Kịch bản soạn cho chương trình thực nghiệm đưa nghệ thuật vào nhà trường phổ thông. (Gợi ý: kịch bản này thích hợp hơn cả cho học sinh lớp 11 trở lên)
Lưu ý: Kịch bản này có mượn một ý của nhà soạn kịch Jean Anouilh trong lời cô Jeanne d’Arc “Sao lại trao gánh nặng cứu nước lên vai gầy này?”. Xin cảm ơn.
Tiếp theo Chuyện Dế Mèn đây là vở thứ nhì nhóm Cánh Buồm trình ra trước xã hội. Mục đích của hoạt động kịch trong nhà trường phổ thông nhằm tạo cơ hội cho học sinh tự tiến hành công việc giáo dục nghệ thuật cho chính mình. Kết quả của sự tự giáo dục đó là:
– Có một lòng đồng cảm với con người qua tác phẩm nghệ thuật, nhờ đó mà có một tâm hồn dễ rung cảm và sẵn sàng có cảm hứng nghệ thuật.
– Có một sự hiểu biết về các thao tác cơ bản của việc tạo ra tác phẩm nghệ thuật: tưởng tượng, liên tưởng và sắp xếp bố cục tác phẩm.
– Có kỹ năng cơ bản trong việc chơi kịch (cả kịch nói và kịch câm) cũng như trong các bộ môn khác như ca múa nhạc, hội họa điêu khắc và kiến trúc …
Dĩ nhiên, tất cả những hiểu biết cơ bản đó đều không thay thế việc giáo dục chuyện nghiệp. Đây chỉ là hành trang văn hóa cần thiết của con người sống hài hòa với xã hội hiện đại đương thời.
Áp dụng vào vở kịch này và các vở kịch tương tự, yêu cầu đối với học sinh là:
– Phải có tinh thần và kỹ năng tham gia công việc được phân công theo khả năng (đạo diễn, diễn viên, kéo màn, ánh sáng, đạo cụ … và cả quảng cáo…) để vở diễn được hoàn thành – hoàn toàn tránh việc không tham gia, chỉ ngồi xem và phê phán dửng dưng.
– Phải có năng lực tham gia công việc chính của nghề kịch: diễn xuất. Vở diễn chỉ cần một vai, nhưng mọi học sinh phải có khả năng đóng thế; chưa kể, mỗi lần diễn lại có thể thay người diễn để hầu như tất cả học sinh đều có thể thành diễn viên.
– Đặc biệt, đây là vở kịch mang tính chất lịch sử, học sinh sẽ có cơ hội học Lịch sử một cách hào hứng, học với tất cả tâm hồn mình. Mặt khác, tác phẩm nghệ thuật lịch sử – do tính chất riêng của nó, do khả năng chứa đựng thông điệp riêng của tác giả – ngoài việc học thêm được những nội dung tường minh do khoa học Lịch sử ghi lại, học sinh sẽ có điều kiện đào sâu vào những “mặt khuất” của Lịch sử là những điều đã diễn ra rồi “câm lặng” một đi không trở lại…
Xin mời cùng tham gia.
———————–
Nội dung vở diễn
Nhân vật:
– Đạo diễn, người có thể được gọi tên cách khác: “đạo diễn-nghệ sĩ-Sử gia”
– Gian-Đa (Jeanne d’Arc), trinh nữ nước Pháp sống ở thế kỷ 15.
– Cô Chắc, Cô Nhì (xưa nay vẫn gọi bằng Trưng Trắc, Trưng Nhị), những trinh nữ nước Nam, sống ở thế kỷ thứ 1. Cùng những nhân vật phụ khác xuất hiện lần lượt trên sân khấu.
Địa điểm:
– Ở Việt Nam, bên sông Hát Giang, thế kỷ thứ 1, (thể hiện nhờ biểu tượng một đống rơm lớn và một đống rơm nhỏ được đẩy ra sân khấu , , cũng có thể thay thế bằng phông có vẽ hình mấy cây rơm – cũng có thể diễn trên sân khấu không bài trí gì hết, thả lỏng cho trí tưởng tượng của mọi người).
