Sau khi nhận giải thưởng Giáo dục, giáo sư Hoàng Tụy gửi thư cho nhóm Cánh Buồm, bảo cho anh chị em quân mình rằng là giáo sư có món quà cho cả nhóm là mấy hộp mực in.

Chiều nay thứ 3 (5/4/2011), nhóm Cánh Buồm (CB) rủ nhau đi thăm GS. Hoàng Tụy. Trời thì dễ chịu, người thì vui được đi thăm một bậc đàn anh luôn ở bên ta, thấu hiểu mọi việc ta đang âm thầm làm. Nhiều bạn trong nhóm CB, dù chưa được trò chuyện với GS. Hoàng Tụy, nhưng đã quen lắm với cảm giác GS luôn ở gần mình, vì nhóm vẫn thường nhận được email của giáo sư hỏi thăm tình hình công việc.


GS. Hoàng Tụy (bên trái) và GS. Phan Đình Diệu
tại buổi hội thảo Chào lớp Một – 9/2010

Thực ra dự định của nhóm là sau buổi sinh hoạt chuyên môn sáng thứ bảy như thường lệ cả nhóm sẽ tới thăm giáo sư. Nhưng cũng bởi hôm đó cuộc thảo luận về nội dung hội thảo “Tự học – Tự giáo dục – 10/2011” đã kéo dài quá trưa nên việc đến thăm GS đành phải dời sang một ngày khác, định là vào cuối tuần tiếp theo để mọi người đều có thể sắp xếp được thời gian.

Nhưng lịch gặp thày được định lại vào hôm nay thứ ba, vì thày bận nhiều việc, chưa kể sức khỏe rất thấp. Thày viết mail nói “không biết làm cách gì để chuyển tặng nhóm hai hộp mực in”. Thế là hai đồng chí Toàn và Nam đã thay mặt nhóm đến thăm GS. Hoàng Tụy luôn vào buổi chiều. Bạn Toàn nói với thày Tụy rằng “hôm nay thì chỉ có hai người đến thăm thày được thôi vì cả nhóm vẫn bận đi kiếm sống”. Thày Tụy hỏi lại “thế là việc soạn sách chỉ làm ngoài giờ thôi à?” Bạn Toàn ghé tai thày nói gì bằng tiếng Pháp, lọt tai đồng chí Nam chữ idéaliste nhìn hai ông điếc gật gù, đồng chí Nam cảm thấy một cụ 80 với một cụ 86 có vẻ cùng xúc động.


Từ phải sang trái: Thày Phạm Toàn, GS. Hoàng Tụy, và đồng chí Nam

Sau đó, thầy Tụy cùng bạn Nam và bạn Toàn trò chuyện trong khoảng một giờ đồng hồ, bắt đầu từ vấn đề giáo dục và cho đến lúc chia tay cũng vẫn một nội dung giáo dục.

Câu chuyện với GS chiều nay khiến đồng chí Nam thật sự ngạc nhiên. Ấn tượng nhất là điều thày Tụy kể về chuyện trước hội nghị trung ương VI, tức là trước thời đổi mới. Hồi đó cố tổng bí thư Lê Duẩn đã dành hẳn ra nửa tháng mời một số trí thức xuống Đồ Sơn để nghe họ nói và trao đổi với họ về những vấn đề hệ trọng của đất nước. GS. Hoàng Tụy là một trong năm người được mời tham gia cuộc thảo luận đó. Mặc dù cuộc thảo luận phải dừng lại sau hơn một tuần do cụ Nguyễn Lương Bằng đột ngột qua đời, nhưng việc tổng bí Lê Duẩn dành ra nửa tháng để trò chuyện với anh em trí thức cho thấy các nhà lãnh đạo thực sự muốn lắng nghe.

Vào lúc đó, chúng tôi đã nói rất thẳng thắn, và ngay sau hội nghị TW6, ông Phạm Văn Đồng lại nói trực tiếp với tôi là những phát biểu của các anh ở Đồ Sơn rất có ích cho Đảng, kì này chúng tôi sẽ chuyển mạnh – lời GS. Hoàng Tụy

Tại sao một chuyện như vậy lại có thể diễn ra trong một giai đoạn tập trung cao độ nhất của nền chuyên chính vô sản?

“… là vì là những lãnh đạo khi đó, dù cho có phạm sai lầm này nọ, nhưng họ thực sự là những người cách mạng, họ vào sinh ra tử vì có lí tưởng, chứ không phải vì lợi ích cá nhân, đó là điều cơ bản nhất. Chính nhờ những người lãnh đạo vẫn biết lắng nghe như vậy nên lúc đó dù tình hình đất nước rất bi thảm mà vẫn không bị mất niềm tin – GS. Hoàng Tụy nói với giọng trầm xuống.

Trả lời thắc mắc của đồng chí Nam là liệu có cách gì tác động vào hệ thống giáo dục hiện nay để khiến nó dịch chuyển dù là một chút theo hướng tích cực, thầy Hoàng Tụy cho rằng đó là một vấn đề hệ trọng, và nhiều khi sự tác động có tính quyết định chưa hẳn đã nằm trong tay những người làm giáo dục, những người làm giáo dục chỉ có thể tác động từ góc độ giáo dục mà thôi. Dù thế nào thì mình vẫn cứ phải làm theo lương tâm của mình…

Đồng chí Nam nhớ là bạn Toàn có nói thêm: … Và cố gắng để không sai lầm trong công việc của mình.

Chia tay GS. Hoàng Tụy, đồng chí Nam định thay mặt nhóm nói lời cảm ơn về cái phong bì thày Tụy cho, nhưng giáo sư khua tay, hai ông cụ và một gã trung niên nhìn nhau mỉm cười. Trên đường về, đồng chí Nam còn nghe cụ già tám mươi sau lưng mình lẩm bẩm : Anh Tụy hơn tôi sáu tuổi!

Nguyễn Thành Nam