“Người sông Mê” Châu Diên, bề ngoài hoàn toàn khác hẳn với trí tưởng tượng của nhiều người. Trẻ hơn nhiều so với tuổi 80, giọng nói sang sảng, phong thái hóm hỉnh, thâm thúy, con người thực ngoài đời của ông – nhà giáo Phạm Toàn – dường như bổ sung cho mặt khác của con người văn chương.

Ông là một người cực kỳ tâm huyết và năng nổ với việc cải cách giáo dục (CCGD). Hiện nay, ông đang cùng nhóm Cánh buồm soạn lại sách giáo khoa cho chương trình phổ thông theo cách mới hoàn toàn. Theo ông, đó là một cách “phản biện” lại những gì xã hội đang làm với giáo dục (GD), khởi đầu bằng việc làm cơ bản nhất – điều chỉnh lại tư duy viết sách giáo khoa vốn đang có vấn đề.

Không chỉ vậy, ông còn bận rộn với công việc dịch thuật và làm báo, thể hiện chính kiến của người trí thức có trách nhiệm và can đảm trước thời cuộc. Một ngày của ông luôn bận rộn: “Trang mạng mỗi ngày chiếm của tôi chừng 60 phút. Trong khi đó: Cánh buồm 480 phút, dịch và hiệu đính 120 phút, viết báo và làm thơ, viết truyện chừng 120 phút nữa”.

Phạm Toàn (Châu Diên)

Tên cha mẹ cho: Phạm Toàn. Năm sinh: Nhâm Thân (Khỉ vàng – 1932).

Dân Hà Nội gốc và học từ bé ở Hà Nội, 19.12.1946 đi bộ đội. Chính sách chuẩn bị tổng phản công (cuối 1951) cho phép đi học sư phạm cao đẳng. Được giải văn xuôi 1952 ở trường sư phạm, thẹn không ký tên thật, bạn bè xui ký Châu Diên, nhại phát âm tiếng Tàu là “Hút thuốc lá”.

Kiêm nghề soạn sách giáo khoa, nhưng thích viết văn. Được giải thưởng truyện ngắn (2 bận hạng nhì năm 1959 và khuyến khích năm 1962). Có 2 truyện ngắn cũ mới in lại trong “Toàn tập truyện ngắn VN thế kỷ 20”. Đã in 2 tập truyện ngắn: “Mái nhà ấm” (NXB Văn học, 1959) và “Con nhện vàng” (NXB Thanh niên, 1962).

Đi thực tế học tập người lao động ở đoàn địa chất 32 (từ 1962-1964), và nhà máy ximăng Hải Phòng (1964-1966). Trở lại hoàn toàn làm nghiên cứu “Giáo dục Tiểu học” từ 1967 cho đến… quá ngày về hưu tới tận hôm nay thì phải, vì vẫn rất mê một công cuộc cải cách GD đích thực. Viết nhiều sách giáo khoa thực nghiệm hệ thống phương pháp mới, và có chừng 100 bài báo (tiếng Việt, tiếng Pháp) về GD cả loại nghiên cứu lẫn loại phổ cập viết và công bố trong các năm từ 2001 đến nay.

Một thời gian dài 40 năm không chịu viết văn, khi “thèm” quá thì dịch: “Chín mươi ba” (V. Hugo), “Bay đêm” (Saint Exupéry), “Nhà tiên tri”, “Con trai của người”, “Vẻ đẹp đời” (Kh. Gibral), “Sư tử ” (J. Kessel), “Cô chủ quán” (K. Goldoni), “Ruồi” (J. P. Sartre), “Hoàng tử bé” (St-Exupery), “Năm 1914” (Johnson Eyvind – Nobel Văn học, Thụy Điển)… và rất nhiều thứ lặt vặt không nhớ hết. Dịch “Nền dân trị Mỹ”, (Alexis de Tocqueville), được giải thưởng Sách hay 2011. Hiệu đính “Tủ sách triết học cho thiếu nhi”, nhà xuất bản Tri thức (7 cuốn).

