Tui dịch “wisdom” (sagesse) là HIỀN MINH chứ ko theo các từ điển thường dịch là “khôn ngoan” (thường bị hiểu theo nghĩa xấu), hoặc ở cực kia là “trí huệ” (thuật ngữ Phật giáo), ”minh triết” (thuật ngữ thường dùng cho giới elite)

– Người dịch HTH

 

1.1. Dẫn nhập

Có nhiều chuyện kể trong những tác phẩm văn học lớn, trong đó có văn chương tôn giáo, kể về những con người theo bất cứ tiêu chí nào cũng được coi là đặc biệt hiền minh[i]. Chẳng hạn, Vua Salomon trong sách Cựu Ước, đã tìm ra ai trong hai người phụ nữ là bà mẹ thật của một đứa bé, bằng cách gợi ý rằng đứa bé bị xé làm đôi cho mỗi bà một nửa. Ông tin là người phụ nữ từ chối lệnh vua ban chắc chắn là bà mẹ thật. Trong sách Tân Ước, Chúa Jesus đã kể câu chuyện người Samaritan Tốt giúp đỡ một người Do Thái đã bị cướp đoạt và đánh đập, mặc dù ở thời đó người Do Thái và người Samaritan thù ghét nhau. Và Phật đã nói rằng niềm vinh dự lớn nhất là đức khiêm cung, và của cải lớn nhất là sự hiền minh. Sự hiền minh mà Vua Salomon chứng tỏ trong việc xứ lí với hai bà mẹ, của Jesus trong câu chuyện Người Samaritan Tốt, của Phật trong sự nhận thấy tầm quan trọng của sự hiền minh, là chủ đề của chương sách này.

Những câu chuyện về sự hiền minh không hạn chế trong quá khứ. Trong thời hiện đại, Nelson Mandela đã tự chuyển hoá từ một nhà cách mạng bạo lực thành một trong những lãnh tụ vĩ đại và hiền minh nhất mà rất lâu thế giới mới thấy, ông đã đem lại hoà bình cho một đất nước, Nam Phi, vốn bị xé nát vì bất đồng và bạo lực. Martin Luther King Jr. của nước Mĩ, đã đương đầu với áp lực xã hội ghê gớm và sự tù đầy để trở thành một trong những lãnh tụ hàng đầu bênh vực quyền công dân và sự bình đẳng. Gần đây, Malala Yousafzai đã đấu tranh cho phụ nữ ở Pakistan và bị bắn vào mặt vì thế. Thậm chí sau khi bị bắn, bà vẫn tiếp tục vận động cho quyền con người. Và Alexei Navalny đã đấu tranh cho quyền con người ở Nga, ông đã bị đầu độc, rất có thể do chính quyền Nga chỉ đạo, và kết quả là gần như tử vong. Sau khi bình phục như nhờ phép lạ, ông đã trở về nước Nga chỉ để bị bắt giam. Sự hiền minh và lòng dũng cảm đi cùng với nó không chỉ là những câu chuyện từ quá khứ. Đó cũng là những câu chuyện của thời nay.

Nếu một điều đã trở thành quá rõ ràng như thế trong thời hiện đại, thì sự hiền minh phải có tầm quan trọng và là bản chất không thể thiếu đối với các xã hội trên khắp thế giới.  Đôi khi chúng tôi nói đến thế giới ngày nay như một “xã hội kiến thức”, để phân biệt nó với xã hội công nghiệp trước đó mà ở đó công nghiệp là ông vua, và với các xã hội tiền công nghiệp mà ở đó công nghiệp chưa là phương tiện sản xuất áp đảo. Một xã hội kiến thức là xã hội trong đó kiến thức – ta biết cái gì và biết làm thế nào – thúc đẩy xã hội và sự phát triển của nó. Tầm quan trọng gắn với kiến thức trong thế giới hôm nay được thể hiện ở tầm quan trọng gắn với giáo dục – với các bằng cấp cao đẳng và đại học chứng nhận trình độ và sự thành công của một người khi trở nên có học.

