Piaget làm việc ở Viện Binet vào những năm 1920. Công việc của ông là chuyển sang tiếng Pháp những những câu hỏi đo nghiệm về trí khôn ngôn ngữ tiếng Anh. Ông đâm ra thắc mắc về các lý do trẻ đưa ra những câu trả lời sai cho những câu hỏi đòi hỏi tư duy logic. Ông tin rằng những câu trả lời sai ấy bộc lộ sự khác biệt giữa tư duy người lớn và tư duy trẻ em.
Piaget là nhà tâm lý học (TLH) đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống về sự phát triển trí khôn trẻ em, những nghiên cứu quan sát chi tiết về nhận thức ở trẻ em, và một loạt đo nghiệm đơn giản nhưng tài khéo để bộc lộ các năng lực nhận thức khác nhau.
Điều Piaget muốn làm không phải là đo đạc xem trẻ em biết đếm, ghép vần hay giải các bài toán ra sao, như cách để đạt điểm I.Q [chỉ số thông minh]. Điều ông quan tâm hơn là cái cách hình thành những khái niệm cơ bản như ý tưởng về số, thời gian, lượng, quan hệ nhân quả, công lý…
Trước Piaget, trong TLH có giả định phổ biến là trẻ em chỉ là những người suy nghĩ kém cỏi hơn người lớn. Piaget cho thấy rằng trẻ em suy nghĩ theo những cách hết sức khác với người lớn.
Theo Piaget, trẻ em sinh ra với một cấu trúc tâm trí rất căn bản (được di truyền rồi tiến hoá), đó là cơ sở cho mọi việc học và hình thành kiến thức về sau.
Lý thuyết Piaget khác những lý thuyết khác về nhiều mặt:
- Quan tâm đến trẻ em hơn là tất cả người học
- Tập chú vào sự phát triển hơn là việc học tự nó, nên không nói về việc học thông tin hay học những hành vi cụ thể
- Đề xướng những giai đoạn phát triển rõ rệt, khác nhau về chất, hơn là sự tiến triển dần dà về con số và sự phức hợp của các hành vi, khái niệm, ý tưởng, v.v. Mục tiêu của lý thuyết là giải thích các cơ chế và quá trình đứa ấu nhi, rồi thiếu nhi, phát triển thành một cá nhân có thể lý luận và suy nghĩ với những giả thiết.
Theo Piaget, sự phát triển nhận thức là một việc tổ chức lại các quá trình tiến bộ của tâm trí như kết quả của sự chín muồi về sinh học và kinh nghiệm từ môi trường sống. Trẻ xây dựng một sự hiểu biết về thế giới xung quanh, rồi trải nghiệm những khác biệt giữa những gì chúng đã biết với những gì chúng khám phá trong môi trường của mình.
Ba thành tố căn bản của lý thuyết nhận thức Piaget:
- Cấu trúc sơ khai (Schema): Xây dựng các khối kiến thức
- Thích nghi (Adaptation): các tiến trình tạo ra năng lực chuyển từ giai đoạn này qua giai đoạn kia (đồng hoá, điều tiết, cân bằng)
- Các giai đoạn phát triển:
- cảm giác vận động/ giác cảm vận động (sensorimotor)
- tiền thao tác (preoperational)
- thao tác cụ thể (concrete operational)
- thao tác hình thức (formal operational)
Cấu trúc sơ khai (CTSK)
Hãy hình dung sẽ ra sao nếu ta không có một hình mẫu thế giới của mình. Sẽ có nghĩa là ta không thể sử dụng thông tin từ trải nghiệm quá khứ hay hoạch định các hành động trong tương lai.
CTSK là những khối xây dựng căn bản của các mẫu hình nhận thức như thế, chúng cho ta năng lực tạo thành một biểu trưng tâm trí của thế giới. Piaget định nghĩa CTSK là: “một chuỗi hành động lặp lại tương liên chặt chẽ và được cai quản bởi một nghĩa nòng cốt”.
