Tổ chức cho học sinh ĐI LẠI CON ĐƯỜNG NHÀ NGÔN NGỮ HỌC ĐÃ ĐI

Hay là học Tiếng Việt – Ngôn ngữ học

Báo cáo tại “Hội thảo Tự học – Tự giáo dục”
L’Espace Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – 3-10-2011

ThS. Đinh Phương Thảo

Tại sao chương trình học và sách giáo khoa chính thống lại bị kêu là “nặng” và được hướng dẫn giảm tải từ năm 2008 (bốn năm sau khi chính thức vào đời) và mới đây nhất là chỉ thị phải “giảm tải sâu” ?

Nếu lấy môn Tiếng Việt trong chương trình đó ra làm mẫu phân tích, ta sẽ thấy mấy nguyên nhân sau:

(1) Không một tác giả nào, kể cả tổng chủ biên, đưa ra một tuyên ngôn về đường lối dạy tiếng Việt ;

(2) Sách giáo khoa tiếng Việt lớp Một (vẫn gọi là sách e-bờ) sau một thời gian bị kêu, đã kịp chỉnh sửa cho có phần giống như sách tiếng Việt lớp 1 Hồ Ngọc Đại, do đó đã dễ thực hiện hơn; nhưng từ sách Tiếng Việt lớp Hai trở đi, toàn bộ là một mớ hỗn độn những công việc không có hướng đi, không biết khi nào kết thúc ;

(3) Không một giáo viên nào (và cả tác giả) có thể nói rõ trong bộ sách tiếng Việt “đương chức” học sinh theo phương pháp gì để đến được với những khái niệm ngôn ngữ học nào.

* * *


Học sinh đang thực hiện thao tác tách câu thành tiếng và ghi lại

Môn Tiếng Việt, theo đề án của nhóm Cánh Buồm, có hướng đi như sau:

(1)  Đó là một môn khoa học – trẻ em phải dùng vật liệu tiếng Việt để đến với những khái niệm ngôn ngữ học để phát triển năng lực ngôn ngữ tự nhiên có từ trước khi đi học của mình trên cơ sở những khái niệm khoa học (ngôn ngữ học) ;

(2)  Quy trình học tiếng VIệt của trẻ em phải có hạn định để cả người dạy và người học đều thấy rõ giới hạn chiếm lĩnh những hiểu biết ngôn ngữ vốn mênh mông hơn cả trời bể ;

(3)  Thực hiện việc học tiếng Việt – Ngôn ngữ học không qua giảng giải nhồi nhét, mà thông qua những việc làmdo giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện ngay trong tiết học – thậm chí, một cách cực đoan, còn có thể giao cho học sinh tự ra bài tập, tự ghi vở, tóm lại là tự học và tự giáo dục.

Chúng tôi sẽ diễn giải dần dần ba điều vừa nói một cách vắn tắt.

Trước hết, tại sao coi việc học tiếng Việt ngay từ tiết học đầu tiên của lớp Một phổ thông là học một môn khoa học ?

Trẻ lên ba cả nhà tập nói – ngay từ giai đoạn trẻ lên ba này, cả gia đình đã nhiều phen vô cùng ngạc nhiên với cách nói năng của con em. Các nhà ngộn ngữ học đều nhận xét giống nhau: chúng ta ghi lại được những điều trẻ em nói ra nhưng chúng ta không thể nào biết trẻ em nghe được và bắt chước được những gì. Kết quả của sự “học lỏm” đó – nói một cách khoa học : học bằng kinh nghiệm – dẫn tới năng lực sử dụng ngôn ngữ khá thuần thục khi các em đủ sáu tuổi bắt đầu cuộc đời học đường.

Khó có ai bác bẻ được điều này : trẻ em 5-6 tuổi đã có những khả năng sử dụng tiếng Việt như sau :
–  Phát âm rành rọt. 
–  Hiểu đúng lời người khác nói và cũng nói ra đủ ý đúng ý để người khác không hiểu sai ý mình. 
–  Cá biệt, nhiều em có vốn từ rất phong phú.

Thế nhưng, những khả năng ngôn ngữ đó hoàn toàn mang tính chất kinh nghiệm.

–  Các em nói được tiếng Việt, phát âm rành rọt nhưng các em không biết cách ghi lại được cái tiếng nói đó. Người biết đọc và viết rồi sẽ nói các em vẫn còn mù chữ.  Vậy là, công việc thứ nhất khi đến trường là các em phải học ngữ âm tiếng Việt, để sau vài ba tháng, dăm sáu tháng, các em sẽ tự ghi lại được tiếng Việt (và nhờ đó mà tự đọc được tiếng Việt) – cách thức các nhà ngôn ngữ học hồi thế kỷ thứ 17 đến Việt Nam phải mất thời gian 20 năm để tìm ra cách ghi lại được tiếng Việt như chúng ta đang dùng hôm nay.

