Cải cách giáo dục chính là quá trình để chuyển giáo dục nước ta lên giai đoạn phát triển mới về chất. Đó là mệnh lệnh không thể chối cãi, không thể chần chừ, để giáo dục thực sự góp phần đưa đất nước thoát khỏi cái bẫy của nước thu nhập trung bình.
Đổi mới giáo dục, chặng đường đã đến điểm dừng
Đổi mới giáo dục chưa bao giờ được phát biểu tường minh như đổi mới kinh tế. Nhưng nó được hiểu là quá trình chuyển đổi từ giáo dục phục vụ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang giáo dục vận hành trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Hiển nhiên đó là quá trình phức tạp, hơn nữa chưa có tiền lệ trong lịch sử giáo dục. Bởi vậy, suốt 25 năm qua, đổi mới giáo dục là một quá trình tìm tòi, thử nghiệm và sáng tạo. Dù còn nhiều khiếm khuyết, thành công của đổi mới giáo dục là to lớn và không thể chối cãi. Ngày nay chúng ta đã có một hệ thống giáo dục rộng lớn hơn trước nhiều về quy mô và mạng lưới trường lớp, với yêu cầu cao về chất lượng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, với hành lang pháp lý đang được chú trọng củng cố và hoàn thiện, cùng quan hệ quốc tế rộng mở.
Tuy nhiên, suốt từ Đại hội Đảng VI, mở đầu sự nghiệp đổi mới đến nay, sắp kết thúc Đại hội Đảng X, mỗi lần đánh giá giáo dục, chúng ta chỉ nghe thấy vẫn là những yếu kém, bất cập cố hữu của giáo dục.
Trong đó đáng quan tâm hơn cả là chất lượng và hiệu quả giáo dục thấp, không đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế-xã hội. Cơ cấu đào tạo tiếp tục mất cân đối nghiêm trọng, mất công bằng xã hội trong giáo dục có chiều hướng gia tăng.
Có thể nói, những hạn chế và yếu kém của giáo dục đã trở thành mãn tính, tích tụ trong một thời gian dài, có tính hệ thống, và đang trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới, hội nhập và phát triển.
Nguyên nhân đã được phân tích nhiều. Nhưng cái chính là thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ, dẫn tới cách đổi mới chắp vá, như Đại hội Đảng X đã chỉ ra.
Nói cách khác, đổi mới giáo dục đã hoàn thành sứ mệnh của nó trong giai đoạn vừa qua khi đất nước còn kém phát triển và đang tìm đường chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Cải cách giáo dục: Tiếng nói của xã hội dân sự
Cả giáo dục và kinh tế sẽ bước vào vòng luẩn quẩn nếu chỉ tiếp tục dựa vào các mô hình phát triển của giai đọan vừa qua.
Về kinh tế, bài toán chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế đã được đặt ra. Định hướng lời giải là chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào tiến bộ công nghệ và tăng năng suất yếu tố tổng hợp, tức là tăng cường vai trò của vốn tri thức.
Muốn vậy, giáo dục cũng phải từ bỏ mô hình phát triển trì trệ và bảo thủ hiện nay, sang mô hình phát triển mới, năng động hơn, thiết thực và hiệu quả hơn. Một tiếp cận tổng thể, toàn hệ thống, theo tinh thần cải cách giáo dục là cần thiết. Nói cách khác, cần chuyển từ tư duy “đổi mới giáo dục” sang tư duy “cải cách giáo dục”
Giờ đây, đất nước đã thoát khỏi cái bẫy nghèo và bước vào giai đoạn phát triển mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Giáo dục cũng thoát khỏi cái bẫy suy thoái và bước vào giai đoạn phát triển mới, hướng tới trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, cả giáo dục và kinh tế sẽ bước vào vòng luẩn quẩn nếu chỉ tiếp tục dựa vào các mô hình phát triển của giai đọan vừa qua.
Về kinh tế, bài toán chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế đã được đặt ra. Định hướng lời giải là chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào tiến bộ công nghệ và tăng năng suất yếu tố tổng hợp, tức là tăng cường vai trò của vốn tri thức.
Muốn vậy, giáo dục cũng phải từ bỏ mô hình phát triển trì trệ và bảo thủ hiện nay, sang mô hình phát triển mới, năng động hơn, thiết thực và hiệu quả hơn. Một tiếp cận tổng thể, toàn hệ thống, theo tinh thần cải cách giáo dục là cần thiết.
Nói cách khác, cần chuyển từ tư duy “đổi mới giáo dục” sang tư duy “cải cách giáo dục”.
