TT – Tuổi Trẻ đã tham gia giờ học cùng học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), nơi đang thử nghiệm giảng dạy theo nguyên lý của nhóm “Cánh buồm”.

Thầy và trò Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên trong giờ khoa học – Ảnh: Việt Dũng


Tiết học đầu tiên, môn khoa học do thầy Nguyễn Thành Nam đảm nhiệm. Các em học sinh được chia làm bốn nhóm, ngồi theo bàn tròn. Trả lời câu hỏi của thầy giáo: “Vì sao thích môn khoa học?”. Có học sinh nói “vì em yêu thầy giáo ạ!”, nhiều em khác nói “vì được thí nghiệm”, “vì được chơi ạ”.

PGS.TS Nguyễn Bích Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên, cho biết cả bà và “Cánh buồm” đều có những quan ngại về chất lượng dạy và học hiện nay và những nguy cơ thanh thiếu niên VN phải đối mặt. Chính bà Hà đã chủ động đi tìm “Cánh buồm” sau khi tham khảo nhiều cách làm khác nhau chứ không phải chờ nhóm tác giả này tìm đến nhờ cậy. Bà Hà nói: “Chúng tôi gặp nhau ở điểm chung “mỗi ngày đi học phải là một ngày hạnh phúc của trẻ”. Giáo dục phải khơi dậy được niềm khát khao đó, làm cho trẻ hạnh phúc trong khám phá, sáng tạo. Chỉ những ngày học không có nước mắt mới tạo cho trẻ niềm yêu sự học suốt đời”.

Đi tìm sự đồng thuận

Bài dạy nhận biết tính chất của hơi nước được thầy Nam thiết kế với những công việc do học sinh tự làm, tự nhận xét và trả lời câu hỏi của thầy. Mỗi nhóm được phát một chiếc cốc, một chiếc đĩa, mỗi học sinh được phát một chiếc thìa nhỏ. Lần thí nghiệm đầu tiên, thầy đổ nước lọc đun sôi vào cốc, đậy đĩa lên trên và yêu cầu học sinh dùng thìa nếm thử cả nước trong cốc và nước bốc hơi đọng lại trên đĩa. Các em nhận xét “không có vị gì”.

Đi học là hạnh phúc

Lần thứ hai, thầy đổ nước muối vào cốc, cho thêm nước nóng để tạo sự bốc hơi. Học sinh nếm thử nước trong cốc cho nhận xét “mặn” và các em rất ngạc nhiên khi nếm nước đọng trên đĩa vẫn “không có vị gì”. Lần thứ ba, thầy đổ nước đường vào cốc, pha nước nóng để tạo sự bốc hơi. Học sinh nếm và nhận xét nước trong cốc “ngọt” nhưng nước bốc hơi bám trên đĩa “không có vị”. Sau ba lần thí nghiệm, hầu hết các trò đều có nhận xét nước dù mặn, hay ngọt, hơi nước là nước tinh khiết.

Tiết học đơn giản, học sinh được làm việc, nói chuyện và thoải mái đưa ra những nhận xét, kể cả nhận xét chưa đúng. Hầu hết các em khi được hỏi đều hăng hái giơ tay, đứng lên trình bày nhận xét. Các em rất háo hức “nếm thử nước”, có em dùng thìa chưa yên tâm, cầm cả đĩa lên liếm. Tương tự, trong tiết khoa học trước về “nước có ở mọi nơi”, học sinh đã được làm thí nghiệm và cùng thấy nước có thể ở trong đất, trong đá, trong cát, trong cây.

Tiết học Lối sống do cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thanh Hải dạy cũng diễn ra trong sự vui vẻ của tất cả các em. Bài học về “đi ngủ đúng giờ” và “xem tivi đúng cách” được cô giáo khéo léo thiết kế một loạt câu hỏi. Các em học sinh lần lượt đứng lên kể về thời gian biểu, thói quen ngủ, xem tivi của mình.

Để hướng học sinh đến một sự đồng thuận trong việc “xem tivi”, cô giáo gợi ý cho các em kể mình thường xem phim gì, xem trong bao lâu, ngồi cách tivi mấy mét? Có nên nhường cho người lớn xem tivi khi nhà chỉ có một máy hay không? Trong hơn 20 học sinh, có đến 6-7 ý kiến trái ngược nhau. Cô giáo giải thích cho các em những cách nên lựa chọn và cho học sinh chơi trò “đóng vai” theo những tình huống cụ thể, trong các tình huống khác nhau. Những học sinh khác theo dõi, đóng góp ý kiến nhận xét. Cuối cùng, tất cả các em đi đến một sự đồng thuận từ chính những gì các em nghe, thấy, nhận xét về nhau.

Dạy dưới hình thức câu lạc bộ

Hiện nhóm “Cánh buồm” thực hiện việc giảng dạy vào các buổi học thứ hai trong ngày của học sinh lớp 1, dưới hình thức câu lạc bộ để không vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết: “Tất cả chúng tôi đều đang làm việc không có thù lao, nhưng chúng tôi rất vui vì các em học sinh cảm thấy vui, chúng tôi tin và hi vọng vào những điều đang làm”.

Thầy thiết kế, trò thi công

Nội dung cụ thể được thầy trò triển khai bài học trên không có trong sách giáo khoa môn khoa học mà do thầy trò tự thiết kế, thi công trên một nguyên tắc chung: để học trò tự làm, tự nhận xét, học trò phải thấy thoải mái, vui vẻ, không gò bó. Thầy Nguyễn Thành Nam cho biết: “Từ môi trường học gò bó chuyển sang cách học này, nhiều học sinh lớp 1 hiếu động thường có hành động thái quá. Nhưng không nên lấy đó là điều đáng lo, kiên trì hướng các em vào cách học theo phương pháp “tự làm, tự rút ra kết luận”, các em sẽ bị lôi cuốn theo”. Một số cô giáo của Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên nhận xét: “Bọn trẻ tự mình làm để rút ra kết luận nên chúng rất phấn khởi và tự tin”.

Với nguyên tắc để học sinh tự làm, tự nói, tự bàn bạc và đi đến điểm thống nhất chung, bao trùm toàn bộ nội dung môn học Lối sống của nhóm “Cánh buồm” không phải những bài giảng dài lê thê về lòng trung thực, ý thức trách nhiệm, tình yêu thương mà là các cách khác nhau để đi tìm sự đồng thuận. Ở cả tiết học Khoa học và Lối sống, chúng tôi đếm mỗi học sinh giơ tay xin ý kiến 15- 20 lần, em nào cũng muốn được phát biểu. Bài học không chỉ tạo hứng thú mà còn khiến học sinh bộc lộ bản thân (hoàn cảnh sống, ý thích, thói quen) rất tốt.

Theo một số giáo viên của Trường Nguyễn Văn Huyên, trong khi nhà trường đang triển khai chương trình của Bộ GD-ĐT, các môn học và phương pháp học của “Cánh buồm” bổ trợ rất tốt trong việc giáo dục học sinh, đặc biệt không chỉ bổ trợ về kiến thức mà còn giúp học sinh từ lớp 1 được trang bị những kỹ năng cần thiết và có thể theo các em trong cuộc sống, hành trình học tập sau này.

TRỊNH VĨNH HÀ

Tuổi trẻ, 9/10/2010