Sở hữu những công ty có tiếng trong các ngành kinh doanh thời thượng, và là người giàu thứ 8 trên sàn chứng khoán Việt Nam 2010 với số cổ phiếu tương đương hơn 2.000 tỷ đồng, vậy mà Chủ tịch tập đoàn Hà Văn Thắm tự nhận mình rất bình thường.

VnExpress.net những ngày giáp Tết Tân Mão, ông chủ trẻ của Đại Dương, tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, tỏ ra ngại ngần khi trả lời những câu hỏi về cá nhân, chỉ cho biết mình là người may mắn trong kinh doanh.

Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương Hà Văn Thắm tại một buổi họp công bố kết quả kinh doanh 2010. Ảnh:Nhật Minh

– Tham gia thương trường khi còn rất trẻ và giờ đã là Chủ tịch tập đoàn đa ngành khá thành công, anh có thể chia sẻ về con đường lập nghiệp của mình?

– Tôi thích kinh doanh từ nhỏ và nghiệp kinh doanh cũng đến rất tình cờ. Khi tôi ra trường năm 1993, một anh bạn luật sư khuyên nên kinh doanh. Sẵn có niềm đam mê, với số vốn nho nhỏ vài nghìn đôla vay mượn của bạn bè tôi bắt tay ngay vào công việc. Thật may là hồi đó Việt Nam mới mở cửa, có nhiều cơ hội làm ăn.

Ban đầu tôi làm đại lý cho một số hãng lớn, cũng may được họ tin tưởng mà không đòi hỏi vốn nhiều. Mặt hàng kinh doanh đầu tiên của tôi chính là dầu ăn và lốp xe ôtô, có thể nói tôi là một trong những người đầu tiên đưa dầu ăn Neptune vào Việt Nam. Sau phân phối, tôi chuyển sang mua bán sáp nhập một số công ty sản xuất của nước ngoài. Rồi do sự tình cờ, tôi tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, sau này là chứng khoán, bất động sản. Nói chung, 16-17 năm kinh doanh, đến nay tôi tự thấy mình không có gì đặc biệt lắm.

– Khi thu được những đồng lợi nhuận đầu tiên, cảm giác của anh thế nào và anh tính sẽ sử dụng nó ra sao?

– Tôi xuất thân từ nhà nông, là con nhà nghèo, khi đi học cũng rất nghèo. Nên cảm giác khi kiếm được những đồng tiền đầu tiên rất đặc biệt. Giờ thì tôi không còn nhớ rõ ràng cảm giác lúc đó nữa, nhưng chắc rất khác bây giờ. Thời đó như tôi nói ở trên có rất nhiều cơ hội kinh doanh, nhưng kiếm được đồng tiền không dễ như bây giờ. Phần lớn số tiền lời đó, tôi tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

– Từ việc kinh doanh phân phối bán lẻ, tại sao anh lại chuyển sang lĩnh vực ngân hàng?

– Hồi đó tôi có một nhà máy ở Hải Dương, tình cờ gặp một cổ đông muốn bán cổ phần của Ngân hàng nông thôn Hải Hưng, giờ là Ngân hàng TMCP Đại Dương (OCEANBANK). Thế là tôi và một số người bạn bỏ tiền ra mua. Không hẳn là có chiến lược bài bản gì, đơn giản thấy thích thì mua. Sau này, thực tế kinh doanh nhiều ngành khác nhau đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi làm ngân hàng. Ngân hàng không phải là một ngành chỉ cần học ở trường là có thể quản trị được ngay. Thường thì ngân hàng có những nguyên tắc rất chặt chẽ, nhưng cũng cần sự cảm nhận để quyết định, ví dụ với việc cấp tín dụng, đôi khi có những dự án lập rất hay nhưng chưa chắc đã có thể cho vay và có dự án chưa chắc chặt chẽ lắm nhưng vẫn có thể cho vay nếu như cảm nhận của mình tốt về dự án và về người chủ dự án đó.

– Lúc chọn kinh doanh ngân hàng hay bất động sản, anh có nghĩ mình sẽ thành công như ngày hôm nay?

– Đến và thành công với những lĩnh vực này còn do may mắn. Ngoài chuyện kỳ vọng sẽ thành công, tôi thấy đây là những nghề kinh doanh thú vị. Khi xây xong một công trình, một khách sạn chẳng hạn, ngoài chuyện lợi nhuận của nó thì ta tự hào vì xây nên một sản phẩm đẹp cho đường phố, cho thành phố. Thật thú vị khi nghĩ rằng đấy là sản phẩm do chính mình xây dựng nên. Sức ép về tiến độ, chất lượng thi công cũng như bài toán kinh doanh hiệu quả, đem lại cho ta cảm giác không đơn điệu.