Trong chương này và nhiều chương sau, chúng tôi sẽ tranh luận rằng chúng ta cần chuyển sự nhấn mạnh của mình – rằng điều quan trọng nhất đối với thế giới hôm nay không phải là kiến thức, mà là việc ta dùng kiến thức của mình như thế nào. Và điều đặc biệt quan trọng không chỉ là việc dùng kiến thức, mà đặc biệt là việc sử dụng kiến thức một cách hiền minh.

 

1.2. Sự Hiền minh là gì?

Sự Hiền minh là gì, một cách chính xác? Trong sách này bạn sẽ tìm thấy nhiều định nghĩa về Hiền minh. Chúng tôi sẽ không gắng để có một định nghĩa chính xác, vì chưa có sự đồng thuận về lĩnh vực này. Tuy nhiên, có một số đặc trưng mà phần lớn các nhà nghiên cứu và chuyên gia về sự hiền minh đồng ý coi là đặc trưng của Người Hiền minh (như Grossmann và các đồng tác giả 2019; Jeste và… 2010;  Sternberg & Gluck, 2019; Sternberg và… 2019). Ở đây đầu tiên chúng tôi thảo luận một số điểm tổng quát về việc cái gì là hiền minh và cái gì không phải hiền minh, với ý định nêu rõ vì sao thế giới hôm nay khẩn thiết cần nhiều hiền minh hơn.

1.2.1. Người Hiền minh tìm kiếm Lợi ích chung

Người Hiền minh có điểm chung là họ không chỉ tập trung chú ý vào lợi ích riêng của bản thân, hay lợi ích của những người theo cách nào đó giống như mình – “bộ lạc” ẩn dụ của mình. Khi phán xét và quyết định, nói chung họ suy nghĩ vượt quá bản thân và những người có phần giống mình – gia đình, bè bạn, đồng nghiệp hay những người cùng quốc tịch, sắc tộc…

Thật quá dễ dàng để khi quyết định, ta chỉ xem xét lợi ích của bản thân và những người giống mình, đặc biệt trong một thời đại mà sự tự bận tâm và tự si mê dường như đang đi lên. Thường khi, sự thành công trong các xã hội cá nhân chủ nghĩa chỉ liên quan đến thành quả của riêng từng người, không cần xem những thành quả ấy ảnh hưởng ra sao đến thành quả của người khác. Kết quả là mọi người không còn làm việc cùng nhau một cách hài hoà như đôi khi họ đã làm trong quá khứ.

Ở nước Mĩ, trong thập niên thứ ba của thế kỉ XXI, hai chính đảng hàng đầu là Cộng hoà và Dân chủ trên thực tế đã không có khả năng làm việc cùng nhau và hợp tác vì thành tựu của lợi ích chung. Ở nhiều nước khác, sự phân cực chính trị cũng tăng dần. Ở tất cả các nước, các đường lối nghiêm ngặt được thiết định tạo ra những cấp ưu tiên được chích vaccin Covid 19, nhưng vẫn có nhiều người không mệt mỏi tìm cách chen lên cấp ưu tiên cao hơn. Trong một số trường hợp, có sự vi phạm nghi thức ngoại giao thật lố bịch, như một cặp tỉ phú người Mĩ đã bay đến Vùng Yukon hẻo lánh giả làm người làm công trong motel nhằm được chích vaccin!

Vì sao lợi ích chung lại quan trọng đến thế? Nó có thể thực sự kém quan trọng trong một thế giới kết nối ít hơn. Nhưng ngày hôm nay toàn thế giới kết nối với nhau rất chặt chẽ. Những gì người ta làm ở một nước có thể ảnh hưởng đến những người khác cách xa nửa vòng trái đất. Nếu ai còn nghi ngờ điều ấy thì có lẽ không gì chỉ rõ sự kết nối toàn cầu tốt hơn sự lan truyền Covid 19…

Xã hội gần đây bị đứt gãy hơn nhiều năm về trước. Cạnh tranh hơn là hợp tác trong nạn Covid 19 là một ví dụ nhưng không chỉ là ví dụ duy nhất. Một ví dụ hiển nhiên là sự đột nhập chưa từng có vào toà nhà Quốc hội Mĩ ngày 6 tháng 1 năm 2021. Nhiều người đột nhập có vẻ đã tin rằng mình hành động như những người yêu nước khi xâm chiếm nhà Quốc hội, phá phách và gây chết chóc… Nhiều người trong số đó rất có học. Điều gì đã đi đến sai trái? Làm sao những sự cố như thế có thể xảy ra trong TK XXI?

