1. Có bác hỏi tôi có tin vào “Linh Hồn” không. Hỏi vậy cũng như hỏi tôi có tin vào “Cambukachiraturukichemo” không. Tôi không hiểu cái từ đó nghĩa là gì. Làm cách nào để trực tiếp hay gián tiếp cân/đong/đo/đếm/cảm giác nó. Mô tả nó. Hỏi Aristotle có tin vào “Sóng điện từ” hay không thì ông ấy phải trả lời thế nào?

2. Một số bác cho các con số: 30-70% này, 1000 trường hợp tìm mộ này, v.v. rồi hỏi tại sao tôi lại không tin ngoại cảm.

2a. Thứ nhất, tôi không biết các con số đó ở đâu ra. Nguồn tin đó có đáng tin cậy không? Quá trình tìm kiếm lưu trữ dữ liệu thế nào? Có kiểm chứng độc lập không?

Ví dụ nhé, trong một ngành quan trọng và liên quan đến sự sống chết như Y Khoa chẳng hạn, với các quá trình peer-review chặt chẽ, vậy mà dữ liệu còn *rất* đáng ngờ nữa là các anecdotal evidence như các bạn đã viết. Xem bài này chẳng hạn. Trong khoa học, để có thể chấp nhận được một kết quả mới, kết quả đó cần phải được lập đi lập lại, kiểm chứng độc lập bởi nhiều nhóm nghiên cứu trong một thời gian dài, quy trình tìm ra kết quả phải có peer-review cẩn thận … Cái quy trình ảnh hưởng cực lớn đến kết quả. Bác nào đã làm khoa học thực nghiệm rồi thì sẽ hiểu rất rõ điều này.

2b. Thứ hai, cứ giả sử như một nhà ngoại cảm nào đó tìm được 1000 ngôi mộ thật, thử DNA đúng 100% đi. Thì cái đó có phải là bằng chứng là người đó có khả năng ngoại cảm không?

Tôi không biết. Không đủ thông tin.

Một hiện tượng có thể có nhiều nguyên nhân, tại sao các bạn lại biết là nó do khả năng ngoại cảm?

Có thể bà ấy có truy cập đến cơ sở dữ liệu (CSDL) của Quân Đội. Cho biết tên tuổi và binh đoàn của liệt sĩ, vào CSDL này tìm ra trận đánh, nghĩa trang, v.v. Dù thông tin trong CSDL không đầy đủ, tìm 10000 lần trúng 1000 lần cũng có thể chứ. Tại sao cứ phải là “ngoại cảm” (whatever that means!)

Muốn biết có phải khả năng ngoại cảm hay không thì đơn giản chỉ cần áp dụng vài ba cái blind-test.

Phép thử 1: cho một tên thật, nhưng phải đảm bảo là trong quá trình tìm mộ bà ấy không có truy cập đến nguồn thông tin nào khác. Cái qui trình rất là quan trọng.

Phép thử 2: cho một tên giả.

Phép thử 3: tìm mộ một người lính đánh thuê chết ở chiến trường Angeria chẳng hạn, chỗ nào mà mình gần chắc rằng nhà ngoại cảm không có CSDL về cả lính lẫn địa bàn. Hay là tìm lính Đức, lính Nga chết ở Siberia … Hay là “hồn” chỉ biết nói tiếng Việt?

Thực hiện blind-test mà thành công thì còn đáng tin hơn vạn lần cái con số 1000 các bạn cho ở trên.

Lần lũ lụt vừa rồi là một blind-test tuyệt hảo, vì không có CSDL nào về vị trí xe buýt cả. (Nhưng mà hỏi 10 NNC thì thế nào cũng có một NNC đoán trúng nếu một vài người trong số họ dùng common sense!)

Hoặc là, nộp đơn đáp ứng thách thức 1 triệu USD của James Randi. Vừa có tiếng (là NNC có thật), vừa có tiền (1 triệu đô).

Việt Nam không độc quyền các nhà ngoại cảm. Tiếng Anh người ta gọi nó là extra-sensory perception. Bói toán, chiêm tinh, bẻ sắt bằng mắt, ma nhập, cầu hồn, UFO, người tuyết … vân vân trên thế giới đều có tất tần tật, và có rất nhiều người tin. Chưa có ai được 1 triệu đô của James Randi cả. Trong website của James Randi có kể lại rất nhiều các câu chuyện mà họ khám phá ra nguyên nhân của các hiện tượng “siêu nhiên” như thế nào, kể cả những hiện tượng siêu nhiên xảy ra … ngay trên TV truyền trực tiếp mà bà con tin sái cổ.

Các bác cũng có thể đọc cái này từ quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ (NSF). Hay đọc tạp chí Skeptical Enquirer.

3. Tôi thấy một xã hội mà quá nhiều công việc hàng ngày phải liên hệ đến “ngoại cảm”, “bói toán”, “phong thủy” … là một xã hội không khỏe mạnh. “Lao Động” và “Sáng Tạo” đi đâu mất rồi?

Bill Gates, Steve Jobs, Brin-Page, Zuckerberg … đã cách mạng hoá toàn bộ lịch sử nhân loại, thay đổi cách chúng ta sống, tư duy, và làm việc. Họ làm được điều đó là một phần nhờ công lao động sáng tạo ngày đêm bao nhiêu năm liền của họ và mấy trăm nghìn nhân viên phụ trợ.

Trong khi đó, …

Sĩ tử của chúng ta thì làm gì? Đi Văn Miếu lạy lạy lục lục.

Doanh nhân chúng ta làm gì? Mở hàng xem ngày xem tháng, cúng vái cái tượng đất nung. Xây nhà thì xây méo xẹo để cho “đúng hướng”, bất kể sự vô lý và hao tổn về mặt xây dựng và kiến trúc.

Lãnh đạo chịu trách nhiệm cứu hộ chúng ta làm gì? Gọi điện hỏi nhà ngoại cảm.

(Tôi không có ý trách móc bất kỳ một cá nhân cụ thể nào; ở đây đang nói đến một hiện trạng chung.)

Nó cho thấy một xã hội muốn “đi tắt đón đầu” (nhờ quỉ nhờ thần, vận mệnh may rủi), mà không tin vào khả năng lao động và sáng tạo của bản thân. Khi thất bại thì thay vì rút ra một bài học duy lý xem mình đã làm gì sai, thì lại đi đổ thừa ma ám, “khai trương sai ngày”, xây nhà không đúng hướng.

4. Tôi thật sự không có thù hằn gì với các giá trị do tôn giáo, sự duy tâm, hay việc nghiên cứu vận mệnh. Những gì còn có giá trị cho một ai đó thì còn tồn tại. Tuy nhiên, những điều này nên được dùng chính vào việc phát triển một tinh thần và thái độ sống thanh thản cho từng cá nhân (và có thể cho từng cộng đồng). Chúng rất không nên can thiệp vào những giao tiếp thường nhật của chúng ta với thế giới tự nhiên, và không nên can thiệp vào phương thức chúng ta cải thiện cuộc sống vật lý.

Muốn làm được phi thuyền bay ra vũ trụ thì đừng đi hỏi cái tượng đất nung. Hãy lao động miệt mài bằng chính năng lực tự thân.

Ngô Quang Hưng