Nhà giáo Phạm Toàn, trưởng nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm, trả lời phỏng vấn về những việc nhóm đã làm được trong năm năm qua và những kế hoạch trước mắt, bao gồm việc biên soạn bộ sách Trung học.

Tranh vẽ của một học sinh Cánh Buồm sau khi học tác phẩm “Thu Điếu”

Tôi gặp nhà giáo Phạm Toàn vào buổi trưa một ngày cuối năm. Bấy giờ tôi nghĩ, giờ này hẳn ông đang ngồi nhâm nhi tách trà nóng, ngắm hoa đào hay thưởng thức một vài câu đối Xuân. Điều đó rất phù hợp với không khí sát Tết, và với tâm hồn của một nhà văn như ông.

Nhưng hóa ra tôi nhầm. Khi tôi đến, Phạm Toàn đang cầm trên tay một xấp tài liệu. Biết tôi muốn tìm hiểu về công việc của Cánh Buồm, ông không ngần ngại trả lời tôi cả những câu hỏi mà báo chí đã hỏi đi hỏi lại ông từ rất lâu. Thực bụng, tôi muốn được tự mình hỏi ông những câu hỏi cũ rích ấy, để được tận tai nghe ông nói về những điều mà bấy lâu tôi quan tâm, thậm chí là tò mò về Cánh Buồm: họ đang làm gì, với mục đích gì và vì sao lại làm không công như thế?Tại sao bắt đầu với môn Văn và môn Tiếng Việt? Vì sao chọn làm từ cấp Tiểu học…?

Tôi bị cuốn theo những câu trả lời giản dị, hấp dẫn của một Phạm Toàn làm gì cũng chân thành, khiến cho kịch bản cầm sẵn trên tay “bay” đi đâu hết. Thật may là cuối cùng, tôi cũng trả lời được những câu hỏi của mình, thậm chí là nhiều hơn.

Bến bờ trong lòng mình

PV: Thưa ông, tính đến thời điểm này, nhóm Cánh Buồm đã thành lập được tròn năm năm. Vậy năm năm qua, Cánh Buồm đã đi đến được những bến bờ nào?

Nhà giáo Phạm Toàn (NGPT): Chúng tôi đi đến những bến bờ của tâm hồn mình. Với chúng tôi, xác định được những thứ mà nhóm Cánh Buồm muốn cùng làm với nhau mới là điều quan trọng. Tôi nhớ có một lời khuyên của một nhà triết học như thế này: “Muốn đóng một con tàu thì không chỉ cần có đủ gỗ, sắt, thép, dây, dợ… mà phải có những người thích đi biển”. Rõ ràng một con tàu quý ở những thủy thủ. Bởi lẽ, dù nó lớn đến đâu nếu không có thủy thủ thì nó vẫn chỉ nằm bờ. Trong khi đó, một con tàu nhỏ bé, mong manh vẫn có thể căng buồm xa khơi nếu có người muốn đưa nó đi. Vậy nên, cái “được” lớn nhất của Cánh Buồm chính là đến được chính bến bờ trong lòng mình.

PV: Cái “bến bờ trong lòng mình” của Cánh Buồm có thể gọi tên là gì, thưa ông?

NGPT: Đó là nguyện vọng thay đổi nền giáo dục. Nhóm Cánh Buồm ngày càng nhận thức điều đó rõ hơn. Chúng tôi muốn xây dựng một nền giáo dục hiện đại, cho những con người hiện đại, của một dân tộc hiện đại. Chúng tôi biên soạn sách là làm ra một cái mẫu như thế để ai cũng có thể nhìn vào xem cách đó đúng hay sai.

Theo cách nghĩ của chúng tôi, không phải cứ “trốn” ra nước ngoài mới thành con người hiện đại, mà phải là những người làm cho dân tộc này trở nên hiện đại, làm được như thế mới bõ công làm!

