CẢNH 3 – AI LÀ AI?

Lời dặn các nghệ sĩ:

1./ Trong hoạt động nghệ thuật – ở đây đang nói về hoạt động kịch – có nhiều thành phần cùng tham gia và thể hiện đặc điểm riêng vào vở diễn chung: trước hết là bộ phận kịch bản , tiếp đó đến đạo diên và diễn viên, sau đó còn những bộ phận tưởng như phụ nhưng rất quan trọng, đó là  trang phục, ánh sáng, tiếng động … Những thành phần kể trên đều quan trọng, song cần nhận thấy điều này: nếu không bắt đầu từ kịch bản thì chẳng thể nào có kịch để diễn. Ngay khi diễn “kịch cương” thì trong đầu người diễn cũng ngầm chung nhau một kịch bản.

2./ Vì thế, sau khi đã diễn hai cảnh 1 và 2 theo kịch bản viết sẵn, các em học sinh cần tập làm ra kịch bản của mình. Khi làm kịch bản, các em chú ý vào từng bước công việc như sau:

– Chọn ra một ý tưởng để diễn đạt. Thí dụ, trong kịch bản cho sẵn ở đây, ý tưởng của cảnh 1 là dựng không khí Brecht-chèo Việt Nam để tạo ra sự giao hòa giữa khán giả và người chơi kịch. Trong cảnh 2 trên đây, ý tưởng của kịch bản là xây dựng Dế Mèn thành một “con người” và làm cho “câu chuyện về loài vật” đó không phải là một bài thuộc môn Sinh học mà là một bài về Nhân học.

– Tiếp theo là xây dựng nhân vật và tạo ra tình huống có xung đột để nhân vật gặp gỡ nhau, bộc lộ tính cách của mình. Trong cảnh 2 vừa rồi, tình huống gây xung đột chính là mối quan hệ Dế Mèn – Dế Choắt – Chị Cốc, trong đó có những xung đột phụ giữa Dế Mèn với Dế Choắt, và xung đột nữa giữa Dế Mèn và Dế Choắt với Chị Cốc.
– Trong xung đột đó, xung đột trong lòng nhân vật chính phải được tập trung chú ý. Ở cảnh 2 vừa nói, nhân vật chính là Dế Mèn, và xung đột trong lòng Dế Mèn thể hiện ở tính khoác lác (sợ chị Cốc nhưng lại bắt nạt kẻ yếu) và cuối cùng thể hiện ở sự ăn năn hối lỗi.

3./ Bây giờ đến lúc các em học sinh tự mình làm ra kịch bản và tự tổ chức diễn kịch với nhau. Chúng tôi gợi ý (nói theo giọng nhà trường là “ra đề”) cho các bạn như sau:
– Chọn thể hiện ý tưởng nào? Trong lời nói đầu truyện Dế Mèn phiêu lưu ký có viết “Đi một ngày đàng học một sàng khôn… Trái đất như quyển sách hay, ai chịu khó xem xét và suy nghĩ đều học được những điều bổ ích”. Trong cuộc phiêu lưu tiếp tục của Dế Mèn các bạn sẽ chọn thể hiện ý tưởng nào?  Các em hãy thảo luận với nhau để tìm ra ý tưởng đó.
– Chọn tình huống xung đột nào và nhân vật nào? Dĩ nhiên, nhân vật chính vẫn là Dế Mèn, nhưng nhân vật phụ sẽ là ai? (Chú ý, mỗi đoạn phải có 3 nhân vật thì mới dễ dàng trong thể hiện).

Nào, bây giờ các bạn hãy cùng nhau soạn kịch bản, và hãy nhờ giáo viên giúp, để thể hiện một số cảnh như gợi ý dưới đây:
– Cảnh Dế Mèn về thăm quê để rủ bạn cùng đi phiêu lưu thăm thú thế giới. Xung đột giữa ý thích mở mang đầu óc với sự sợ sệt cái mới lạ. Ba nhân vật: mẹ Dế Mèn trước các nhân vật Dế Mèn và Dế Anh (người anh yếu đuối).
– Cảnh Dế Mèn về thăm quê để rủ bạn cùng đi phiêu lưu thăm thú thế giới. Xung đột giữa đầu óc cởi mở của Dế Mèn với đầu óc thủ cựu của ông Anh muốn Dế Mèn phải thăm hỏi mình trước. Ba nhân vật: mẹ Dế Mèn trước các nhân vật Dế Mèn và Dế Anh (người anh thủ cựu).
– Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn và Dế Trũi, sự hy sinh của Dế Trũi khi định “cứu đói” bằng cách mời Dế Mèn ăn thịt cẳng tay của mình, mở đầu cho  một tình huống xung đột đẩy Dế Trũi xông ra cứu bạn và đã chết vì bạn.

