Môn Văn (môn Giáo dục Nghệ thuật) trong chương trình

Giáo dục Hiện đại của Nhóm Cánh Buồm

Báo cáo tại “Hội thảo Tự học – Tự giáo dục”

L’Espace Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – 3-10-2011

                                                                                                ThS. Nguyễn Thị Thanh Hải

Trong chương trình Giáo dục Hiện đại của Nhóm Cánh Buồm có môn học Giáo dục Nghệ thuật. Môn Giáo dục Nghệ thuật là tên gọi mới, lâu dần rồi sẽ thay thế tên gọi cũ. Nhưng nay trong bước đầu, do cần có thời gian để tâm lý xã hội được làm quen dần, nên chúng tôi vẫn tạm gọi như cũ, do đó tên sách vẫn là sách học Văn.


Tại sao cần thay đổi như vậy? Lý do chính là như sau: cách dạy Văn lối cũ mắc sai lầm cơ bản lẫn lộn giữa đối tượng Ngữ và Văn, cùng với cách dạy áp đặt cảm xúc của giáo viên lên học sinh dẫn đến người học nhại lại cảm xúc của người dạy. Để sửa chữa sự lẫn lộn giữa Ngữ và Văn, một mặt, cần đối xử ngôn ngữ học với vật liệu và hiện tượng tiếng Việt; mặt khác, văn chương – nghệ thuật tuy dùng tiếng Việt để chuyển tải, nhưng đối tượng của môn học này là nghệ thuật. Sửa chữa sự lẫn lộn đó sẽ giúp giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học, làm cho môn Văn thành môn học được yêu thích trong nhà trường phổ thông.

Chương trình Giáo dục Nghệ thuật của Cánh Buồm như thế nào ? Giáo dục nghệ thuật cho trẻ em phải được tiến hành ngay từ lớp 1, ngay từ lúc trẻ em bắt đầu hưởng thụ  nền giáo dục phổ thông. Cấu trúc chương trình được biểu diễn bằng ba vòng tròn đồng tâm dưới đây, trong đó:

1. Nhân lõi của năng lực nghệ thuật là lòng ĐỒNG CẢM – một tình cảm nghệ thuật đặc trưng của con người.

2. Học sinh mang cái tình người (đồng cảm) đó đi chiếm  lĩnh một NGỮ PHÁP NGHỆ THUẬT tạo thành nởi các thao tác  TƯỞNG TƯỢNG, LIÊN TƯỞNG và BỐ CỤC.

3. Với tình cảm nghệ thuật và ngữ pháp nghệ thuật đó, học sinh đến với các loại hình hoạt động nghệ thuật của con người.

Như vậy, suy cho cùng, Giáo dục nghệ thuật chính là giáo dục tư duy và tình cảm nghệ thuật.

Công việc Giáo dục Nghệ thuật được tiến hành theo quy trình như sau : Lớp 1: Đồng cảm  – Lớp 2: Tưởng tượng – Lớp 3: Liên tưởng – Lớp 4: Bố cục – Lớp 5: Các loại hình nghệ thuật.  

Theo trình tự đó, chương trình học được thiết kế cho từng lớp như sau :

Lớp một : Tạo đồng cảm. Ở đây không phải là đồng cảm đạo đức học (chẳng hạn như làm từ thiện) mà là đồng cảm mỹ học, một thứ động cơ tâm lý tạo ra năng lượng trong con người. Năng lượng trong tự nhiên được tạo ra bởi lửa, nước, gió, vv… Năng lượng của cảm xúc tự sinh nhờ những rung động mỹ cảm và thúc đẩy con người sống, chiến đấu vì những lý tưởng cao đẹp.

Trong sách Văn lớp 1 có các tình huống tạo ĐỒNG CẢM khác nhau: với người lao động lam lũ – với con người trong chiến tranh – với con người trong thảm họa thiên nhiên …

Trên đây là một hình ảnh minh họa trong một trang sách học Văn lớp một nhằm tạo đồng cảm với trẻ em đi cầu khỉ để đến trường. Sách Văn lớp Một của Cánh Buồm có những đoạn kịch ngắn gợi ý cho các em thể hiện khi thì nỗi sợ hãi đi cầu khỉ – khi thì niềm vui trong gian nan đi cầu khỉ – và cũng có cả mơ ước cuộc sống hết cầu khỉ…

Lên lớp hai, các em học thao tác tưởng tượng. Tưởng tượng là thao tác học văn cơ bản tạo thành ngữ pháp nghệ thuật.

Tạo năng lực tưởng tượng cho học sinh không qua giảng giải, mà qua hoạt động của bản thân học sinh để tạo ra cho chính các em khái niêm và năng lực tưởng tượng.

Sách văn Cánh Buồm tổ chức cho học sinh làm ra khái niệm tưởng tượng để các em đi tới kết luận: Tưởng tượng là làm việc thầm trong đầu.

