NGƯỜI TA “QUÊN” NHƯ THẾ NÀO?

Quên và Trí nhớ ngắn hạn

Việc mất đi thông tin từ trí nhớ ngắn hạn được cho là do 2 cách. Sự giao thoa luôn xảy ra. Nhớ những cái mới luôn giao thoa với nhớ những cái cũ. Ở một thời điểm, sức chứa hạn chế của trí nhớ ngắn hạn bị đầy, và thông tin cũ sẽ mất.

Thông tin cũng mất từ trí nhớ ngắn hạn do hư hại bởi thời gian. Thông tin giữ ở trí nhớ ngắn hạn càng lâu thì càng yếu và đến lúc đơn gỉan là biến mất. Việc quên rất có ích. Không có quên thì ta sẽ nhanh chóng chất thông tin quá tải vào trí nhớ ngắn hạn và việc học sẽ chấm dứt.

 

Quên và Trí nhớ dài hạn

Thông tin từ Trí nhớ ngắn hạn mất đi thật sự. Không thể cố gắng để đưa nó trở lại. Nhưng dường như thông tin chứa trong Trí nhớ dài hạn thì không bao giờ mất và luôn có thể truy hồi trong những điều kiện thích đáng. Freud gợi ý rằng đôi khi ta chủ ý quên hay đè nén một số thông tin hay trải nghiệm mà ta thực sự không muốn nhớ. Nhưng ý này không giải thích được vì sao một số trải nghiệm đau đớn lại được nhớ đến rất sống động trong khi những trải nghiệm khác, vui thú hay trung tính, lại bị quên? Vậy có gì khác tạo nên các vấn đề của Trí nhớ dài hạn?

Ý tưởng cho rằng sự giao thoa tạo nên việc quên ở trí nhớ dài hạn cũng như ngắn hạn dường như được bênh vực bởi chứng cứ trong nghiên cứu. Những ký ức mới có thể giao thoa với hoặc làm mờ những ký ức cũ bằng cách lẫn lộn với chúng. Khi những liên kết ngôn từ mới làm ta khó nhớ thông tin cũ, giao thoa được gọi là giao thoa tác động lui (retroactive interference). Nếu các liên kết của ký ức cũ làm ta khó nhớ thông tin mới, thì gọi là giao thoa tác động tới (proactive interference).

Cách giải thích việc quên do giao thoa không mâu thuẫn vớí ý niệm về việc không có gì thật sự bị quên nếu nó chứa trong trí nhớ dài hạn. Sự giao thoa không nhất thiết tự nó xảy ra trong trí nhớ dài hạn; nó chỉ có thể xảy ra khi thông tin được truy hồi và đưa về lại trí nhớ ngắn hạn. Vậy vấn đề nằm ở tiến trình truy hồi. Điều này rất quan trọng đối với các GV. Làm thế nào người ta truy hồi thông tin cần thiết khi ta cần?

 

Người ta nhớ lại như thế nào?

Việc truy hồi thành công thực ra là tiến trình giải quyết vấn đề sử dụng logic, các lời nhắc-gợi ý, và hiểu biết khác để tái dựng thông tin và lấp vào những phần bị mất. Đôi khi những cái nhớ lại (tái dựng) là không đúng. Năm 1932, Bartlett có một loạt nghiên cứu lừng danh. Ông đọc một câu chuyện phức hợp, không quen thuộc, về một bộ lạc người Da Đỏ Bắc Mỹ cho các sinh viên trường Đại học Cambridge của Anh. Rồi ông yêu cầu sinh viên nhớ lại câu chuyện sau những khoảng thời gian khác nhau. Những câu chuyện mà sinh viên nhớ lại nhìn chung là ngắn hơn câu chuyện gốc và được chuyển qua các khái niệm và ngôn ngữ của sinh viên Cambridge. Câu chuyện kể về cuộc đi săn hải cẩu, nhưng nhiều sinh viên nhớ thành cuộc “đi câu cá”, một hoạt động gần gũi với trải nghiệm của họ. Thay vì nhớ những từ ngữ chính xác trong chuyện, sinh viên lại nhớ nghĩa của chúng, nhưng nghĩa mà họ nhớ nhìn chung là có sự thay đổi để khớp với những trông đợi và khuôn mẫu về văn hoá của mình – nói cách khác, là khớp với các sơ đồ của mình.

Một ví dụ nữa về sự tái dựng xảy ra khi ta truy hồi thông tin chỉ đúng một phần. Bạn có thể đã có một trải nghiệm như sau: bạn đi tìm một cuốn sách và nói: “Mình biết nó bìa màu xanh, chữ trắng”. Khi cuối cùng bạn tìm thấy sách, thì hoá ra sách có chữ trắng nhưng nền bìa màu cam. Có thể bạn đã không để ý đến màu bìa sách; có thể màu của vật thể đã bị mã hoá sai lầm ngay từ đầu; có thể bạn lẫn lộn nó với một cuốn sách khác mà bạn đọc trong cùng thời gian (bạn quên do sự giao thoa), hay có thể bạn mã hoá đúng màu, nhưng nó không bao giờ đi vào trí nhớ dài hạn của bạn (nó không được xử lý đủ sâu). Tuy nhiên, bạn đã truy hồi một phần của thông tin. Những phần mà bạn không thể truy hồi, thì bạn tái dựng.