Tiếp tục viết văn trở lại năm 2003, “Người Sông Mê”, tiểu thuyết (2003 – in 2 lần), “73 chiếc cối đá”, Tập truyện ngắn, 2007, “Sấm trên núi”, Tập truyện ngắn. 2010…

Ông nói rằng lâu nay chúng ta chưa hiểu được trẻ con, bắt chúng học những điều không hề thích và không hiểu nổi. Làm thế nào để biến việc học của con trẻ thành hạnh phúc và là quá trình tự học để đi từ tư duy tiền khoa học đến tư duy khoa học, theo ông?

– Nói “lâu nay chúng ta chưa hiểu được trẻ con…”, là để “kể tội” nền GD phổ thông của VN, không nói bậc đại học, mặc dù cả GD đại học và GD phổ thông nước nhà đều đang trong cơn quẫn.

Nói chữ, gọi là khủng hoảng. Không một con người lành mạnh nào dám đứng ra bênh vực và cho rằng nền GD VN đang phát triển mạnh mẽ và đúng hướng. Chương trình CCGD có tên CT-2000 được áp dụng phổ cập từ năm 2002 hoặc 2004 gì đó, đến năm 2008 đã bị đưa lên bàn mổ và nhà chức trách đã kêu gọi “giảm tải” từ đó. Năm nay, Bộ GD lại kêu gọi “giảm tải sâu”.

Cuối tháng 11.2011, tôi vừa được dự một cuộc họp của Câu lạc bộ Tư duy GD của TPHCM bàn về chính công việc “giảm tải” đó. Câu lạc bộ gồm các giáo sư, các quan chức cao cấp của ngành GD, bộ trưởng và thứ trưởng cựu của ngành, hẳn không thể nghi ngờ tiếng nói của các vị đó! Cuộc họp nói gì? Họ nói đến chuyện “giảm tải” và họ giễu cợt chủ trương kỳ quặc đó.

Mục đích của nhóm Cánh buồm là viết bộ sách với những khái niệm GD đã thay đổi hoàn toàn. Nhóm Cánh buồm của ông mơ ước làm lại nhà trường để có được một nhà trường hiện đại “nghiên cứu và hiểu biết hành động học của trẻ em”. Điều này có gây xáo trộn lớn trong hệ thống như nhiều người nghĩ không, hay đây thực sự là một cuộc thay máu dần dần?

– Muốn cứu vãn nền GD hiện thời, làm như nhóm Cánh buồm chỉ là một việc trong nhiều việc quan trọng. Có ba việc còn quan trọng hơn!

Một là, phải có lộ trình cho trẻ em đi học không mất tiền. Hai là, phải có lộ trình nâng cao đời sống vật chất cho toàn thể giáo viên. Ba là, phải có một tư tưởng giáo dục mới để Việt Nam có thể sống xứng đáng với thời đại. Ba điều này không thuộc các nhà giáo.

Về phía những nghiên cứu GD, chúng ta chỉ còn phải tập trung vào việc tìm ra cách học của trẻ em thời đại ngày nay để tổ chức lại cách dạy học mới. Chúng tôi chủ trương bước đầu tiên là soạn lại sách giáo khoa. Đó là cách phản biện tốt nhất: Phản biện bằng việc làm, tạo ra một công việc tích cực để chống tiêu cực, một công việc để các chuyên gia cũng như những người ngoại đạo thấy ngay cuộc cải cách giáo dục có hình thù thế nào.

Mẫu người hiện đại mà nhóm Cánh buồm muốn kiến tạo sẽ như thế nào? Liệu họ có thể “sống sót” trong một nền tảng xã hội như hiện tại?

– Đó là kiểu con người tự chủ. Những con người tự chủ đó lại phải có năng lực để sống có trách nhiệm. Những con người tự chủ và trách nhiệm đó lại không thể sống như những con rôbốt kỹ thuật chủ nghĩa. Đó sẽ phải là những con người có tâm hồn phong phú. Tâm hồn phong phú là nguồn năng lượng “đốt trong” để những con người tự chủ và trách nhiệm đó tình nguyện dấn thân cho cái lý tưởng họ tự chọn.