Ngân hàng cũng vậy, đây là ngành kinh doanh khá tổng hợp. Làm ngân hàng phải tiếp xúc nhiều khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nên tôi hay nói đùa với anh em nhân viên là cán bộ ngân hàng cũng như cảnh sát kinh tế, cần biết rất nhiều, có thể không sâu bằng khách hàng của mình, nhưng mỗi thứ biết một tí. Khi duyệt một khoản vay hay hợp tác với khách hàng, mình phải đọc báo cáo của họ, tìm hiểu về dự án của họ. Nhờ vậy mà biết thêm, học thêm. Mặt khác, ngân hàng là ngành đặc biệt, chịu sự quản lý nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng, được nhiều người quan tâm, nên việc kinh doanh phải tương đối bài bản. Vì thế nó tạo nên sự thú vị khi quản trị điều hành.

– Nếu là một nhà đầu tư mới tham gia thị trường, năm 2011 anh có định chọn chứng khoán, bất động sản và ngân hàng?

– Đây là một câu hỏi khó. Tôi nghĩ năm nay bất động sản và chứng khoán vẫn sẽ đầu tư được. Nhưng đó là danh mục đầu tư dài hạn chứ không phải danh mục để lướt sóng. Kể cả những người mới gia nhập thị trường hoặc đã gia nhập lâu đều có thể đưa bất động sản và ngân hàng vào danh mục đầu tư của mình trong năm nay. Có rất nhiều lĩnh vực khác có thể đầu tư được, nhưng bất động sản và ngân hàng vẫn là danh mục đầu tư tốt của Việt Nam trong thời gian tới. Tất nhiên đó chỉ là nhận định cá nhân của tôi.


“Tôi là người may mắn”. Ảnh: Nhật Minh

– Ngân hàng và bất động sản đang đóng góp vai trò quan trọng cho nền kinh tế. Và thực tế, nhiều người giàu có và thành đạt gần đây đều nổi lên từ hai lĩnh vực này. Anh đánh giá thế nào về xu hướng này và dự báo thời gian tới sẽ ra sao?

– Tôi nghĩ tương lai xu hướng đó sẽ giảm dần bởi kinh tế đất nước ta còn nhiều thế mạnh khác, như các ngành sản xuất công nghiệp, nông sản, công nghệ cao… Để đạt mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa, Chính phủ phải xác định chiến lược để đẩy mạnh công nghiệp hóa. Chuyện đó Chính phủ đã nói tới rồi, rất nhiều diễn đàn cũng đã đề cập đến vấn đề này và tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công.

Về phần mình, chúng tôi cũng đang chuyển hướng sang một số lĩnh vực có liên quan gần gũi với mình như đầu tư vào bán lẻ, vì khi các dự án bất động sản của chúng tôi hoàn thiện sẽ có mặt bằng cho bán lẻ. Đấy là một ngành kinh doanh chúng tôi xác định sẽ rất tốt. Dự kiến chúng tôi cũng sẽ đầu tư vào một số lĩnh vực sản xuất, trong đó có những dự án công nghệ cao mà tôi hy vọng là rất tốt.

– Mười mấy năm kinh doanh, có khi nào anh thất bại hoặc gặp những khó khăn khiến mình suy sụp, chán nản?

– Khó khăn rất nhiều, và có nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm. Khó khăn lớn nhất là phải chống chọi với khủng hoảng kinh tế, tôi trải qua cả 2 cuộc khủng hoảng, khủng hoảng tài chính châu Á những năm cuối thập niên 1990, gần đây là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ngày xưa khi mới đi kinh doanh, tôi cũng gặp những khó khăn rất điển hình của việc kinh doanh thương mại thời đó, đó là quản trị hàng hóa, công nợ. Đã bán hàng thì phải cho nợ. Nhưng ở Việt Nam mình, các ngành phân phối bán lẻ lúc đó không chuyên nghiệp như bây giờ, đại lý đi bán hàng chỉ cần ghi sổ nợ thôi, các giao dịch chủ yếu dựa vào lòng tin chứ ít khi dựa vào các hợp đồng kinh tế chặt chẽ.

Nhưng nhìn chung tôi là người may mắn. Trong nhiều năm kinh doanh, chưa có khó khăn nào đến mức khiến tôi thất bại đau đớn, buồn chán hay sụp đổ cả.

– Tại sao anh nhắc nhiều tới chuyện may mắn trong kinh doanh, phải chăng con đường lập nghiệp của anh thuận lợi và bằng phẳng?

– Tôi bắt đầu kinh doanh vào đúng thời điểm. Đó là may mắn đầu tiên và rất quan trọng. Những may mắn khác có được nhờ kế hoạch kinh doanh của chính mình. Tôi xác định đã kinh doanh đương nhiên phải có kế hoạch tốt, có chiến lược tốt và phải làm đúng, có sự cố gắng, nỗ lực học hỏi. Tuy nhiên, may mắn luôn là yếu tố quan trọng.

– Được xem là người giàu trên thị trường chứng khoán, anh có thích danh hiệu này và có chịu áp lực nào không?

