Đến nay đã sáu mươi kỳ một tờ báo mạng lớn đăng đều đặn những bài văn và những câu văn “chết cười” của học sinh. Khó có thể vui khi nhạo những lời văn đó. Người lớn không thấy đó chính là văn của mình à? Có ai thử trả lời câu hỏi này xem: CÁCH HỌC VĂN của trẻ em từ lớp Một ở trường phổ thông phải như thế nào?

Bao nhiêu năm nay, đã có ai trả lời rành rọt câu hỏi giản đơn ấy?

Nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm xin trình làng câu trả lời của mình: tổ chức cho học sinh đi lại con đường nhà văn đã đi và trẻ em sẽ giỏi văn. Cách làm như thế nào?

Đến nay đã sáu mươi kỳ một tờ báo mạng lớn đăng đều đặn những bài văn và những câu văn “chết cười” của học sinh. Khó có thể vui khi nhạo những lời văn đó. Người lớn không thấy đó chính là văn của mình à? Có ai thử trả lời câu hỏi này xem: CÁCH HỌC VĂN của trẻ em từ lớp Một ở trường phổ thông phải như thế nào?

Bao nhiêu năm nay, đã có ai trả lời rành rọt câu hỏi giản đơn ấy?

Nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm xin trình làng câu trả lời của mình: tổ chức cho học sinh đi lại con đường nhà văn đã đi và trẻ em sẽ giỏi văn. Cách làm như thế nào?

Nhà triết học… rồi nhà văn

Trong bộ sách Triết học cho người bắt đầu học Triết, mở đầu cuốn viết về Hegel, tác giả cho câu hỏi: “Nhìn người ngoài đường, bạn có đoán được ai là nhà triết học không?”

Dĩ nhiên là không rồi! Làm sao biết đúng những con người trong đầu đầy khái niệm cao siêu! Những người do mải mê suy tư, nên cũng coi nhẹ cái bề ngoài. Giáo sư Trần Đức Thảo là một thí dụ: ông không đi xe đắt tiền, ông đi xe đạp trẻ con Liên Xô, bà con gọi là “Pơ-giô con vịt”.

Vào những năm sắp Cách mạng Tháng tám 1945, cũng có vô số thanh niên Hà Nội là “nhà triết học”! Họ đi xem hoa hậu để quên thực tại. Họ đi chơi chợ phiên cũng để quên thực tại. Và để lẩn tránh trách nhiệm với lương tâm, họ “tự định nghĩa” mình là nhà triết học… qua dấu hiệu bề ngoài, là bộ tóc “phi-lô-dốp” để dài. Thế mà cũng có người yên tâm rằng bộ tóc triết học đó khiến họ thành nhà philosophe.

Những cậu ấm đó đăng ký thi tú tài phần 1, và khi đi hỏi vợ thì khai học vấn “trượt tú tài”. Trượt vài lần, cưới cô vợ giàu, nhà triết học nọ sẽ qua làm nhà văn.

Họ để tóc dài thêm, tập sống bê tha, có khi hút thuốc phiện để yên sĩ phi lý thuần. Có ai hỏi yên sĩ phi lý thuần là gì, các nhà văn đó sẽ nói đó là “tiếng nói thần linh mách bảo con người viết ra những áng văn tuyệt diệu”. Sau rồi vỡ nhẽ đó là cách người Tàu phiên âm tiếng Tây, kiểu Napoleon thành Nã-phá-luân, và inspiration thành yên sĩ phi lý thuần!  Chỉ có nghĩa “cảm hứng”, chỉ là inspiration thôi, giời đất ạ!

Cảm hứng

Ngay từ khi một nhà văn vào bàn ngồi viết văn, nhất thiết phải có cảm hứng. Nghèo đói, bố nghiện, mẹ không theo chuẩn mực đương thời, mười sáu tuổi, cảm hứng đã giục một Nguyên Hồng viết văn, để lại cho đời Những ngày thơ ấu muôn đời bất hủĐó chỉ là một ví dụ!