Nói giản dị hơn, Piaget gọi CTSK là khối xây dựng căn bản của hành vi trí khôn – một cách tổ chức kiến thức. Thật vậy, ta thường nghĩ CTSK như “các đơn vị” kiến thức, mỗi đơn vị
liên quan đến một khía cạnh của thế giới, bao gồm đồ vật, hành động, và khái niệm trừu tượng (như mang tính lý thuyết).
Wadsworth (2004) gợi ý rằng các CTSK là những “thẻ chỉ dẫn” chứa trong óc, mỗi thẻ nói cho một cá nhân biết cách phản ứng với kích thích hay thông tin đang đến. Khi Piaget nói về sự phát triển của một tiến trình tâm trí của một người, là ông nói những sự tăng tiến về số lượng và tính phức hợp của những CTSK mà người đó đã thu nạp được.
Khi các CTSK đang hiện hữu của một đứa trẻ có đủ năng lực giải thích những gì mà trẻ có thể tri giác [hay giác tri: nhận biết bằng giác cảm – ND], thì ta nói là trẻ ở trạng thái cân bằng về nhận thức (tâm trí). Piaget nhấn mạnh tầm quan trọng của các CTSK trong sự phát triển nhận thức và mô tả việc chúng được phát triển hay thu nạp được như thế nào. Một CTSK có thể được định nghĩa như một bộ các biểu trưng tâm trí về thế giới được kết nối với nhau, mà ta sử dụng để hiểu và cũng để đáp ứng với các tình huống. Ông cho rằng chúng ta lưu giữ những biểu trưng tâm trí ấy và sử dụng chúng khi cần.
Chẳng hạn, một người có thể có một CTSK về việc mua một bữa ăn trong một nhà hàng. CTSK là một hình thức được lưu giữ bao gồm việc nhìn thực đơn, gọi đồ ăn, ăn và trả hoá đơn. Đó là một ví dụ về một kiểu CTSK gọi là một “kịch bản” (script, scenario). Bất cứ khi nào ta vào một nhà hàng, ta sẽ rút từ ký ức ra CTSK này và áp dụng.
Những CTSK mà Piaget mô tả có chiều hướng đơn giản hơn thế – đặc biệt là những CTSK mà các ấu nhi sử dụng. Ông mô tả khi một đứa trẻ lớn hơn thì CTSK của bé trở nên có số lượng nhiều hơn và tinh khéo hơn như thế nào.
Piaget tin rằng các bé mới đẻ đã có một ít CTSK bẩm sinh – ngay cả trước khi chúng có nhiều cơ hội trải nghiệm thế giới. Những CTSK tiền sinh này là những cấu trúc nhận thức cơ sở của các phản xạ bẩm sinh. Những phản xạ này được chương trình hoá qua di truyền. Chẳng hạn, bé có phản xạ mút, được kích phát bởi sự va chạm của môi. Một em bé sẽ mút một núm vú, một núm vú giả hay ngón tay người. Do vậy, Piaget cho rằng bé có một “CSTK mút”. Tương tự, phản xạ cầm nắm xảy ra khi có vật nào đó chạm vào lòng bàn tay bé, hay phản xạ quay, một đứa bé sẽ quay đầu về một vật gì đó chạm vào má. Lắc một quả lắc sẽ là sự kết hợp của hai CTSK, cầm nắm và lắc.
Đồng hoá và Điều tiết (Assimilation & Accomdation)
Piaget nhìn sự tăng trưởng về trí tuệ là một tiến trình ‘thích nghi’ (hiệu chỉnh) với thế giới. Tiến trình này thông qua:
- Đồng hoá: sử dụng một CTSK hiện có để xử lý với một đối tượng hay tình huống mới.
- Điều tiết: xảy ra khi CTSK hiện có (kiến thức) không được việc, và cần được thay đổi để xử lý với một đối tượng hay tình huống mới.