Không phải tất cả ký ức tái dựng đều bị bóp méo. Thực tế, các chiến lược tái dựng thường dẫn đến những thành công đáng kể. Hãy xem xét câu hỏi này: “Bạn đã làm gì vào chiều Thứ Hai tuần lễ thứ ba tháng 9 của hai năm trước?” (Lindsay & Norman, 1977). Một người đã giải bài toán truy hồi dường như bất khả thi này theo cách như sau:

Nào. Mình biết được gì nhỉ?… OK. Hãy xem nhé: Hai năm trước… Mình học Trung học ở Pittsburgh… Đó là năm cuối cùng của cấp học… Tuần lễ thứ ba tháng 9 – đúng sau kỳ nghỉ hè – đó phải là học kỳ mùa thu… Xem nào. Mình nghĩ mình có giờ thí nghiệm Hoá vào các ngày thứ hai… Không biết nữa. Có thể mình ở trong phòng thí nghiệm… Chờ một phút – chắc là tuần lễ thứ hai của năm học. Mình nhớ thầy giáo bắt đầu với một bảng nguyên tử – một biểu chương lớn, phức tạp. Mình nghĩ là ông thầy điên khùng khi cố gắng làm cho chúng mình nhớ cái đó. Đấy, mình nghĩ là mình có thể nhớ rằng mình đang ngồi…

Đôi khi ta toan tính truy hồi thông tin từ trí nhớ dài hạn của mình và cảm thấy như thể ta “sắp nhớ” nhưng không thể nắm bắt được hoàn toàn cái mình tìm kiếm. Ta có thể đi tìm một người quen mà tên người ấy dường như ở “đầu lưỡi” – ta có thể thậm chí nhớ âm thanh của cái tên hay chữ cái đầu… Nhưng ta không thể tìm ra. Sự cận-truy hồi này được gọi là hiện tượng đầu lưỡi (tip-of-the tongue phenomenon) (Brown & McNeill, 1966).

Mặc dù hệ thống trí nhớ dài hạn của chúng ta về lý thuyết là vô hạn về sức chứa và độ trường tồn, ta có thể thấy rõ là việc nhớ lại thành công không phải chuyện dễ. Đâu là những ảnh hưởng đầu tiên đối với việc nhớ lại? Cung cách ta học thông tin từ lúc đầu – cung cách ta xử lý nó từ đầu – dường như tác động đến việc nhớ lại nó sau này. Những yếu tố quan trọng của tiến trình xử lý ấy là gì?

 

Bổ sung, xây đắp, chi tiết hoá (elaboration)

Elaboration là bổ sung nghĩa vào thông tin mới thông qua sự kết nối với kiến thức đã có. Nói cách khác, chúng ta áp dụng sơ đồ của mình và dựa vào kiến thức đã có để cắt nghĩa thông tin mới. Chúng ta thường làm việc này (elaborate) một cách tự động.

Vật liệu được elaborated ngay khi mới học sẽ dễ nhớ lại về sau. Một bit thông tin hay kiến thức càng được liên kết với những bit khác, ta càng có thêm nhiều con đường để truy hồi bit gốc. Nói cách khác, ta sẽ có nhiều công cụ hay gợi ý truy hồi (retrieval cue) để nhận ra hay “lượm lên” thông tin mà ta đi tìm. Các nhà TLH đã tìm ra rằng các việc bổ sung, xây đắp, chi tiết hoá càng chính xác và dễ cảm nhận, thì việc nhớ lại càng dễ.

 

Tổ chức

Một yếu tố thứ hai của tiến trình xử lý có tác dụng cải thiện việc truy hồi, nhất là với những lượng thông tin lớn, là tổ chức. Vật liệu được tổ chức tốt thì dễ học và dễ nhớ lại hơn các bit và mẩu thông tin. Đặt một khái niệm vào một cấu trúc có thứ bậc sẽ giúp ta học và nhớ cả những định nghĩa tổng quát lẫn các ví dụ cụ thể. Cấu trúc được dùng như bảng hướng dẫn đi trở lại thông tin khi ta cần.

 

Hoàn cảnh

Yếu tố thứ ba của tiến trình xử lý có ảnh hưởng đến sự truy hồi là hoàn cảnh. Các khía cạnh vật chất và cảm xúc của hoàn cảnh – địa điểm, phòng học, cảm nhận của chúng ta trong ngày hôm ấy, ai có mặt với ta – được “học” cùng với thông tin. Về sau, nếu ta tìm cách nhớ lại thông tin, sẽ dễ hơn nếu như hoàn cảnh hiện tại tương tự hoàn cảnh ban đầu. Điều này đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm. Những HS đã học bài trong một kiểu phòng học sẽ làm bài kiểm tra tốt hơn nếu được đưa vào một phòng học tương tự. Một gợi ý: nếu ta chụp hình căn phòng, bạn bè, thời điểm trong ngày… sau này ta dễ tìm lại thông tin mong muốn.  

ANITA E.WOOLFOLK

Bản dịch của Hoàng Hưng