Kịch bản sân khấu dựa theo chuyện kể của H. C. Andersen

(Chương trình sân khấu thực nghiệm cho học sinh phổ thông của nhóm Cánh Buồm)

Lời dặn

Vở “Ngày Hội Andersen” này là một trong ba vở diễn do nhóm Cánh Buồm biên soạn và tổ chức trình diễn trong năm 2011. Đây là một hoạt động tự giáo dục nghệ thuật của học sinh phổ thông theo dự án Cải cách Giáo dục của nhóm Cánh Buồm.

Xin chú ý sự khác biệt giữa các vở kịch của nhóm Cánh Buồm như sau:

  • Mặc dù câu chuyện xảy ra như là chuyện ở thế giới loài vật, song vở Chuyện Dế Mèn hàm chứa nhiều yếu tố “thực”, học sinh dễ diễn. Các trường nên chọn vở Dế Mèn để bắt đầu loại hình hoạt động nghệ thuật này. Vở này có thể tổ chức cho học sinh các lớp đầu cấp thực hiện.
  • Vở Gian-Đa và Hai Bà Trưng có cách biểu đạt bắt đầu khó hơn so với vở Dế Mèn. Học sinh cần tìm đọc những tình tiết lịch sử liên quan đến các nhân vật Gian-Đa (Jeanne d’Arc) cũng như Hai Bà Trưng thì mới bảo đảm một trình độ am tường cần thiết cho diễn xuất. Cần đọc các tài liệu liên quan thì mới hiểu chỉ riêng cái tên Cô Chắc  Cô Nhì thay cho Trưng Trắc và Trưng Nhị. Cũng trong vở này, cần hết sức chú ý yếu tốtính thơ trong cách diễn xướng du dương các lời lẽ kịch. Như đã được ghi rõ ở đầu vở diễn, nên chọn học sinh từ lớp 11 trở lên tham gia vở diễn này.
  • Vở Ngày Hội Andersen lại chứa đựng một kiểu diễn xuất khác: tính biểu tượng. Trong vở này, có ba câu chuyện của Andersen được đem ra “kể” dưới hình thức kịch: chuyện Chị gà mái vô tư, chuyện Em bé bán diêm, và chuyện Chú lính chì dũng cảm.

Tuy diễn ba câu chuyện, nhưng vở diễn có một nốt nhấn vào chú lính chì. Hai câu chuyện trước như thể để khán giả làm quen với một cách diễn kịch không thông thường, để mọi người chờ đón đoạn thứ 3 dễ dàng hơn.

Đó là một chú lính chì bé tí “sinh ra” trong cả mớ 25 chú cùng được đúc lại từ một cái thìa bỏ đi. Do thiếu nguyên liệu nên chú lính em út này chỉ có một chân chứ không có đủ hai chân như mọi chú lính khác. Dù có hoàn cảnh đặc biệt như thế, nhưng chú vẫn có những tình cảm đặc biệt, nhất là tình cảm với cô vũ nữ ba-lê được chú tưởng tượng là “nàng” cũng chỉ có một chân như mình. Và trong câu chuyện về chú lính chì một chân này, vở kịch còn đưa ra quan niệm sống dũng cảm trong cuộc đời hiện đại mang tính trí tuệ và tình cảm

Xin các bạn đạo diễn, diễn viên và những thành phần tham gia vào vở kịch này hãy chú ý cách xử lý (cùng những lời dặn) của tác giả kịch bản… Trong câu chuyện, nhất là chuyện Chú lính chì của vở diễn này, cần có cả yếu tố thực như chuyện Dế Mèn, yếu tố thơ mộng như chuyện Gian-Đa và Hai Bà Trưng, ngoài ra còn có thêm yếu tố biểu tượng vừa dễ vừa khó thể hiện.

Nhóm Cánh Buồm

MÀN GIÁO ĐẦU

Khi mở màn, nghĩa là khi ánh sáng rạng dần, soi tỏ dần các hình thù trên sân khấu, thì bà con khán giả chúng ta nhìn thấy ba em học sinh (rồi sẽ đóng ba vai Người Kể Chuyện 1, 2, và 3) các em nằm ngửa, ba cặp chân hướng về ba phía, ba cái đầu chụm sát nhau ở một điểm … nhìn từ trên xuống, hệt như mặt đồng hồ lớn có ba cái kim … Nói luôn, đó là ba em đang đọc sách. Ta thấy rõ, trong tư thế đọc sách này, các em đọc từng trang sách RIÊNG của mình nhưng ba cái đầu vẫn cùng CHUNG nhau một không gian để thỉnh thoảng có thể trò chuyện thủ thỉ ngay trong khi đang đọc …

