CHUYỆN DẾ MÈN

Nhóm CÁNH BUỒM

Tác phẩm thực nghiệm hợp tác với trường Nguyễn Văn Huyên
Đề tài Nghệ thuật trong nhà trường

 Hà Nội, 2011

Lời dặn các bạn diễn viên và đạo diễn

Tôi viết kịch bản này theo yêu cầu của nhà giáo Nguyễn Bích Hà, hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Huyên, nhằm thử nghiệm việc đưa kịch vào nhà trường cho thày và trò cùng thực hiện. Tôi nhận lời với giáo sư Bích Hà, vì nhóm đề tài Cánh Buồm đang soạn lại sách giáo khoa, trong đó môn học xưa nay gọi bằng môn Văn được chúng tôi xác định lại là môn Giáo dục nghệ thuật – từ cái mẫu là “văn”, học sinh được học một ngữ pháp nghệ thuật và trong hành trang khi học hết bậc phổ thông cơ sở (theo đề án của Cánh Buồm đó sẽ là 9 năm học liên tục) các em sẽ có đời sống văn hóa-nghệ thuật phong phú am tường và có năng lực thực tiễn  trong hoạt động nghệ thuật.

Tại sao tôi chọn Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài làm câu chuyện đầu tiên thử soạn thành kịch bản để dựa vào đó mà dựng vở kịch này?

Việt Nam có nhiều tác phẩm hay, đủ sức để ta khai thác phục vụ trẻ em học và hoạt động nghệ thuật trong nhà trường. Thật vậy, nếu đem so sánh chẳng hạn, vài ba hồi ức tuổi thơ, ta có thể thấy tác phẩm của Anatole France quá êm ái thơ mộng, Lev Tolstoi mượt mà nhung lụa, Maxim Gorki quá tự tin về thiên tài sớm phát lộ của chính tác giả – còn Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng đúng là một mẫu mực về sự chân thành nghệ thuật. Điều này chúng tôi đã nói trong sách Công nghệ dạy văn (Đại học, 2000, Đông Tây-Lao động 2007).

Chúng ta sẽ khai thác các tác phẩm đó như thế nào? Có hai cách khai thác. Trong trường hợp tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký, việc khai thác tiến hành như sau.

Nếu xem xét kỹ các sách Văn bậc tiểu học trong hệ thống Công nghệ giáo dục, bạn sẽ thấy rõ ý tưởng lấy mẫu học văn xuôi từ Dế mèn phiêu lưu ký và từ Nhà nghèo (đều của Tô Hoài). Dùng những đoạn văn trích đó của Tô Hoài, ta sẽ dễ dàng tổ chức cho học sinh làm lại các thao tác làm ra tác phẩm nghệ thuật đã từng diễn ra với nhà vănvà đó là cách giáo dục nghệ thuật không thông qua giảng giải và bắt trẻ em “nhại lại” lời giảng của giáo viên, mà thông qua việc thể hiện lại hành trình tâm lý và tình cảm của người đi trước (nhà văn, nghệ sĩ). Đó là cách khai thác thứ nhất.

Còn có cách thứ hai là tổ chức cho học sinh chuyển thể tác phẩm thành kịch, thành tranh truyện, thành triển lãm tranh hoặc ảnh do chính các em thể hiện, cả việc chuyển thành phim do chính các em quay…  Cô giáo Nguyễn Thị Lê của trường thực nghiệm Công nghệ Giáo dục đã có thành công trong việc chuyển Thằng Bờm và truyện vuiMua vịt thành kịch. Kịch Dế Mèn phiêu lưu ký này cũng là một cái mẫu nữa, hoàn thiện hơn một bước, mang tính thử nghiệm.

Kịch bản dựa trên tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký này được viết ra với mấy đặc điểm sau, mong các diễn viên và đạo diễn lưu ý.

1./ Kịch bản này tạo cơ hội huy động càng nhiều học sinh tham gia càng tốt. Sự tham gia hoạt động nghệ thuật để tự giáo dục nghệ thuật mới là mục đích của hoạt động này. Nếu không có yếu tố giáo dục đó, nhà trường có thể bỏ tiền thuê đoàn kịch nào đó tới diễn, hoặc mua đĩa CD chiếu cho học sinh duỗi chân ngồi xem.

