Khái niệm Giáo dục Hiện đại được thầy Phạm Toàn định nghĩa đơn giản lắm: “Giáo dục hiện đại là tổ chức hệ thống việc làm cho học sinh được tự học, được tự giáo dục”…

Hôm qua tham gia buổi giao lưu “Học ở Nhà trường Hiện đại” của Nhóm Cánh Buồm, thấy lòng hứng khởi vô cùng. Trong cuộc sống bon chen như hiện nay, vẫn còn nhiều lắm những con người không vì tấm huy chương đeo trước ngực, không vì vật chất đồng tiền, mà vẫn làm những việc có ích cho xã hội.

Trò chuyện trước giờ khai mạc

Giáo dục hiện đại có phải là trang bị những thiết bị hiện đại, công nghệ cao như máy chiếu đa chức năng, máy chiếu vật thể, loa, TV, máy tính xách tay cho cô giáo hay giáo án điện tử … như đầu năm bố mẹ vẫn đóng những khoản tiền lớn để mua cho các con hay không? Chà, tính ra nếu bổ đầu học sinh, mỗi lớp 60 bạn thì khoản đầu tư của bố mẹ cũng chẳng nhiều, con được dùng trong 5 năm học cơ mà! Vậy nên Ok là phải thôi! Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ: những thiết bị công nghệ hiện đại có giúp tổ chức cho con học đúng nghĩa của sự học, học để thành con người biết chủ động trong cách suy nghĩ, biết cách tự tìm ra tri thức…  hay là thiết bị công nghệ hiện đại vẫn chỉ nối tiếp cách giảng giải của giáo viên để con tiếp tục sống trong lớp học như một đứa trẻ thụ động, chỉ biết ngồi ngắm nghĩa màn hình và cô giáo “nhồi” kiến thức vào đầu, mà đa phần những kiến thức ấy con sẽ quên sạch sau một thời gian…

Bắt đầu buổi giao lưu

 

Giáo dục hiện đại không phải là những thiết bị đắt tiền. Khái niệm Giáo dục Hiện đại được thầy Phạm Toàn định nghĩa đơn giản lắm: “Giáo dục hiện đại là tổ chức hệ thống việc làm cho học sinh được tự học, được tự giáo dục”.

Nhà giáo Phạm Toàn định nghĩa“Giáo dục hiện đại”

Trời đất, bọn 6 tuổi ở nhiều gia đình đến ăn bố mẹ còn chạy theo xúc cho ăn, bảo nó làm thì nó làm được gì? Lại còn làm mà học – làm thì học (“learning by doing”, theo cách dịch nghĩa của nhóm Cánh Buồm) nữa! “Làm” là gì đây?

Nhóm Cánh Buồm giải thích: thầy, cô giáo là người tổ chức cho bọn trẻ làm lại những hành động, những thao tác, của những người tiêu biểu trong lịch sử đã làm để các em làm lại. Đây là một thí dụ: cho trẻ làm lại thao tác của các giáo sĩ cũng là những nhà ngôn ngữ học khi nghiên cứu ngữ âm Tiếng Việt. Thao tác đầu tiên là cho các em nghe và phát âm lại cho đúng; thao tác hai là phân tích cái âm vừa phát ra đó; và thao tác thứ ba là tự ghi lại rồi đọc lại điều mình đã ghi được. Các giáo sĩ tìm cách ghi tiếng Việt từng làm vậy đó. Bây giờ, trẻ em lớp Một cũng làm lại hệt như thế!

Hãy để trẻ em làm những thao tác hàn lâm, đừng “nhồi” cho trẻ những kiến thức được gọi là “hàn lâm”!

 Thí dụ nữa: cho các em tự tìm ra thế nào là nguyên âm thế nào là phụ âm. Giáo viên cho các em phát âm [a] làm mẫu – đó là thao tác một. Giáo viên đố các em ngậm miệng mà phát được âm [a] và các em tự tìm thấy là mình phái há miệng thì mới phát được âm [a] – đó chính là thao tác phân tích vậy! Các âm [e] [ê], [i], [o], [ô], [ơ], [u], [ư] thì cũng đều được phát ra và được phân tích theo cách ấy. À ra thế, công việc phân tích – cái danh từ khó hiểu, cứ ngỡ là rất xa lạ với trẻ em – cái công việc “phân tích” đã diễn ra đơn giản, dễ dàng như vậy đó!

Phát âm và phân tích phụ âm [b] làm mẫu rồi cho trẻ thấy phát âm đó ngược hẳn với nguyên âm mẫu [a], rồi vận dụng vào tất cả các phụ âm khác … và thế là  trẻ đã tự làm lại thao tác nghiên cứu của nhà bác học và tự rút ra kết luận cho bản thân mình, làm việc như vậy trẻ sẽ nhớ rất lâu – các em đã tự làm ra kiến thức cho mình.

