Trả lời câu hỏi tại Hội thảo “Em biết cách học” – Kỳ 3

Một bạn không ghi tên hỏi:

Cháu là một sinh viên sư phạm Tiểu học mới tốt nghiệp và đang được dạy Tiếng Việt lớp 4. Đi dạy rồi cháu mới ngỡ ngàng vì học sinh của mình có vốn từ ít, trí tưởng tượng kém phong phú và câu văn viết rất lủng củng. Vậy đối tượng là HS “lỡ cỡ” như vậy cháu nên bắt đầu từ đâu và làm thế nào để giúp các em “tái tạo” tâm hồn mình ?

Trả lời câu hỏi tại Hội thảo “Em biết cách học” – Kỳ 3

Tiếp theo Kì 1, Kì 2

Một bạn không ghi tên:

Cháu là một sinh viên sư phạm Tiểu học mới tốt nghiệp và đang được dạy Tiếng Việt lớp 4. Đi dạy rồi cháu mới ngỡ ngàng vì học sinh của mình có vốn từ ít, trí tưởng tượng kém phong phú và câu văn viết rất lủng củng. Vậy đối tượng là HS “lỡ cỡ” như vậy cháu nên bắt đầu từ đâu và làm thế nào để giúp các em “tái tạo” tâm hồn mình ?

Trả lời:

Bạn thân mến, trả lời bạn bây giờ hơi bị khó, vì rất dễ gây hiểu lầm là can tội khoe khoang. Vì chúng tôi sẽ phải giới thiệu để bạn thấy rằng sách Cánh Buồm sẽ giúp bạn tháo gỡ khó khăn bạn đang gặp.

Nhưng thôi, đành vượt cơn tự ái vặt để làm việc lớn, xin thưa với bạn như sau: bạn hãy dùng sách giáo khoa tiểu học Cánh Buồm – khi đó, một mặt bạn sẽ chữa được “lỗ hổng” của những học sinh “lỡ cỡ” (cái lý do vì sao có chủ trương “giảm tải” và “giảm tải sâu”), và một mặt khác, bạn sẽ dùng nốt sách Cánh Buồm để tiếp tục giúp học sinh của bạn nâng cao trình độ… mà đỡ phải “đánh vật” với những khó khăn không đáng có đối với các nhà giáo trẻ (và già nữa, có điều, các nhà giáo già có lẽ đã trơ lì, không còn xúc động trước những học sinh “lỡ cỡ” nữa).

Nào, xin mời bạn hãy mở bất cứ cuốn sách giáo khoa tiểu học nào của nhóm Cánh Buồm.

Ngoài bìa, có ghi tên môn học, tên lớp học, và nhiệm vụ năm học. Cứ hoàn thành các nhiệm vụ đó, thế là đủ, giáo viên biết rõ mình đã dạy đủ, học sinh biết rõ mình cũng đã học xong, không còn gì mà học thêm nữa. Như thế này:

 

Môn học – lớp Nhiệm vụ học tập Cách thực hiện
Tiếng Việt 1 Ngữ âm học tiếng Việt Cách phát âm, cách phân tích và cách ghi và đọc tiếng Việt.

Nhắc bạn tập trung vào cách khắc phục nhược điểm viết sai chính tả. Hãy xem cách dạy luật chính tả và thực hiện . Sau 1 tháng, khác liền!

Tiếng Việt 2 Từ vựng học tiếng Việt Tín hiệu học và cách tạo ra và sử dụng các loại từ tiếng Việt (từ thuần Việt, từ Hán Việt, từ mượn).

Bạn nên khắc phục tình trạng học từ nào biết từ đó hiện thời, bằng cách “giả vờ ôn tập” — thực ra là cho các em lớp 4 học lại từ đầu toàn bộ sách TV lớp 2 (nhưng phóng nhanh hơn, dĩ nhiên rồi!). Rồi bạn sẽ thấy hiệu quả!

Tiếng Việt 3 Cú pháp học tiếng Việt Theo kinh nghiệm “ôn tập” cách học tiếng Việt lớp 1 và lớp 2, bạn sẽ cho học sinh lớp 4 của bạn “học lại” cú pháp tiếng Việt. Cũng như cũ: tốc độ nhanh hơn.
Tiếng Việt 4 Văn bản tiếng VIệt Đến đây, bạn có thể dùng thời giờ còn lại của năm học để học sinh lớp 4 của bạn học nội dung cách viết văn bản.

