“Một dân tộc có thể nhanh chóng giàu lên bằng cách bán tài nguyên, bán lao động – nhưng cứ tiếp tục con đường làm giàu như thế, dân tộc đó sẽ chết vào một ngày nào đó, nếu con dân của nó không được hưởng một nền giáo dục đúng đắn.” Đó là lời mở đầu bài phát biểu giới thiệu buổi tọa đàm đặc biệt với chủ đề “Hiểu trẻ – Giáo dục trẻ” diễn ra sáng ngày 11 tháng 10, 2011, tại hội trường tầng 2, toàn nhà Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, số 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

VNPT luôn giương cao khẩu hiệu Cuộc sống đích thực, và họ đã minh chứng cho lời nói của mình bằng hành động thực tế : Lãnh đạo tập đoàn đã phối hợp cùng nhóm Cánh Buồm, Trung tâm văn hóa Pháp L’espace và nhà xuất bản Tri Thức tổ chức buổi tọa đàm dành riêng cho các cán bộ công nhân viên tập đoàn – những ông bố bà mẹ có trách nhiệm với con cái, nhằm giúp các vị phụ huynh này tìm ra cách thức để cho con cái mình vui học, cách thức để giúp các em có một “cái đầu có tổ chức” chứ không chỉ có “cái đầu đầy”.

Ông Hoàng Hữu Sơn – Phó bí thư Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam, ông Triệu Chiến Thắng – Phó chủ tịch công đoàn Bưu điện Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Huệ – Phó chủ tịch công đoàn Bưu điện Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo và hơn 200 cán bộ công nhân viên tập đoàn đã hào hứng tham dự buổi trò chuyện mang chủ đề khoa học dạy trẻ này.

Hai diễn giả chính là nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi – nguyên Trưởng khoa tiếng Nga trường Đại học Hà Nội và là người đã tham gia sáng lập và là Ủy viên Hội đồng khoa học Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây; và nhà giáo Phạm Toàn – người sáng lập nhóm Cánh Buồm. Hai ông đã đem đến cho buổi tọa đàm không khí hào hứng sôi nổi.

Nhà giáo Vũ Thế Khôi nêu những ưu điểm cần được phát huy của nền giáo dục truyền thống Việt Nam, ông nhấn mạnh : Cha ông ta từ xưa đã quan tâm đến xã hội hóa giáo dục chứ không phải đợi đến bây giờ chúng ta mới hô hào – và Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn là một minh chứng. Cũng bằng những lí lẽ chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, ông khẳng định : muốn cải cách giáo dục thì trước hết phải thay đổi tư duy giáo dục, không thể cứ giữ mãi lối làm cũ thầy giảng giải – trò ghi chép ! Trẻ em hôm nay đã khác xa trẻ em của 5 năm, 10 năm trước – các bậc cha mẹ cũng không thể cứ hành xử với con trẻ như ông bà mình đã làm xưa kia. Vốn “không ưa những cuộc hội thảo độc thoại”, ông khuyến khích những người tham dự nêu ra các ý kiến, các câu hỏi để cùng trao đổi. Nhà giáo Phạm Toàn tiếp nối bằng việc giới thiệu sơ lược về khoa học giáo dục, về lịch sử nghiên cứu tâm lí học trẻ em và đặc biệt là về bộ sách theo tinh thần giáo dục hiện đại mà nhóm Cánh Buồm vừa xuất bản – những cuốn sách mang yếu tố tự học, tạo cơ hội cho trẻ em tự làm ra kiến thức cho chính mình. Những chia sẻ của ông thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tọa – những bậc cha mẹ đang hết sức lo lắng cho việc học của con cái mình.

Đến phần trao đổi, thảo luận, rất nhiều thắc mắc cụ thể về việc giáo dục con được nêu lên. Không khí buổi tọa đàm càng lúc càng sôi nổi khi các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm ứng xử với những cô cậu tinh nghịch, hiếu động, “mất tập trung”. Nhà giáo Phạm Toàn đặt câu hỏi ngược trở lại : Thế nào là mất tập trung ? Khi một đứa trẻ say sưa chơi trò cưỡi ngựa với một cây gậy suốt cả buổi – như thế là tập trung! Chưa biết đọc nhưng có một quyển truyện tranh mà nó cứ mải mê lần giở, xem từng trang thì đó là tập trung ! Ở độ tuổi tiểu học, trẻ dễ bị sao nhãng, song nếu tổ chức một hệ thống các việc làm cho trẻ thực hiện thì các em sẽ rất tập trung, có kỉ luật mà không cần cha mẹ hay thầy cô phải nhắc nhở.  Nguyên tắc chung cho cha mẹ và thầy cô là phải tôn trọng trẻ em, phải có thái độ khoan dung với các em. Nhà giáo Vũ Thế Khôi chia sẻ : Trẻ em thích làm theo ý mình là điều tốt chứ không phải điều đáng lo ngại – quan trọng là cha mẹ phải có cách hành xử để trẻ tự mình nhận ra việc gì nên làm, việc gì không nên làm chứ nếu cứ một mực áp đặt ý muốn của mình lên con cái thì sẽ phản tác dụng.

Mặc dù buổi tọa đàm đã kéo dài hơn so với dự kiến của ban tổ chức song những người tham dự vẫn mong muốn được trao đổi nhiều hơn nữa. Nhiều ông bố, bà mẹ hào hứng : Cần phải có thêm nhiều buổi trò chuyện về chủ đề này, buổi hôm nay mới chỉ là buổi tổng quan, mới là bước đầu thôi ! Có người còn đề nghị : Nên tổ chức một câu lạc bộ giáo dục, sinh hoạt thường kì, không chỉ cho các con mà còn cho cả bố mẹ nữa ! Bố mẹ có hiểu thì mới biết cách để con học cho đúng được !

Đinh Phương Thảo