Cánh Buồm là một nhóm thiện nguyện gồm các chuyên gia giáo dục tự xác định mục tiêu viết lại sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Bên cạnh họ, sau lưng họ, âm thầm và đầy thông cảm, còn vô số người “góp gió” giúp Cánh Buồm no căng và vươn xa.
“Bởi vì đó là một Cánh Buồm”
Đó là lời khẳng định của ông Patrick Michel, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội. Tại trung tâm ở ngay sát hồ Gươm này, nhóm Cánh Buồm đã nhận được những giúp đỡ vô tư và hào hiệp. Từ khi ra đời vào năm 2009, cho đến năm 2012, đây là nơi trong ba năm nhóm Cánh Buồm tổ chức 4 cuộc hội thảo. Trung tâm văn hóa Pháp và ông Patrick Michel đã cho phép Cánh Buồm sử dụng mọi tiện nghi để đưa dần các sản phẩm tới công chúng.
Sau cuộc hội thảo ra mắt có tên “Hiểu trẻ em – dạy trẻ em”,Patrick Michel gọi điện cho GS Chu Hảo nói rằng: “Cuộc hội thảo như đêm qua thật là một ấn tượng to lớn với tôi kể từ khi tôi nhận chức vụ giám đốc ở trung tâm này”. Thế là, liền năm sau, ông giúp mở hội thảo “Chào lớp Một”để bắt đầu đưa sản phẩm sách giáo khoa lớp một (lớp khó nhất) ra thăm dò dư luận.
Tháng 4/2012, Patrick Michel còn chủ động giúp nhóm Cánh Buồm đem sản phẩm mang tư tưởng Nhà trường hiện đại vào thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu tại hội trưởng của Viện IDECAF. Gần đây nhất, trước cuộc hội thảo “Em biết cách học”, Patrick Michel đã gợi ý giúp cho nhóm Cánh Buồm triển lãm các minh họa sách giáo khoa ngay tại sảnh thư viện của trung tâm. Nhóm Cánh Buồm là khách mời của ông giám đốc này dự tiệc tối thân mật vào đêm 9/8/2012 để ông từ biệt trước khi về nước sau hai hợp đồng làm việc tại thủ đô Hà Nội. Nhóm Cánh Buồm đã tặng ông bức minh họa phóng to với lời đề tặng của nhà thơ Dương Tường: “Tặng Patrick (mang họ thánh) Michel, một thủy thủ lão luyện, đã hào hiệp góp gió làm căng những Cánh Buồm của chúng tôi.”
Trợ lý của ông Patrick Michel hỏi ông: “Tại sao với nhóm Cánh Buồm đề nghị nào cũng được ông ủng hộ rất nhanh?” Patrick Michel trả lời đầy ẩn ý: “Bởi vì đó là một cánh buồm!”
“Chúng tôi và Cánh Buồm có điểm chung”
“Giữa chúng tôi và nhóm Cánh buồm có một số điểm chung, đó là quan niệm mỗi ngày đi học của trẻ cần phải là một ngày hạnh phúc của các em. Chúng tôi cùng chia sẻ mối quan ngại về chất lượng dạy và học trong giáo dục nói chung và những nguy cơ thanh thiếu niên Việt Nam phải đối mặt, cùng tin tưởng vào những thành tựu tiên tiến trong khoa học giáo dục đã được khẳng định trong thực tiến thế giới và cuối cùng là tin tưởng rằng sản phẩm của chúng tôi mang tính chất tích cực của phản biện xã hội”,đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Bích Hà, người sáng lập ra trường Nguyễn Văn Huyên – ngôi trường đầu tiên dùng thử nghiệm sách Cánh Buồm.
Nhà giáo Phạm Toàn cho biết, trong thời gian làm ở tổ Toán – Tin ở Trung tâm Thực nghiệm Giáo dục phổ thông (năm 1995), ông đã tới hỗ trợ cái đặt một số sản phẩm làm thử tại trường Nguyễn Văn Huyên. Cài đặt xong, cô Bích Hà bảo ông Toàn: “Trường em không có thù lao cho người đến giúp đâu đấy, chưa kể là còn có cái hòm công đức ở chân cầu thang ấy”. Rồi bẵng đi, cho đến năm 2010 ông nhận được điện thoại của PGS. Bích Hà nói muốn đưa sách của ông vào trường dạy các buổi chiều trong chương trình “Làm giàu kiến thức”.
Tại trường Nguyễn Văn Huyên, nhóm Cánh Buồm được cho không một phòng học để làm trụ sở học chuyên môn các sang thứ bảy hang tuần, sau đó còn là “kho sách” nữa …
“Trẻ em phải tự tạo ra cái Đẹp nghệ thuật”
Những người đến tham dự hội thảo “Tự học – Tự giáo dục” của nhóm Cánh Buồm tháng 10/2011 chắc không thể không ấn tượng với vở diễn Chuyện Dế Mèn. Bởi diễn viên của vở kịch chính là các em học sinh trường Nguyễn Văn Huyên và vở diễn lại được đạo diễn bởi ông Xuân Tóc đỏ nổi tiếng – đạo diễn Trần Quốc Trọng. Đêm diễn có phần “ngờ nghệch” tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội thu được thiện cảm của khan giả. Cánh Buồm dựng lại một hình thức hoạt động tạo ra cái Đẹp do chính học sinh thực hiện, thay cho việc vung tiền mời các “ngôi sao” đến biểu diễn trước sự thưởng thức thụ động của những học sinh lẽ ra phải làcác chủ thể tự mình tạo ra cái Đẹp nghệ thuật để giáo dục nghệ thuật cho chính mình.