Bạn sẽ thấy vất vả một chút. Các cụ nhà ta nói: đan đi không tầy dặm lại. Chữa cái nhà dột thì vừa khó chịu vừa khó khăn, thà làm quách cái nhà mới. Mách bạn một cách: nhiều bài học và bài tập bạn nên cho các em học sinh lớp 4 của bạn tự học theo nhóm. Tự các em sẽ mày mò với nhau. Khi đó, bạn nên mua sách cho mỗi nhóm một cuốn. Tiết kiệm! Nhưng hiệu quả. Tốt rồi…

Chúc bạn kiên trì và làm xong việc hãy viết thư cho nhóm Cánh Buồm. Chúng tôi sẽ có quà tặng bạn là 5 cuốn sách giáo khoa mới tùy bạn chọn.

  1. Một bạn không ghi tên:

Liệu hiệu quả của bộ sách Cánh Buồm có được đánh giá đúng chưa vì hiện nay mới được thử nghiệm ở những học sinh đã được học chương trình của Bộ?

Trả lời:

Xem ra, vẻ đâu như bạn cũng hơi nóng tánh thì phải! Trồng một cái cây, ít ra cũng dăm bảy năm mới có quả. Sự nghiệp trăm năm trồng người, xoàng ra cũng phải chờ bảy tám chục năm để xem nền giáo dục nào đó sẽ đẻ ra lớp người tài hay sinh ra bọn trộm cướp…

Sách tiểu học Cánh Buồm năm 2012 là một bộ sách mới, nhưng thực ra là thừa kế của sách thí điểm từ lâu rồi nên nhóm Cánh Buồm vẫn hay nói đùa: chúng tôi soạn bộ sách 2012 này trong bốn mươi năm và 9 tháng!  Nhưng đó lại là sách mới, vì nó đi theo một đường lối giáo dục khác hẳn:

  • Hiện đại hóa – học sinh tự làm việc dưới sự điều khiển của giáo viên;
  • Thực hiện các thao tác nghiên cứu khoa học ngôn ngữ của nhà ngôn ngữ học khi nghiên cứu vật liệu tiếngViệt, nhờ đó mà có những năng lực dùng tiếng Việt chắc chắn;
  • Thực hiện các thao tác sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, của nhà văn, nhà thơ … để từ môn Văn xưa nay mà học các thao tác sáng tạo cái đẹp nghệ thuật;
  • Thực hiện những cung cách sống chung để có cuộc sống đồng thuận, vận dụng vào từng cá nhân (sống tự lập trong đồng thuận, vận dụng vào cách sống trong cộng đồng, trong cuộc sống gia đình) … (hai nội dung lớp 4 và lớp 5 còn chưa biên soạn xong);
  • Thực hiện tinh thần thâm nhập vào một nền văn hóa xa lạ bằng những thao tác thích hợp để sở hữu một tiếng nước ngoài mang tính văn hóa chứ không chỉ học cốt giao tiếp nhằm kiếm sống.

Một bộ sách như thế cần có thời gian để các thành viên của xã hội chấp nhận thông qua việc dùng thử. Việc dùng thử sẽ đi theo ít nhất ba ngả:

  • Ngả thứ nhất: được sự chấp nhận của các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra dùng thử rồi hiệu chỉnh cho sách càng ngày càng đúng hơn, dễ dùng hơn, ĐẸP hơn;
  • Ngả thứ hai: được những nhà trường có tầm nhìn tương ứng với tầm nhìn Cánh Buồm chủ động nhập về trường mình dùng theo những kế hoạch ngắn hạn hoặc dài hạn khác nhau;
  • Ngả thứ ba: các phụ huynh học sinh, các cá nhân giáo viên tự động nghiên cứu và dùng cho con em mình, cho học sinh mình, dần dần sẽ thành phong trào rộng lớn.