Ánh sáng rạng dần. Ta thấy ba em nằm và mỗi em đang cầm một cuốn sách để mở và giở cao trước mắt … Các em đang mê mải đọc sách, và khi đèn sáng hẳn, khi ánh nắng chói chang vừa rọi thẳng vào mặt mỗi em, ta thấy các em lấy luôn cuốn sách đang đọc úp vào mặt mình để che … 

Lúc đó, việc giới thiệu vở diễn thực hiện như sau:

  • Ở nơi có khả năng, máy chiếu sẽ gửi tới khán giả dòng chữ và hình ảnh của bạn Andersen:

 

NGÀY HỘI ANDERSEN

  • Ở nơi nghèo, ta sẽ có hai ba em học sinh đẩy cái bảng có chân và bánh xe ra phía trước sân khấu. Trên bảng cũng có hàng chữ NGÀY HỘI HANS CHRISTIAN ANDERSEN. Chú ý: Có vẻ như trên đường vận chuyển chiếc bảng ra ngoài, có chữ viết bằng phấn màu đã chạm vào cái gì đó ở đâu đó và bị mất. Các em dừng lại, nắn nót tô lại nét chữ bị mất, trong khi em Giáo đầu trò chuyện với các vị khán giả.

GIÁO ĐẦU: Thưa … thưa … thưa …

KHÁN GIẢ: (có người nhắc trêu…) … thưa các bạn … thưa các bạn phụ huynh và giáo viên …

GIÁO ĐẦU: (nói theo người nhắc trêu – không biết do vô tình hay cố ý…) … Thưa … các bạn phụ huynh và giáo viên … (đợi mọi người ngừng cười hoặc ngừng ồn ào… biến báo ngay lập tức)  …  Thưa quý vị bề trên của em, thưa các bạn của em … Em xin tỏ lòng biết ơn một vị khán giả đã nhắc em kính thưa … các bạn phụ huynh và giáo viên … Đúng là trong bụng em cũng muốn nói như vậy … Tại sao? … Hôm  nay là ngày Hội đọc sách của trường … Ngày hội thi kể chuyện của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen, một nhà văn khi đã già, khi càng già càng thích được trẻ em khắp nơi gọi mình là bạn Andersen… Em xin thay mặt các bạn học sinh, các giáo viên, quý vị phụ huynh, được ngỏ lời biết ơn sâu sắc tới bạn Andersen. Bạn Andersen là người vô cùng hạnh phúc. Bạn Andersen không bị sùng bái như một ông Thánh, mặc dù Thánh cũng cần cho đời. Bạn Andersen sống trong lòng trẻ em khắp thế giới. Mà trẻ em thì lúc nào cũng sinh sôi. Ngay ở những nơi quá khổ sở vì chiến tranh vì đói rách vì bạo lực, ở đó nhiều trẻ em không thích được chào đời, thế nhưng ngay ở đó trẻ em vẫn cứ ra đời tấp nập tấp nập tấp nập … Có trẻ em là có bạn cho Andersen. Nên có thể coi như Andersen không bao giờ chết. Em xin một lần nữa thay mặt toàn trường … (nói tên trường mình) tuyên bố khai mạc tối thi kể chuyện Andersen hôm nay, ngày … tháng … năm …!

CÔ GIÁO: (ôm đầu bạn Giáo Đầu vào ngực mình)  Thưa các bạn… Thưa các bạn nhiều tuổi và ít tuổi của chúng tôi … Thưa các bạn đạo cao đức trọng và các bạn nghịch như quỷ của chúng tôi … Hôm nay tôi cũng noi theo bạn Giáo Đầu để nói mà không dùng giấy viết sẵn…  Xin thưa với các bạn, một năm nay, mới chỉ một năm thôi, kể từ khi học theo cách học của nhóm Cánh Buồm, chúng tôi xóa bỏ lối nói năng theo bài viết sẵn… Chúng tôi được sống thật lòng hơn, nghĩ gì nói nấy, nhà sư phạm chúng tôi được chứng kiến lối cư xử thông minh hơn của học sinh, nên chúng tôi cũng buộc phải thông minh theo các em … Bây giờ, tôi xin tự giới thiệu, thường ngày tôi là giáo viên, đêm nay tôi đóng vai Andersen…