– Ở Pháp, tại cánh đồng bên ngoài thành Orléans, thế kỷ thứ 15 (thể hiện theo cảnh vẽ một cánh đồng mênh mông và xa xa là một tháp chuông nhà thờ).
– Hai bên gặp nhau tại một địa điểm tưởng tượng nằm giữa hai nước, không thấy ghi trên bản đồ, chắc là địa điểm trong lòng con người.
CẢNH 1
ĐẠO DIỄN – (ra lệnh khi sân khấu còn trong bóng tối – coi là chưa mở màn): Chú ý cảnh 1 chuẩn bị bắt đầu… Máy quay chuẩn bị … Gian-Đa chuẩn bị … Gian-Đa, em đâu rồi? …Gian-Đa, em chuẩn bị … Đèn! … (ánh sáng bừng lên – từ đây, cứ chuyển cảnh lại tắt đèn rồi bật sáng, thay cho kéo màn) …
GIAN-ĐA – (bước ra. Đó là một cô gái quê ngoan đạo nước Pháp thế kỷ thứ 15. Váy thẫm màu. Sơ mi xám dài tay và khuy áo cài kín cổ. Gian-Đa ngơ ngác nhìn khán giả, nhìn đồng quê, nhìn tháp chuông nhà thờ,… vẻ e thẹn … cô làm dấu thánh giá … )
ĐẠO DIỄN – (ra lệnh, vẻ sốt ruột) Cờ … cờ … cờ … Sao Gian-Đa lại không có cờ?
(Một diễn viên chạy vội ra mang cho Gian-Đa lá cờ sau)
ĐẠO DIỄN – (phất lá cờ lên, vò đầu bứt tai) Ôi giời ơi là đất! … Sao Gian-Đa lại mang cờ này? Đây là cờ Cách mạng Pháp năm 1789! Mấy cậu phụ trách đạo cụ thật đáng đét đít! …
Thay cờ cho Gian-Đa nhanh … (nói nhỏ với Gian-Đa) Em bình tĩnh nhé, đừng cuống…
(Một diễn viên chạy vội ra mang cho Gian-Đa lá cờ sau)
ĐẠO DIỄN – (lại vò đầu bứt tai) Ôi giời ơi là đất! … Sao Gian-Đa lại mang cờ này?
Đây là cờ của nhà vua Charles đệ ngũ … Không phải lá cờ dựng nghiệp chống quân Anh giải phóng dân tộc … Xin lỗi quý vị khán giả, cho tôi mấy phút tôi tìm lá cờ (tự chạy vào mang cờ ra, đó là lá cờ sau)
CẢNH 2
GIAN-ĐA – (lấy lá cờ, rũ rũ cho mọi người đủ thấy, sau đó vắt lá cờ lên vai, như một chiếc áo khoác làm đẹp điệu đàng của con gái thời nay, vì đây là câu chuyện Gian-Đa hôm nay kể lại chuyện đời mình cho hai chị em cô Chắc và cô Nhì nước Việt Nam – tất cả đều là chuyện lịch sử của hôm nay chứ không phải chuyện kể cho “đời xưa”). Em đóng tiếp được rồi chứ?
ĐẠO DIỄN – Ừ, em đóng nốt đi … Đừng run … Em đẹp lắm. Em có sáng kiến quàng lá cờ vào tấm thân nuột nà của em, thật vô cùng ý nhị …Quay phim đâu? Quay cận cảnh đặc tả Gian-Đa nghĩ tới lời nói thiêng liêng của các Thánh văng vẳng bên tai bạn đó … Nhanh … Tiếp tục … (Máy quay làm theo lệnh đạo diễn).
