Chuyện học sinh có nhiều điểm kém và rất kém môn Lịch Sử không phải năm nay mới bộc lộ. Nhưng chỉ vì năm nay có ý kiến cho rằng sự kém cỏi đó là “chuyện bình thường” nên mới ồn ào sinh chuyện.

Thực ra ý kiến này không mấy sai trái: đúng là cả thế giới này lúng túng chuyện dạy Sử ấy mà! Thì ta hãy nghe thử Charles Chaplin (ông vua Hề Charlot) nói và không chỉ nói về chuyện dạy Lịch sử và học lịch sử:

Giờ đây, nhà trường với tôi là đoạn khởi đầu của những chân trời mới: lịch sử, thơ ca và khoa học. Nhưng nhiều đề tài lại dung tục và ngớ ngẩn, đặc biệt là môn số học: món cộng và trừ gợi ra hình ảnh một anh viên chức và một anh giữ két, còn công dụng tốt nhất của số học có lẽ là để không bị trả nhầm tiền lẻ.

Lịch sử thì là một bộ lưu trữ tính ác và bạo lực, một sự liên tục các cảnh bầy tôi giết vua còn vua thì giết hoàng hậu, giết anh em con cháu; địa lý thì chỉ những bản đồ là bản đồ; thơ ca thì chẳng có gì hơn là công việc rèn trí nhớ. Nền giáo dục đã làm tôi hoang mang, vì các kiến thức và các sự kiện là những thứ tôi thật ít quan tâm.

Giả sử như có một ai đó đã […] cho tôi một bài mở đầu cho mỗi điều phải học để kích thích trí tuệ tôi, để phả vào hồn tôi cái thần kỳ thay vì chỉ có các sự kiện, đã làm tôi thú vị và cảm thấy mình nhập cuộc vì vẻ lừa gạt của những con số, đã lãng mạn hoá các tấm bản đồ, đã đem lại được cho tôi một quan điểm về lịch sử và dạy cho tôi nhạc tính của thơ ca, nếu vậy thì hẳn là tôi đã có thể thành một nhà bác học rồi đấy. (Tiểu sử tự kể).

Gần một trăm năm sau những lời tự bạch của Hề Charlot, sau “sự kiện” tú tài ăn điểm Zêrô môn Sử, chỉ trong vòng chục ngày đã có gần hai chục bài viết tới tấp tung ra trên cả báo giấy lẫn báo mạng, và điều đáng ghi nhận nhất ở những bài viết đó là … tính chất không tập trung của các ý kiến. Phần nhiều đổ tội cho cách dạy và cho sách giáo khoa.

Ta hãy “nếm nghe” một ý kiến: “Một quyển sách giáo khoa chi chít chữ đến nhìn cũng cảm thấy “ngại” huống gì là đọc nó một cách say mê và yêu thích. Lịch sử mang nặng tính phân tích, học lịch sử nên học để hiểu và sau đó là xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau tiếp đến nữa mới nhớ. Nhưng nếu học sinh không có một niềm yêu thích thực sự với mon Lịch sử sẽ không đủ kiên trì với phương pháp đó.”

Ý kiến vừa rồi phê phán các sách giáo khoa Lịch sử, đồng thời cũng đưa ra cái chuẩn cho cuốn sách thể hiện được phương pháp học Sử ở nhà trường vừa mang nặng tính phân tích, học sinh phải hiểu và sau đó là xâu chuỗi các sự kiện lại để kết quả cuối cùng là tiếp đến nữa mới nhớ (yêu cầu vẫn là “nhớ” Lịch sử!). Cũng ở ý kiến súc tích bên trên, tác giả đòi hỏi một điều kiện tiên quyết khác… Nhưng nếu học sinh không có một niềm yêu thích thực sự với môn Lịch sử sẽ không đủ kiên trì với phương pháp đó. Khó thật, vậy là lại đòi hỏi trước khi hoặc đồng thời với việc có một bộ sách lịch sử hấp dẫn và khoa học, thì người học phải… yêu thích môn học ấy đã! Hay là, để tránh viết ra những sách chi chít chữ, ta soạn sách giáo khoa theo kiểu Đô Rê Môn cho trẻ em kháo nhau về chuyện học Sử từ khi chưa vào lớp Một?

Liệu trẻ em có thể có ý thức và thích học từng môn học chuyên biệt ngay từ trước khi đến trường? Nghĩ như vậy là lấy ý chí của người lớn gán cho trẻ em. Suy cho cùng, với hầu hết các em, không phải đi học là thích nhất. Suốt ngày nghêu ngao trên lưng trâu, bên bờ suối, giữa rừng cây… là thích nhất! Đến người lớn mà không có kỷ luật lao động quy định bởi cái bụng đói và mối đe dọa đuổi việc, thì chắc gì đã “lao động vinh quang”! Đi họp thì nói chuyện riêng, sểnh ra là nghỉ và rất ưng được nghỉ bắc cầu… đó là những dấu hiệu dễ thấy nhất.

Vậy giải pháp nào cho vấn đề trẻ em học Lịch sử?

