Phần 2

Thảo luận

Ba diễn giả trực tiếp tham gia thảo luận với các vị khách tham dự buổi hội thảo gồm nhà giáo Phạm Toàn, tiến sĩ Nguyễn Thành Nam và tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh.

 TS triết học Phạm Văn Chung, giảng viên khoa Triết trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, chúc mừng thành quả bước đầu của nhóm Cánh Buồm. Ông khẳng định rất ngưỡng mộ công việc mà nhóm tiến hành và cho rằng công việc này có thể chưa thành công ngay, nhưng là một bước đột phá khẩu cực kì quan trọng trong sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà. Công việc của nhóm đi từ bậc học thấp nhất, từ lớp một, đã khắc phục được sai lầm lâu nay là đổi mới bắt đầu từ đại học và sau đại học. Ông nêu câu hỏi: Giáo dục tiểu học góp phần đến đâu trong việc tạo ra con người hoàn chỉnh?  Triết học giáo dục phải đặt trong triết học chung của cả dân tộc. Nhóm Cánh Buồm có triết lí giáo dục gì để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước? Về môn Văn, “lòng đồng cảm” nên đổi lại là “sự đồng cảm” vì “cảm” đã có nghĩa là “lòng”.

– Trao đổi của nhà giáo Phạm Toàn: Mục đích của chương trình GDHĐ là tạo trẻ em thành những con người biết tự học, tự sống, tự tạo ra chính mình. Triết lí giáo dục của nhóm Cánh Buồm triết lí thừa kế triết lí giáo sư Hồ Ngọc Đại đã đề ra hơn 30 năm nay: Đi học là hạnh phúc. Tất cả mọi trẻ em phải được đi học và phải học được, học có hiệu quả. Chúng ta phải có nhà trường của cái thực, khuyến khích triết học của cái thực chứ không phải của cái bóng. Về đề nghị thay đổi khái niệm trong sách Văn: Sau này khi biên soạn những bộ sách khác, mới hơn thì bộ Giáo dục, người biên soạn có thể thay đổi, thậm chí thay thế bằng thứ khác.

 Một phụ huynh có con vào lớp một hỏi: Nhóm Cánh Buồm đã sử dụng triết lí của giáo sư Hồ Ngọc Đại, ngoài ra các vị còn sử dụng những nguồn tư liệu nào? Tham khảo triết lí của những đơn vị nào? Cuốn Văn có trò chơi đóng vai  có vẻ rất giống với role play của giáo dục Úc và Anh, vậy có sự tham khảo từ những chương trình giáo dục đó không?

– Nhà giáo Phạm Toàn: Chúng tôi sử dụng những thành tựu đã nội hóa. Cũng như cái dạ dày của chúng ta, ăn nhiều thứ, phải tiêu hóa được, biến chúng thành dòng máu tươi. Chúng ta không thể biết hết mọi điều của loài người, nhưng chúng ta cần hiểu trẻ em của mình, hiểu dân tộc mình. Chúng tôi tạo ra chương trình sao cho phù hợp với mọi trẻ em Việt Nam, chúng tôi nghĩ cả đến những khó khăn của người giáo viên của chúng ta. Người làm sách phải làm ra những điều phù hợp cho người giáo viên mà mình có trong tay chứ không thể đào tạo họ ra và rồi phê phán họ là không đạt chuẩn. Chúng tôi chủ trương phát triển theo định hướng lí thuyết tâm lí học hiện đại với ba chân kiềng J. Pieaget, Hồ Ngọc Đại và H. Gardner:


Tiến hành nghiên cứu cách học của trẻ em để tìm ra cách dạy trẻ em. Đó là những thành tựu chung của tâm lí học thế giới. Nhóm Cánh Buồm học hỏi những cái tổng quát đó chứ không học những theo những mô hình cụ thể.

– Lê Huyền:  Việc cải cách của bộ Giáo dục đã diễn ra từ lâu nay, qua những lần cải cách sách giáo khoa thì thậm chí còn gây ra sự quá tải cho học sinh.  Nhóm Cánh Buồm có kì vọng tạo ra một sự thay đổi? Nhóm có đề xuất gì với Bộ hay không?