Cả ba ngả đường dùng sách mới của Cánh Buồm đều cần đến sự tham gia của những người am hiểu và có tấm lòng với nền Giáo dục – kể cả khi nền giáo dục ấy mới chỉ đụng chạm tới con em riêng mình.  Cả tấm lòng và sự am hiểu lại cũng cần đến trải nghiệm, và khi đó cần vượt qua sự do dự. Nhà thơ Mỹ Robert Frost có bài thơ về cái tâm lý trước ngã ba đường ấy rất chi là hay:

Con đường không đi 
Ngã ba chia đôi trong rừng ngả vàng,
Ôi sao buồn thay, chẳng dám băng ngang,
Kẻ lữ hành này hồi lâu đứng đợi
Mắt ta nhìn xuôi hồi lâu ngẫm ngợi
Phía những con đường lúp xúp cỏ cây
 
Đặt bước phía kia, ờ thôi cũng phải,
Có khi lòng ta muốn thế không chừng,
Đường ngập cỏ và chân xui bước,
Cho dù đường nọ ta cùng ao ước,
Chừng ấy sắc mầu mời mọc bước đi.
 
Cả hai con đường nằm đó sớm mai
Không một bước chân đặt lên cỏ thẫm.
Ờ, một ngày nào đặt bước đường kia!
Chưa biết nẻo nao dẫn tới lối nào
Ngờ ngợ có khi còn cần quay bước
 
Ta sẽ nói ra trong tiếng thở dài
Quanh quất tháng năm năm tháng huỷ hoài
Ngã ba chia đôi đường trong rừng vắng
Còn ta,
Ta đi lối mòn ít chân kẻ dẫm
Điều đó khác thường mà nặng lắm thay.
                             (CHÂU DIÊN dịch)
Một bạn không ghi tên:

Tiền là thứ cần cho con người từ lúc lọt lòng cho đến khi chết. Không thấy các thầy trong nhóm Cánh Buồm quan tâm trong bộ sách giáo khoa. Có thể hiểu vì sao?

Trả lời:

Tiền bạc là một vấn đề rất quan trọng trong cuộc sống, trẻ em ngay từ nhỏ đã cần biết về tiền và việc sử dụng đồng tiền. Sách Cánh Buồm không đưa cho học sinh bài học khô khan theo kiểu “kinh tế học”, “xã hội học” : Tiền là gì ? Tiêu tiền như thế nào ? Vì sao phải tiết kiệm tiền ? v…v.. Nhưng trong sách Cánh Buồm bạn có thể thấy rất nhiều những bài học mà trẻ em có thể tự rút ra cho mình về giá trị của đồng tiền : câu chuyện về người bới rác nhặt ve chai để lấy tiền mua bánh mì, người gánh nặng bị ốm không có tiền chạy chữa, một em bé đánh giày nài nỉ người ta đánh giày để kiếm bữa trưa… đó không phải là câu chuyện về đồng tiền sao ? Hay ở Lối sống 2, việc xung đột xảy ra trong cộng đồng giữa người làm ít mà hưởng nhiều tiền, người làm nhiều mà được ít lương không phải là chuyện đồng tiền sao ? Sang Lối sống lớp 3 thì càng rõ một cái ngòi xung đột trong gia đình đó là thiếu tiền, gia đình không no đủ… lại càng là chuyện đồng tiền chứ sao ? Có rất nhiều những bài học như thế. Điều quan trọng là những giá trị sống đó không phải là bài học khô khan mà thầy cô giáo và nhà trường nhồi nhét vào các em, trái lại, nó là những điều mà bằng hoạt động học (thao tác đóng vai, thao tác tranh luận, thao tác điều tra thống kê…) các em tự rút ra bài học cho mình.

Một bạn không ghi tên:

Con xin chào nhóm Cánh Buồm, thực sự con rất tâm đắc với những ý tưởng và sản phẩm của nhóm vì con không hề thích theo khuôn khổ bó hẹp, con luôn muốn thể hiện những ý tưởng của mình trong giáo dục như nhóm có đề cập đến. Nhưng con không biết làm để phát triển, đưa sách đến với các em. Mẹ con cũng làm giáo viên con sẽ nói với mẹ nhưng trong giáo dục và nhóm Cánh Buồm có những hỗ trợ phát triển hay liên lạc hợp tác gì không?