 

1.3. Vì sao Trí Khôn (Trí Thông minh) là không đủ

Trí Khôn (Trí Thông minh) – năng lực học, suy luận và thích nghi với môi trường – thường được coi là có nhiều thành phần. Các mô hình hiện đại của trí khôn chia kiến tạo tinh thần này thành nhiều nhân tố và nhân tố phụ có thứ bậc. Nhiều mô hình được sử dụng thông thường đã xuất phát từ công trình của Cattell (1971) – phân biệt Trí Khôn kết tinh (Crystallized Intelligence) và Trí Khôn Lỏng (Fluid Intelligence).

1.3.1. Trí Khôn Kết tinh

Trí khôn kết tinh là cơ sở kiến thức cơ bản. Đó là cái mà ta biết. Khi chúng tôi nói về một “xã hội kiến thức”, là nói về sự xây dựng nên trí khôn kết tinh. Trí khôn kết tinh và kiến thức là cái thể hiện nó, ở mức độ nào đó rõ ràng là cần thiết cho sự hiền minh. Ta không thể khuyến nghị về một lĩnh vực hay về thế giới, nói chung, nếu cơ sở kiến thức của ta về lĩnh vực ấy hay về thế giới bị hạn chế nghiêm trọng. Một lợi thế của internet là kiến thức đã được tiếp cận dễ dàng hơn nhiều đối với mọi người trên khắp thế giới. Chẳng may, điều đó cũng có nghĩa là cái giả – cái gọi là “thực kiện thay thế” (alternative fact) – đôi khi khó phân biệt với thực kiện có thực (actual fact), đã trở nên lan truyền nhiều hơn. Thêm nữa, có thể bản thân khái niệm “một xã hội kiến thức” không phải là một ý tưởng tốt như nó có thể dường như được thấy lúc ban đầu.

Trước nhất, có kiến thức không bảo đảm là kiến thức sẽ được sử dụng một cách hiền minh. Nhiều nghị sĩ Quốc hội Mĩ móc họng nhau có bằng cấp từ những trường đại học và cao đẳng danh giá. Các cơ sở kiến thức phát triển cao của họ đã không giúp họ làm việc cùng nhau một cách hữu hiệu. Tương tự, các viên chức chính phủ trên khắp thế giới đã được cảnh báo trong nhiều năm – thực tế là hàng thập kỉ – rằng một đại dịch loại nào đó đang ở ngay chân trời. Vậy mà hầu hết đã không được chuẩn bị khi cuối cùng đại dịch đến vào năm 2020.

Tệ hơn nữa. Các bác sĩ Quốc xã có bằng cấp y khoa và những người khác trong đảng Quốc xã có các loại bằng cấp cao. Kiến thức của họ đã không ngăn họ giết chóc mọi người, mà thực tế còn được nhiều kẻ trong số họ dùng để sáng tạo ra một ý hệ sai lầm về chủng tộc thượng đẳng…

Lại nữa, có sự đồng ý chung là loại kiến thức quan trọng nhất cho sự hiền minh không phải là kiến thức hàn lâm hay chính thức, mà là kiến thức không chính thức về con người và cuộc đời. Loại kiến thức này đôi khi được gọi là kiến thức ẩn tàng. Đó là cái mà ta cần biết để thành công trong đời sống hàng ngày, nó không được dạy một cách chính thức, và thậm chí có thể không thành lời. Sự hiền minh được xây dựng một cách căn bản, tuy không phải không có ngoại lệ, trên một nền tảng kiến thức không chính thức. Người ta có thể có nhiều kiến thức hàn lâm nhưng thiếu kiến thức không chính thức về thế giới, hay đơn giản là không biết cách sử dụng kiến thức ấy.