GIÁO ĐẦU: Thưa cô … Cô quên mang cái nơ như của Andersen …

CÔ GIÁO: Cô có nơ đấy chứ? So với Andersen trán cô kém cao một chút … Chả sao … Năm nay Andersen lụ khụ lắm rồi, vừa đi vừa đấm lưng như thế này rồi…

GIÁO ĐẦU: Tóc cô như tóc nhà văn bên Tây ấy, nhưng theo ý em  cô nên mặc cái áo ngoài như của Andersen cho ra vẻ đàn ông …

CÔ GIÁO: Cô có mang theo áo đây … Em xin lỗi khán giả hộ cô, chờ cô thay cái áo mới, áo của Andersen …

GIÁO ĐẦU: Thưa các bạn khán giả … Xin giới thiệu đây là Andersen … Andersen đang thay áo … Đấy, đấy, chỉ thay giả vờ vậy thôi… (nháy mắt nói khẽ) Như trong chuyện Hoàng đế có bộ quần áo mới ấy mà! … (chỉ tay vào cô giáo) Nhưng Hoàng đế này không thích nghe nịnh, nên bạn ấy vẫn đầy đủ lệ bộ áo ngoài áo trong …  (vẻ trịnh trọng)  Xin giới thiệu, đây là Andersen … Tuy không thay áo, nhưng khi đã chơi với Andersen là chúng ta chơi với trí tưởng tượng … Xin các bạn khán giả hãy coi đây là Andersen đã thay áo mới … mặc dù vẫn chẳng thay gì hết … (che miệng nói khẽ)  Trường nghèo rớt mồng tơi, tiền đâu mà may đủ quần áo cho diễn viên kia chứ? Trong chừng mực nào đó, ta cũng có thể tuyên bố: trí tưởng tượng là kho báu của người nghèo.

CÔ GIÁO: Tôi xin được nhấn mạnh một lần nữa: tôi là Andersen. Tôi là nhà kể chuyện cổ tích của Đan Mạch, của loài người, nhà kể chuyện muôn năm mới mẻ của trẻ em và người lớn… Nhưng hôm nay tôi tới đây do lời mời của trường … … …

GIÁO ĐẦU: Thưa các bạn khán giả … Xin giới thiệu bắt đầu Cảnh Một.

 

CẢNH MỘT: Làm quen

 

Sân khấu tối đi rồi sáng dần. Khi sân khấu bừng sáng hẳn thì tấm bảng giới thiệu đã được dọn vào trong, xuất hiện trở lại cảnh 3 em học sinh nằm đọc sách.

ANDERSEN: (hỏi bạn Giáo đầu) Bạn Giáo đầu à… Ba bạn này làm gì mà lấy sách che mặt thế?

GIÁO ĐẦU: Andersen nhìn xem các bạn này đọc sách của ai…

ANDERSEN:  Bạn Giáo đầu à… Nhưng tôi là người Đan Mạch, tôi không biết tiếng Việt.

GIÁO ĐẦU: Andersen quá khiêm tốn đấy! Andersen nói tiếng của tất cả các dân tộc trên thế giới! Andersen không là của riêng ai hết! Hơi bị giỏi đấy!…   

ANDERSEN:  (cúi xuống ba bạn đang lấy sách che mặt … lấy tay sờ sờ vào bìa từng cuốn).

NGƯỜI KỂ CHUYỆN 1: (vùng dậy) Andersen!

NKC 2 tức NGƯỜI KỂ CHUYỆN 2: (cũng vùng dậy) Andersen! Ôi! Andersen!

NKC 3 tức NGƯỜI KỂ CHUYỆN 3: (cũng vùng dậy) Andersen! Andersen! Ôi! Andersen!

NKC 2: (ghé tai Giáo đầu) Hơi hao hao giống cô giáo, cậu ạ!

GIÁO ĐẦU: (ghé tai NKC 2) Tớ cũng thấy thế… Hơi hao hao giống cô giáo nhà mình!