– Nhà giáo Phạm Toàn: Lâu nay chúng ta quen nghĩ sách giáo khoa là những quyển được đề tên Sách giáo khoabán ở cửa hàng. Chúng tôi quan niệm hoàn toàn khác, sách giáo khoa có 3 hình thái: một là những gì mà thầy và trò cùng nhau làm ra trong tiết học, hai là những gì sẽ phải đọng lại được trong đầu học sinh sau mỗi tiết học và hình thái thứ ba là những biên bản dự kiến.  Hiện nay, khi quy định về sách giáo khoa người ta mới chỉ quy định ở dạng biên bản gợi ý  sách của chúng tôi, những biên bản dự kiến của chúng tôi  nêu ra việc làm để thầy và trò cùng làm để tìm ra chân lí. Về việc nêu đề xuất, chúng tôi nghĩ có 2 cách đề xuất: Một là viết thư kính gửi  trong khoảng vài chục năm qua đã có rất nhiều những đề xuất “kính gửi” như vậy và hiệu quả đến đâu chúng ta cũng đã thấy. Hai là nêu đề xuất bằng một việc làm cụ thể. Chúng tôi đề xuất bằng việc làm một cách vui vẻ  chúng tôi soạn ra bộ sách này và trình ra xã hội để những người như giáo sư Hoàng Tụy  người đã từng viết thư đề xuất  đọc và thấy nhóm đã thực hiện được ý nào mà giáo sư mong muốn, còn chỗ nào giáo sư thấy chưa hợp lí, giáo sư sẽ góp ý để hoàn thiện. Chúng tôi làm ra cái thật, tôn trọng cái thật chứ không  phải là những khẩu hiệu. Theo chúng tôi đó là một cách nêu đề xuất “kính gửi” một cách thiết thực.

 Nguyễn Thị Hoa: Sự khác nhau giữa bộ sách của nhóm Cánh Buồm với bộ sách của trường thực nghiệm là gì?

– Nhà giáo Phạm Toàn:  Tôi chỉ xin nêu qua về một vài cuốn sách. Về sách văn: Trường thực nghiệm chưa dạy văn ở lớp một mà bắt đầu từ lớp hai. Nhóm Cánh Buồm đã tìm ra được cách thích hợp để dạy văn từ lớp một, bắt đầu từ việc dạy cho trẻ biết đồng cảm với các cảnh ngộ khác nhau trong cuộc sống  lòng đồng cảm đó chính là cái gốc của việc học văn. Về môn Lối sống, sau nhiều năm làm, sách Lối sống của trường Thực nghiệm vẫn lẻ tẻ, chủ yếu dạy về hành vi chứ chưa hình thành hệ thống hoàn chỉnh. Nhóm Cánh Buồm qua nghiên cứu, thực nghiệm đã xác định được trục phát triển từ học sinh lớp một cho đến Tổng thư kí Liên Hợp Quốc đều cần đến là đồng thuận. Trẻ có thể giúp bố mẹ nhận ra đang có xung đột, bạn bè nhận ra đang có xung đột… và tìm sự đồng thuận. Đồng thuận là triết lí, là đạo đức mà con người muốn sống hòa bình vĩnh viễn thì phải có. Về môn Khoa học công nghệ, trườngThực nghiệm chưa có, chúng tôi là người bắt đầu. Chúng tôi dạy các em tinh thần thực nghiệm. Các môn Địa líLịch sử trường thực nghiệm chưa có còn chúng tôi đã vạch ra thành hệ thống, sắp tới sẽ tiến hành biên soạn. Có thể khẳng định chúng tôi thừa kế những gì tốt đẹp nhất và những gì chưa triệt để thì chúng tôi làm cho triệt để, làm tốt hơn.

  Một phụ huynh: Nên hướng dẫn con học như thế nào? Trong quyển Tiếng Việt có nêu yêu cầu đọc đúng   ở trang 60, có những tiếng chưa từng thấy xuất hiện trong sử dụng. Có những tiếng tôi không giải thích được nghĩa. Vậy làm thế nào để giải thích cho con? Về viết, phần dành cho luyện viết tôi cảm thấy hơi ít.

– Nhà giáo Phạm Toàn:  Các tiếng nêu ra làm thí dụ đều là những tiếng có thể phát âm được. Ở tiếng Việt lớp một chúng tôi chủ yếu quan tâm đến mặt ngữ âm, các em phát âm được, phân tích được, ghi lại được thì sẽ không bao giờ viết sai chính tả. Chúng tôi chú trọng vào bộ công cụ học ngôn ngữ đây là phương tiện để các em học tốt môn tiếng Việt ở cả các lớp trên. Về việc viết chữ: Có thời lượng cụ thể, nêu rõ trong sách thiết kế. Chúng tôi sẽ bổ sung rõ vào sách để phụ huynh thấy rõ hơn trong phần tái bản.

– Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam bổ sung đề cập đến các cuộc tranh luận về cách gọi tên các chữ cái khá sôi nổi trên báo chí thời gian qua và khẳng định việc gọi “a, bờ, cờ” là gọi tên âm, không thể bỏ.

– Tiến sĩ Thụy Anh bổ sung: Chúng ta vẫn nhìn sách giáo khoa theo cái nhìn cũ nên có nhiều lo lắng. Nếu chúng ta để ý ngay tên sách và sẽ đỡ băn khoăn. Các cháu sẽ có thêm vốn sống, hiểu biết về xã hội  ở các môn học khác, ở Tiếng Việt học sinh tập trung học về ngữ âm và dùng cho chuẩn. Chúng tôi căn cứ vào sự phát triển tâm lí của trẻ để đưa hàm lượng kiến thức vào một cách hợp lí.

– Nhà giáo Phạm Toàn:  Nội dung chương trình tiếng Việt là cả một hệ thống.  Lớp một các em học về ngữ âm, lớp hai học từ, lớp ba học câu, lớp bốn học đoạn văn… Cho đến lớp tám các em sẽ thực hành những kiến thức đã học vào các chủ đề cụ thể liên quan đến đời sống, đến dân tộc. Chúng tôi sẽ làm thế nào cho môn tiếng Việt chuyển tải được cả những nội dung vô cùng khó để các em bé của chúng ta lớn lên thành người vô thần nhưng biết tôn trọng tôn giáo, tín ngưỡng của người khác miễn đó là thứ tín ngưỡng vô hại cho người khác. Bắt đầu từ lớp năm, lớp sáu các em sẽ phải tự tổ chức các buổi seminar.

– Phụ huynh Nguyễn Cao Vì (?): Tôi là một phụ huynh, tôi rất hoan nghênh buổi hội thảo này. Tôi hi vọng nhóm sẽ đưa thêm nội dung về tâm thức vào chương trình giáo dục.

– Một vị khách nêu câu hỏi cho chủ biên môn tiếng Việt: Sách tiếng Việt nêu ra mục tiêu dạy ghi đúng và đọc đúng tiếng Việt, tại sao ở trang 62 có viết tiếng “hoê”? Ở trang 63 dạy luật chính tả c/k/q vậy viết [qua] hướng dẫn học sinh viết như thế nào?  

– Nhà giáo Phạm Toàn: Tiếng mà bạn nói đến ở trang 62 là tiếng “huê” – đây là lỗi biên tập. Về việc dạy viết [qua]: Học sinh đánh vần: cờ – oa – qua; sau đó nhắc học sinh luật chính tả (âm /”cờ”/ đứng trước vần có âm đệm thì âm /”cờ”/ viết bằng con chữ q, âm đệm viết bằng con chữ u).

– Một vị khách nêu câu hỏi cho chủ biên môn tiếng Việt: Sách Tiếng Việt có dạy học sinh tách lời thành tiếng. Theo tôi, tiếng Việt là tiếng đơn âm, không cần dạy học sinh tách từng tiếng vì trẻ không thể nhầm được.

– Nhà giáo Phạm Toàn: Trẻ em Việt Nam từ 3, 4 tuổi đã dùng tiếng Việt khá thành thạo nhưng đó là dùng theo kinh nghiệm. Chúng ta dạy trẻ em sử dụng tiếng Việt một cách có ý thức, biết phát âm, phân tích để ghi lại cho đúng.

– Một phụ huynh: Tôi băn khoăn về cách dạy học. Sách học Lối sống rất hay. Sách học tiếng Việt làm chúng tôi thấy rất tiếc vì có một số sai sót trong in ấn. Chúng tôi không đồng ý quan điểm dạy tiếng Việt lớp một không cần nghĩa. Đề nghị nhóm tác giả xem xét lại. Sách học Văn cũng có nhiều vấn đề, chúng tôi sẽ góp ý sau.

– Nhà giáo Phạm Toàn:  Xin hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp.

