Lev Semyonovich Vygotsky (1896 –1934)

Lev Vygotsky sinh ra trong một gia đình Do Thái truyền thống ở Osha (Belarus), Nga, ngày 17 tháng 11 năm 1896, cùng năm với Piaget. Khởi đầu ông học Y ở Đại học Moscow vào thời kì mà người Do Thái bị kì thị nặng nề. Ông chuyển sang trường Luật Moscow trước khi thay đổi một lần nữa sang nghiên cứu văn học, nghệ thuật, triết học tại Đại học Shanavsky ở Moscow. Sau khi hoàn thành luận văn Tâm lý học về nghệ thuật, ông trở thành nhà tâm lí học trẻ tại trường cao đẳng đào tạo giáo viên ở địa phương, tại đây ông thành lập một nhóm nghiên cứu troika (3 người) với Alexander Lauria và Alexie Leontiev. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Vygotsky đã viết hơn 180 luận văn, một số hiện nay mới được dịch. Tương tự Piaget, tiêu điểm của Vygotsky là sự phát triển của trẻ em. Tuy nhiên ông được tiếng là đã phát triển một quan điểm kết nối xã hội với các quá trình tinh thần và đã miêu tả sự phát triển nhận thức như một quá trình xã hội về thực chất. Vygotsky có vợ và hai con gái. Con gái và cháu ngoại của ông tiếp tục phát triển sự nghiệp của ông.

 

GIỚI THIỆU

Ở cao điểm của nó những năm 1920, quan điểm của Vygotsky về trí tuệ là trong số có ảnh hưởng lớn nhất ở nước Nga. Công trình của ông nổi tiếng đến mức nó thu hút sự chú ý của chính quyền cộng sản, họ lên án nó với lí do nó là chủ nghĩa duy tâm tư sản, vì đã tham khảo các nhà lí thuyết phương Tây Freud và Piaget. Công trình của Vygotsky sau đó bị Stalin cấm và hạn chế trong một thư viện trung ương duy nhất ở Moscow, chỉ những ai có giấy phép đặc biệt của công an mật mới được tiếp cận. Cho đến những năm 1960, các nhà lí thuyết vẫn không biết đến nó. Trong những năm 1970 ảnh hưởng của thuyết Vygotsky tăng vọt rồi lại mờ nhạt đi, và chỉ nổi lên như một công trình vĩ đại vào giữa những năm 1980. Thực tế, sự xuất hiện trở lại ảnh hưởng của ông mạnh đến mức Toulmin (1978) đã mô tả Vygotsky như “Mozart của tâm lí học”. Như bạn sẽ thấy, mặc dầu đã chết từ lâu, những tham khảo tác phẩm của Vygotsky vẫn được trích dẫn ở các năm 1962, 1978, 1983,1987-1998. Những cuốn sách và luận văn này là những bản dịch gần đây những luận văn gốc của Vygotsky. Cả Meadow (1993) và Daniels (2005) đều nhận xét rằng trong số những những bản dịch này nhiều bản có những chỗ thiếu chính xác và hiểu lầm rải rác, và nhiều đoạn bị cắt cụt (lược bớt) để bỏ đi những chỗ nhắc đến triết học Marxist. Đây là một sai sót nghiêm trọng vì những chỗ đó tạo ngữ cảnh và giải thích những ảnh hưởng quyết định các quan điểm của Vygotsky.

Lưu ý đến điểm này, thông tin trình bày trong chương này được rút ra từ những nguồn đáng tin cậy nhằm phản ánh một cách trung thực lí thuyết của Vygotsky (bao gồm Daniel, 2005; Meadow, 1993; Schaffer, 2004; Smidt, 2009 và Sutherland, 1992)

 

VYGOTSKY VÀ THUYẾT KIẾN TẠO XÃ HỘI

Theo thuyết kiến tạo xã hội, việc xem xét chất lượng và bản chất của môi trường, độ tuổi, văn hóa và kinh nghiệm sống của trẻ em là quan trọng, trước khi rút ra bất kì kết luận nào về sự phát triển của chúng.

Định nghĩa

Thuyết kiến tạo: Một quan điểm dạy và học dựa trên giả thiết là Nhận thức là kết quả của kiến tạo tinh thần.

Vưgoysky tin rằng tất cả các khía cạnh của học tập có một lịch sử dựa trên việc học kinh-nghiệm-sống-thực, phần lớn được học trước khi đứa trẻ được giáo dục chính thức. Trong khi giữ viễn kiến lí thuyết của mình, Vygotsky không bao giờ đưa ra một lí thuyết về sự phát triển của trẻ. Schaffer nhận xét rằng:

Tuyên bố duy nhất của ông về lứa tuổi là gợi ý rằng trẻ em đến 2 tuổi ban đầu chịu ảnh hưởng của các lực lượng sinh học, và rằng các ảnh hưởng văn hoá xã hội, vốn là tiêu điểm trong các tác phẩm của ông, chỉ có hiệu lực sau tuổi đó – một khẳng định rõ ràng không được những công trình gần đây hậu thuẫn. (2004, tr. 201)