PV: Vậy ông định nghĩa thế nào là giáo dục hiện đại?

NGPT: Câu hỏi này rất hay. Bây giờ người ta đưa công nghệ, máy móc nghe nhìn tân tiến ra và tuyên bố: trường của tôi hiện đại lắm (!). Nhưng liệu những ngôi “trường hiện đại” nghĩ gì khi trẻ em chỉ nghe-nhìn những thiết bị đó một lúc rồi ngủ gật? Rõ ràng, hiện đại không hề nằm ở các thiết bị nghe, nhìn đắt tiền kia.

Hiện đại là ở cách học, chứ không phải ở phương tiện học. Nghĩa là biết cách tự học chứ không chờ người ta nhồi vào đầu mình bằng các máy móc hiện đại, rồi coi các kiến thức học được là hiện đại.
Nhân nói về cách học hiện đại, nhóm Cánh Buồm hiện nay đang biên soạn sách lớp Sáu và lớp Bảy. Trong bộ sách này, học sinh được hoàn toàn tự học. Giáo viên chỉ là người cầm trịch, tổ chức ở lớp. Sách chỉ cung cấp tài liệu cho học sinh tự nghiên cứu, tự thảo luận, tự tổ chức seminar, tự làm kỷ yếu… chẳng cần điểm 10 hoặc nhận xét của giáo viên.

Cải tổ phải bắt đầu từ bậc Tiểu học

PV: Tôi nghe nói, chủ trương nhà trường của ông là không cho điểm, không thi?

NGPT: Chính xác, nếu bạn xem bộ sách Tiểu học của chúng tôi sẽ thấy chúng tôi có phần để trẻ em tự đánh giá. Làm xong một việc hay một bài tập, chúng tôi đưa ra mấy cái chuẩn để trẻ có thể tự đánh giá. Chúng tôi coi đó như một sự đối thoại với học sinh, chứ không phải một cách “nghiệm thu công trình”. Học sinh học hết lớp Bốn theo sách Cánh Buồm có thể viết các bài văn nghị luận chững chạc. Lên đến lớp Năm, các em có thể tự học. Như vậy, đâu cần thầy cô hay người khác đánh giá hộ? Khi trẻ em tự đánh giá được, thì mới học tiếp được các lớp cao hơn.

PV: Thưa ông, liệu trẻ em Tiểu học có tự đánh giá được không?

NGPT: Vai trò của giáo viên là người tổ chức việc tự học, việc tự đánh giá cho học sinh. Nếu không thì các thầy cô ngồi ở trên lớp làm gì? (cười). Nhưng giáo viên không ngồi đó để đánh giá, cho điểm, hay khen chê học sinh như trước nay vẫn làm.

Cũng chính vì tâm lý e ngại học sinh còn bé quá nên trước nay người ta hay bắt đầu cải tổ từ phần “ngọn”, tức là từ các cấp học cao hơn, thay vì bắt đầu từ Tiểu học. Từ những năm 1980, đã có chủ trương làm hai bộ sách Văn bậc trung học ở hai miền, nhưng có ý tưởng mà không làm được. Là vì, để làm được bậc trung học, thì phải hiểu học sinh Tiểu học như thế nào, học ra sao, hào hứng, chán ghét… như thế nào. Đấy là chính là lý do Cánh Buồm xác định phải bắt đầu từ bậc Tiểu học. Và việc đầu tiên là hiểu trẻ em. Các hội thảo Cánh Buồm tổ chức cũng đi từ thứ tự này: Đầu tiên là hiểu trẻ em – dạy trẻ em, rồi đến chào lớp Một, tiếp đến là tự học – tự giáo dục… Chúng tôi đưa dần ý tưởng và sản phẩm ra cho xã hội đánh giá và thẩm định.