– Một giảng viên trường đại học Kiến trúc (?): Cách dạy theo phương pháp như thế này giúp cho người học học tiếng Việt rất nhanh. Mẹ tôi từng nhiều năm dạy tiếng Việt theo phương pháp như  trong sách Tiếng Việt lớp một này nêu ra và rất hiệu quả, những người nước ngoài không nói được tiếng Việt chỉ học theo phương pháp này vài tháng đã có thể nói tiếng Việt rất tốt.

– Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam: Tôi cũng xin lưu ý, ở tiếng Việt lớp một, không phải không cần nghĩa, mà là chú trọng hơn về mặt ngữ âm. Khi các em phát âm, phân tích được âm đó thì sẽ ghi lại được.

– Một vị khách nêu câu hỏi: Nhóm có chương trình, kế hoạch nào để đào tạo giáo viên dạy bộ sách này không?

– Nhà giáo Phạm Toàn (có biên tập thêm trước khi đưa lên mạng):  Tôi đã làm trong ngành giáo dục từ năm 1953, tôi thấy ngành luôn có khẩu hiệu sư phạm đi trước một bước nhưng chưa bao giờ làm được, mà nguyên nhân chỉ vì chưa tìm được cách làm cụ thể. Nhân câu hỏi này chúng tôi muốn đưa ra cách để thực hiện được khẩu hiệu này. Cần có sách giáo khoa mới – ít nhất là như của chúng tôi – bộ sách giáo khoa chỉ ra được những việc làm của người dạy và người học. Sau đó, dùng những sách đó mà huấn luyện giáo viên thực hiện cách dạy học mới thông qua việc làm chứ không thông qua giảng giải. Có 3 cấp độ cho người giáo viên phấn đấu thực hiện công việc của mình:  làm đúng  làm giỏi (làm đúng và hiểu về lý thuyết vì sao lại làm như vậy)  làm xuất sắc (hoặc sáng tạo – làm đúng, giỏi, thực hiện một cách nghệ thuật). Chúng ta không nên chỉ nói lên lòng  mong muốn có sự sáng tạo, nên kiên nhẫn đi theo từng bước, từng cấp độ chứ không thể chỉ nói “sáng tạo” rồi để đó. Với học sinh cũng vậy, đánh giá các em theo ba mức độ: đúng- thạo – thuần thục. Chúng ta cần công nghệ hóa quá trình giáo dục. Chúng tôi đã biên soạn sách Hướng dẫn tổ chức việc học – đây chính là tài liệu huấn luyện sư phạm dành cho giáo viên, giúp người giáo viên biết cách tổ chức việc làm cho học sinh để học sinh tự mình làm ra kiến thức. –  Linh Đào: Các cháu học sinh lớp một chưa quen với việc ngồi bàn lâu, nhóm Cánh Buồm làm cách nào để các cháu quen được? học được?

– Tiến sĩ Thụy Anh: Qua thực nghiệm, chúng tôi cũng đã đối mặt đối với các vấn đề bạn nêu ra nhưng nguyên lí mà bộ sách theo đuổi đã đã hóa giải được những khó khăn đó: Bộ sách chú trọng đến hoạt động của học sinh – các em được tham gia ngay từ giây phút đầu của buổi học  do đó trẻ rất háo hức, mọi mệt mỏi nhanh chóng tan đi. Đồng thời có cách tổ chức linh hoạt thu hút trẻ, có thể chia nhóm với những nhiệm vụ riêng để trẻ tự tìm ra kiến thức.

– Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam: Lâu nay ta thường dạy trẻ bằng cách đe nẹt, giờ có cách để chúng ta không đe nẹt mà trẻ vẫn thực hiện, đó là giao việc làm cho trẻ. Đây là cách mà chúng tôi thực hiện.

– Linh Thủy (báo Tia sáng): Bộ sách đã được dạy ở trường nào?

– Nhà giáo Phạm Toàn: Bộ sách này không chỉ được dạy ở trường Nguyễn Văn Huyên và câu lạc bộ Đọc sách cùng con, mà thực chất đã được thực nghiệm chính thức từ hơn 30 năm nay.

– Một vị khách: Các vị quan niệm như thế nào về việc đánh giá học sinh?