2./ Trong quá trình tham gia, học sinh sẽ phải học điều thứ nhất của hoạt động sân khấu là sự diễn xuất. Kịch bản sẽ không lặp lại nguyên si câu chuyện Dế Mèn theo kiểu “diễn nôm” từ văn bản viết để đọc sang văn bản trên sân khấu để nhìn. Vở diễn này sẽ là những trích đoạn gọn gàng để học sinh thi nhau thay đổi cách diễn xuất.

3./ Kịch bản này sẽ soạn ra theo hướng tạo điều kiện để học sinh học cách diễn xuất theo lối “gián cách” – một phương thức trình diễn kịch kiểu Bertolt Brecht hoặc kiểu chèo Việt Nam – cũng là cách thức cho diễn viên và đạo diễn tạo ra nhiều cách thể hiện khác nhau, và đó cũng là một nội dung giáo dục nghệ thuật như nhóm Cánh Buồm chủ trương.

Vở này được soạn thành nhiều cảnh tách nhau ra nhưng khi nối lại thì cũng vẫn tạo thành câu chuyện, soạn tách ra sẽ tạo thuận tiện cho việc chia các nhóm tập dượt trước khi khớp chung cả vở. Đặc biệt là kịch bản này còn dành phần hướng dẫn các nhà giáo cùng học sinh tạo ra kịch bản của riêng mình, dùng ngay vào kịch Dế Mèn này và còn dùng cho cả việc tạo ra những kịch bản khác nữa.

Xin trân trọng giới thiệu.

Phạm Toàn

 

CẢNH 1 – GIÁO ĐẦU

Các diễn viên và đạo diễn và cả người quay phim của “hãng truyền hình” trong vở này đều mặc đồng phục dế mèn: áo sơ mi trắng có khoanh vằn nâu – dế con trai thì mặc quần soóc xanh đậm, dế con gái mặc váy ngắn cũng xanh nước biển; quần áo giống nhau và cái mũ chụp lên đầu cùng với hai cái râu dài cũng phải giống nhau, nếu không rất dễ lạc loài đó!

Dế quay phim – (di chuyển máy quay trên chạc ba chân) Ê… xê ra … xê ra cho người ta di chuyển máy quay … Ê … cái nhà cậu này …

Dế đạo diễn– Ơ, cái nhà cậu này hay nhỉ? Dám đuổi cả đạo diễn à?

Dế quay phim – Hè hè hè … Cậu làm đạo diễn hôm nay à? Sao cậu lại mặc đồng phục Dế Mèn?

Dế đạo diễn – Thế cậu định đuổi mình sang loài nào? Không cho mình làm dế mèn nữa à?

Dế quay phim – Đâu có đâu có! Mình chỉ thấy lạ, sao cậu là đạo diễn mà lại mặc đồng phục như mọi người?

Dế đạo diễn – Cậu biết vì sao không? Vì mình là Dế. Mà đạo diễn Dế cũng có những lúc phải đóng vai, phải diễn xuất làm mẫu cho diễn viên Dế. Khi đó mình mặc quần áo sẵn sàng rồi, đỡ phải thay đồ…

Dế quay phim – Hiểu rồi! Bây giờ thì cậu lui ra cho mình di chuyển máy.

Dế đạo diễn– Kri … kri … kri … Bây giờ cậu biết mình là Dế đạo diễn rồi, xin cậu vui lòng nghe theo lệnh của mình…  Di chuyển máy ra góc sân khấu.

Dế quay phim – Rõ! (lui máy vào một góc sân khấu).

Dế đạo diễn – Kri … kri … kri … Xoay ống kính về phía khán giả…

Dế quay phim – Rõ! (xoay ống kính máy xuống khán giả).

Dế đạo diễn – Kri … kri … kri … Xin các khán giả một hồi vỗ tay chào đoàn kịch lớp NNN trường Nguyễn Văn Huyên chúng tôi…

Dế quay phim – (tay vẫy chào khán giả)To hơn nữa! Vui hơn nữa! Vang xa hơn nữa!

Dế đạo diễn – Kri … kri … kri … (vỗ tay ra hiệu chú ý …)  Bắt đầu chương trình tổng duyệt … Cảnh thứ nhất: màn Giáo đầu.

(Các Dế đang đứng lộn xộn đều lui vào phía sau sân khấu. Một Dế tiến lên cầm tấm biển : MÀN GIÁO ĐẦU.Cúi đầu chào rồi nhẹ nhàng lui về phía sau.)

Dế giáo đầu – Kri … kri… kri … (cúi đầu chào) Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?