Chúng tôi muốn gợi ý với xã hội và nhà nước một số vấn đề: Thứ nhất, hết lớp Chín, học sinh có thể tự chủ, tự kiếm sống được. Thứ hai, bậc trung học chỉ nên học hai năm, học các môn chuyên sâu để chuẩn bị cho đại học. Bậc này là bậc tập nghiên cứu, để đại học sẽ phải là tập độc lập nghiên cứu và sau đại học là bậc hoàn toàn độc lập nghiên cứu, thay vì “vác sách đi xin đề tài”.

PV: Nhóm Cánh Buồm có tự đánh giá công việc của mình không và trên cơ sở nào?

NGPT: Chúng tôi hướng cho trẻ em tự đánh giá, thì mình cũng phải tự đánh giá, trên tiêu chí: đã thể hiện được triết lý giáo dục mong muốn (nền giáo dục hiện đại, con người hiện đại, dân tộc hiện đại) hay chưa?
Chúng tôi đúc lại những trải nghiệm của mình ít nhất trong 40 năm. Không phải đến 2009, nhóm Cánh Buồm mới “chợt nhớ ra” cái khẩu hiệu nào đó. Bản thân tôi đã thể hiện khẩu hiệu của mình qua nhiều chục năm, ở nhiều cương vị khác nhau, và phải liên tục soi lại xem mình làm đã đúng chưa. Và các trường thực hiện bộ sách soạn trong hơn 40 năm đã cho chúng tôi câu trả lời.

Như vậy, trẻ em của chúng tôi thì hoàn toàn tự đánh giá, chúng tôi là người lớn, chúng tôi vừa tự đánh giá vừa lắng nghe sự đánh giá của cuộc sống thực.

PV: Xin ông cho biết, sách Cánh Buồm đã đạt những tiêu chí gì để đáp ứng cuộc sống?

NGPT: Ở những nơi đã thực hiện sách của chúng tôi thì trẻ con thích học và giáo viên dạy nhẹ nhàng. Giáo viên hứng thú khi tự soạn bài, trẻ em của chúng tôi không bao giờ học và làm theo những bài văn mẫu, các em có thể làm những bài thơ Haiku, những bài viết đầy tình cảm. Các cô giáo một trường thực hành của chúng tôi vừa gửi tặng “quà Tết” là những bài thơ luật Đường và cả những bức tranh ngẫu hứng sau khi học bài “Thu điếu” nữa. Có cô giáo nói: “Thôi thì vẫn còn gian khổ túng thiếu, nhưng thấy học sinh giỏi thì có thể được coi là một sự tăng lương về tinh thần”.

PV: Sự “hiện đại trong cách học” như nhà giáo nói mới chỉ thể hiện ở môn Văn và môn tiếng Việt, còn với các môn khác thì sao?

NGPT: Nhóm Cánh Buồm bắt đầu làm sách ở bậc Tiểu học. Ở cấp này, các môn khoa học xã hội và nhân văn là khó nhất. Một giáo sư ở Viện Toán học nói với tôi như thế này: “Môn toán thì tạm thế đã, nhưng nếu không chữa lại những môn học về xã hội và nhân văn thì dân tộc này sẽ lụi bại”. Chúng tôi xác định, phải dạy cho trẻ em tiếng Việt để nó trở thành người Việt Nam.

Mở sách tiếngViệt lớp Hai của Cánh Buồm ra, bạn sẽ thấy chúng tôi dạy cho trẻ em hệ thống tạo ra từ ngữ. Trẻ em sẽ là những nhà sản xuất và sử dụng những từ ngữ đó. Ví dụ, chúng tôi dạy trẻ hiểu và sử dụng được các nghĩa khác nhau trong chuỗi những từ có yếu tố “làm” như: làm đẹp, làm duyên, làm đỏm, làm dáng, làm bạn, làm lành, làm lụng, lam làm. Có giỏi từ thuần Việt thì mới giỏi từ Hán Việt.
Chúng tôi đã soạn được sách Văn, tiếng Việt từ lớp Một đến lớp Năm, đang biên soạn cho lớp Sáu, và chữa lại sách Lối sống, sách khoa học từ lớp Một đến lớp Năm.