– Nhà giáo Phạm Toàn:  Chúng tôi đề nghị xóa bỏ hoàn toàn các kì thi. Trong sách của chúng tôi, trẻ học được trang trước rồi mới học được trang sau  đó là công nghệ. Hệ thống của chúng tôi là hệ thống để trẻ tự đánh giá. Không cần thi! Cuối cấp học chỉ cần có một hội đồng khoa học gồm các nhà giáo dục và phụ huynh – hội đồng này khuyên từng em nên tiếp tục làm gì hoặc học gì. Chúng tôi không khuyến khích tất cả các em đều vào đại học. Chúng tôi nghĩ rằng cần giúp các em để sau 8 năm học (hết bậc chúng tôi gọi bằng phổ thông cơ sở), nếu muốn tự kiếm sống, các em có thể thực hiện nguyện vọng đó. Muốn tiếp tục học các em có hai hướng: Phổ thông chuyên khoa cơ bản (bậc tập nghiên cứu để học lên đại học) và  Phổ thông hướng nghiệp để vào trường học nghề các loại  những em hoàn thành chương trình Phổ thông hướng nghiệp mà có ý muốn học tiếp Cao đẳng, Đại học thì sẽ theo học Dự bị đại học để hoàn thiện kiến thức. Những điều này đều được trình bày cụ thể trong đề án giáo dục của nhóm. Chúng tôi sẽ hoàn thiện dự thảo đề án để trình ra xã hội. Chúng tôi muốn cũng muốn đưa ra cái mẫu để khẳng định việc tiến hành cải cách giáo dục phải có quy củ, có đường lối rõ ràng: phải có đề án trước khi tiến hành cải cách, chứ không nên sau khi “cải cách” rồi vẫn còn cãi nhau đó là “cải cách” hay “thay sách” như ta từng thấy sau khi ban hành chương trình năm 2000 (CT-2000).

– Thưa ông Phạm Toàn, ông thấy thích điều gì nhất ở công việc ông đã làm?

– Nhà giáo Phạm Toàn:  Điều tôi thích nhất trong một năm rưỡi qua là đã huấn luyện sư phạm được cho bất kì ai muốn làm giáo viên. Tôi đã huấn luyện các bạn trong nhóm của tôi dạy được lớp một, thành viên tôi hài lòng nhất là Tiến sĩ vật lí Nguyễn Thành Nam: tôi đã huấn luyện được anh Nam dạy được lớp một rất tốt! Nếu chỉ dạy trẻ con lớp bằng cách giảng giải cho chúng các khái niệm vật lí phức tạp thì không thể nào thành công cả  nhưng anh Nam đã dạy được trẻ lớp 1 rất thành công, đó là vì tôi đã hướng dẫn để anh Nam tự mình phấn đấu thành người giáo viên không giảng giải áp đặt mà biết giao việc cho trẻ em cùng làm với mình và cùng tìm ra chân lý khoa học. Tôi rất hài lòng với việc huấn luyện được những người làm giáo dục như các bạn trẻ của mình trong nhóm Cánh Buồm. Trong công cuộc đổi mới giáo dục, khó khăn nhất không phải là dạy trẻ em, các em có thể học những điều rất cao xa, mà khó khăn nhất lại chính là huấn luyện người lớn. (vỗ tay lâu).

– MC: Trong hội trường hôm nay có những phụ huynh có con đang theo học chương trình do nhóm Cánh Buồm biên soạn. Xin hỏi chị Đức, chị là người đã có con theo học bộ sách này, xin hãy chia sẻ đôi điều với các phụ huynh?

– Chị Đức: Con tôi đi học ngày nào cũng rất háo hức, không hôm nào cháu đòi về sớm cả. Cháu cũng đã mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều. Tôi rất hài lòng với bộ sách này.

Nhà giáo Phạm Toàn phát biểu kết luận buổi hội thảo

Nhà giáo Phạm Toàn cảm ơn giám đốc trung tâm L’espace, cảm ơn sự nhiệt tình của các thành viên trong nhóm và cảm ơn toàn thể những người có mặt trong buổi hội thảo, những người ủng hộ và quan tâm tới bộ sách. Ông thay mặt nhóm Cánh Buồm hứa những bộ sách sau sẽ tốt hơn và sẽ còn điều chỉnh để bộ sách lớp Một này tốt hơn nữa.

Buổi hội thảo kết thúc vào 20h, ngày 27/09/2010.

 

Những người ghi chép: Đinh Phương Thảo và Vũ Thị Như Quỳnh