Năm 1904, Alfred Binet đối mặt với vấn đề sau đây từ ông bộ trưởng giáo dục Pháp. Những học sinh cần có sự dạy dỗ đặc biệt và giúp đỡ thêm có thể được nhận dạng sớm để đưa vào những lớp riêng? Thời đó, nhiều HS mà giờ đây ta gọi là chậm phát triển tâm trí, thường mất nhiều năm học ở các lớp thông thường và ngày càng rớt lại phía sau. Nhiệm vụ của Binet là nghĩ ra cách nào đó để nhận dạng các em này. Binet rất quan tâm đến quyền của trẻ em. Ông tin rằng có được một phương pháp khách quan để đo đạc năng lực học sẽ có thể bảo vệ các HS, đặc biệt những em con nhà nghèo, có thể buộc phải bỏ học vì là nạn nhân của sự kỳ thị và bị coi là học sinh chậm tiến.

Binet và cộng sự Théophile Simon muốn đo đạc các kỹ năng trí khôn mà HS cần để học tốt. Họ tìm những cách đo nghiệm có thể phân biệt những HS giỏi và những HS kém thuộc cùng lứa tuổi. Họ đo nghiệm HS trong các trường học thông thường và HS cùng lứa tuổi trong những cơ sở giành cho HS chậm tiến và so sánh các kết quả. Sau khi thử nhiều kiểu đo nghiệm khác nhau, Binet và Simon cuối cùng chọn ra 58 tiết mục, mỗi nhóm tuổi từ 3 đến 13 có một số tiết mục.

Binet và Simon nghĩ ra một hệ thống tinh khéo để xếp các đo nghiệm thành từng cụm cho từng nhóm tuổi. Hệ thống này dựa trên ý tưởng là các năng lực tâm trí của trẻ sẽ tăng lên theo độ tuổi. Nếu một tiết mục được hoàn tất thành công từ 60 đến 90% bởi tất cả trẻ lên 6 được đo nghiệm, thì tiết mục này được đặt vào trình độ 6 tuổi. Một đứa trẻ thành công trong tất cả các tiết mục của 6 tuổi sẽ được coi là có tuổi tâm trí là 6, bất kể em bao nhiêu tuổi. Một đứa trẻ thành công trong một số tiết mục của tuổi lên 5, một số tiết mục của tuổi lên 6 và một số tiết mục của tuổi lên 7 cũng sẽ được coi là có tuổi tâm trí tổng thể là 6.

Khái niệm IQ (intelligence quotient: chỉ số trí khôn/ chỉ số thông minh) được thêm vào sau khi phương pháp đo nghiệm này được đưa vào Hoa Kỳ và cải biến bởi Đại học Stanford, cho ta phương pháp đo nghiệm mang tên Binet-Stanford. Một điểm IQ được tạo bởi việc so sánh điểm của tuổi tâm trí với tuổi thực của một người. Công thức là:

Chỉ số trí khôn = tuổi tâm trí: tuổi thực x 100.

Phương pháp Binet-Stanford đã được cải biên bốn lần, gần đây nhất là năm 1986. Cách tính tuổi tâm trí đã tỏ ra có vấn đề. Khi đứa trẻ lớn lên, những biến đổi của tuổi tâm trí càng nhiều lên. Vì thế, điểm số IQ không có nghĩa như nhau đối với các lứa tuổi. Để thích ứng với vấn đề, khái niệm IQ lệch (deviation IQ) được đưa ra. Điểm số “IQ lệch” là con số nói lên chính xác một người đạt được điểm đo nghiệm cao hơn hay thấp hơn bao nhiêu so với những người khác trong cùng nhóm. Các tỷ số tăng trưởng ở các tuổi khác nhau, các thay đổi về những biến đổi trong tuổi tâm trí, và những khác biệt cá nhân trong phát triển đã được tính đến bằng cách cho điểm số dựa trên sự chênh lệch chuẩn cho mỗi nhóm tuổi.

 

SỐ ĐO WECHSLER (WECHSLER SCALES)

Một loạt đo nghiệm trí khôn khác đã được David Wechsler phát triển. Giống như Stanford-Binet, Số đo Wechsler phải được một nhà chuyên môn có huấn luyện thực hiện cho từng cá nhân. Mỗi cuộc đo mất 1-2 giờ. Wechsler nghĩ ra 3 Số đo: WAIS-R (Wechsler Adult Intelligence Scale: Số đo trí khôn người lớn; R: bản chỉnh sửa), WISC-R (Số đo cho trẻ em-bản chỉnh sửa) và WPPSI (Số đo cho tuổi tiền học đường và cấp tiểu học).