– Đây là điều tôi không lường trước. Trước đó tôi đọc trên báo chia sẻ của các anh có tên trong danh sách. Thú thực tôi cũng không có nhiều sức ép lắm, chắc sức ép chủ yếu dành cho các anh ở thứ hạng cao, còn tôi ở thứ hạng sâu sâu bên dưới. Hơn nữa, tôi thấy áp lực lớn nhất của những người có tên trong danh sách chủ yếu là sự minh bạch thông tin. Nhưng tôi đã xác định từ trước, rằng hoạt động của mình phải công khai và yêu cầu này càng cao khi niêm yết cổ phiếu công ty lên sàn chứng khoán. Bản thân ngân hàng hoạt động tương đối đặc thù, đòi hỏi cao về tính minh bạch, công khai. Nên khi có tên trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán, áp lực có thể có thêm, nhưng tôi không cảm nhận rõ ràng lắm.

Tôi chưa xác định được là mình thích hay không thích danh hiệu người giàu. Tôi cũng hiểu đây là sự ghi nhận của báo chí, cho dù nó chưa nói lên tất cả. Khác với nước ngoài, ở Việt Nam chúng ta những người giàu nhất trên sàn chứng khoán chưa chắc đã là người giàu nhất, còn những người không có tên trong danh sách này chưa chắc đã nghèo hơn. Mọi người đều hiểu như vậy. Còn bản thân mình, tôi thấy cần cố gắng nhiều hơn.

– Anh quan niệm thế nào là một doanh nghiệp thành đạt và thế nào là một doanh nhân thành đạt?

– Với doanh nghiệp, tiêu chí đầu tiên phải là lợi nhuận. Nên yếu tố quan trọng và đầu tiên để nói lên sự thành đạt của doanh nghiệp là kết quả kinh doanh. Sau đó có thể có nhiều yếu tố khác như văn hóa, sự đóng góp cho xã hội hay chính sách với nhân viên. Còn doanh nhân là những người lãnh đạo của doanh nghiệp, vì vậy một doanh nhân thành đạt thì phải là lãnh đạo của một doanh nghiệp thành đạt.


“Tôi muốn hướng tới một con người thành đạt”. Ảnh: P.V.

– Lãnh đạo doanh nghiệp thành đạt thì đã đủ để trở thành một doanh nhân thành đạt chưa, khi ta không đề cập gì tới chuyện hôn nhân gia đình của người đó?

– Hôn nhân và gia đình rất quan trọng với doanh nhân cũng như với tất cả mọi người. Nhưng theo tôi, nếu nhìn ở góc độ một doanh nhân thành đạt, thì lãnh đạo doanh nghiệp thành đạt sẽ là điều kiện số một và quan trọng nhất. Còn khi nói tới sự thành đạt của một con người, dĩ nhiên gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu.

– Vậy anh muốn được nhắc tới như một con người thành đạt hay doanh nhân thành đạt?

– Tôi không kỳ vọng những danh hiệu cao xa. Nhưng để xác định mục tiêu thì tôi muốn hướng tới là con người thành đạt.

– Anh thấy mình đã đạt được bao phần trăm mục tiêu đó?

– Tôi không định đo đếm mình đạt được bao nhiêu phần trăm, chỉ biết rằng mình đang cố gắng.

– 22 tuổi đã vật lộn với thương trường, vậy thời trai trẻ của anh thế nào, chuyện tình yêu, bạn bè ra sao?

– Tôi vẫn đang trai trẻ đó chứ? Đùa vậy thôi, cũng như trong kinh doanh, tôi là người may mắn trong cuộc sống gia đình và có một gia đình rất hạnh phúc.

– Bằng một câu ngắn gọn, anh tự hình dung về con người mình thế nào?

– Cho tôi nghĩ thêm nhé. Tôi tự thấy mình bình thường và cũng chưa kịp đúc kết một câu ngắn gọn cho mình.

– Sau một năm kinh doanh thành công, anh kỳ vọng gì cho năm mới?

– Tôi kỳ vọng sự ổn định. Kết quả kinh doanh rất quan trọng, nhưng sự ổn định là điều các doanh nghiệp đều mong muốn. Đó là sự ổn định của chính sách, ổn định tốc độ tăng trưởng. Chúng tôi không kỳ vọng phát triển thật nhanh, tăng trưởng đến mấy trăm phần trăm hoặc rất nhiều chục phần trăm. Thành quả chúng tôi đạt được trong năm vừa qua không cao, nhưng nhìn vào thực tế vĩ mô và điều kiện kinh tế Việt Nam thì kết quả như vậy cũng giúp chúng tôi tạm hài lòng. Khi đạt được vị trí nào đó thì điều quan trọng nhất vẫn là sự ổn định, chứ chúng tôi không xác định phải tiến tới bằng mọi giá, vì tôi tin rằng mình còn nhiều thứ phải cân bằng.

Song Linh

VietnamNet