Mục tiêu của chúng tôi là, hết lớp Năm, trẻ em phải nắm được phương pháp học các bộ môn. Sau lớp Năm, các em hoàn toàn làm chủ các cách học và tự học các môn học phổ thông ở trình độ cao hơn, xa hơn… những yêu cầu lùn tè (cười).

Chúng tôi muốn gợi ý với xã hội và Nhà nước một số vấn đề: Thứ nhất, hết lớp Chín, học sinh có thể tự chủ, tự kiếm sống được. Thứ hai, bậc trung học chỉ nên học hai năm, học các môn chuyên sâu để chuẩn bị cho đại học. Bậc này là bậc tập nghiên cứu, để đại học sẽ phải là tập độc lập nghiên cứu và sau đại học là bậc hoàn toàn độc lập nghiên cứu, thay vì “vác sách đi xin đề tài”.

Với tư tưởng đó, chúng tôi muốn sự thay đổi ngay từ bậc Tiểu học đã phải định hướng tới các bậc học bên trên.

Tôi muốn phỏng vấn ngược một chút: vì sao bạn lại muốn tìm hiểu công việc của chúng vào thời điểm năm năm thành lập của Cánh Buồm?

PV: Với bất kỳ tổ chức nào, năm năm là một chu kỳ đủ dài để kiểm định niềm tin, giá trị thực tế của những hoài bão và khát vọng. Cánh Buồm là tổ chức giáo dục vô vị lợi đầu tiên ở Việt Nam mà tôi biết, lại cô đơn giữa những cuộc cải cách giáo dục “như những trận đánh lớn”, chính vì thế, đến thời điểm này, tôi tin rằng, không chỉ có tôi, mà cả rất nhiều người khác trong xã hội cũng rất quan tâm đến các hoạt động tiếp theo của Cánh Buồm.

Ba điều vui, ba công việc nặng nề

PV: Nhân dịp năm mới Ất Mùi, xin ông chia sẻ một vài kế hoạch của nhóm Cánh Buồm.

NGPT: Năm nay tôi có ba điều vui, và cũng là ba công việc nặng nề.
Đầu tiên, và cũng thú vị nhất, là chúng tôi được một công ty giáo dục mời chúng tôi kết hợp mở trường. Cơ sở giáo dục này đã trải qua việc mở trường mẫu giáo mẫu mực tại Hà Nội. Tiếp theo, họ sẽ mở trường Tiểu học cho lứa học sinh này. Tôi đã cử ba cốt cán sang làm việc với trường. Một người đã được mời làm Hiệu phó, phụ trách về nội dung. Hai người khác phụ trách môn Văn, Tiếng Việt và Lối sống.

Thứ hai, nhiều phụ huynh và giáo viên yêu cầu chúng tôi mở những lớp hướng dẫn cách dùng sách Cánh Buồm. Giáo viên thì học để dạy lớp của mình còn phụ huynh thì dạy cho con ở nhà. Lớp gần đây nhất có hai học viên đã trở thành thành viên nhóm, tham gia biên tập sách bài tập và chữa sách khoa học.

Thứ ba, một trường tư thục tại Hà Nội sau khi thực hiện bộ sách Tiểu học của chúng tôi vào năm 2013-2014 và quan sát sự phát triển của trẻ em, đo lường trình độ Tiểu học của con em, đã hỏi: “Học thế này, trình độ này thì lên lớp Sáu các em học gì?” Điều này đã thôi thúc chúng tôi tiếp tục biên soạn sách Trung học để đáp ứng các em đã có trình độ Tiểu học Cánh Buồm.

Hiện chúng tôi đã mời được đủ cộng tác viên làm bộ sách và họ đều rất hào hứng. Sách sẽ sớm ra mắt, và trước khi ra mắt thì thế nào nhà báo cũng sẽ gặp chúng tôi để cật vấn về bộ sách đó (cười).