Khán giả – (tiếng vọng to từ trong ra) Biết rồi … biết rồi … họ nhà Dế…  họ nhà Dế … họ nhà Dế …

Dế giáo đầu – Vâng … Họ nhà Dế mèn chúng tôi sinh ra đã sống độc lập … Chúng tôi sống độc lập từ bé …

Khán giả – Sống độc lập từ bé… (một tiếng hỏi to) … Dế Mèn ra đời năm nào?

Dế giáo đầu – Loài Dế thì có từ lâu, tự thuở khai thiên lập địa đã có dế mèn… Riêng anh Dế Mèn trong chuyện kể đêm nay thì mới ra đời năm 1941, do cụ Tân Dân đỡ đẻ cho … Và người mang nặng đẻ đau sinh ra anh là cụ Dế Tô Hoài … Cụ Tô Hoài có mặt đêm nay với chúng cháu không đó nhỉ?

(Tự động ứng phó khi có mặt nhà văn Tô Hoài, hoặc không có mặt, hoặc khi cụ Tô Hoài ốm, và nhiều tình huống khác… Nhưng nói chung dù có dù không có mặt nhà văn Tô Hoài, em Dế Giáo đầu sẽ tiếp tục như sau)

Nhà văn cao tuổi Tô Hoài là bạn của Dế, bạn của tất cả trẻ em và người lớn nữa…  Gọi nhà văn là Cụ Tô Hoài cũng được, nhưng gọi bằng Anh Dế Mèn Tô Hoài là đúng nhất! Anh Dế Mèn Tô Hoài đã đi chu du khắp nơi … Trong nước thì đâu đâu anh cũng có mặt … Ngoài nước thì anh đã đi khắp nơi, anh biết nhiều thứ tiếng, khi thì anh nói tiếng Nga, khi dùng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Bungari… Rồi cả tiếng Đan Mạch, Thụy Điển…

Dế đạo diễn – Này, cậu nói hộ Dế Mèn hơi bị nhiều đó …

Dế giáo đầu – Dế giáo đầu tôi vừa bị đạo diễn nhắc nhở … Dạ đến đây, xin giới thiệu đêm kịch bắt đầu, và đây là vai chính đêm nay: Dế Mèn

(Vai chính bước ra, cọ cọ hai cánh tay vào sườn, phát ra “tiếng gáy” của loài dế …

Dế Mèn vai chính – (Cọ cánh và gáy) Kri… Kri… Kri… Kroo…oong …  Kroo…oong … Kroo…oong … Krốckrốc …

Dế giáo đầu – (bắt chước giọng Dế đạo diễn lúc nãy) Này, cậu Dế Mèn, cậu gáy  hơi bị nhiều đó …

Dế Mèn vai chính – (tỏ ý rút lui vào trong)  Ờ, kịch bản viết thế thì tớ diễn thế… Mà đã là Dế thì phải gáy chứ? Không cho gáy, tớ đi vào vậy…

Dế giáo đầu – Là tớ khen cậu gáy hay! Cho tớ gáy cùng với nào… (Cả hai Dế cùng cọ cánh và gáy song ca) Kri… Kri… Kri… Kroo…oong …  Kroo…oong … Kroo…oong … Krốckrốc … (ngừng một lát,  nhìn nhau thở ra vẻ mệt lắm, gáy cũng mệt, sau rồi lại gáy song ca) Kri… Kri… Kri… Kroo…oong…  Kroo…oong … Kroo…oong … Krốckrốc …

(Hai Dế cúi đầu định chào rồi vào)

Dế quay phim – (giữ Dế mèn vai chính lại, một tay chào khán giả)Hượm nào … hượm đã nào! Tớ cần cậu gáy lại vài ba lần, gáy cùng với bà con khán giả ngồi đầy dưới kia… Gáy đi, gáy sao cho … to hơn nữa … vui hơn nữa … vang xa hơn nữa! (Dế mèn vai chính làm bộ điệu cọ cánh để gáy, các khán giả cùng gáy theo)

Kri… Kri… Kri… Kroo…oong…  Kroo…oong … Kroo…oong … Krốckrốc …

Lần nữa!

Kri… Kri… Kri… Kroo…oong…  Kroo…oong … Kroo…oong … Krốckrốc … Lần nữa!

Kri… Kri… Kri… Kroo…oong…  Kroo…oong … Kroo…oong … Krốckrốc …

 

MÀN HẠ