Học môn Tiếng Việt lớp 1 theo cách đó, phát âm – phân tích – tự ghi và đọc lại, chắc chắn trẻ sẽ không sai chính tả. Vậy đó, hãy để trẻ em làm những thao tác hàn lâm chứ đừng “nhồi” cho trẻ những kiến thức được gọi là “hàn lâm”!

Khán giả chăm chú lắng nghe, ghi chép

Học theo cách đó, lên lớp 2, các em tự làm giàu vốn từ của mình và đến lớp 3, các em được hướng dẫn về cách viết câu đúng cú pháp và hợp logic, lên lớp 4 các em học viết những đoạn văn, bài văn hoàn chỉnh, lên lớp 5 các em biết vận dụng những kiến thức về tiếng Việt của mình vào từng hoàn cảnh sử dụng khác nhau: trong đời thường, trong nghiên cứu khoa học, và trong giao tiếp hành chính.

Vấn đề học văn trong nền giáo dục hiện nay được rất nhiều phụ huynh đặt ra cho thầy Phạm Toàn. Học văn là việc cần thiết và cần được học từ lớp 1. Học văn ở lớp 1 là việc tổ chức cho các em đến với cốt lõi của nghệ thuật: sự đồng cảm. Nghe nói đến việc tạo “đồng cảm”, tạo “cảm hứng” như các nhà văn nhà thơ lớn thì có vẻ to tát. Nhưng cách làm của nhóm Cánh Buồm thì rất đơn giản: hãy cho trẻ chơi trò chơi đóng vai. Hãy cho trẻ em bắt chước cảnh đời những nhân vật cần sự đồng cảm và các em sẽ dần dần có những tình cảm tinh tế đó.

Nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu về cách học văn theo phương pháp của Cánh Buồm

 

Tham khảo thêm cách dạy và học văn trong bài “Phương pháp học Văn của Cánh Buồm – Tự tìm ra cái đẹp”.

Môn học đạo đức cũng là môn học đang bị tẩy chay và chưa được đầu tư đúng mức ở nhà trường hiện nay. Đối với học sinh lớp Một đã cần “nhồi” cho các em về tình yêu đất nước, về nghĩa vụ, bổn phận một cách thụ động chưa? Các em cần được tổ chức để học phương pháp sống đồng thuận và dần dần biết tháo ngòi xung đột trong cuộc sống ở nhà trường, với gia đình, với bạn bè, với mọi người xung quanh… và do đó, các em sẽ tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với bản thân, với gia đình, dân tộc, tổ quốc… Đó là môn Giáo dục lối sống của nhóm Cánh Buồm. Tôi rất ấn tượng khi nghe nhà giáo Phạm Toàn mô tả cách tổ chức cho trẻ em ý thức mình đã lớn để các em sống với tinh thần tự lập ngay từ lớp Một. Đó chỉ là những cuộc triển lãm do chính các em làm như đã vẽ rõ trong sách Lối sống 1. Hãy để các em được “phê bình và tự phê bình” bằng những “Bảng tự nhận xét của học sinh” giúp em nhận ra những mặt mạnh của mình để phát huy và mặt yếu còn tồn tại để hạn chế. Đó chính là tôn trọng cái tự chủ và cái tôi của từng đứa trẻ!

Trẻ phải có tinh thần tự lập ngay từ lớp Một

 

Xem cách học môn Lối sống trong bài Giới thiệu về môn Lối sống của Cánh Buồm.

Tóm lại, ở bậc tiểu học chúng ta cần phải trao cho các em phương pháp học để các em biết cách tự học, cái phương pháp sẽ đi theo các em cả đời. Ở đấy thầy cô giáo đóng vai trò là người tổ chức và kiểm soát các việc làm giúp em đi đến với tri thức chứ không phải người “nhồi” tri thức cho các em.

Rất nhiều câu hỏi được nêu ra cho nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm

 

Còn nhiều lắm những điều mình được “ngộ” ra trong buổi giao lưu, mình mong muốn được tham dự nhiều hơn nữa những buổi chia sẻ của thầy Phạm Toàn và của Nhóm Cánh Buồm. Chúc cho thầy luôn mạnh khỏe để đi đến cùng con đường thầy đã chọn “Chấn hưng giáo dục Việt Nam” để học sinh và phụ huynh không còn suy nghĩ phải đi “tị nạn giáo dục” mà được sống đường hoàng ở đất nước, quê hương mình.

Bài: Lê Thanh Thủy

Ảnh: Trường Boozy, Hà Dũng Hiệp