1.3.2. Trí Khôn Lỏng

Trí khôn lỏng là năng lực giải quyết những vấn đề tương đối mới hay những vấn đề quen thuộc hơn nhưng thể hiện trong những hoàn cảnh tương đối mới. Theo lí thuyết Cattell, trí khôn lỏng làm tăng trí khôn kết tinh.

Trí khôn lỏng được đo bằng các đo nghiệm như loạt con số (như 2, 5, 8, 11?) và phân loại từ (như từ nào không thuộc về? THUYỀN, TÀU, BUỒM, TÀU LỚN). Trí khôn lỏng cũng như trí khôn kết tinh, là cần thiết cho sự hiền minh. Người hiền minh luôn luôn đối mặt với những nhiệm vụ mới và những tình huống rất không giống với bất kì tình huống nào mình đã gặp trước đây. Và còn…

Trí khôn lỏng cũng như trí khôn kết tinh, có thể không phải là tất cả những gì nó hé lộ. James Flynn (1987, 2012) khám phá ra rằng, trong suốt TK XX, chỉ số trí khôn (I.Q) của người lớn trên khắp thế giới đã tăng lên khoảng 30 điểm, giữa năm 1900 và năm 2000. Tức là khoảng 3 điểm mỗi 10 năm. Sự khác  biệt 30 điểm cho thấy sự khác biệt giữa một người được coi là sắp ở tình trạng tâm trí có vấn đề với một người được coi là có mức trung bình về trí óc, hay giữa một người được coi là có mức trung bình về trí óc với một người sắp đạt mức có thiên bẩm về trí tuệ. Rõ ràng sự khác biệt rất lớn. Điểm IQ trung bình vẫn là 100 chỉ vì các nhà đo nghiệm đặt lại chuẩn đo nghiệm. Tức là, họ giữ điểm trung bình là 100, bất kể con số đáp án đúng của người được đo nghiệm. Phần lớn thành tích này – thực ra là hầu hết – nằm ở trí khôn lỏng.

Flynn (2012) đã giải thích sự khác biệt ấy là phản ánh những yêu cầu gia tăng về nhận thức của thế giới hiện đại. Một phần sự khác biệt cũng có thể là kết quả của việc cha mẹ có xu hướng trí thức nhiều hơn và của giáo dục mầm non. Trong mọi trường hợp, các điểm IQ không cố định qua các thế hệ, mà đáp ứng các yêu cầu của môi trường. Tuy nhiên, Flynn và nhiều người khác đã nhận ra rằng, ngay cả với những điểm IQ ấy, người ta không có vẻ đáp ứng tốt mọi thách thức mà thế giới đưa ra. Đáp ứng ban đầu với đại dịch Covid 19 đã thật lộn xộn…

Như Flynn đã nhận ra, các thách thức lớn nhất của TK XXI không ở trình độ thông minh của chúng ta, mà ở việc trí thông minh của chúng ta được khai triển thế nào. Sternberg thậm chí còn định nghĩa một kiến tạo tâm trí mới: Trí Khôn (Trí Thông minh) Thích nghi (Adaptive Intelligence) hay trí khôn cần thiết để làm cho thế giới trở thành một nơi chốn tốt đẹp hơn. Và phần then chốt của trí khôn thích nghi ấy là sự Hiền minh – tìm kiếm một lợi ích chung hơn là sử dụng trí khôn của riêng mình chỉ vì lợi ích riêng biệt của bản thân. Như vậy, trí khôn dường như chỉ đáp ứng được những thách thức của ngày hôm nay nếu nó bao gồm một thành tố là sự Hiền minh.

 

1.4. Vì sao sự Sáng tạo là không đủ

Sự Sáng tạo cho ta những khả năng làm mới mà Trí Khôn, ít nhất như được định nghĩa theo truyền thống, không cho ta. Sự Sáng tạo thường được định nghĩa là sự tạo nên một đóng góp – một ý tưởng hay một sản phẩm – vừa mới mẻ vừa hữu dụng hay hữu hiệu cách nào đó. Các đo nghiệm trí khôn căn bản là đo đạc kiến thức của ta (trí khôn kết tinh) và tư duy phân tích với kiến thức ấy (trí khôn lỏng), nhưng sự Sáng tạo vượt quá điều ấy khi đòi hỏi ta có phần vượt quá những cái đã được cho, theo một cách có ý nghĩa.

