Cánh Buồm – một vài suy nghĩ của Đinh Phương Thảo nhân dịp tham dự  Seminar – Giới thiệu sách “VIỆT NAM TỪ NĂM 2011 : Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian” lúc 14:00 ngày 30 tháng 3 năm 2011 tại Hội trường tầng 3, tòa nhà VUSTA, 53 Nguyễn Du, Hà Nội.

Tôi  nhìn Trần Văn Thọ đi vào cùng nhiều vị một thời ở trong ban tư vấn của Thủ tướng, mấy vị thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam, thấy ông lạc trong đó như một nghệ sĩ, tóc che kín tai và kín gáy, người thanh thoát, làn da hồng hào mịn màng, chợt nghĩ, có lẽ ông sắp ôm đàn và cất tiêng hát cạnh bà vợ góa người Nhật Yoko Ono … Và cũng chợt nghĩ, giữa ông và các quan chức kia có gì giống nhau…

Khi vị giáo sư Đại học Waseda Trần Văn Thọ cất lời, tôi bỗng hiểu là giữa họ có điều giống nhau: sự âu lo với thực trạng đất nước trên con đường phát triển hôm nay. Đất nước ta đi về đâu và đi như thế nào để tới đích, hạnh phúc mà bớt đau khổ? Những câu hỏi đó gắn bó họ với nhau … và cũng gắn bó với thế hệ trẻ chúng tôi vào nữa …, khiến các thế hệ cùng bị lôi cuốn vào vấn đề cuốn sách của ông đặt ra: sự nghiệt ngã của Thời Gian.

* * *

Trong những lời đầu tiên khi giới thiệu về nội dung cuốn sách, tác giả Trần Văn Thọ cho biết đây là tập hợp những bài viết của ông từ khoảng 10 năm trở lại đây. Đề tài của các bài viết này đều gắn bó chặt chẽ với tình hình thực tế ở Việt Nam, thể hiện tâm huyết của tác giả đối với quê hương. Ông dự định xuất bản cuốn sách này như một lời nhắn gửi tới các nhà lãnh đạo Việt Nam trong giai đoạn mới, mong muốn “đóng góp vào việc tìm kiếm những ý tưởng, những chiến lược, chính sách để làm cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới, hi vọng Việt Nam sẽ lấy lại một phần những gì đã mất và rút ngắn được khoảng cách phát triển với các nước xung quanh”.

Nói về tiêu đề của cuốn sách, Trần Văn Thọ nhấn mạnh sự nghiệt ngã của thời gian: “một cá nhân hay một dân tộc biết chạy đua theo thời gian có thể tạo nên kì tích đổi đời, thay đổi diện mạo đất nước; ngược lại nếu không có ý chí tranh đua với thời gian, không có nỗ lực vươn lên thì sẽ bị lịch sử bỏ lại đằng sau.” Vấn đề của Việt Nam hiện nay là làm gì để vượt qua những trở lực, để biến thời gian thành đồng minh, tạo ra sự phát triển vượt bậc không chỉ cho kinh tế mà còn cho mọi mặt trong đời sống xã hội?

Trước hết, về mặt kinh tế, ông trình bày tóm tắt sự phát triển của một nền kinh tế qua sơ đồ khá đơn giản khiến cho một kẻ ngoại đạo như tôi cũng có thể nắm bắt một cách dễ dàng:

Các giai đoạn phát triển của một nền kinh tế
“AB: Xã hội truyền thống, đối diện với cái bẫy nghèo, vòng luẩn quẩn nghèo khó.
BC: Giai đoạn phát triển ban đầu, kinh tế thị trường sơ khai, cơ bản thoát khỏi nghèo.
CD: Giai đoạn cất cánh và phát triển bền vững.

CE: Trường hợp thất bại, không cất cánh để phát triển bền vững.”

Hiện nay Việt Nam đang nằm trong gia đoạn BC – Giai đoạn phát triển kinh tế ban đầu, tuy đã thoát nghèo, vươn lên thành nước có thu nhập trung bình thấp song cần có chiến lược đúng đắn để đi lên, trở thành nước phát triển và phát triển một cách bền vững. Trần Văn Thọ  phân tích nguy cơ trước mắt của kinh tế Việt Nam: chúng ta đang đối mặt với hai cái bẫy: cái bẫy của tự do thương mại và cái bẫy thu nhập trung bình. Theo ông, Việt Nam cần một sự thay đổi toàn diện tất cả các mặt: kinh tế, văn hóa, giáo dục… nhằm phải tạo ra sự thay đổi trong mỗi con người, trong toàn xã hội – nâng cao “năng lực xã hội” (social capability).