Tương tự, việc ông không bao giờ quan tâm đến đứa trẻ như một cá nhân mà chỉ như thành viên của bối cảnh văn hoá của nó, phản ánh tư tưởng hệ Marxist của ông. Theo Vygotsky, sự phát triển không phải là một quá trình cá nhân, mà là kết quả của một tập hợp các quan hệ xã hội hiện thân bên trong cá nhân. Vygotsky tin rằng, để hiểu con đường và bản chất sự phát triển của trẻ, điều thiết yếu là khảo sát bối cảnh xã hội trong đó đứa trẻ phát triển (Tudge, 1992). Ông chỉ ra rằng đứa trẻ không phát triển trong cô độc mà trong một ma trận xã hội. Ma trận xã hội này hình thành từ những mối liên kết và quan hệ xã hội và các tương tác giữa chúng và các trẻ em khác (Corsaro, 1992). Thông qua những quan hệ và tương tác này, trẻ em cộng tác với nhau hướng tới một mục tiêu chung. Lí thuyết của Vygotsky về quá trình phát triển của một đứa trẻ được tóm tắt trong lời bình lụân sau đây:

“trong quá trình phát triển, trẻ em bắt đầu sử dụng cùng những dạng hành vi trong mối quan hệ giữa chúng với nhau và những người khác ban đầu sử dụng trong mối quan hệ với chúng. Trẻ em nắm vững những hình thức xã hội của hành vi và chuyển những hình thức này cho bản thân chúng. Chính là thông qua những người khác mà chúng ta phát triển thành bản thân chúng ta và…điều này là đúng không chỉ về phương diện cá nhân mà cả về phương diện lịch sử của mọi chức năng” (theo bản dịch, Wertsch, 1981, tr. 164)

Giống như Piaget, ông tin rằng trẻ em sinh ra với những nền tảng cơ bản của nhận thức: trong đó có nhận thức thị giác, trí nhớ, sự chú ý và tốc độ xử lí. Điều này tạo điều kiện cho đứa trẻ phát triển những kĩ năng tư duy cao hơn như giải quyết vấn đề, lập luận, lập kế hoạch và nhớ (Rose et al, 2003). Đứa trẻ còn có một khả năng bẩm sinh để học thông qua chỉ dẫn, một đặc tính được hỗ trợ bởi việc người lớn sẵn lòng giúp đỡ và dạy dỗ. Như vậy, những tiêu chuẩn văn hoá (những thực tế được chấp nhận) của một xã hội bắt đầu ở mức độ bên ngoài, thông qua kinh nghiệm và việc học gián tiếp, trở thành cái bên trong như tư duy.

Mọi chức năng trong sự phát triển văn hoá của đứa trẻ xuất hiện hai lần: lần đầu, ở mức độ xã hội, và sau đó ở mức độ cá nhân; lần đầu, giữa những con người (liên tâm lí) và sau đó bên trong đứa trẻ (nội tâm lí). Điều này áp dụng ngang nhau cho sự chú ý tự giác, cho trí nhớ logic, và cho sự hình thành các khái niệm. Mọi chức năng cao hơn phát sinh như những mối quan hệ qua lại giữa những cá nhân (Vygotsky, 1978, tr.57)

 

VĂN HOÁ VÀ XÃ HỘI

Như gợi ý ở trên, đời sống và các quan điểm của Vygotsky được định hướng bởi các lực lượng xã hội và chính trị đã cách mạng hoá nước Nga. Vygotsky đặc biệt quan tâm giúp đỡ những trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt và tìm cách giải thích những bất bình đẳng xã hội và giáo dục thời đó. Giống như người đồng thời với ông – Piaget – Vygotsky tin rằng trẻ em là những người tích cực xây nên kiến thức và những kĩ năng của chính chúng. Tuy nhiên, trái với Piaget, ông tin rằng sự phát triển của trẻ em là kết quả của sự tương tác giữa đứa trẻ và môi trường xã hội của nó. Hãy xem chẳng hạn bé Julie (3 năm 2 tháng tuổi) đang giả vờ làm người chơi trong chương thi đố TV tìm tài năng Nhân tố X. Nó thua vì nó không thể làm cho chiếc micrô đồ chơi hoạt động được. Nó lắc rồi đập mạnh chiếc mic trước khi ném nó xuống. Clare, người trợ giúp nhóm chơi, nhặt nó lên và hỏi: nó có pin không? Xoay chiếc mic trong tay, cô phát hiện ra “chưa bật nó lên”. Đưa chiếc mic trả lại cho Julie, cô hướng dẫn nó cách bật lên, và động viên Julie cố gắng lên. Clare mở rộng trò chơi của Julie bằng cách mời thêm Mathew và Cody Lee, hai người từ lúc nãy đến giờ vẫn theo dõi cuộc trao đổi, làm trọng tài, còn cô thì lên thi Nhân tố X trong khi Julie hát.