- Cân bằng (Equilibration): là lực đẩy sự phát triển đi tới. Piaget tin rằng sự phát triển nhận thức không tiến theo một nhịp đều đặn, mà với những bước nhảy. Sự cân bằng xảy ra khi các CTSK của đứa trẻ có thể xử lý phần lớn thông tin mới thông qua sự đồng hoá. Tuy nhiên, một trạng thái không thoải mái do không cân bằng sẽ xảy ra khi thông tin mới không khớp với những CTSK hiện có (đồng hoá). Cân bằng là lực đẩy tiến trình học hỏi, khi ta không muốn bị thất vọng và sẽ đi tìm cách phục hồi sự cân bằng bằng việc làm chủ được thách thức mới (điều tiết). Một khi thông tin mới được thu nạp, thì việc đồng hoá với CTSK mới sẽ tiếp tục cho đến khi ta cần hiệu chỉnh nó vào lần kế tiếp.
Sơ đồ tiếng Anh bên dưới:
- Đồng hoá
- Cân bằng
- Tình huống mới
- Mất cân bằng
- Điều tiết
(quay trở lại Đồng hoá)
Ví dụ về Đồng hoá
Một đứa bé 2 tuổi nhìn thấy một người đàn ông hói ở đỉnh đầu và có tóc quăn ở hai bên. Cha của bé hoảng lên khi bé kêu to “Chú hề, chú hề” (Siegler và các tác giả khác, 2003)
Ví dụ về Điều tiết
Trong sự cố “anh hề”, cha của đứa bé giải thích cho bé rằng người đàn ông không phải là chú hề, và ngay cả khi tóc của ông ta trông giống tóc một chú hề, thì ông ta không ăn mặc như chú và không làm những việc ngớ ngẩn để gây cười cho mọi người.
Với kiến thức mới này, đứa bé có thể thay đổi CTSK của “chú hề” và có được ý tưởng phù hợp hơn với khái niệm tiêu chuẩn về “chú hề”.
Bốn giai đoạn phát triển nhận thức
Piaget đề xuất bốn giai đoạn phát triển nhận thức phản ánh sự tinh khéo ngày càng tăng của tư duy trẻ em:
- Giai đoạn cảm giác [giác cảm]-vận động (từ khi sinh ra đến 2 tuổi)
- Tiền-thao tác (2 đến 7 tuổi)
- Thao tác cụ thể ((7 đến 11 tuổi)
- Thao tác hình thức (trên dưới 11 tuổi đến thời thiếu niên và thành niên)
Mỗi đứa trẻ đều đi qua bốn giai đoạn theo cùng trật tự, và sư phát triển của trẻ được xác định bởi sự chin muồi về mặt sinh học và sự tương tác với môi trường. Mặc dù không giai đoạn nào có thể bỏ qua, nhưng có sự khác biệt giữa các cá nhân về tốc độ tiến bộ qua các giai đoạn, và một số trẻ có thể không bao giờ đạt được các giai đoạn sau.
Piaget không tuyên bố là một giai đoạn cụ thể được đạt tới ở tuổi nào chắc chắn – mặc dù việc mô tả các giai đoạn thường bao hàm lứa tuổi mà một đứa trẻ trung bình đạt được ở từng giai đoạn.
- Thành tựu chủ yếu trong giai đoạn 1 là “Sự thường trực của vật thể” – biết rằng một vật thể vẫn tồn tại ngay cả khi nó bị che giấu. Điều này đòi hỏi năng lực hình thành biểu trưng tâm trí (TD như một sơ đồ) của vật thể.
- Trong giai đoạn 2, đứa trẻ có thể nghĩ về các sự vật một cách trừu tượng. Đó là năng lực làm cho một sự vật – một từ hay một vật thể – đại diện cho cái gì khác hơn là chính nó. Tư duy vẫn còn mang tính “quy ngã” (egocentric: lấy cái tôi làm trung tâm), và đứa trẻ khó nắm được cách nhìn của những người khác.