Nhiều ý tưởng và phát kiến lớn đã là kết quả của sự Sáng tạo của con người. Mona Lisa của Leonardo da Vinci, Nền Cộng hoà (Republic) của Plato, Người yêu dấu (Beloved) cỉa Toni Morrison, những thăm dò radium của Marie Curie… tất cả đều đòi hỏi sự Sáng tạo. Không có sự Sáng tạo, chúng ta không thể có máy tính, điện thoại cầm tay, tivi… Sự Sáng tạo khiến ta có thể có một thế giới khó hình dung trong quá khứ, trừ ra trong khoa học giả tưởng (bản thân nó cũng là một sản phẩm của sự Sáng tạo).

Tuy nhiên, sự Sáng tạo đã không đủ để giải quyết nhiều vấn đề lớn của thế giới. Khá oái oăm là sự Sáng tạo đã có phần trách nhiệm đối với nhiều vấn đề ấy. Chẳng hạn, biến đổi khí hậu phần lớn là do những cách tân của con người như các động cơ đốt trong, công nghiệp hoá nông nghiệp và nhiều loại chất ô nhiễm do các xưởng máy phát thải… Công nghệ hạt nhân có thể đã là, và vẫn là và có thể là, một sự cách tân lớn lao về mặt sản xuất năng lượng, nhưng cũng đã được dùng để sản xuất vũ khí huỷ diệt đại chúng…

Bởi vì sự Sáng tạo đã được sử dụng cho những mục đích tiêu cực cũng như tích cực, cũng như trí khôn vậy, nên một số nhà khảo sát sự Sáng tạo phân biệt sự Sáng tạo Tích cực với sự Sáng tạo Tiêu cực. Sự Sáng tạo Tích cực là sự sản sinh những ý tưởng, sản phẩm và bất kì sự cách tân nào mới mẻ và hữu dụng, như theo định nghĩa của sự Sáng tạo, nhưng cũng có lợi theo cách nào đó cho nhân loại ở mọi trình độ (Clark & James, 1999; James và… 1999; James & Taylor, 2010; Sternberg, 2021…) Sự Sáng tạo Chuyển hoá (Transformational Creativity) vượt quá sự Sáng tạo Tích cực ở chỗ nó tìm kiếm sự thay đổi chuyển hoá làm cho thế giới trở nên một nơi chốn tốt đẹp hơn (Sternberg, 2021). Sự Sáng tạo Tích cực có thể được phân biệt với sự Sáng tạo Tiêu cực – là sự Sáng tạo theo cách nào đó và ở một trình độ nào đó gây hại cho nhân loại. Ở thái cực của nó, sự Sáng tạo Tiêu cực đôi khi được nói đến như sự Sáng tạo Hiểm ác (Malevolent Creativity) (Cropley và… 2008, 2010, 2014), là sự Sáng tạo có chủ ý gây hại.

Sự Sáng tạo Tích cực có thể được nhìn theo nhiều cách, nhưng theo cách nhìn của chúng tôi thì nó là sự Sáng tạo được sự Hiền minh tôi luyện. Đó là sự sử dụng sự Sáng tạo để đạt tới một loại lợi ích chung nào đó, ngay cả ở một trình độ rất cơ sở, như sự phúc lạc của những người gần với mình, do đó sự phúc lạc này không làm tổn hại đến những người khác.

Rõ ràng là sự phán xét cái gì là tích cực hay tiêu cực, ở mức độ nào đó, là do con mắt người quan sát. Tuy nhiên, những người tin vào giá trị của sự Hiền minh như một kiến tạo tâm lí nhìn chung đồng ý rằng có một thường tri về lợi ích chung đứng bên trên các ý kiến và ý hệ đơn thuần cá nhân. Chẳng hạn cái gọi là Luật Vàng – xử với người theo cách mình muốn người xử với mình (kỉ sở bất dục vật thi ư nhân) – là một nguyên lí hiền minh dường như vượt qua mọi biên giới của sở thích cá nhân. Tương tự, hết sức xử sự sao cho ít hại nhất cho người khác, là một tiên đề của sự Hiền minh dường như vượt qua mọi phán xét cá nhân cụ thể.