Bạn Tâm An (tamantamao@gmail.com)

Tôi là một sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội, rất quan tâm đến những ý định cải cách đổi mới trong phương pháp dạy và học trong nhà trường. Tôi muốn biết thêm về kế hoạch phát triển sắp tới của Nhóm (sách cấp Trung học phổ thông…?). Nếu tôi muốn cộng tác thì liệu có cơ hội hay không ?

Trả lời chung hai bạn:

Cám ơn tình cảm của hai bạn. Mong hai bạn hợp tác làm những điều gì các bạn thấy làm được và thích làm. Hai bạn nhớ giữ liên hệ với chúng mình. Trang mạng vẫn có hòm thư liên lạc đó.

Một bạn không ghi tên:

Cháu đã đọc cuốn Tạo lòng đồng cảm. Cháu thấy, các ví dụ trong cuốn sách chủ yếu về chiến tranh, anh bộ đội xưa, những hình ảnh hơi xa với thực tế xã hội của cháu bé lớp 1. Liệu ví dụ có phù hợp không ?

Trả lời:

Không thể tin được rằng hình ảnh chiến tranh là xa thực tế!

Nước ta hai nghìn năm nay, ngoài một nghìn năm nước Tàu đô hộ (là hòa bình hay là chiến tranh?), sau đó là một nghìn năm nữa toàn là chiến tranh, cho đến hôm nay hòa bình vẫn còn là mơ ước. Nên trong sách có nội dung chiến tranh cũng không xa vời lắm đâu bạn ạ. Xin đừng lý luận suông.

Nhưng nói vậy thôi, bạn thử đếm xem tỷ lệ chiến tranh của sách Văn nhiều tới bao nhiêu? Mười phần trăm!  Còn lại là những chuyện khác trong muôn mặt tình cảm con người để mà đồng cảm.

Bạn Đỗ Thanh Bình,  Công ty Prudential Việt Nam:

Thưa nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm, sao nhà giáo và nhóm không tập trung vào soạn những sách bồi dưỡng, sách bổ trợ (hoặc đổi tên sách) để việc áp dụng được mở rộng hơn với các trường ?

Trả lời:

Sách Cánh Buồm không gọi là sách bổ trợ, sách bồi dưỡng vì nó không nhằm bổ trợ hay bồi dưỡng cho những cuốn sách hiện hành mà đây là những cuốn sách của một chương trình giáo dục mới, đưa lại một cách học mới, cách học khác cho trẻ em. Bạn hình dung, nó giống như một món ăn mới chứ không phải gia vị bổ trợ cho những món khác (mà hiện nay con em chúng ta đã chán ngấy và không tiêu hóa được).

Nhưng chúng mình vẫn có kế hoạch biên soạn sách hỗ trợ: đang làm sách sư phạm Cánh Buồm. Cũng trong hạng mục sư phạm, chúng mình phối hợp với trung tâm Thông tin UNESCO chuyển thành các clip dạy học hướng dẫn dùng sách.

Một bạn không ghi tên:

Làm thế nào để các giáo viên khi dạy học tránh được việc sử dụng những từ ngữ hàn lâm, cứng nhắc, khó hiểu? Làm thế nào các giáo viên có thể hiểu được tâm lý trẻ em?

Trả lời:

Nếu bạn đọc kỹ sách giáo khoa Cánh Buồm, bạn sẽ thấy cách dạy một khái niệm được tiến hành như sau.

 

GV – Hôm nay học Văn, thế mà lớp chẳng có hoa, chán quá!

HS – Thưa cô trên bàn có hoa đấy chứ?

GV – (nhấc lọ hoa cất xuống gầm bàn, sau lại đặt lên chỗ cũ) Các em cứ nói thế! Không có hoa! Bây giờ tìm cách gì tất cả các em đi lấy được hoa mang về đây! (HS ngơ ngác, ngọ ngoạy … ). Thôi bây giờ cô đưa đi lấy hoa mang về nhé…   (HS bớt ngơ ngác, nhưng ngọ ngoạy muốn chạy đi… ). Nào, nghe theo lệnh cô, nhắm mắt lại … ngả người tựa vào ghế … lắng nghe cô dắt đi nhé …  (Tất cả lớp, các em nhắm mắt “đi theo” lời kể của cô…)