Cả Piaget và Vygotsky đều nhất trí rằng sự tương tác cộng tác diễn ra trong kịch bản này đã mở rộng kiến thức của Julie về cách chiếc micro hoạt động. Như một người điều phối tương tác xã hội, Vygotsky còn nhận xét rằng kinh nghiệm văn hoá chung đã giúp cho tương tác này. Ở đây, không cần phải giải thích sô truyền hình tìm tài năng nổi tiếng này, mọi người liên quan đều quen thuộc với chương trình này và hiểu các vai trò. Phản ánh niềm tin của Vygotsky rằng trẻ em không phải là những người kiến tạo cô độc những kiến thức của chúng, mà là thành viên của nền văn hoá thịnh hành của chúng, ông nhận xét tương tác xã hội có thể lôi cuốn những bậc phụ huynh, anh em, bè bạn thầy giáo và cả những đồ vật có ý nghĩa như sách, hoặc các đồ chơi ưa thích như thế nào. Ông cho rằng mỗi đối tượng cung cấp những công cụ văn hoá cần thiết để phát triển tư duy của đứa trẻ.

Định nghĩa

Thuyết kiến tạo xã hội (Social Constructionism): Thuyết kiến tạo xã hội nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá và bối cảnh trong việc hiểu điều gì diễn ra trong xã hội và việc kiến tạo tri thức dựa trên hiểu biết này (Pagram và McMahon, 1997)

Văn hoá: là một khái niệm phức tạp. Nói một cách đơn giản, nó liên quan đến các mẫu hình hành vi được chuyển về mặt xã hội, nghệ thụât và những niềm tin truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Các công cụ văn hoá: đây là những sản phẩm của văn hoá loài người và hoạt động lịch sử

Trong khi các công cụ văn hoá như những điệu hát ru, những truyện cổ tích, âm nhạc và nghệ thuật trở thành gần gũi quen thuộc như vô hình, Vygotsky cả quyết khẳng định vai trò của chúng trong sự phát triển tư duy. Quan điểm của ông về tầm quan trọng của các công cụ văn hoá được tóm lược trong câu trích dẫn dưới đây từ nhận xét của Pea:

“những công cụ này thật sự mang trí thông minh bên trong chúng, chúng biểu hiện quyết định của một cá nhân hay một cộng đồng nào đó rằng những phương tiện như thế này phải được vật thể hoá, giữ cho ổn định gần như vĩnh viễn, để phục vụ cho những người khác” (1993, tr.52).

Hãy xem thí dụ dưới đây:

Thí dụ

1. Dylan (1 năm 10 tháng tuổi) cầm điện thoại di động của bố lên áp vào tai, kêu “hêlô, hêlô”. Sau đó, nó hướng địên thoại vào ti vi và ấn
nhiều phím như cố thử chuyển kênh.

2. Mỗi buổi sáng, Anelisa (3 tuổi)
và chị nó Miriam (5 năm 2 tháng) lấy nước uống từ suối (cách 2 dặm)
dùng những bình nhựa mà những công nhân địa chất bỏ lại. Những bình này nhẹ có tay cầm và dễ dàng cho các cô bé mang xách.

3. Thứ bảy là
ngày đi thư viện và Lita (5 năm 6 tháng) rất hào hứng. Nó hi vọng mượn
được cuốn sách mà Raine bạn nó khuyên đọc: Nàng Công chúa Chuột:
Truyện cổ Phần lan. Trong khi Lita tìm trên các giá sách, mẹ quan sát nó
từ quán cà phê và chuyện phiếm với các bạn của bà. Lita không biết đọc
và không chính thức đi học cho đến khi nó 7 tuổi, nhưng nó thích gặp gỡ các bạn ở thư viện.

Tóm lại, các công cụ văn hoá ảnh hưởng đến nhận thức, hiểu biết và kinh nghiệm về thế giới của chúng ta. Đối với Vygotsky tư duy cấp thấp liên quan đến những chức năng sinh học vô thức như trí nhớ, sức chú ý và trí thông minh. Những quá trình này bị chi phối bởi các giá trị và chịu ảnh hưởng của những cảm giác và cảm xúc của chúng ta. Vì những chức năng cấp thấp được kết nối bởi các nhân tố xã hội, cảm xúc, và văn hoá, Vygotsky gọi chúng là những chức năng tâm-sinh-lí. Trái lại, những chức năng cao cấp liên hệ với những ý định và hành động có ý thức – chẳng hạn, giải quyết vấn đề, lập luận một cách logic. Các hoạt động trung gian, có tính xã hội, hợp tác có thể coi là cầu nối đưa một đứa trẻ từ tư duy cụ thể, cấp thấp đến tư duy trừu tượng cấp cao.

Tư duy cấp thấp                                                                              Tư duy cấp cao

Ý nghĩ

Tình cảm

 

 

 

 

Chú ý

Trí nhớ

Trí thông minh

 

 

 

 

 

 

Hoạt động trung gian, hợp tác, xã hội

Giá trị

Giải quyết vấn đề

Suy luận logic

Tư duy trừu tượng

 (còn tiếp)

Bản dịch của HIẾU TÂN