GIAN-ĐA – (Mơ mộng, như nói với giời với đất, như nói với ngày xưa và nói với hôm nay cũng như thể đang nói với cả mai sau… ) Quân Anh xâm chiếm đất Pháp. Biên giới giữa Anh và Pháp cách nhau đúng là chỉ một bước chân, bước chân ở vùng Calais, (Pas-de-Calais – tác giả chú thích) quân Anh luôn luôn nhấp nhổm bành trướng sang Pháp … Đất nước rầm rập tiếng chân quân lính ngoại bang… (Dừng lại, nhìn chằm chằm lên trời cao, rồi lại quay sang phía tháp chuông nhà thờ, làm dấu thánh giá … Một lát, nhìn đạo diễn có vẻ như cầu cứu, có lẽGian-Đa quên vở!)
ĐẠO DIỄN – Em đóng nốt đi … Đừng run … Quay phim đâu? Cận cảnh! Đặc tả! Gian- Đa sắp nghe được lời nói thiêng liêng bên tai … (Nhắc khẽ với Gian-Đa) Tiếp tục đi, em … Lời Thánh Michel và nữ Thánh Catherine…
GIAN-ĐA – (Mơ màng nhìn lên trời) Trong tai tôi … ngày cũng như đêm … lúc nào cũng văng vẳng lời Chúa dạy: “Gian … Gian … Gian … Hỡi con … Con có nhìn thấy quân thù đang dày xéo quê hương xứ sở không?” … “Gian … Hỡi con … Con có thấy mối nhục quân thù giày xéo quê hương, bắn giết, cướp phá … có thấy khắp nơi nơi là ngọn lửa hung tàn của quân xâm lược ngoại bang không?” (Gian-Đa dừng lại quỳ xuống, chắp tay … ) Lạy Chúa … Con đã nghe được lời nhắn nhủ của Người … Lạy Chúa … Con đã nhận được thông điệp của Người …
ĐẠO DIỄN – (Đến bên Gian-Đa) Tuyệt vời! Không ngờ em diễn xuất giỏi đến thế! Em làm anh mủi lòng. Anh sắp khóc đây. Sau này em nên vào trường Kịch, đi theo các ông Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi, rồi theo mấy ông Trọng Khôi, Trần Tiến, Chí Trung cũng được… diễn những vai kịch làm người đời khóc cười theo em và làm cho họ sẽ sống tốt đẹp hơn … Em tiếp tục đi …
GIAN-ĐA – (Mơ màng như quên có đạo diễn bên cạnh) Trong tai tôi … ngày cũng như đêm … lúc nào cũng văng vẳng lời Chúa dạy: “Hãy cứu nước! Hãy cứu nhà vua! Hãy xóa sạch bóng quân xâm lược!” … (Vẻ hoảng hốt) Ôi, nhưng sứ mệnh trao cho con sao quá nặng nề! …
Chúa ơi! Sao Người lại trao gánh nặng đó lên đôi vai gầy này? … Chúa ơi! Còn bao nhiêu người khỏe mạnh hơn con! Còn bao nhiêu người đầy đủ vũ dũng hơn con, sao Người không nhắc nhở họ, lại chỉ nhắc nhở riêng con? Chúa ơi! … Con vẫn biết thế: Mình không làm, ai làm? Mình không lo, ai lo? Mình không cáng đáng, ai cáng đáng? Chúa ơi! Nhưng sao lại là đôi vai con? Liệu con có đủ sức không, Chúa ơi!
CẢNH 3
ĐẠO DIỄN – (Rút khăn lau mắt… ) Gian-Đa, em làm anh quá xúc động đấy!
GIAN-ĐA – Hì hì … Em vẫn còn run đây này.
ĐẠO DIỄN – Mới đóng kịch, bao giờ cũng vậy. Sau rồi quen đi.