GV – (tiếp tục kể khi HS nhắm mắt) Chúng mình ra khỏi lớp  này … Đừng chen nhau …  Chúng mình đi ra cổng … Bác bảo vệ ngăn lại … “Cô giáo đưa các cháu đi đâu?”  “Xin phép bác tôi đưa các em đi tìm hoa về cho lớp” …  Các em chào bác bảo vệ đi, rồi chúng ta cùng đi … Nào, bây giở cô đưa các em đi tiếp … Em nào thích lên rừng thì lên rừng tìm hoa rừng đem về …  Em nào thích xuống suối thì xuống suối tìm hoa mọc hai bên bờ suối đem về … Em nào thích đi ra chợ nhỉ?… Em nào thích mua hoa của những cửa hàng hoa đắt tiền nhỉ? Em nào thích về nhà mang hoa sẵn có ở nhà đến lớp nhỉ ? … Các em đi tiếp đi … Cô để các em tự đi …

GV – (chừng 2 phút sau) … Các em đã có được hoa chưa? Nào, mở mắt ra … Cô mời em X … Em kể lại em đi tìm hoa ở đâu đem về cho lớp mình?

X – Thưa cô, em ra suối…

GV – Ô, ra suối … em đi lối nào ra suối?

X – Em đi theo đường cái, đi bộ mỏi cả chân, sau đó leo lên xe ô tô đi nhờ, rồi đến một vùng núi, thấy có con suối thì em xin xuống và tự đi xuống suối…

GV – Ô thích thật đấy! Thế hoa mọc dưới nước suối à?

X – Không ạ… Hoa mọc hai bên bờ suối… đầy cỏ cây … đầy hoa … em hái một bó to tướng …

GV – Cám ơn em, đặt hoa trên bàn cho cô …

(Cô giáo cho chừng 4-5 em kể lại việc đi tìm hoa về cho lớp. Sau đó sơ kết lại).

GV – Vừa rồi các em làm công việc gì?

X – Hái hoa.

Y – Đi tìm hoa về cho lớp.

Z – Theo cô đi hái hoa.

N – Đi tìm hoa …

(Các em nói việc làm trong đầu)

GV – Thế có đi hái hoa thật không?

X – Không ạ. Chỉ nghĩ trong đầu thôi.

Y – Đi tìm hoa giả vờ thôi ạ.

Z – Chỉ nghĩ trong đầu là theo cô đi hái hoa thôi ạ.

N – Chỉ nghĩ đến việc đi tìm hoa thôi…

(Các em nói việc làm trong đầu)

GV – Đặt tên cái công việc làm thầm trong đầu đó là gì?

X – Là nghĩ trong đầu.

Y – Là làm thầm trong đầu.

Z – Là không làm bằng tay mà làm bằng đầu thôi.

N – Là đi làm mà chân tay không làm…

(Các em nói việc làm trong đầu)

 

GV – Các em đặt tên dài quá. Cô có tên này gọn hơn: tưởng tượng. Các em nói lại tên cô vừa đặt cho: tưởng tượng.

HX –  Tưởng tượng  …  tưởng tượng …  tưởng tượng  …

GV – Tưởng tượng là làm việc thầm trong đầu. Các em tưởng tượng nhé … (làm tiếp bài tập đã cho trong sách để củng cố khái niệm tưởng tượng).

Nào, qua cách làm này, bạn có thấy nặng nề “hàn lâm” không? Cách tổ chức đó được giới tâm lý học theo lý thuyết hoạt động gọi là  làm ra khái niệm chứ không học thuộc lòng định nghĩa.

Bạn hãy mở sách ra, nghiên cứu cách tổ chức cho học sinh làm ra khái niệm  kể cả khái niệm rất khó như nguyên âm, phụ âm, gia đình, hợp tác, bất hợp tác, đạo lý, pháp lý …

Bây giờ chắc là bạn lại thấy tổ chức cho học sinh chiếm lấy những điều cao xa vẫn không khó nếu từ bỏ lối giảng giải và ghi nhớ máy móc.

Đó chính là bí quyết … không có gì bí hiểm, của GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI.

                                                                                                Cánh Buồm