… và những tình huống khác các bạn cùng nhau nghĩ ra.

Hãy bắt đầu!

Chú thích quan trọng

Trong trường hợp các bạn chưa xong kịch bản, các bạn có thể tạm dùng kịch bản ba đoạn ba cảnh này: 
1./ Màn giáo đầu; 
2./ Nỗi buồn đầu đời; 
3./ Cám ơn cụ Tô Hoài.

Ba cảnh đó tự chúng cũng thành một vở diễn dùng trọn vẹn trong một đêm kịch nhà trường.

Hãy tiếp tục!

CẢNH KẾT THÚC – CÁM ƠN CỤ TÔ HOÀI

Lời dặn đạo diễn và diễn viên

Hãy giả định là khi diễn vở này, mong rằng nhà văn Tô Hoài bằng xương bằng thịt sẽ đến dự được với chúng ta. Ôi, như vậy thì còn niềm hạnh phúc nào bằng! Nhưng ngộ nhỡ, vì lý do nào đó mà nhà văn Tô Hoài không đến được thì sao?
Khi đó, chúng ta hãy tự đóng vai nhà văn Tô Hoài, và mọi diễn biến trong cảnh sẽ diễn ra gần gần như trong kịch bản sẽ có dưới đây.

Mà này, ngay cả khi nhà văn Tô Hoài có mặt trong buổi diễn, chúng ta cũng đóng vai cụ Tô Hoài (trong kịch) để cụ Tô Hoài thật ngồi xem học sinh đóng cụ Tô Hoài giả, cũng được chứ sao?

Hãy để hình ảnh Tô Hoài do các “Em-cụ” diễn xuất có giống như “Cụ-cụ” nghĩ về mình không, sao chúng ta lại không làm như vậy cho vui và thêm ý nghĩa nhỉ?

Nào, chúng ta cùng hoạt động theo hướng vừa nêu ra.

Vở diễn bắt đầu …

Dế đạo diễn – Chú ý, máy quay… sẵn sàng! 
Dế quay phim –  (đưa máy vào bên trong sân khấu rồi lùi lại một góc, chuẩn bị) Báo cáo, máy quay sẵn sàng.
Dế đạo diễn – Tô Hoài …  sẵn sàng! …