Nhưng cảm hứng là gì, cảm hứng quan trọng ra sao, và cảm hứng từ đâu tới?

Trong tác phẩm Cái đẹp, Hegel định nghĩa cảm hứng sáng tác như là “Hoạt động của tưởng tượng và nhu cầu thể hiện… , cả hai thứ tạo nên trạng thái tinh thần người nghệ sĩ…”.

Nhưng vì đâu mà có cảm hứng? Hegel không cho rằng cảm hứng sáng tác được tạo ra nhờ những kích thích vào cảm giác người nghệ sĩ (rượu và thuốc phiện chẳng hạn). Hegel dẫn lời Marmontel nói, trong hầm nhà ông có sáu ngàn chai rượu sâm banh, song ông chẳng vì thế mà có cảm hứng thi ca.

Hegel nói, nếu người nghệ sĩ tuân theo một thiên hướng sâu xa tưởng đâu như buộc anh ta phải bộc lộ, phải biểu đạt, thì đó là vì trước đó anh ta đã quan tâm vào một đối tượng và một nội dung xác định và bị gắn chặt vào đó.

Vậy trong đời người nghệ sĩ, họ quan tâm vào đối tượng và nội dung gì, và họ bị gắn chặt vào đó như thế nào?Nghĩ rằng, đối tượng đó và nội dung đó khó có thể nằm ngoài những nỗi đau của con người, hơn thế nữa, những nỗi đau gần như không chữa chạy nổi của người đời.

Một cuộc đời của người đời đâu đâu cũng đẫm nước mắt! Bạch Cư Dị “Nghe não ruột khác tay đàn trước / Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi / Lệ ai chan chứa hơn người? Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh“… Nam Cao nhìn rất rõ và vẽ lại “mắt lão Hạc ầng ậc nước”… Trong hơn ba ngàn câu Kiều, nào ai tìm được một câu vui khi nỗi đau rình rập liền ngay sau mỗi câu “vui”? Có lẽ Xuân Diệu đã “thống kê” gần đúng, “Trái đất ba phần tư nước mắt / đi như giọt lệ giữa không trung“. Sẽ đúng hơn nếu Xuân Diệu nói trái đất này là khối cầu nước mắt!

Chính cái lòng đồng cảm với nỗi đau nhân tình của người nghệ sĩ đã tạo cảm hứng cho họ muốn cất tiếng nói với niềm hy vọng làm vợi nỗi đau ấy. Đó là bước đi đầu tiên của người nghệ sĩ khi làm ra tác phẩm. Làm cách gì để trẻ em được đi lại con đường nhà văn đã đi khiến nhà văn có cảm hứng viết ra những Lão Hạc cùng Những ngày thơ ấu và cả Truyện Kiều cùng Tì Bà Hành? Trẻ em chưa từng gặp nỗi đau nên có khi đứng trước nỗi đau các em lại bật cười trước vẻ lạ thường của kẻ đang đau khổ. Giải pháp học văn lúc này nằm trong chủ đề đồng cảm.Ngay từ lớp Một, khi học Văn một cách chính thức mang tính trường quy, phải học để có lòng đồng cảm trước những thân phận con người. Cách học không qua giảng giải, mà học qua những trò chơi đóng vai.

Ở trường Mẫu giáo cũng có trò chơi đóng vai. Nhưng ở bậc học này, “đóng vai” và “chơi” nhằm giúp cơ bắp cứng cáp và hoàn thiện các giác quan: hết nói ngọng, mắt tinh, tai thính, nhanh nhẹn…  Từ lớp Một, trò chơi đóng vai đưa các em vào những thân phận người, những khổ đau, mất mát, hy vọng… Đó cũng chính là tâm trạng nhà văn, là nguồn gốc của cảm hứng sáng tác ở họ: khổ đau, mất mát, và hy vọng…

Hình tượng nghệ thuật

Cảm hứng buộc nhà văn ngồi vào bàn viết. Nhưng nhà văn viết gì? Trong đầu óc nhà văn, ông ta hoặc bà ta nghĩ gì? Hiểu điều cốt tủy này, nhà giáo sẽ tổ chức được việc trẻ em đi lại con đường nhà văn lúc này đang đi.