Dĩ nhiên, làm thì có sản phẩm, tưởng tượng tạo ra sản phẩm là những thao tác và những hình tượng trong đầu (thao tác gánh củi, bế em, thả diều, chăn trâu, cắt cỏ … hình tượng cô KiềuTừ Hảingôi làng thân yêu, cả chàngDon Kihote nữa …). Đây là một thí dụ minh họa tiết học đầu tiên về khái niệm tưởng tượng: Cô giáo yêu cầu học sinh đi hái hoa về cắm ở bàn, nhưng không “đi” như thật, mà ngồi yên, nhắm mắt lại, nghĩ tới việc mình sẽ đi đâu, mình sẽ gặp những ai, hái hoa gì… Sau mấy phút tưởng tượng đó, các em mở mắt ra và kể lại toàn bộ câu chuyện hái hoa trong tưởng tượng của mình. Tiết học diễn ra hoàn toàn không phải giảng giải, em nào cũng được tưởng tượng và quả thật em nào cũng tưởng tượng thấy mình mang hoa về cho cô giáo.

Lên lớp ba, các em đã biết cách tạo ra hình tượng trong đầu, chương trình giúp các em bước sang yếu tố thứ 2 của ngữ pháp nghệ thuật, đó là liên tưởng.

Liên tưởng là gì ? Nhìn thấy cái mũ bảo hiểm, nhớ đến cha mình đang đội mũ lao động trên công trường, đó là LIÊN TƯỞNG. Đó là thí dụ về sự thay thế một hình tượng này bằng một hình tượng khác và nhờ đó mà một hình tượng mang được một ý nghĩa nào đó.


Bức hình trên là một hình tượng. Hình tượng này sẽ đi vào trong đầu người học. Hình tượng này sẽ tạo ra liên tưởng gì? Mẹ và con – tình yêu – hạnh phúc – tổ ấm …

Tùy theo tưởng tượng và liên tưởng của từng học sinh mà có những ý khác nhau. Cách học Văn của Cánh Buồm bảo đảm thao tác chung và tính cách riêng của từng học sinh. Phụ huynh không lo con mình phải học thuộc những bài văn mẫu (với năng lực cảm thụ nghệ thuật cao nhất là trình độ của cô giáo).

Từ những liên tưởng, các em sẽ tìm ra ý của tác phẩm. Chẳng hạn, từ hình tượng Gióng tìm ra ý về lòng yêu nước, ý về thái độ giữ nước, ý về tinh thần tự do, hiệp sĩ, cao thượng của người chiến sĩ bảo vệ tổ quốc…

Lên lớp bốn, các em học về thao tác sắp xếp để tạo ra một bố cục cho tác phẩm. Khi nói tới khái niệm bố cục, đó là một kết quả tĩnh, một sản phẩm cuối cùng nhìn từ bên ngoài vào một tác phẩm. Cách học “văn” để tạo năng lực nghệ thuật nhấn mạnh vào việc làm ra tác phẩm, đó là lý do khiến chúng tôi chọn dùng chữ sắp xếp.

Công việc sắp xếp để có một bố cục sẽ tạo ra một chủ đề trong đó chứa đựng một tư tưởng. Khi sắp xếp cái bố cục đó, người nghệ sĩ (và nay là học sinh) phải tuân thủ những luật lệ chặt chẽ, không tùy tiện. Khi sắp xếp để tác phẩm thay đổi thì chủ đề cũng thay đổi và do đó tư tưởng tác phẩm cũng thay đổi theo.  Thí dụ rõ nhất là ở Truyện Kiều, bố cục cho Từ Hải nghe lời Kiều đầu hàng triều đình và chết đứng giữa trận tiền mang chủ đề gì và chứa tư tưởng gì, chúng ta đều biết!

Đây là một thí dụ trong sách Văn lớp bốn về việc học sinh tự làm công việc sắp xếp, tạo ra bố cục. Chúng ta cho các em những chiếc nón này:

Các em tự sắp xếp (bố cục) sao cho có câu chuyện thí dụ như về đứa con xa … về sự mất mát … về sự lãng quên … về sự bất đồng … và nhiều tình cảm khác nữa, toàn bộ công việc đều do các em học sinh bàn nhau tự làm. Như vậy thấy rõ là chẳng cần giảng giải gì nữa, chẳng thể nào dạy thêm học thêm gì nữa, và nhà trường sẽ có niềm vui học văn!

Qua việc giới thiệu sơ lược nội dung và cách họcVăn từ lớp Một đến lớp Bốn (theo những cuốn sách giáo khoa công bố năm nay, 2011), xin được tạm chốt lại một kết luận như sau về con đường giáo dục nghệ thuật theo quan điểm của nhóm Cánh Buồm. Đó là con đường làm lại những cảm xúc mà người nghệ sĩ đã có trong tâm tình và và những thao tác người nghệ sĩ đã tiến hành để có một tác phẩm nghệ thuật cho mình và cho đời.