(Tiếng nói bên trong hậu đài) – Gượm đã … gượm đã … Hai cụ Tô Hoài đang tranh nhau, đang sắp sửa nện nhau đây này!
Dế đạo diễn – Quỷ quái! Tô Hoài đánh nhau với Tô Hoài! Chuyện gì thế?
Tô Hoài 1 – (là một con gái, bước ra mếu máo với đạo diễn)  Tớ được đóng Tô Hoài, nhưng nó giữ tớ lại, nó không cho tớ ra.
Dế đạo diễn – Hôm họp lớp phân công cậu mà! Đứa nào ngăn cậu lại?
Tô Hoài 2 – (là một con trai, bước ra ưỡn ngực với đạo diễn)  Tô Hoài đầu hói chứ đâu có đầy tóc như con kia? Mà đầu tớ thì hói rồi, khác hẳn cái tên Tô Hoài kia đầu nó không hói… Tớ bảo để tớ đóng trước, nhưng nó không chịu…
Dế đạo diễn – Hay ho thật đấy! Chuyện kiểu này chỉ có thể xảy ra với kịch thôi: Tô Hoài cãi nhau với Tô Hoài rồi còn định đánh nhau với Tô Hoài! 
Tô Hoài 2 –  Tớ là cụ Tô Hoài đầu hói. Tớ đóng trước.
Tô Hoài 1 –  Tớ cũng là cụ Tô Hoài đầu hói. Tớ đóng trước.
Tô Hoài 2 –  Hè hè hè … Cái con bé ranh này nó định đòi làm cụ Tô Hoài đầu hói, bà con ta có thấy lạ không?
Tô Hoài 1 –  Cậu là thằng ngốc! Thử sờ lên đầu xem cậu có hói thật không?
Tô Hoài 2 –  Hè hè hè … (lật cái đầu hói giả ra chìa cho mọi người xem)  Đây, Tô Hoài đầu hói thật sự đây, rõ chưa?
Tô Hoài 1 –  Cậu càng nói càng tỏ ra là một thằng ngốc chính hiệu! Cái đầu hói đó chỉ là một đạo cụ. Tớ cũng có thể chụp cái đầu hói hóa trang đó lên đầu. Nhưng đó chỉ là cái Tô Hoài bên ngoài. Bây giờ, tớ vẫn để tóc dài và đen nhánh thế này, nhưng nếu tớ đóng vai cụ Tô Hoài mà đúng như cụ Tô Hoài trong tâm hồn con người ấy… thì như thế mới là nghệ thuật, rõ chưa, cái thằng ngốc kia?!
Dế đạo diễn – Để tớ phân xử vụ này. Vì tớ là đạo diễn, đây thuộc phạm vi quyền hạn của tớ. (với Tô Hoài 2). Nào cậu đóng thử vai trước. Cậu bước ra sân khấu và nói điều gì đi…
Tô Hoài 2 –  (đậy lại đầu hói giả che tóc trên đầu – rút từ túi áo ra một tờ giấy viết sẵn và đọc, dĩ nhiên là giọng đọc của học trò dốt nghệ thuật)  Tôi tên là Tô Hoài, tôi xin có mấy nhời thân ái gửi lời thân chào kính chào mến yêu chào tới các bạn đọc và bạn xem kịch bé nhỏ … E hèm … Thưa quý bạn đọc và thưa quý khán giả … e hèm …
Tô Hoài 1 –  (xông vào, nói vo với mọi người) Các em yêu quý … Tô Hoài đây … Tô Hoài đây … Hôm nay Tô Hoài gần trăm tuổi rồi, già lão rồi, đau lưng rồi, muốn chán đời lắm rồi các em à … Ngày Tô Hoài còn bé, Tô Hoài cũng chạy nhảy kinh thiên động địa, cũng tinh nghịch như các em bây giờ … Nhưng Tô Hoài cóc được học hành như các em bây giờ …  Nhà Tô Hoài nghèo, Tô Hoài thèm khát cuộc sống học trò như các em, nhưng vì nghèo nên Tô Hoài cóc được sống hạnh phúc như vậy… Tô Hoài đành chơi với Dế và gửi bạn Dế cho các em… 
Tô Hoài 2 –  Tô Hoài không nói tục, không nói “cóc được học…”!
Tô Hoài 1 –  Tô Hoài có nói tục, nói tục mới vui…
Tô Hoài 2 –  Sao cậu biết Tô Hoài có nói tục?
Tô Hoài 1 –  Tớ biết chắc là Tô Hoài có nói tục, nói tục thật sự, biết chắc như vậy…
Tô Hoài 2 –  Dẫn chứng? … Ê, dẫn chứng?
Tô Hoài 1 –  Trong truyện Dế Mèn … Tô Hoài giễu những thói xấu của con người … đó là nói tục một cách thanh tao … tục mà không tục … cóc sợ tục … cóc sợ …
Tô Hoài 2 –  Chính cậu cũng vừa nói tục. Đạo diễn ơi, cấm con này đóng vai Tô Hoài. Vì cụ Tô Hoài không bao giờ nói tục. Nó vừa nói “cóc sợ…” thế là nói tục.
Tô Hoài 1 –  Ờ ờ ờ … thế tớ vừa văng ra “cóc sợ …” à? Thế thì bình thường, có gì mà lăn tăn?
Tô Hoài 2 –  Cậu văng tục làm xấu cụ Tô Hoài của chúng ta, vì chắc chắn cụ Tô Hoài không bao giờ nói tục. 
Tô Hoài 1 –  Văng tục cũng là chuyện bình thường của con người, tớ cho là cụ Tô Hoài cũng có khi nói tục!
Tô Hoài 2 –  Tô Hoài không bao giờ nói tục. 
Tô Hoài 1 –  Tô Hoài có nói tục!
Tô Hoài 2 –  Không bao giờ nói tục. 
Tô Hoài 1 –  Có nói tục!
Tô Hoài 2 –  Tô Hoài không bao giờ nói tục. Nói tục là kém văn hóa.
Tô Hoài 1 –  Tô Hoài có nói tục! Nói tục mà vẫn có văn hóa. 
Tô Hoài 2 –  Tô Hoài không bao giờ kém văn hóa. Cậu xúc phạm Tô Hoài!
Tô Hoài 1 –  Chính cậu xúc phạm Tô Hoài! Cậu đóng vai Tô Hoài cầm giấy đọc lời phát biểu tức là cậu cho rằng Tô Hoài không có văn hóa. Cậu cho rằng Tô Hoài đọc văn người khác viết hộ!