Lúc này, nhà văn tạo ra một hình tượng. Trên trang viết của nhà văn, hình tượng đó hiện lên qua những con chữ. Tương ứng như vậy, trên tảng đá sắp được đục đẽo, cũng hiện lên một hình tượng không bằng chữ, mà bằng đá. Cũng tương tự như vậy, dân gian Việt Nam sẽ có hình tượng Thị Màu, Nguyễn Du sẽ có cô Kiều, Cervantes sẽ cóDon Kihote, Victor Hugo sẽ có chàng Quasimodo và Jean Valjean bất hủ… Cũng tương tự như vậy, nhà điêu khắc Gustave Rodin sẽ có bức tượng Người suy tưởng, họa sĩ Delacroix sẽ có bức họa Tự do dắt dẫn nhân dânvà nhà tạc tượng Bartholdi sẽ có Nữ thần Tự do vẫy gọi loài người…

Công cụ để tạo ra một hình tượng đâu có phải là cây bút và tờ giấy, tảng đá và búa đục, tấm toan và bút vẽ với những hộp màu… Công cụ để tạo ra hình tượng nằm trong đầu người nghệ sĩ, Tâm lý học gọi tên công cụ mơ hồ đó là tưởng tượng. Tưởng tượng là một công việc làm thầm trong đầu người nghệ sĩ. Sản phẩm của tưởng tượng sẽ thành những trang viết, sẽ thành pho tượng, vở kịch, bức tranh… Còn đối với nhà sư phạm, sản phẩm của tưởng tượng chỉ cần là những hình tượng nằm trong đầu người học sinh bé bỏng.

Không ở đâu minh họa sáng tỏ hơn công việc nặng-mà-nhẹ khi dùng công cụ tưởng tượng để tổ chức cho trẻ em 6-7 tuổi tạo ra những sản phẩm của tượng tượng – một công việc hoàn toàn được trẻ em ưa thích và hưởng ứng với tất cả tâm hồn và năng lượng sáng tạo. Cặp đựng sách của trẻ em thậm chí có thể không có sách giáo khoa. Các em chỉ làm việc trong đầu, nhưng các sản phẩm thật nặng: những pho tượng, những bức tranh, con ngựa chở Don Kihote với gươm giáo và giáp sắt, cô Kiều hanh hao mảnh mai gầy guộc bên cạnh chàng Từ Hải lừng lững vai năm tấc rộng thân mười thước cao!

Và đó chính là nội dung sách học Văn lớp Hai của nhóm Cánh Buồm. Ở lớp này, các em học tưởng tượng. Các em đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi bằng cách làm lại thao tác tưởng tượng. Làm lại trong khi học thao tác tưởng tượng. Học lấy toàn bộ bếp núc của công cụ tưởng tượng. Đó cũng là điều mà một tác giả, ông giáo Giodani Rodari, gọi là phép tưởng tượng (imaginatique) – tương tự như đã có thi pháp, cú pháp,… thì bây giờ cótưởng tượng pháp.

Cần gì nữa để có ngữ pháp nghệ thuật?

Lòng đồng cảm là cái lõi của tình cảm Văn (và tình cảm nghệ thuật). Thao tác tưởng tượng là công cụ đầu tiên tạo thành yếu tố đầu tiên của ngữ pháp nghệ thuật. Thiếu tình cảm nghệ thuật thì ngữ pháp nghệ thuật thành vô hồn. Nhưng chỉ có tình cảm nghệ thuật thôi mà thiếu ngữ pháp nghệ thuật thì cũng như ai đó đầy thương cảm muốn cứu người chết đuối nhưng mình lại… không biết bơi.

Công cụ (thao tác) tưởng tượng là yếu tố quan trọng đầu tiên. Tiếp theo, còn thao tác liên tưởng và thao tác bố cục.