Khi bàn việc này, ta cần dứt khoát nhận khuyết điểm về phía người lớn, chứ đừng nên rủ trẻ em cùng chia sẻ khuyết điểm như một bài báo đã viết Thực sự việc giảng dạy môn Lịch sử một cách khô khan của các thầy cô lỗi một phần là do học sinh” mà cái Tội to đùng của các em là không tạo “cảm hứng” cho giáo viên,khiến cho giáo viên dạy kém môn Lịch sử! Rất tiếc tác giả bài báo đã không đọc cho trẻ em nghe bài viết trước khi cho in. Bảo đảm các em sẽ rất khoái nghe ý kiến như thế: các em sẽ cười rất to đấy.   

Nào, bây giờ ta cùng bàn xem, có giải pháp nào trong bàn tay trách nhiệm chuyên nghiệp của nhà sư phạm cho vấn đề trẻ em học Lịch sử?

Trước hết, ta không nên quy cho mục đích và mục tiêu của việc dạy Lịch sử trong nhà trường là làm cho em học sinh nào cũng thành nhà Sử học. Vài trăm năm, một dân tộc may ra có được một nhà Sử học. Bên dưới bậc đó, giỏi lắm là có một đội ngữ không nhiều những nhà nghiên cứu Lịch sử. Còn đối với đông đảo học sinh phổ thông, căn cứ theo tâm lý lứa tuổi và căn cứ theo nhiệm vụ học tập ở từng bậc học, ta sẽ có ít nhất ba tầng mục tiêu như sau: một giai đoạn tình cảm lịch sử, một giai đoạn của trau dồi trí khôn lịch sử, một giai đoạn tập nghiên cứu Lịch sử để khi vào đại học chuyên ngành thì đó là giai đoạn tập độc lập nghiên cứu Lịch sử và đến khi học Cao học thì có thể hoàn toàn độc lập nghiên cứu Lịch sử.

Tinh thần chung của cả cuộc đời học Lịch sử đó là người học phải sống lại cái Lịch sử đã âm thầm trôi đi với rất ít dấu vết sót lại. Một nhà nghiên cứu Lịch sử không làm công việc đó để có học vị, mà đó là cả một cuộc dấn thân quên ăn mất ngủ. Sự dấn thân đó được tạo ra ngay từ lớp Một khi các em chơi Lịch sử. Trong mỗi trò chơi lịch sử này, học sinh hoạt động và nhớ được tên nhân vật lịch sử đọng lại trong một câu nói lịch sử để đời. Các em phải đóng vai Trần Bình Trong chỉ tay vào mặt giặc nói dõng dạc: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Các em phải đóng vai Trần Thủ Độ cung kính mà ngạo nghễ: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác“. Các em phải nhập vai Thánh Tông dò ý tướng soái của mình “Thế giặc như vậy ta nên đầu hàng” và đã được Quốc Tuấn trả lời: “Bệ hạ muốn hàng, trước hết hãy đem chém đầu thần rồi sau sẽ đầu hàng“.

Khi còn ở lứa tuổi tình cảm thì dấn thân trong vai kịch ngắn dài khác nhau –  nhà sư phạm nào đã và sẽ viết sách Sử như thế? Khi lên đến bậc tập nghiên cứu thì cũng vẫn dấn thân để đối chiếu sử liệu, để đặt mình vào việc ra những quyết sách – hệt như Võ Nguyên Giáp từng quyết định kéo pháp vào kéo pháo ra  hệt như Quang Trung nghĩ cách thần tốc về Thăng Long và hẹn cùng quân sĩ ăn Tết ở đó. Nhiều vấn đề liên quan đến tính cách nhân vật lịch sử cũng cần được học theo lối dấn thân như vậy: một chuyên gia trẻ đang cùng làm việc với người viết bài này (dạy ở một trường chuyên) đã thử cho học sinh lớp 10 nghiên cứu nhân vật Trần Thủ Độ bằng cách mở phiên tòa xử nhân vật đó – một công việc đã buộc các em hăng hái nhất phải đọc nhiều trang Sử để buộc tội hoặc biện hộ cho “bị cáo”.

Cái tinh thần tự do nghiên cứu đó sẽ đi theo học sinh suốt đời. Lớn lên, nếu may mắn có em nào trở thành nhà nghiên cứu Lịch sử, hy vọng các em đó sẽ dấn thân để phục hiện những sự thật lịch sử hoặc là bị bỏ quên, hoặc là bị bóp méo, hoặc là bị vùi giập.

Cái tinh thần tự do và những nỗi niềm lịch sử sẽ dẫn các nghệ sĩ tới những công trình nghệ thuật là những bản nhạc và bài ca tương tự như những bài đã xuất hiện ngay trong thời Pháp thuộc trước năm 1945 Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Người xưa đâu tá, Thăng Long hành khúc, Hội nghị Diên Hồng, Tiếng gọi thanh niên, và rồi là Lên đàng mà vào lúc đó thanh niên nào cũng biết, con đường ấy là con đường nào

Chúng ta có quyền hy vọng sẽ có một lớp cán bộ giảng dạy Lịch sử sẽ hình thành dần một hướng giải pháp để làm cho ký ức tập thể của dân tộc không bị phôi pha.

Phạm Toàn 

Ngày 14-8-2011