Như thế, cả Trí Khôn và sự Sáng tạo tự bản thân chúng không đủ để thương thảo những vấn đề nghiêm trọng mà thế giới hôm nay đối mặt, trừ khi chúng dựa trên sự Hiền minh.

 

1.5. Vì sao sự Hiền minh khó tìm đến thế

Vì sao dễ dàng tìm thấy Trí khôn và sự Sáng tạo hơn nhiều so với sự Hiền minh trong thế giới thực? Người ta có thể dễ dàng nghĩ về những thủ lĩnh thông minh, tương đối dễ dàng nghĩ về những thủ lĩnh sáng tạo, nhưng khó lòng gọi ra trong đầu những thủ lĩnh hiền minh. Ở đây chúng tôi có vài gợi ý về sự hiếm có của Hiền minh. Về căn bản, rất nhiều trong các lý do là vì có quá nhiều lựa chọn bên cạnh sự Hiền minh mà rất nhiều lựa chọn lại được tưởng thưởng lớn hơn, ít ra là trong ngắn hạn.

1.5.1. Các loại Hiền minh

Sự Hiền minh có thể áp dụng ở ngoài bản thân ta, xuyên qua các lĩnh vực đòi hỏi và trong những lĩnh vực đòi hỏi chuyên biệt. Chẳng hạn, Staudinger (2019) đã gợi ý rằng sự Hiền minh hoàn toàn khác khi nó được áp dụng vào những lĩnh vực khác bên ngoài bản thân ta, và Grossmann và các tác đồng tác giả (2019) đã gợi ý rằng sự Hiền minh có thể hoàn toàn mang tính chuyên biệt của lĩnh vực.

Các loại Hiền minh:

Bảng 1 nêu danh sách những loại hiền minh có thể thích hợp để xử lí với những tình huống đa dạng rộng rãi (sự Hiền minh tổng quát các lĩnh vực (domain-general wisdom), với những loại tình huống chuyên biệt (sự Hiền minh cho lĩnh vực chuyên biệt (domain-specific wisdom), và với bản thân ta (sự Hiền minh cá nhân) (personal wisdom) (Sternberg 2019). Một ví dụ về sự Hiền minh tổng quát các lĩnh vực là hành xử với người theo cách như mình muốn người hành xử với mình. Một ví dụ về sự Hiền minh cho lĩnh vực chuyên biệt là bảo đảm rằng mình dẫn những học giả đi trước có liên quan mà mình dựa vào để lập luận trong một luận văn. Một ví dụ về sự Hiền minh cá nhân là nhận ra rằng nếu mình nghiên cứu sự Hiền minh nhưng lại có xu hướng vênh váo hay ích kỉ, thì mình phải cố kiểm soát những xu hướng ấy, vì chúng sẽ phá hoại uy tín của bản thân khi thính giả thấy được chúng. Người ta có thể nhìn chung thì hiền minh, nhưng không hiền minh khi gặp những vấn đề liên quan đến bản thân.

Vấn đề thể hiện sự Hiền minh trong thế giới là có hai mặt. Nếu sự Hiền minh có nhiều phần là chuyên biệt cho một số loại lĩnh vực và tình huống, thì sự Hiền minh xuyên qua mọi lĩnh vực và tình huống có thể khó đạt được, vì số kiến thức ẩn tàng mà ta cần có để hiền minh xuyên qua dải rất rộng các thách thức của con người là rất lớn. Còn với sự Sáng tạo, vốn có xu hướng chủ yếu là mang tính chuyên biệt cho từng lĩnh vực, một phần do kiến thức chuyên biệt cho lĩnh vực cụ thể mà ta cần có để có thể sáng tạo – thì người ta có thể vắt kiệt khá nhanh sự Hiền minh chuyên biệt cho lĩnh vực ấy khi đến với những lĩnh vực khác mà người ta không có được trình độ cao về kiến thức. Hơn nữa, nếu sự Hiền minh cá nhân thực tế là một kiến tạo tâm trí tương đối riêng biệt, theo kiểu các trí khôn liên cá nhân và nội cá nhân (interpersonal and intrapersonal intelligence) trong thuyết trí khôn đa dạng của Gardner (2011), vậy thì người ta có thể hiền minh trong một số lĩnh vực hay trong một số tình huống cá nhân, nhưng không hiền minh trong cả hai. Nói cách khác, sự Hiền minh có thể có ở đó, nhưng rất hạn chế về độ rộng mà nó được áp dụng.