Tôi ước có nhiều người hiểu chúng tôi, và có nhiều người hiểu rồi làm cùng chúng tôi. Nếu sách của chúng tôi tốt thì dùng, nếu có sai sót thì chữa cho chúng tôi, còn nếu sách chỉ là đồ bỏ thì xin hãy làm một bộ khác “cao hơn, xa hơn và dễ tự học hơn”. Đó sẽ là một cuộc chạy đua lành mạnh trong một thế giới lành mạnh.

PV: Thế Bộ Giáo dục có ủng hộ không?

NGPT: Chúng tôi làm công việc này với trách nhiệm công dân. Công dân ấy thấy việc gì đáng phải làm thì cứ làm, còn Nhà nước của công dân ấy có nhìn vào nó hay không, hoặc giả nhìn vào nó, rồi “tổ chức sự im lặng”, thì đấy lại là một việc khác. Chúng tôi chỉ biết, nhiệm vụ tự giao cho mình là phải làm.

PV: Liệu Cánh Buồm có nên xin phép rồi hãy làm cho chắc ăn?

NGPT: Đang lúc hào hứng thì giăng buồm ra chứ, gió của sự cảm hứng, yêu đời, tự nhận trách nhiệm đang lên, thì còn đợi gì? Nhóm Cánh Buồm có khẩu hiệu: Mình không làm thì ai làm? Theo tôi, đó là tinh thần công dân tuyệt vời. Nếu tất cả những người tài giỏi, có trách nhiệm đều tự hỏi: mình không làm thì ai làm, thì chắc chắn sẽ có một cuộc chạy đua, rồi chọn lọc ra cái gì tốt nhất cho xã hội. Chẳng có gì đáng trách cho việc tự làm này. Tôi chắc Bộ Giáo dục sẽ yêu chúng tôi!

Để tôi kể cho bạn nghe, ngày 3/2/2012, Bộ Giáo dục đã yêu cầu Vụ Tiểu học mời chúng tôi giải trình trước ba vị lãnh đạo: ông Vụ trưởng Lê Tiến Thành, bà vụ phó Trần Thị Thắm, ông Vụ phó (nay là vụ trưởng) Trần Ngọc Định, có nhiều chuyên viên tham dự. Tôi nghĩ là chúng tôi đã nhận được thiện cảm của Bộ Giáo dục. Vì bà Nguyễn Thị Bình sau khi tìm hiểu tình hình có khen chúng tôi. Tại một cuộc họp với Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Phó ban thứ nhất khen nhóm Cánh Buồm là “tổ lao động cộng sản”. Sau đó, Ban Tuyên giáo Trung ương và bà Nguyễn Thị Bình đã giới thiệu cho chúng tôi thực nghiệm bộ sách của mình ở một tỉnh nọ, nhưng sau đó có sự “thất hứa” của bên thực hiện (tất nhiên không phải từ phía Cánh Buồm).

PV: Với các kế hoạch lớn đề ra, nhà giáo có ước vọng gì trong năm 2015?

NGPT: Tôi ước có nhiều người hiểu chúng tôi, và có nhiều người hiểu rồi làm cùng chúng tôi. Nếu sách của chúng tôi tốt thì dùng, nếu có sai sót thì chữa cho chúng tôi, còn nếu sách chỉ là đồ bỏ thì xin hãy làm một bộ khác “cao hơn, xa hơn và dễ tự học hơn”. Đó sẽ là một cuộc chạy đua lành mạnh trong một thế giới lành mạnh.

PV: Xin cảm ơn nhà giáo Phạm Toàn và chúc ông năm mới sức khỏe, niềm vui để tiếp tục dẫn dắt Cánh Buồm vươn xa hơn.

Nguyễn Thị Vân thực hiện.