BCHTƯ Đảng khóa X đã nhận thức rõ vấn đề này. Tháng 2 năm 2007, trong Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, Hội nghị TƯ 4 (khoá X) đã yêu cầu: “Khẩn trương xây dựng đề án tổng thể cải cách giáo dục và đào tạo”.
Chủ trương CCGD tiếp đó đã được nhắc lại trong các NQTƯ7, NQTƯ9 và được Bộ Chính trị tái khẳng định trong Thông báo 242 liên quan đến phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.
Xã hội dân sự cũng đã có nhiều tiếng nói và đề xuất về cải cách giáo dục. Giáo sư Hoàng Tuỵ cho rằng trước tình hình khủng hoảng kéo dài của giáo dục, chỉ có một lối ra tiết kiệm và nhanh chóng là thực hiện một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, triệt để.
Nhóm nghiên cứu của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đề xuất với Đảng và Nhà nước một số vấn đề liên quan đến chủ trương cải cách giáo dục nhằm làm cho hệ thống giáo dục phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Một số Việt kiều tâm huyết với giáo dục nước nhà cũng đã đưa ra Đề án cải cách giáo dục Việt Nam, hướng tới một nền giáo dục hiện đại, nhân bản, tiến bộ và công bằng.
Bước lùi trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI
Điều đáng ngạc nhiên là chủ trương cải cách giáo dục lại bị phớt lờ trong các dự thảo văn kiện. Thay vào đó là các cụm từ quen thuộc “đổi mới”, “đổi mới toàn diện”. Hiển nhiên, đó là một bước lùi trong tư duy giáo dục.
Giáo sư Hoàng Tụy đã có lần làm rõ sự khác biệt căn bản giữa đổi mới và cải cách. Đổi mới cái cày chìa vôi, dù là đổi mới căn bản và toàn diện, vẫn chỉ cho ta cái cày chìa vôi. Với cải cách, chúng ta sẽ bỏ cái cày chìa vôi để bước lên chiếc máy cày.
Cải cách giáo dục chính là quá trình để chuyển giáo dục nước ta lên giai đoạn phát triển mới về chất. Đó là mệnh lệnh không thể chối cãi, không thể chần chừ, để giáo dục thực sự góp phần đưa đất nước thoát khỏi cái bẫy của nước thu nhập trung bình.
Nhưng vì sao CCGD lại không được đưa vào trong các dự thảo văn kiện? Quanh câu hỏi không dễ trả lời này, chí ít có 3 vấn đề sau đây đáng để suy ngẫm.
Một là, cảm giác “mất thiêng” đối với các NQTƯ (?). Chủ trương CCGD được nhắc đi nhắc lại ba lần trong các NQTƯ và được khẳng định mạnh mẽ trong Thông báo 242 của Bộ Chính trị. Nhưng rồi có gì đâu. Xem ra, các NQTƯ cũng không tránh khỏi tính hình thức. Nói theo cách nói dân gian thì ngay ở nơi cao nhất này cũng có chuyện “nói vậy mà không phải là vậy”.
Hai là, trong mối quan hệ giữa lãnh đạo và quản lý, nếu xét ở cấp cao nhất của hệ thống chính trị nước ta, với phân công Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý thì hiển nhiên Đảng đã đưa ra tầm nhìn về CCGD. Nhiệm vụ quản lý của Nhà nước là tổ chức thực hiện để biến tầm nhìn thành hiện thực. Tuy nhiên, với thực tế giáo dục hiện nay, đang hình thành khoảng cách giữa lãnh đạo và quản lý.
Và cuối cùng, trước tương lai của giáo dục, các nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng tương lai là bất định, chẳng ai có thể nói trước được tương lai. Tương lai giáo dục phụ thuộc vào sự vận động và tác động xen kẽ của rất nhiều yếu tố kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên chính hành động ngày hôm nay của chúng ta đóng vai trò quan trọng hơn cả trong việc định hình giáo dục ngày mai. Vậy thì đổi mới hay cải cách? Sự lựa chọn thực ra đã có ở cấp lãnh đạo cao nhất là BCHTƯ Đảng khóa X.
Nếu theo ông David T.Ellwood, Hiệu trưởng Trường Quản lý hành chính công Kennedy, “Lãnh đạo mà không đi cùng với hành động thì cũng chỉ là hứa suông và nhanh chóng bị lãng quên” (Vietnamnet, ngày 18/9/2010), thì đã đến lúc chủ trương CCGD cần chuyển thành hành động.
Phạm Đỗ Nhật Tiến
Tuanvietnamnet, 26.10.2010