NKC 3: (ghé tai NKC 1) Rất hơi vô cùng hao hao và hoàn toàn giống cô giáo! Nhìn kỹ mà xem…

NKC 1: Sao lại là cô giáo mình? Hãy huy động trí tưởng tượng! Đây chính là Andersen! Tóc dài… Trán cao…  Nét mặt nheo nheo cười… Và cái nơ thắt ở cổ thì chệch đi đâu kia chứ? Đúng là người đàn ông Đan Mạch đi ngao du thế giới … gặp gỡ trẻ em toàn thế giới …

ANDERSEN: Tôi rất thích khi thấy các em úp sách Andersen lên mặt mà ngủ. Sách của tôi như vậy là … ru ngủ được học sinh …

NKC 1 – NKC 2 – NKC 3: (đồng loạt reo vui) Chúng em ngủ à? Ôi, đọc suốt đêm đấy!

NKC 1: … Khi thấy ánh nắng bừng lên, chúng em rủ nhau chợp mắt một lát… Nhưng em hỏi thật nhé: có đúng đây là Andersen không? Hay là chúng em đang mơ ngủ?

NKC 2: Nom Andersen hao hao giống cô giáo chúng em… Nên vẫn nghĩ mình mơ ngủ đây …

ANDERSEN: Hôm nay các bạn có ngày Hội đọc sách Andersen, nên cô (thẹn cúi mặt xuống cười một mình) … nên Andersen, tôi là Andersen đây … lưng còng rồi, già lão rồi, đi lại nặng nhọc rồi, lại hay bị chứng chuột rút nữa … nhưng Andersen thấy vui nên vẫn cố mò đến dự với các bạn …

NKC 3: Thưa cô … à chết, thưa cụ Andersen …  Cô giáo cứ là Andersen, được chứ sao? Vì Andersen là gì? Andersen là tưởng tượng. Cô giáo vẫn dạy chúng mình thế chứ còn gì nữa? Đúng không? Thưa cô, phải vậy không ạ? À quên, đúng thế không, Andersen?

NKC 2: (nhắc nhở) Bạn Andersen! Gọi bằng bạn Andersen, kẻo ông này hay tủi thân lắm đấy. Không có bạn trẻ là ông ấy dễ chán đời lắm đấy.

NKC 1: Bây giờ nhé, bạn Andersen nhé, bạn nghe tui kể chuyện không? Chuyện của bạn, nhưng tui kể lại, bạn nghe xem thế nào thì cho ý kiến, nhờ?

ANDERSEN: Kể đi. Chuyện gì nào?

NKC 1: Chuyện chị gà mái vô tư…

GIÁO ĐẦU: Tôi xin trân trọng giới thiệu câu chuyện thứ nhất do bạn (quay sang NKC 1, nói khẽ) ấy thích giới thiệu tên thật hay là nói tên chệch đi? (NKC 1 ra hiệu bằng ngón tay xua xua) Bạn này sắp kể chuyện, bạn ra hiệu bảo tôi cứ nói tên thật của bạn ra. (NKC 1 tiếp tục ra hiệu bằng ngón tay xua xua) Tên bạn là Xuân Tùn Tũn ạ.  (NKC 1 miệng cười)  Xin giới thiệu Xuân Tùn Tũn kể chuyện … Cậu kể chuyện gì nhỉ?

NKC 1: Đố biết chuyện gì.

GIÁO ĐẦU: Bạn Xuân Tùn Tũn sẽ kể chuyện của Andersen (hãnh diện xướng thật toĐố biết chuyện gì…. Một tác phẩm lớn của nhà kể chuyện vĩ đại của mọi thời đại Andersen  Đố … biết … chuyện … gì…  

 

CẢNH HAI: Đố biết chuyện gì?

 

(Sau khi Giáo đầu giới thiệu tên câu chuyện sắp kể, sân khấu tối đi, đến khi hừng sáng thì chỉ còn lại NKC 1).

NKC 1: Xin mời dàn diễn viên to mồm lắm điều hay buôn dưa lê ra đây!

(Một đàn 5 chị gà mái chạy ra. Các em ăn mặc như sau để thành gà mái: mặc váy ngắn màu nâu đậm, áo vàng hoa mơ, đầu đội mũ “chào mào” màu đỏ, dáng các chị hơi vênh vênh nhưng không quá vênh như cách đội mũ chào mào của bọn gà trống… Từ đây gọi các chị là Gà 1, Gà 2 …)

NKC 1: Thưa các bạn, tôi xin tự giới thiệu, tôi cũng là Gà đây (đội thêm mũ chào mào đỏ lên đầu) hôm nay tôi xin kể chuyện của chính mình…  Tôi là một chị gà mái, tính nết tôi ra sao, rồi các bạn sẽ đoán… Còn đây là các bạn gà cùng một chuồng với tôi … Giờ này là giờ … Nói chung trong cuộc đời sống trong một cái chuồng gà thì chả có giờ giấc gì hết… Giờ nào cũng là giờ ăn, suốt ngày ăn, ăn xong thì buôn dưa lê, buôn dưa lê chán lại ăn … vô tích sự!