GIAN-ĐA – Chắc là còn lâu em mới quen. Nhưng em run không vì đóng kịch, mà run vì nhớ lại những lần nghe thánh Michel và nữ thánh Catherine nói rành rọt bên tai … Sợ lắm kia! Anh không hình dung được nỗi sợ ấy đâu! … Em cảm nhận được hoàn toàn một sứ mệnh nặng nề đặt lên đôi vai này…
ĐẠO DIỄN – Nhưng em run thế mà lại hay. Ai cũng nghĩ em xúc động trước nhiệm vụ cứu nước…
GIAN-ĐA – Hì hì … Bây giờ em phải làm gì nhỉ? Hết kịch chưa?
ĐẠO DIỄN – Chưa hết ạ! Mới diễn được một đoạn ngắn…. Chưa đến đoạn em làm gì với Nhà vua em nhớ không?
GIAN-ĐA – Có nhớ … Em bắt Vua phải nhường ngôi cho Thái tử. Em bắt Thái tử phải tuyên thệ. Em bắt họ phải chiêu tập binh mã cho em …
ĐẠO DIỄN – Sau đó là đoạn gì, em nhớ không?
GIAN-ĐA – Có nhớ … Còn đoạn em bắt các đại giám mục phải đứng ra làm phép thánh cho Nhà vua và cho các tướng lĩnh … Rồi em bắt các đại giám mục phải huy động lòng tin của toàn dân …
ĐẠO DIỄN – Đó là khúc lịch sử cá nhân đẹp nhất trong đời em, nàng trinh nữ Pháp ạ!
GIAN-ĐA – Hề hề … Đúng, mấy đoạn đó mới hay … Em nhớ rồi …
ĐẠO DIỄN – Em à, tại sao dạo đó em lại nghĩ ra những trò đó? Có ai bày cho em không?
GIAN-ĐA – Có … Vẫn lời của Chúa qua lời thánh Michel và qua nữ thánh Cạtherine … Người bảo em: bọn đàn ông chỉ hung hăng khi không có người mạnh hơn họ thôi. Thực lòng bọn đàn ông rất hèn nhát. Con hãy bắt họ rũ bỏ sự đớn hèn. Con hãy bắt đầu từ Thái tử là tên đàn ông hèn nhất trong đám người hèn. Phá được một điểm đó, con sẽ thành công … Nhưng bây giờ, hình như …
ĐẠO DIỄN – Bây giờ là một đoạn xen ngang giữa vở: em nói chuyện với hai cô gái ở bên nước Nam cũng có hoàn cảnh như em … Hai cô cũng tổ chức nhân dân đứng lên đánh quân xâm lược.
GIAN-ĐA – Sao lại là nước Nam? Sao em lại phải nói chuyện với hai cô gái Việt Nam?
ĐẠO DIỄN – Ờ … ờ … là vì kịch bản viết thế.
GIAN-ĐA – Sao lại là kịch bản viết thế? Em chưa bao giờ quen biết các cô gái Việt Nam đó hết.
ĐẠO DIỄN – Ấy chính vì thế nên mới cần một kịch bản mang nội dung như thế.
GIAN-ĐA – Em chả hiểu gì hết.
ĐẠO DIỄN – Chuyện thế này … Cuối thế kỷ 19, quân lính nước Pháp của em cũng giống như quân Anh ngày xưa với nước Pháp … quân đội Pháp của nước em cũng tiến quân, nhưng tiến hơi bị xa … tiến sang mãi Việt Nam … Sau rồi có chuyện hai quân đội Việt Nam và Pháp uýnh nhau, Việt Nam gọi mình là Khánh chiến, Pháp gọi mình là “chống nổi dậy” … Nội tình câu chuyện cứ phải hàng dăm trăm cuốn sách ghi không chắc đã đủ …
GIAN-ĐA – Bây giờ hai nước còn uýnh nhau không?
ĐẠO DIỄN – Chuyện cũ xong xuôi cả rồi … Bây giờ là chuyện mới. Ăn cơm mới nói chuyện cũ, viết kịch cho học sinh hai nước diễn và hiểu nhau hơn … Nào, bây giờ em chuẩn bị nói chuyện với hai cô gái nước Nam … Cô Chắc và cô Nhì …
(còn nữa)