Tết năm 2011, tiếc thời giờ vì ngày nghỉ nhiều quá, nhà giáo Phạm Toàn đã viết ba vở kịch để thử nghiệm việc đưa hoạt động sân khấu vào nhà trường. Ba vở đó là Chuyện Dế Mèn, Jeanne d’Arc và Hai bà Trưng, Đêm hội Andersen. Viết xong, ông gửi “meo” cho cả nhà, cho cả cô Bích Hà. Sau Tết, cô Bích Hà chạy lên trụ sở nhóm Cánh Buồm, ôm lấy đầu nhà giáo Phạm Toàn trong cuộc họp đầu xuân, “ôi, bố tôi ạ, kịch hay quá…” Và cô Bích Hà đồng ý cho học sinh trường mình tham gia tập diễn kịch này.
Nhưng nhóm không có tiền thuê đạo diễn. Lúng tứng một dạo, rồi nhà giáo Phạm Toàn gọi điện cho đạo diễn Quốc Trọng,và chưa đầy một phút, đã nhận được phản hồi của đao diễn Trần Quốc Trọng “xung phong” nhận việc đạo diễn. Hàng tuần ông đạo diễn tự nhận mình biết “nghịch với con trẻ” đều kiên nhẫn đến tập với các diễn viên nhí không chuyên nghiệp trong suốt nửa năm liền.
Không đơn thuần là “họa” cho “minh”…
Người thiết kế mỹ thuật, vẽ phông cảnh, vẽ và may trang phục cho các Dế trong vở diễn là Hà Dũng Hiệp (Giám đốc Đào Tạo FPT Arena). Anh Hiệp nhớ lại: “Tôi quen bác Toàn từ năm 2004 tại một quán rượu ngoài đê Tứ Liên khi đang ngồi xem các kiểu chữ Nho dán trên vách nhà hàng. Bác mời tôi sang ngồi cùng nhóm của bác là mấy nhà báo trẻ vẫn đến nhờ bác giảng và phụ đạo, và tôi chơi với bác từ đó đến nay. Cho tới đầu năm 2010 bác gọi tôi đến, và vào đề luôn như thể tin cậy tôi tự bao giờ rồi: “Cần minh họa sách giáo khoa, và minh họa khác đi, rất khác, sao cho thật hợp với trẻ em…” Bác lấy ra bộ sách “Triết học cho thiếu niên” của Pháp mà bác hiệu đính cho nhà xuất bản Tri thức, và bác bảo tôi: “Vẽ như thế này này… vẽ rất thoáng … vẽ hơi tếu nữa … không vẽ tỉ mỉ khiến trẻ em hết đất cho tưởng tượng …”
Hiệp kể, tôi bảo bác để tôi thử. Đúng là phải thử. Đây là bài toán khó. Tôi đã vẽ bìa hoặc minh họa cho nhiều nhà xuất bản, cả trong nước và trên thế giới. Nhưng đến khi làm việc với nhóm Cánh Buồm tôi nhận thấy, những minh họa cần chê bai nhất hóa ra lại là những cái mình từng làm. Khác với những dự án vẽ theo lô và cầm về một cục tiền, sách của Cánh Buồm đưa ra một đường lối khiến nhóm minh họa chúng tôi không thể làm theo kiểu sách thị trường. Hình minh họa của Cánh Buồm không còn đơn thuần là “họa” cho “minh” hay lấp chỗ trống cho những chỗ nhiều chữ, mà tự nó là một thao tác mang tính gợi mở, nói bằng hình ảnh, và chính nó cũng là nội dung. Hình minh họa cho Cánh Buồm mang tính gợi mở, để nhiều khoảng trống có chủ ý cho trẻ em có thể tương tác, vẽ thêm, vẽ nối, thậm chí vẽ mới…
Và còn biết bao ngọn gió khác kể sao cho xuể. Cuộc sống luôn luôn tốt đẹp như vậy: bao giờ cũng luôn sẵn có những tấm lòng tạo thành những ngọn gió cho một sự nghiệp tốt đẹp. Nhóm những nhà soạn sách giáo khoa trẻ chọn tên Cánh Buồm không chỉ vì họ lãng mạn viển vông. Họ còn tin chắc rằng sự nghiệp họ khơi mào sẽ được đón nhận trong cuộc đời thực gian lao và tươi đẹp. Cánh Buồm là biểu tượng mang thông điệp yêu nước của nhóm soạn giả thiện nguyện này.
Lương Lam
(Bài đã đăng trên báo Khoa học và đời sống, số báo xuân Quý Tỵ)