–  Các em nói được tiếng Việt, các em biết nhiều, thậm chí rất nhiều từ tiếng Việt, nhưng mới là mớ từ ngữ lộn xộn đó (không khoa học), được thu thập nhờ kinh nghiệm, nhờ “năng nhặt chặt bị”. Học từ ngữ ở trường phổ thông không thể tiến hành theo lối “năng nhặt” ấy nữa –  Công việc đó cần phải được tiến hành theo lối khoa học. Đó là lý do vì sao sau giai đoạn ngữ âm học, các em cần nghiên cứu từ vựng học tiếng Việt. Mục đích của việc học này là giúp trẻ em tự mình tìm ra cách cấu tạo từ ngữ tiếng Việt. Trong lịch sử nghiên cứu tiếng Việt, nó tương ứng với giai đoạn các nhà ngôn ngữ học tạo ra sách chẳng hạn như Từ điển Việt-Bồ-La và các từ điển khác còn tiếp nối ra đời của Huỳnh Tịnh Của, Đào Duy Anh, Đào Văn Tập, Đào Đăng Vĩ…   

–  Các em đã nói thành câu nên thông điệp gửi đi đã có người nhận mà không bị hiểu sai – đối lại, các em cũng nhận được các thông điệp không sai từ đối tượng giao tiếp. Nhưng các em hoàn toàn không có ý thức gì về cấu trúc cú pháp,về cấu trúc lô-gich của những phát ngôn kia. Bởi vậy, khi tiếp tục học tiếng Việt một cách ngôn ngữ học – là điều nhóm Cánh Buồm đưa ra cho các em ở lớp Ba – đó là nội dung khoa học của hiện tượng câu lời nói. Làm gì trong một năm học xử lý cái điều xưa nay vẫn bị giỡn là phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam – đó chính là mối quan tâm và cách xử lý của sách Tiếng Việt lớp Ba, nhóm Cánh Buồm. Tại đây, công việc sẽ không là những trò luyện câu kéo dài thời kỳ tư duy kinh nghiệm của trẻ em. Cú pháp và Lô gích cú pháp sẽ là nội dung nhóm Cánh Buồm dành cho các nhà ngôn ngữ học trẻ tuổi học sinh l ớp Ba !

– Lên lớp Bốn, nhóm Cánh Buồm tổ chức dạy các em cái điều xưa nay nhà trường hoàn toàn không dạy vì không biết cách dạy : làm cách gì tạo ra một đoạn văn, làm cách gì có được ý để tạo ra đoạn văn, và làm cách gì để chuyển từ khả năng làm ra một đoạn văn thành khả năng làm ra một bài văn.

Nói một cách sơ lược, đó chính là con đường học ngôn ngữ theo cách mô phỏng lại (làm lại, đi lại) con đường nhà ngôn ngữ học đã đi khi họ nghiên cứu tiếng Việt.

Ta hãy thử phân tích trường hợp các nhà ngũ âm học hồi thế kỷ 17 khi họ đặt chân tới Việt Nam bắt đầu nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt.

Công việc của họ khi đó là ghi lại tiếng Việt chứ không phải là đọc tiếng Việt (đã có gì mà đọc ?) Các em học sinh bắt đầu học lớp Một cũng thế : tuy có sách đấy, nhưng các em đã đọc được đâu ?

Lúc này nhà trường có hai lựa chọn, mà lựa chọn thứ nhất là dạy các em học đọc như bao năm qua chúng ta đã làm : a bê xê (thời Tản Đà, Nguyễn Văn Ngọc), I tờ (thời Truyền bá chữ quốc ngữ và thời sau Cách mạng tháng Tám 1945),  O cờ (cải cách năm 1980) rồi sau đó là E bờ (Chương trình năm 2000, hiện đang được chỉ thị “giảm tải”).  Toàn bộ các cách dạy này đều dựa trên trí nhớ máy móc của học sinh.

Ta còn có lựa chọn thứ hai : tổ chức cho trẻ em tự tiến hành các thao tác phân tích ngữ âm học để tự các em ghi lại tiếng Việt do đó mà tự mình biết đọc. Con đường thứ hai này các nhà ngôn ngữ học đã làm. Họ nghe và họ ghi lại các câu lời nói. Họ thấy câu nào cũng tíu-ta-tíu-tít-ríu-ra-ríu-rít-soắn-suýt vào nhau. Mới đầu, theo kinh nghiệm, các nhà ngôn ngữ học phương Tây đó đã nghĩ rằng tiếng Việt cũng như tiếng Pháp hoặc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, cũng đa âm tiết. Một thời gian dài về sau, họ mới nhận ra rằng tiếng Việt là đơn âm tiết. Thời gian để họ nhận thức tính đơn âm tiết của tiếng Việt (có thể kéo dài non chục năm) sẽ được tiến hành trong các giờ học cho trẻ em lớp một như sau :

BƯỚC 1

Các em nói những câu nói bất kỳ (tự nhiên như đang vui chơi đầu năm học với cô giáo):

–  Em chào cô.