Các đo nghiệm được chế ra để đo cả trí khôn về ngôn ngữ lẫn trí khôn về hiệu năng (hay thị giác-khái niệm). Các đo nghiệm ngôn ngữ yêu cầu định nghĩa các từ, trả lời các câu hỏi về thực tế, giải các bài toán mà không cần giấy bút, và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác đòi hỏi sự hiểu và sử dụng ngôn từ. Các đo nghiệm về hiệu năng bao gồm việc nhận ra những phần thiếu trong các bức tranh, ghép hình, chép nhanh các biểu tượng, sắp xếp các tấm hình để kể một câu chuyện, và hoàn tất những nhiệm vụ khác không đòi hỏi đáp án bằng lời. Nhưng việc chia ra hai loại hình ngôn ngữ và hiệu năng như trên không hoàn hảo. Các kỹ năng ngôn ngữ vẫn luôn cần để hiểu những chỉ dẫn cho các đo nghiệm về hiệu năng và hoàn tất chúng.

Các điểm số cao về cả hai Số đo cũng có phần phụ thuộc vào năng lực làm việc nhanh chóng. Nhiều đo nghiệm trong cả hai loại hình số đo được định giờ. HS sẽ có điểm thấp nếu không chịu được áp lực do yếu về mặt phối hợp vận động. Và có những HS, nhất là thuộc nhóm thiểu số không nói tiếng Anh bản ngữ, sẽ gặp khó với các đo nghiệm này.

 

ĐIỂM IQ CÓ NGHĨA GÌ?

Giống như các kỳ thi vào trường, đo nghiệm trí khôn có một điểm trung bình chuẩn. Điểm IQ chuẩn là 100. Năm mươi phần trăm số người trong đại chúng có điểm IQ là 100 hay thấp hơn, và 50% có điểm cao hơn. Khoảng 68% có IQ giữa 85 và 115. Chỉ có 16% dưới 85 và 16% trên 115. Điểm IQ tiên đoán thành tích học ở trường, ít ra là cho những nhóm đông đảo. Sự tương liên giữa hiệu năng về WISC-R và các đo nghiệm về thành tích học ở trường là khoảng .65. Nhưng những người có IQ cao liệu có thành công hơn trong đời sống? Câu trả lời không rõ. Trong một số nghề, thành công dường như không liên quan đến IQ. Những nhân tố khác như động cơ, kỹ năng xã hội, và may mắn… có thể tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên, điểm IQ trung bình của các nhóm nghề nghiệp rất khác nhau. Điểm IQ trung bình cao nhất được thấy ở các công chức cao cấp, GS và nhà khoa học; thấp nhất ở những nghề lao động không chuyên môn.

 

CẢI THIỆN TRÍ KHÔN

Craig Ramey và Ron Haskins (1981) đã xem xét khả năng cải thiện điểm IQ cho trẻ em con nhà rất nghèo mà mẹ chúng có điểm IQ trung bình khoảng 82. Dự án bắt đầu khi trẻ được 4 tháng hay ít hơn. Tất cả trẻ được nhận thêm thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ xã hội. Một nửa, chọn ngẫu nhiên, cũng được dự một chương trình giáo dục hằng ngày được thiết kế đặc biệt. Ở các tuổi 2,3,4 và 5, điểm IQ trung bình của trẻ dự chương trình này cao hơn hẳn các trẻ không dự.

Những nghiên cứu khác đã cho thấy có sự gia tăng từ 30 đến 40 điểm IQ cho trẻ mồ côi và thiếu thốn. Nhưng những khác biệt dường như mờ đi nếu tất cả trẻ được đi học. Vào thời gian học trung học, các trẻ thuộc 2 nhóm được hoặc không được giáo dục đặc biệt lúc nhỏ không có khác biệt về điểm IQ. Tuy nhiên, trẻ nhóm 1 có những thành tựu dài hạn hơn như: học lên cao hơn, ít cần đến các dịch vụ hỗ trợ học tập hơn.

ANITA E. WOOLFOLK

Bản dịch của Hoàng Hưng

SONG ĐỀ BINET