(Các chị Gà làm theo NKC 1 đi lom khom, lấy ngón tay chọc chọc vào lòng bàn tay rồi đưa lên miệng ra hiệu nhặt thóc, miệng vừa ăn vừa kêu túc túc túc túc)

Cứ ăn cho nhiều, ăn căng diều ra rồi buôn dưa lê.

(NKC 1 ghé tai Gà 1 nói một điều gì đó khán giả chỉ nghe thấy “Ke ke ke ke ke… ” và Gà 1 lại quay sang ghé tai Gà 2 nhắc lại  “Ke ke ke ke ke…” … và cứ thế cho tới Gà số 5)

Ke ke ke ke ke … vô nghĩa  … chả có chuyện gì hết … Ke ke ke ke ke … Thế mà cũng bí bí mật mật … Ke ke  ke ke ke …  bí mật nhé!

(GÀ 1 chạy lạc ra ngoài, lom khom như thể đuổi theo con giun con dế … cuối cùng giơ cao một vật gì đó lên chẳng ai biết đó là vật gì, có thể là một vật không có thực).

(GÀ 2 chạy ùa lại giằng cái vật Gà 1 đang xem xét. Gà 1 chạy và Gà 2 đuổi theo – Gà 1 ra vẻ như vừa đánh rơi cái gì đó nó vừa nhặt được, Gà 2 không đuổi nữa, cúi xuống nhặt lên, giơ cao xem và ôm bụng cười nắc nẻ)

(Các Gà lần lượt chạy ùa lại giằng cái vật Gà trước đó đang xem xét. Đuổi theo  nhau – Đánh rơi – Nhặt lên xem xét ra vẻ quan trọng – Đánh rơi – Gà tiếp theo lại làm như Gà trước – Chuyện chắc chắn chẳng có gì quan trọng đối với con người, nhưng với Gà thì vô cùng thích thú, các chị ôm bụng cười nắc nẻ)

NKC 1: (đến bên Gà 1) Chuyện gì thế?

GÀ 1: Bí mật nhé … Một cái lông gà …

NKC 1: Kinh hồn! Thật không? Cả một cái lông gà?

GÀ 1: Kinh hồn! Thật chứ sao không thật? Cả một cái lông gà! Một cái lông gà vô cùng quan trọng!

GÀ 2: Kinh hồn! Gì thế? … Thật à? Cả một cái lông gà?

GÀ 1: Kinh hồn! Chứ sao không thật! Cả một cái lông gà!

NKC 1: Kinh hồn! Ra thông báo cho tất cả các bạn biết đi. Cả một cái lông gà! Ghê gớm thật!

GÀ 1: Kinh hồn! … Nào các bạn gà ơi, lại cả đây, lại hết đây, việc quan trọng lắm đây …

(Các Gà tới quanh Gà 1 trong khi NKC1 vẫn ở phía xa đi lại vẩn vơ suy nghĩ, có lúc lại lấy phấn son ra trang điểm và lấy cả gương trong túi ra soi)

Nào đừng có ồn … Nghe đây! … Kinh hồn! Quái dị! Không thể tưởng tượng nổi! Một việc tầy đình đã xảy ra ngay trong chuồng gà của chúng ta…

CÁC GÀ: (các Gà nhao nhao … ) Im nào! Nghe người ta này … Nghe đây! … Kinh hồn! Quái dị! Không thể tưởng tượng nổi! Tầy đình! Lại xảy ra ngay trong chuồng gà của chúng ta…

CÁC GÀ: (các Gà càng nhao nhao … ) Im nào! Nghe đây! Con mụ kia kìa … (chỉ tay về phía NKC1)  Chính là cái mụ ấy đấy! Có biết chuyện gì đã xảy ra với mụ không? … Không biết hả? …  Không biết thì nghe đây … Mụ đã rụng sạch lông trên người rồi! … Nhìn kìa! Hết sạch lông rồi, thế mà mụ đang còn đánh phấn đấy!  Kinh hồn!