–  Cháu chào bà ở nhà cháu đi học ạ.

–  Con chào mẹ con đi học.

–  Bố đi làm nhé, con đi học đây.

–  Chào ấy, mình cùng lớp với ấy, tên ấy là gì nhờ?

Cô giáo cùng các em chọn lấy một câu để phân tích, và lấy những quân nhựa, hòn sỏi, que diêm … ghi lại, và sẽ được kết quả nghiên cứu ngôn ngữ học như sau:

(“Đọc” lại để kiểm tra xem mình ghi có đủ số tiếng không – chứ chưa cần “đọc” những tiếng đó ghi bằng chữ quy ước – việc đó không xa …)

BƯỚC 2

Tìm âm giống nhau và âm khác nhau.

Đã là nhà ngôn ngữ học thì phải làm việc với âm thanh ngôn ngữ. Các nhà ngôn ngữ học hồi thế kỷ 17 cũng từng làm như thế. Bây giờ chỉ qua phát âm các em sẽ thấy trong câu nói trên có những tiếng phát ra giống nhau (hai lần phát ra tiếng [cháu] trong câu).  Tiếng Việt đầy rẫy những lời như thế để mà luyện tập thật vui: Chiều chiều lại nhớ chiều chiều … Sông Mơ sông Mận sông Đào … Đường vô xứ Huế quanh quanh … Xin lưu ý: đây không phải là học Văn, cũng không là Ngữ-Văn, đây chỉ là ngữ âm học.

Tìm tiếng khác nhau tiếp theo mới là mục đích ngữ âm học. Lặp lại điều khác nhau khó nhất của tiếng Việt, mặc dù bề ngoài có vẻ như khác nhau ít nhất, đó là các thanh. Linh mục Đỗ Quang Chính kể là có lần nhà ngôn ngữ học kiêm thày tu ra lệnh chặt tre (chém tre) về làm công việc gì đó, đã phát âm thành chén trẻ (thanh hỏi) khiến cả làng sơ tán vắng tanh! Cũng linh mục Đỗ Quang Chính nói lại trường hợp một cha dặn ông bõ cho ăn cá (thanh sắc) và đã được ông bõ mang ở chợ về cả một thúng cà (thanh huyền).

Việc luyện tập đi tìm cái khác nhau về ngữ âm sẽ được tiếp tục để phân tích  ở các bước làm sau.

BƯỚC 3

Tìm hai phần khác nhau trong cùng một tiếng thanh ngang bất kỳ, thỏa mãn mô hình đâu tiên:

Một tiếng nguyên (ba, nhung, minh, tương, lan, mai … )

(Chú thích cho bạn đọc chưa quen : chữ viết trong móc [ … ] chỉ là “âm” thôi).

Từ đó, sang phân tích  ở các bước tiếp

BƯỚC 4

Tiếng có phần vần chỉ là một nguyên âm là âm chính

          

BƯỚC 5

Tiếng có phần vần chỉ là một âm đệm và một âm chính

         

BƯỚC 6

Tiếng có phần vần không có âm đệm. chỉ có một âm chính và một âm cuối

         

BƯỚC 7

Tiếng có phần vần đủ cả âm đệm. âm chính và âm cuối

        

Khi học tới đây, chắc chắn về ngữ âm học tiếng Việt sẽ không còn gì để học thêm nữa – học sinh biết chắc mình đã  xong một nhiệm vụ học tập. Dĩ nhiên ngưofi dạy cũng xong một nhiệm vụ tổ chức việc học của con em.

Bạn đọc hiểu nghề sẽ thấy ngay, để cho báo cáo tập trung vào chủ đề chính, chúng tôi đã tỉnh lược một đôi việc thuộc bếp núc nghề dạy học ở đây (sẽ trình bày ở những báo cáo khác). Vì ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh điều này: nếu như nhà khoa học đi trước phải tự mò mẫm hết hai chục năm (từ 1620 đến 1640 ?) mới “chế tạo xong” bộ chữ ghi tiếng Việt, thì học sinh thời hiện đại nhờ công sức của nhà sư phạm hiện đại sẽ “làm lại” công việc của “người xưa” chỉ trong vài ba tháng, lâu nhất là dăm bảy tháng.