Vấn đề thứ hai được nêu rõ trong bảng 1.1 là sự Hiền minh có thể sâu hoặc nông. Khi nó nông, nó phân tích một vấn đề chỉ ở trình độ hời hợt. Sự Hiền minh hời hợt có thể không đủ để giải quyết những vấn đề thách thức của thế giới thực. kết quả có thể là giải pháp không chỉ không đủ hiền minh để cho ta một cơ sở xử lí thích đáng vấn đề mình gặp. Một số học giả thậm chí không coi sự Hiền minh nông cạn là sự Hiền minh thực, mà chỉ là một cố gắng đạt đến Hiền minh.

1.5.2. Không-Hiền minh

Một lớp vấn đề thứ hai trong biểu hiện của sự Hiền minh trong thế giới thực là quá nhiều cái có vẻ hiền minh thực ra không phải là Hiền minh (Sternberg 2019). Bảng 1.2 nêu danh sách 6 loại không-hiền minh mà thoạt nhìn có thể có vẻ hiền minh.

Loại thứ nhất là gần như-hiền minh (quasi-wisdom), trong đó có sự xác định hạn chế về lợi ích chung. Ai đó có thể tin rằng mình hiền minh, nhưng áp dụng sự gần như-hiền minh của mình chỉ với những người giống như bản thân hay những người mình tri nhận là thành viên của cùng “bộ lạc”, như những người trong gia đình hay dòng tộc, hay giống nòi, sắc tộc, quốc tịch, tôn giáo…

Loại thứ hai cũng là gần như-hiền minh (quasi-wisdom), trong đó không có sự cân bằng (balance) thích đáng giữa các lợi ích khác nhau và thường cạnh tranh nhau. Người gần như-hiền minh loại này ưu ái những lợi ích của một hay vài nhóm hơn các nhóm khác, một cách cố ý hay vô tình, hay đơn giản là đặt nặng hơn sự ưu ái của riêng mình.

Loại thứ ba là vẻ ngoài hiền minh (veener of wisdom), trong đó cá nhân được gán nhãn người hiền minh bởi một số người có quyền hoặc tín đồ, chỉ do vị trí quyền lực hay sự mê hoặc của người ấy trong vai thủ lĩnh. Những người này không hề có sự hiền minh, nhưng các tín đồ của họ hành xử, hoặc tự nguyện (như trong một giáo phái) hoặc không tự nguyện (như trong một chế độ độc tài thường nguỵ trang như nền dân chủ) như thể người ấy là bậc hiền minh.

Loại thứ tư là giả-hiền minh ngã qui (egocentric pseudo-wisdom), là vẻ ngoài giả hiền minh nhưng thực ra là mang động cơ tư lợi. Người này hành xử như thể đang giúp đỡ người khác, mặc dù chỉ quan tâm đến việc làm lợi cho bản thân.

Loại thứ năm là giả-hiền minh đen tối (dark pseudo-wisdom), ở đó vẻ ngoài giả hiền minh nhưng động cơ là những ác ý như làm hại người khác.

Loại thứ sáu là sự hiền minh không thực hiện (unrelaized wisdom), là sản phẩm của một hành tiến không được tiếp tục đi cho hết. Không dễ gì sinh ra những ý tưởng hiền minh, nhưng sinh ra ý tưởng thì dễ hơn nhiều đưa nó vào hành động, vì khi đó thường có sự đối kháng nghiêm trọng.

