và Lao động, 2007) và Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục (Tri thức, 2007). Một công cụ “cao siêu” như thao tác tưởng tượng vẫn có thể trao vào tay trẻ em 6-7 tuổi một cách dễ dàng. Trung thành với đường lối dạy học không giảng giải, mọi tri thức đều do trẻ em được giáo viên dắt dẫn cho tự hoạt động và tự tìm ra, “tưởng tượng” đã được định nghĩa một cách hành dụng thế này: Tưởng tượng là làm mọi việc trong đầu – kết quả của việc làm cũng nằm ở trong đầu. Bạn có thể tự mình ứng dụng luôn định nghĩa này cho con em hoặc cho riêng mình, và bạn sẽ hiểu một lý thuyết cao (lý thuyết hoạt động trong tâm lý học) có thể được thấm nhuần đến từng việc làm nhỏ như thế! 
Trái hẳn với CGD, bộ sách “chính thống” khác đợi tới lớp 10 mới dạy, và chỉ trong loại “sách nâng cao” thôi, lại dạy liên tưởng trước tưởng tượng (“Ngữ văn 10 nâng cao tập một, Giáo dục, Hà Nội, tái bản lần thứ nhất 2006, trang 179-180). Định nghĩa về “liên tưởng” gửi trong 23 dòng  và “tưởng tượng” trong 15 dòng khổ sách lớn, khó trích dẫn ra đây, chỉ biết chắc một điều: các giáo viên nạn nhân đầu tiên sẽ kéo theo những học trò lớp 10 đáng thương của lối định nghĩa nhạt nhẽo đó !
Dĩ nhiên, tác giả hoan nghênh chủ trương nhiều bộ SGK cho học sinh phổ thông, còn ở bậc Đại học, với quy chế tự chủ, SGK là của riêng từng trường, thậm chí của riêng từng thầy.
Bộ SGK nào ngay từ lớp Một đã đủ sức tạo ra những học sinh biết tự học, có một tư duy thông minh, có hành vi đẹp, bộ SGK đó chắc chắn được nhân dân bình chọn!

Phạm Toàn
(Theo Tiền Phong Online, 2009)