Tác giả nhấn mạnh đến những phẩm chất ông cho là quan trọng nhất đối với các thành phần trong xã hội để tạo nên sự phát triển toàn diện – trong đó đặc biệt lưu tâm đến những người lãnh đạo chính trị (giới quan chức) và những người lãnh đạo doanh nghiệp (giới doanh nhân) – hai đối tượng có vai trò quan trọng bậc nhất trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Hai phẩm chất quan trọng nhất của giới quan chức là có lòng yêu nước và có văn hóa. Lòng yêu nước là yếu tố khiến họ đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, tiết kiệm công quỹ, tích cực học hỏi kinh nghiệm nước khác và tranh thủ tối đa lợi ích của đất nước mình trong khi thương lượng với nước ngoài. Vốn văn hóa mang lại cho người lãnh đạo tầm nhìn sâu rộng, có ứng xử mang tính nhân văn, tạo ra được khí thế hào hứng cho toàn xã hội. Đối với giới doanh nhân, khát vọng cải biến xã hội ngay từ khi khởi nghiệp là một trong những yếu tố quyết định tạo nên sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Tác giả nêu lên một thực tế: trong lịch sử phát triển “thần kì” của nền kinh tế Nhật Bản, chưa hề thấy hiện tượng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng của Nhật đem lối sống hào nhoáng, trưng ra những vật dụng đắt tiền bậc nhất mà người Nhật chưa tự sản xuất được để thể hiện sự thành công của mình.

Dù vậy, không thể phát triển kinh tế bền vững nếu không quan tâm đến các mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là giáo dục. Trong cuốn sách này, Trần Văn Thọ trình bày những vấn đề giáo dục đã là mối bận tâm của chúng ta từ nhiều năm nay: chất lượng giáo dục đại học, hội chứng thi vào đại học, vấn đề học vị tiến sĩ… Có những bài viết ra đời đã 13-14 năm (chẳng hạn: Vài ý kiến về giáo dục đại học ở nước ta – đăng trên báo Tuổi trẻ chủ nhật, ngày 12/1/1997) song đến nay “vẫn còn nguyên giá trị” – điều đó cho thấy thực tế đáng buồn của giáo dục Việt Nam: những vấn đề đặt ra từ hơn một chục năm qua vẫn chưa được giải quyết. Chúng ta không thể chỉ hô hào chung chung mà phải bắt tay vào làm việc thực sự để cải cách giáo dục từ gốc rễ.

Nhìn vào chiều dài phát triển của lịch sự nước nhà, Trần Văn Thọ đã mượn lời Quang Trung Nguyễn Huệ trong lễ duyệt binh trước khi tiến ra bắc tiêu diệt quan Thanh để tổng kết ý chí, quyết tâm, khí phách và nỗ lực của nhân dân ta trong 1000 năm qua: “Đánh cho bọn giặc biết nước Nam anh hùng là nơi đã có chủ” 1. Ở thiên niên kỉ mới này, ông nhấn mạnh mục đích phấn đấu của người Việt phải là: “Phát triển cho thế giới biết người Việt Nam là một dân tộc có trí tuệ.”

Những người tham dự hội thảo hào hứng với nội dung được giới thiệu của cuốn sách. Các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu đều đánh giá cao các ý kiến đóng góp của tác giả cũng như cách trình bày vấn đề rất mạch lạc, khúc chiết trong các bài viết của ông. Có bạn sinh viên thắc mắc: Liệu sau thảm họa vừa rồi, Nhật có còn tiếp tục cấp vốn ODA cho Việt Nam? –  Trần Văn Thọ đã trả lời bằng một câu hỏi đầy ám ảnh: Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc làm thế nào để không phải vay vốn ODA mà chỉ lo lắng họ có cấp vốn cho chúng ta nữa hay không? Việt Nam đã nhận vốn ODA suốt hai chục năm, đã đến lúc chúng ta cần có cách suy nghĩ khác – hãy bắt đầu chính bằng việc thay đổi cách đặt câu hỏi của mình. Một bạn sinh viên khác lại nêu câu hỏi khiến các cử tọa đều bật cười – song đó là những nụ cười buồn: Sao cho đến giờ chú không về Việt Nam làm việc, cống hiến cho người dân, cho chính phủ Việt Nam? Có cảm giác hình như cả hội trường ai ai cũng tự hỏi đến bao giờ thì những nhân tài như Nguyễn Văn Thọ, như Ngô Bảo Châu có thể về nước làm việc mà vẫn phát huy được năng lực của họ như (hay thậm chí còn cao hơn) khi họ ở nước ngoài? Quả có thế, giáo sư Chu Hảo đã hỏi lại, tuy nói khẽ nhưng nghe khá rõ, “Có việc cho giáo sư Trần Văn Thọ làm không?”.

Có người nhận xét rằng Trần Văn Thọ là người mơ mộng – vâng, những người yêu nước, sống hết mình vì đất nước này có ai không mơ mộng? Có ai không mong mỏi đến một ngày cả dân tộc sẽ thực sự thấy mình hóa rồng, không chỉ trong phát triển kinh tế mà ở mọi lĩnh vực khác? Mong rằng mục đích mà ông hướng tới khi xuất bản cuốn sách này thành hiện thực, mong nhiệt huyết của những người như ông truyền đến được đông đảo mọi người, góp phần tạo nên sự chuyển mình thực sự cho một Việt Nam lâu nay vẫn đang ngái ngủ.

———

1 Trích lời dụ của Quang Trung: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”

Đinh Phương Thảo

Nhóm Cánh Buồm