- Giai đoạn 3: Piaget coi “giai đoạn cụ thể” này là bước ngoặt trọng yếu trong sự phát triển nhận thức của trẻ, vì nó đánh dấu sự khởi đầu tư duy logic hay tư duy thao tác.
Có nghĩa là đứa trẻ có thể làm việc với sự vật trong óc mình thay vì đối xử với chúng ở thế giới thực bên ngoài. Trẻ có thể lưu giữ con số (ở tuổi lên 6), khối lượng (ở tuổi lên 7) và trọng lượng (ở tuổi lên 9). Đó là việc hiểu rằng cái gì đó vẫn giữ nguyên về lượng ngay cả khi bề ngoài của nó thay đổi.
- Giai đoạn 4, thao tác hình thức, bắt đầu khoảng tuổi 11 và kéo dài đến tuổi thành niên. Trong thời gian này, người ta phát triển năng lực suy nghĩ về những khái niệm trừu tượng, và đo nghiệm các giả thiết một cách logic.
Liên hệ đến giáo dục
Piaget không liên hệ rõ ràng lý thuyết của mình đến giáo dục, mặc dù các nhà nghiên cứu về sau giải thích những khía cạnh chính của lý thuyết Piaget có thể được áp dụng vào việc dạy và học như thế nào.
Piaget đã có ảnh hưởng cực kỳ lớn đến chính sách phát triển giáo dục và thực hành giảng dạy. Chẳng hạn, năm 1966 chính phủ Anh đã xem xét lại GD tiểu học dựa hẳn vào lý thuyết Piaget. Kết quả đã dẫn tới việc công bố bản báo cáo Plowden năm 1967.
Học khám phá – ý tưởng rằng cách học tốt nhất của trẻ em là “học bằng cách làm” (learning by doing) và chủ động thăm dò – được coi là trung tâm của chương trình tiểu học.
“Những đề tài trở lại trong báo cáo là việc học cá nhân, sự uyển chuyển của chương trình, tính trung tâm của trò chơi trong việc học, việc sử dụng môi trường, học bằng cách khám phá và tầm quan trọng của việc đánh giá sự tiến bộ của trẻ – thầy giáo không nên cho rằng chỉ cái gì đo đạc được mới có giá trị”.
Vì lý thuyết Piaget dựa trên sự chin muồi và các giai đoạn sinh học, nên ý niệm về “sự sẵn sàng” là quan trọng. Nó liên quan đến việc lúc nào thì thông tin hay khái niệm nào nên được dạy. Theo lý thuyết Piaget, không nên dạy trẻ một số khái niệm cho đến khi chúng đạt tới đúng giai đoạn phát triển nhận thức. [Ý tưởng này bị nhiều nhà TLH sau này bác bỏ – ND].
Theo Piaget, đồng hoá và điều tiết đòi hỏi người học chủ động chứ không thụ động, vì những kỹ năng giải quyết vấn đề không thể được dạy mà phải được khám phá ra.
Việc học ở lớp nên lấy học sinh làm trung tâm và thực hiện thông qua việc học chủ động khám phá. Vai trò của người thầy là tạo điều kiện cho việc học hơn là trực tiếp giảng bài. Vì thế, thầy giáo nên khuyến khích những điều sau:
- Tập chú vào tiến trình học hơn là kết quả học
- Sử dụng những phương pháp tích cực chủ động đòi hỏi học sinh khám phá lại hay kiến tạo lại “những chân lý”.
- Sử dụng các hoạt động hợp tác cũng như cá nhân, để trẻ có thể học lẫn nhau.
- Đánh giá trình độ phát triển của trẻ để đặt ra các nhiệm vụ thích hợp.
Saul McLeod
Hoàng Hưng dịch.
Nguồn bản gốc tiếng Anh: https://www.simplypsychology.org/piaget.html