Tóm lại, có ít nhất 6 loại ý tưởng có thể thoạt nhìn có vẻ hiền minh nhưng soi xét kỹ thì hoá ra không phải.

1.5.3. Sự Ngu ngốc

Người ta cũng không đạt được sự Hiền minh vì rơi vào Ngu ngốc. Trí Khôn (Thông minh) khong đảm bảo chống lại được Ngu ngốc, mà những người thông minh có thể thực ra lại dễ roqi vào Ngu ngốc vì họ tin là mình miễn nhiễm với nó. Bảng 1.3 nêu danh sách 8 loại Ngu ngốc mặc dù chắc chắn còn có những loại khác.

Đầu tiên, người ta lạc quan một cách phi thực tế khi tin rằng: vì một ý tưởng là của mình, nên nó phải hay. Hai là, người ta ngã quy (lấy mình làm trung tâm) khi lầm tin rằng sau hết thì mọi thứ đều là xoay quanh mình. Ba là, người ta là những kẻ giả toàn tri khi lầm tin rằng mình biết tuốt, hay ít ra là biết mọi thứ cần thiết để giải một vấn đề phức tạp. Bốn là, người ta là những kẻ giả toàn năng khi tin rằng mình có sức mạnh toàn diện. Năm là, người ta là những kẻ giả bất khả thương tổn khi tìn rằng mình có làm gì (sai) thì cũng thoát khỏi mọi hậu quả. Sáu là, người ta bất chấp đạo lí khi tin rằng các nguyên tắc đạo lí áp dụng cho người khác chứ không cho mình. Bảy là, người ta mắc vào thiên kiến khẳng định bản thân khi tin rằng mình nhìn mọi sự rõ ràng còn người khác thì không, vì vậy ưu ái lợi ích riêng của bản thân. Cuối cùng, người ta mắc vào “nguỵ biện chi phí ngầm” (sunk cost fallacy) khi không thể buông bỏ một chiến lược thất bại khi giải quyết một vấn đề – một cách ẩn dụ, họ “ném tiền tốt sau tiền xấu”.

1.5.4. Sự Độc địa

Chướng ngại cuối cùng cho sự Hiền minh là sự Độc địa, nó xảy ra khi người ta, thường là các nhà lãnh đạo, ít có hoặc không có biên giới đạo lí và kết quả là họ hành động theo những lối thủ lợi cho bản thân mà không xem hành động của mình có hại cho người khác hay không. Một số chính khách trên khắp thế giới đã luôn luôn độc địa, tuyên bố là mình quan tâm đến người khác trong khi chỉ quan tâm đến bản thân. Đáng tiếc là luôn luôn có những người đi theo những nhà lãnh đạo như thế, do tin tưởng, sợ hãi, câu kết, hay ham muốn đứng ngoài vòng nguy hiểm.

 

1.6. Kết luận

Có lẽ không thuộc tính nào quan trọng cho phúc lạc, thậm chí cho sự sống sót, của con người, hơn là sự Hiền minh. Tuy nhiên, sự Hiền minh đã không nhận được sự chú ý mà nó xứng đáng, bất kể ở nhà, ở trường hay trong xã hội. Chúng ta không thiếu nhà lãnh đạo thông minh và thậm chí sáng tạo. Điều chúng ta thiếu là những nhà lãnh đạo hiền minh. Hy vọng rằng những người học hỏi sự Hiền minh sẽ trở thành các nhà lãnh đạo hiền minh của thế hệ mới, và sẽ tìm cách giải quyết những vấn đề mà người tiền nhiệm đã thường không tiếp cận một cách hiền minh mà lẽ ra họ có thể.

———

[i] Ghi chú của ND: thuật ngữ “wisdom” (tiếng Pháp là “sagesse”) thường được dịch thành nhiều chữ: khôn ngoan, sáng suốt, minh triết, trí huệ… Nội hàm của “wisdom” trong luận văn này gần với chữ “hiền minh” hàm ý sự sáng suốt của người hiền (người có tâm, có đức; “hiền” trong “hiền thần”, “hiền tài”, “hiền nhân”).

Robert J. Sternberg & Judith Gluck