Dự kiến xóa bậc tiểu học, thay vào đó là bậc phổ thông cơ sở 10 năm, tạo điều kiện cho học sinh tự lựa chọn, hoặc vào đời hoặc học lên phổ thông hướng nghiệp, hoặc học phổ thông chuyên khoa để lên đại học, liệu có “đi tắt”, rút ngắn thời gian “trồng người” không, thưa ông?

– Xin nói rõ để khỏi hiểu lầm. Khi nhóm Cánh buồm ra đời, nó có nhu cầu cần một định hướng. Thế là tôi phải viết ra bản hướng dẫn cho các thành viên trong nhóm. Nào ngờ, bản định hướng đó lại thành một đề án mang tinh thần một cuộc CCGD. Tháng 3 năm 2010, tôi được vinh dự trình bày đề án đó trước ông phó ban Tuyên giáo Trung ương.

Trước khi kết thúc báo cáo, tôi nói: “Nếu chúng ta bắt đầu một cuộc CCGD thực sự ngay bây giờ, thì hy vọng trong vòng 50 năm tới 70 năm nữa sẽ chữa được nền GD rệu rã hiện nay”. Ông Phó ban Tuyên giáo hỏi lại “Thật vậy à, anh?”. Tôi chỉ vào GS Hồ Ngọc Đại khi đó ngồi bên cạnh ông, và nói: “Kia có anh Đại, anh ấy làm gần 40 năm, công trình lan ra 43 tỉnh, nhưng họ xóa cái rụp, bây giờ làm lại, mất bao nhiêu năm để đuổi kịp cái đã có?”

Thế là ông Phó ban Tuyên giáo quyết định tuần tiếp theo mời anh Hồ Ngọc Đại báo cáo ý tưởng CCGD của anh. Tiếp đó là GS Lê Ngọc Trà, GS Hoàng Tụy…

Trong báo cáo của tôi có nói cả việc thay hệ thống GD. Đó không phải là “đi tắt”, mà đó là xác định nhiệm vụ các bậc học. Nền GD hiện nay cứ học lu bù không biết học bao giờ thì xong. Và hoàn toàn không phân hóa người học, chỉ biết dồn ùn ùn vào đại học… chẳng ra làm sao cả!

Lâu nay, việc đào tạo học sinh ở trường phổ thông chủ yếu là học lệch, chú trọng các môn khoa học tự nhiên mà hoàn toàn bỏ quên khoa học xã hội. Kết quả là có những thế hệ “ngọng” tiếng mẹ đẻ, “ngọng” văn chương. Bằng phương pháp dạy văn không phải dạy văn chương, mà là dạy cách biết đồng cảm, cách nắm vững ngữ pháp nghệ thuật, ông có tin rằng bấy nhiêu đó đủ để giáo dưỡng tâm hồn con người hay chưa?

– Vừa rồi, tôi có tiếp xúc với các giáo sư ở TPHCM. Với ai tôi cũng đặt một câu hỏi: “Đường lối dạy văn của nền GD hiện thời là gì? Tại sao lại có chủ trương “học văn kiểu đọc-hiểu?”. Nói chung, không vị nào giải thích nổi cho tôi đường lối dạy văn hiện nay ở VN là gì, và đi đâu cũng đều nhận được tiếng cười nhạo cái “đường lối” đọc-hiểu đó.

Với nhóm Cánh buồm thì khác. Chúng tôi có đường lối dạy văn cụ thể. Chúng tôi có thể trả lời bằng một từ, bằng một câu, bằng một bài viết, bằng một cuốn sách.

Trả lời chuyện đường lối dạy văn bằng một từ: học ngữ pháp nghệ thuật. Bằng một câu: dạy văn là dùng vật liệu văn để dạy cái mẫu về giáo dục nghệ thuật phổ thông. Bằng một bài báo: bài “Sao lại dạy văn?” công bố trên báo Văn nghệ từ năm 1986. Bằng một cuốn sách “Công nghệ dạy Văn” (NXB Đại học quốc gia, in lần đầu, năm 2000).