(Hai ông Tô Hoài xắn tay áo định choảng nhau trên sân khấu)

Dế đạo diễn – (đi xuống hàng ghế khán giả, đến trước cô giáo) Em thưa cô …
Cô giáo – Tôi biết cậu có chuyện gì rồi, cậu định nhờ tôi giải quyết hả? Vai trò đạo diễn để đâu?
Dế đạo diễn – Em thưa cô … Vai trò đạo diễn thì em có… nhưng em không đủ trình độ…
Cô giáo – Vậy bây giờ phải giải quyết chuyện gì?
Dế đạo diễn – Nhiều chuyện … Tô Hoài có nói tục không? Cái con bé Tô Hoài kia kìa, nó lại bảo thằng cu Tô Hoài kia cầm giấy đọc lời phát biểu như thế là kém văn hóa. Em mời cô lên sân khấu …
Cô giáo – Ờ thì cô lên… cùng vui với các em …
Dế đạo diễn – Thưa cô, Tô Hoài có nói tục không?
Cô giáo – (hỏi Tô Hoài 1) Theo em, Tô Hoài có nói tục không?  (lại hỏi sang Tô Hoài 2) Theo em, Tô Hoài có nói tục không?
Tô Hoài 1 –  Dạ thưa cô, Tô Hoài không bao giờ nói tục ạ! Nói tục là kém văn hóa ạ. Là rất kém văn hóa ạ.
Tô Hoài 2 –  Thưa cô, cụ Tô Hoài chắc là cũng có khi nói tục ạ…
Cô giáo –  Hay đáo để! Hai em nói ngược hẳn ý mình là ra làm sao?
Tô Hoài 1 –  Dạ thưa cô, em đoán ý cô cho rằng Tô Hoài không bao giờ nói tục ạ! Em đoán ý cô cho rằng nói tục là kém văn hóa ạ… Thế cô cho em mấy điểm? 
Tô Hoài 2 –  Thưa cô, nhìn vẻ mặt của cô, em cũng đoàn là cô nghĩ cụ Tô Hoài chắc là cũng có khi nói tục ạ… Thế cô cho em mấy điểm? 
Cô giáo –  Ha ha ha … Em nào cho cô bộ đồ Dế… cô cũng muốn đóng vai Dế như các em hôm nay … (Cô giáo khoác áo vằn vằn vào người và đeo bộ râu dế lên đầu)… Ta là Dế Tô Hoài đây… Các bạn hoan hô đi… Ta đã đi ngao du khắp thiên hạ, điều ta thích nhất là gì các bạn biết không? … Ta thích nhất là sự ngay thật! Ta thích nhất là lòng tự trọng! Tô Hoài ta đây rất thích bạn nhà thơ  Phùng Quán trẻ tuổi của ta, Phùng Quán đã nói thế này:

Yêu ai cứ bảo là yêu …  Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều … Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết … Cũng không nói ghét thành yêụ

Tôi muốn làm nhà văn chân thật, chân thật trọn đời

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Toàn thể các Dế  – Hoan hô cô giáo! Hoan hô Tô Hoài! Hoan hô Phùng Quán! Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Dế đạo diễn – Hoan hô cô giáo dế! Cô giáo cũng là họ nhà dế chúng ta trong cuộc vui hôm nay! Hoan hô Tô Hoài dế!
Dế đạo diễn và Toàn thể các Dế  – Hoan hô cô giáo dế! Hoan hô Tô Hoài dế!
Toàn thể các Dế  – Hoan hô Tô Hoài dế!
Dế đạo diễn – Đêm kịch hôm nay đã vãn trò… Hoan hô họ hàng hang hốc nhà dế! Đêm vui quá là vui, xin một tràng … à thôi, không cần xin một tràng vỗ tay… Hoan hô chúng ta! Máy quay đâu rồi? Từ nãy có ghi đủ hình không? Hoan hô!!! Tôi ra lệnh: Hạ màn!!!

HẠ MÀN