(Các Gà tỏa ra, từng đôi vồ vào nhau, thì thầm nhưng ai cũng nghe thấy: “KINH HỒN! BÍ MẬT NHÉ! CHÍNH MỤ ĐÓ! Cả một xã hội loài gà nhao nhao nhốn nháo vì tin đồn)

GÀ 1: (vẫy NKC1) Chị ơi! Lại đây em nói cái này…

NKC1: Gì vậy?

GÀ 1: Chị biết chuyện gì mới xảy ra trong chuồng gà chúng mình không?…

NKC1: Chị đang bận đánh phấn … có chuyện gì thế hả em?

GÀ 1: Quan trọng lắm … Có một mụ gà mái trang điểm thế nào mà rụng hết lông …

NKC1: Vậy à? Thế thì nguy quá! Kinh hồn!

GÀ 1: Quá đúng! Gà mà bị rụng hết lông thì hết đời rồi! …

NKC1: Đúng thế! Kinh hồn! Có biết gà nào không? Có cùng chuồng với chúng mình không?

GÀ 1: (nheo mắt, nháy mắt, cười khẽ) Biết chứ! Sao lại không biết? Đang đồn ầm cả chuồng gà nhà mình lên kia kìa.

NKC 1: Xấu hổ! Cô gà nào thế?

GÀ 1: … Hè hè hè … Một cô rất xinh …

NKC 1: Em cho gọi tất cả gà chuồng nhà mình lại đây. Để chị báo cho cả chuồng biết. Em gọi các bạn lại đây…

(Các Gà lốc nhốc chạy lại. Từng hai Gà bá vai nhau thì thầm, ngặt nghẽo cười, không khí đầy vẻ bí mật … Cặp này buông nhau ra, từng gà lại kết với gà khác thành cặp mới để truyền tin bí mật cho nhau … )

NKC 1: Các em có chuyện vui gì mà cười ngặt nghẽo thế?

GÀ 3: Chuyện một cô gà mái làm dáng bị rụng hết lông.

GÀ 4: Gà rụng hết lông. Kinh hồn!

CÁC GÀ 1234: Gà rụng hết lông. Kinh hồn! Kinh hãi!

NKC 1: Các em trật tự, chị có điều muốn thông tin tới các em. Chuyện này không đáng cười! Một bạn gà mái của chúng ta, do dùng mỹ phẩm rẻ tiền, do suốt ngày không lao động mà chỉ õng ẹo chăm sóc sắc đẹp hy vọng thành Hoa hậu Gà vịt Thế giới Động vật, nay đã rơi vào tình trạng bị rụng sạch lông. Hu hu hu, thương tâm ôi là thương tâm!

CÁC GÀ 1234: (Mỗi gà nói một giọng, vừa tỏ lòng thương vừa ngặt nghẽo cười, chẳng biết vì sao … Chú ý mỗi gà nói xong một câu ngắn thường điểm bằng tiếng “Ke ke ke ke ke…)  Kinh hồn! Kinh hãi! Rụng hết lông! Hết thi hoa hậu! “Ke ke ke ke ke… Đáng tiếc! “Ke ke ke ke ke… ” Kinh hãi! “Ke ke ke ke ke…

NKC 1: Các em thân yêu. Chính mắt chị đã thấy cô ả gà mái đáng xấu hổ kia. Chị đã thay mặt cả đàn gà trong chuồng gà chúng ta tới thăm cô ả gà mái kia. Ôi thật đau lòng! Chị nhìn rõ thấy mào trên đầu cô ả cũng rụng (NKC 1 bỏ mũ chào mào đỏ ra) còn khắp người thì bị bôi thuốc đỏ eo ôi là kinh hoàng. Một đời gà mà thiếu bộ lông! (khóc hu hu rất chân tình) …  Một thân phận gà mà thiếu bộ lông! Ôi sắc đẹp tiêu ma! (lại khóc hu hu rất chân tình) …  Một sứ mệnh gà trong lịch sử tự nhiên mà thiếu bộ lông đầy vẻ nghệ thuật! (lại tiếp tục khóc hu hu rất chân tình) …

(Cuối cùng NKC 1 lăn ra ngất. Có vẻ như nàng bị chết. Các gà lay lay mà nàng không tỉnh, các gà đành phải khiêng xác NKC 1 vào trong, khiêng rất là trịnh trọng. Đèn sân khấu mờ dần cho đến khi tối thui…  Khi đèn sáng thì sân khấu đã sạch bóng người – hoặc sạch bóng Gà – và bạn Giáo Đầu đã cầm biển sắp báo tin chuyển cảnh)

(Còn nữa)