Toàn bộ con đường học nghệ thuật của trẻ em diễn ra theo cách đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi khi làm ra tác phẩm nghệ thuật.

Phương pháp dạy lối sống của các ông dựa trên quan điểm hướng tới sự đồng thuận, dạy những điều ai cũng cần, đó là cách sống với cộng đồng, đồng cảm với mọi nỗi đau, niềm vui của con người. Thiếu một nền GD gắn với lòng trắc ẩn, hậu quả sẽ là nhen mầm bạo lực trong xã hội, phải vậy không thưa ông?

– Nguồn gốc của bạo lực xã hội thì có nhiều. Nhưng nguồn gốc sâu xa là tâm lý thất vọng của con người. Chúng tôi hy vọng dùng GD để mọi người có một cuộc sống đồng thuận, biết phát hiện và giải quyết xung đột, biết chung sống có trách nhiệm với nhau. Dĩ nhiên, đó mới là phần đóng góp của nhà trường. Nhưng hãy cứ hy vọng như thế đã. Hãy có một đường lối đạo lý chung đã. Ít ra thì chúng tôi cũng có một hướng đi đạo lý cho con trẻ.

Xã hội là thử nghiệm lớn nhất của CCGD, tuy nhiên cái khó là đôi khi xã hội không chịu thử nghiệm cái mới, cái đúng, mà chỉ thích dùng cái đã có, dù không chuẩn, không hợp với mình. Ông nghĩ sao nếu mô hình GD của ông không được ứng dụng, hay chỉ có 1-2 mảnh đất trường học để ươm mầm mà thôi?

– Chúng tôi trông chờ sự thông minh, sự am hiểu và tinh thần trách nhiệm của những ai chịu trách nhiệm trước dân tộc. Trong khi chờ đợi, từng gia đình cứ dùng sách của chúng tôi. Nếu các gia đình đều dùng sách của nhóm Cánh buồm, thì cũng tương đương như có cơ quan nào đó ban hành lệnh dùng sách đó.

Ông từng nói: “Một dân tộc tự trọng, cái gì cũng có thể giống Tây, cái gì cũng có thể mua được, trừ hai thứ: Văn hóa và giáo dục”. Chúng ta đã có thời gian dài sao chép các mô hình GD ở một số nước, giờ làm sao có thể xóa đi hệ thống đó vốn ăn sâu vào máu nhiều thế hệ? Chúng ta có một nền văn hóa bị đứt đoạn, mà hậu quả của nó chính là sự tha hóa sâu sắc đang diễn ra ở những giai đoạn khủng hoảng về GD. Đâu là lối ra cho một nền “văn hóa mê muội” (chữ của Phạm Toàn), theo ông?

– Có ít nhất hai cách tạo lối thoát. Một cách là những thay đổi nhì nhằng. Một cách là những thay đổi triệt để. Muốn thay đổi triệt để, thì phải cư xử cho đúng khái niệm. Khái niệm GD liên quan đến sự khai sáng triệt để. Phải tránh cho GD những công việc phục vụ ngắn hạn. Vì mục đích trăm năm ngàn năm, phải trồng người là có ý nghĩa đó. Làm GD không được thiển cận! Trong mọi địa hạt đều có thể chấp nhận sự thiển cận và chữa chạy dần. Riêng với GD thì không được phép thiển cận.

Đã 80 tuổi vẫn lao vào viết lại bộ sách giáo khoa, ông có bao giờ nghĩ, việc đó nên dành cho người trẻ hơn?

– Tôi có ngăn cản ai đâu? Nhưng hãy xem những người “trẻ hơn” đã làm gì? Họ làm gì để đến nỗi cuộc CCGD đương thời phải “giảm tải”? Ngay cái chủ trương giảm tải từ những người dưới tám mươi tuổi đưa ra đủ cho thấy ta có thể hy vọng gì ở những người “trẻ hơn”! Tôi đang “khiêu khích” họ đấy. Tôi mong họ sẽ làm những cuốn sách giáo khoa tốt hơn của Cánh buồm.

– Xin cảm ơn ông!

NHật Lệ

Lao động cuối tuần, 16/12/2012.