Người nghệ sĩ, nhà văn, khi tạo ra một hình tượng cũng đồng thời thổi một ý tưởng vào hình tượng đó. Công việc “thổi hồn vào” một hình tượng nằm trong tài năng tạo ra những liên tưởng của người nghệ sĩ. Tài năng của tác giả cao tay là ở chỗ tạo ra được nhiều liên tưởng. “Miệng ăn măng trúc măng mai / những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng… Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng“… Giáo sư Cao Huy Thuần mới đây trên Vietnamnet đã biện luận miên man chỉ vào một “con cá” đó, vào một con cá đang “vẫy vùng” đó, và vào cái con cá “nó” đang vẫy vùng trong miền liên tưởng đó…

Công việc của người nghệ sĩ từ một hình tượng mà gợi được ra và tạo được ra một ý và nhiều ý trong đầu người thưởng thức tác phẩm sẽ còn được nâng cao thêm nữa với thao tác thứ ba trong ngữ pháp nghệ thuật: bố cục.Trong bộ sách học Văn của nhóm Cánh Buồm, có khi dùng từ sắp xếp và có khi dùng từ bố cục. Khi nói sắp xếp, nó hàm nghĩa việc đang làm của chủ thể nghệ sĩ, nhà văn, hoặc của người học sinh đang làm lại công việc người đi trước tạo dáng cho tác phẩm. Còn bố cục sẽ mang tính tổng quát hơn, gồm cả công việc của người đang làm lẫn công việc của người đứng ngoài xem xét vào một tác phẩm.

Một dáng bố cục nào đó sẽ tạo ra một chủ đề chứa đựng một tư tưởng nào đó. Khi thay đổi cái dáng đó, trên tác phẩm đã đổi thay thêm bớt những tình tiết nhất định, người nghệ sĩ sẽ tạo ra một chủ đề khác chứa đựng một tư tưởng khác. Lấy Truyện Kiều làm thí dụ, ta sẽ thấy toàn bộ các chi tiết sắp xếp câu chuyện nàng Kiều khiến tư tưởng của câu chuyện đó có thể không giữ nguyên. Và đối với em học sinh, việc đi lại con đường người trước đã đi trong việc học thao tác sắp xếp này là thành phần cuối cùng các em chiếm lĩnh lấy một ngữ pháp nghệ thuật.

Kết luận gì?

Nếu cuộc đời đi học là tìm cách chiếm lĩnh một phương pháp học thì đối với môn Văn cái phương pháp đó nằm trong một ngữ pháp nghệ thuật. Tổ chức chiếm lĩnh ngữ pháp nghệ thuật xoay quanh cái lõi tình cảm nghệ thuật sẽ giúp cho việc học Văn ở nhà trường dễ dàng thực hiện qua các hành động tự học của học sinh.

Nhiều người sẽ thắc mắc rằng trong thực tiễn người nghệ sĩ thực hiện ngữ pháp nghệ thuật và cảm hứng nghệ thuật cùng một lúc, các thao tác tưởng tượng, liên tưởng, bố cục và cảm hứng sẽ nhòe vào nhau. Đúng thế, nhưng yêu cầu sư phạm đòi hỏi tách các thao tác ra thì mới tổ chức việc học được. Bất kỳ việc gì cũng làm như thế: học bơi, học nhảy cao, học lái xe… đều phải tách các thao tác ra để học lần lượt cho kỹ trước khi đúc các thao tác đó trong một việc làm.

Nhóm Cánh Buồm rất mong đường lối học văn này sẽ đi vào thực tiễn dạy học, không nhằm tạo ra những học sinh giỏi văn, mà nhằm tạo ra những con người dùng cái lõi ngữ pháp nghệ thuật đó để am tường về hoạt động nghệ thuật của con người – dĩ nhiên là ở mức độ phổ thông.

Phạm Toàn

Hà Nội, 8 tháng 12 năm 2011

Đăng Lao động cuối tuần số 2 từ 6-8 tháng 1-2012