SGTT – Triết học có thể là một sự mạo hiểm, nhưng óc mạo hiểm không thôi chưa phải là động lực chủ yếu. Người xưa bảo rằng triết học bắt đầu với sự kinh ngạc. Triết học hiện đại lại cho rằng nó bắt đầu với những kinh nghiệm khổ đau, nghi ngờ, tuyệt vọng, sợ hãi.
Làm thế nào ?
Vương miện được kết bằng gai nhọn là do lính La Mã đặt lên đầu Chúa Giêsu để chế nhạo Ngài trước khi hành hình. Hình ảnh này cũng còn có nghĩa : sự vinh quang nào cũng phải trả giá bằng nỗi thống khổ !
Minh họa : Hoàng Tường
Triết học cũng luôn bị chế nhạo : nếu đối tượng của nó là “tất cả và không là gì cả” (Gai nhọn hay hoa hồng, SGTT 16.6.2010) thì phương pháp của nó sẽ là gì ? Chỉ là một phương pháp chung chung, trị bách bệnh theo kiểu : “Hãy suy nghĩ rõ ràng và mạch lạc ! Hãy suy nghĩ hợp lôgíc !” ? Cuộc thảo luận về phương pháp trong triết học kéo dài bất tận, vì nó không chỉ là cuộc thảo luận về phương pháp đúng mà trước hết là cuộc thảo luận chung quanh một khái niệm đúng về phương pháp ! Nghĩa là, trước hết phải hỏi : làm sao tiến hành có phương pháp để tìm ra một phương pháp (nếu có !). Quả là một vòng tròn luẩn quẩn. Phương pháp đúng – nếu không phải từ trời rơi xuống – làm sao tìm thấy được, một khi nó chưa có ! Do đó, bản thân việc đi tìm một phương pháp triết học đã là một vấn đề triết học. Khi triết học đã gắn bó với một phương pháp nhất định nào đó, ắt nó sẽ tự động xem các nền triết học còn lại (theo phương pháp khác hoặc đang đi tìm phương pháp) là chưa phải triết học, không phải triết học hay thậm chí phản-triết học. Rồi nó cũng xem cả con đường đã dẫn nó đến với phương pháp ấy chưa phải là con đường “đúng đắn”. Làm như thể từ khi có được phương pháp, nó mới thực sự là triết học, trong khi quên rằng chính con đường chưa được định hình trước đây mới là người mẹ đẻ đích thực của phương pháp hiện nay.
Thêm một khó khăn nữa : bản thân phương pháp không thể tự biện minh cho chính mình một cách… có phương pháp được ! Cũng như không thể dùng chính phương pháp đã gây ra vấn đề để giải quyết vấn đề : con dao sắc không gọt được chính nó ! Do đó, câu hỏi là : đi tìm một phương pháp cho triết học phải chăng cũng giống như mong muốn có kiến thức trước khi có kiến thức, muốn học bơi ở trên cạn mà không chịu nhảy xuống nước ? Nói khác đi, triết học đích thực có nên để mình bị cột chặt vào một phương pháp nhất định hay phải dám suy tư và đối diện với những gì chưa chắc chắn, chưa ổn định, chưa rõ ràng ? Nếu triết học không muốn chỉ là nơi sản sinh những con vẹt, nó không nên đi “con đường Như Lai” đã đi (hưu hướng Như Lai hành xứ hành) mà phải khai phá, tìm đường. Giữ cho tư tưởng có trật tự, có “kỷ luật” không có nghĩa là rơi vào chủ nghĩa hình thức, trái lại, khai phá, tìm đường với ý thức trách nhiệm, nghĩa là, theo sự hiểu biết và lương tâm chân thật của mình. Descartes khuyên rằng : cứ kiên quyết đi theo đường thẳng sẽ có lúc thoát khỏi rừng rậm. Montaigne thì e rằng : rừng rậm biết đâu quá rộng và quá dài… so với một đời người, do đó, ta nên đi đường vòng để thoả sức ngắm nhìn bao kỳ hoa dị thảo và… vừa đi vừa huýt sáo để tự trấn an !
Tại sao ?
Tại sao lại làm triết học một khi nó không phải và cũng không thể trở thành một khoa học theo nghĩa chặt chẽ ? Nó không phải là một khoa học riêng lẻ đã đành, mà cũng không phải là một khoa học nền tảng hay phổ quát, không phải khoa học của khoa học, càng không phải là sự tổng hợp những kiến thức khoa học. Khi triết học bàn về những vấn đề như ý nghĩa cuộc đời, bản chất con người hay về cái gì siêu việt, phải chăng chỉ vì tò mò ? Vâng, có thể, nhưng có lẽ đây là một thứ tò mò đặc biệt, một sự tò mò vượt ra khỏi sự tò mò thường nhật hay cả sự tò mò khoa học.
Triết học có thể là một sự mạo hiểm, nhưng óc mạo hiểm không thôi chưa phải là động lực chủ yếu. Người xưa bảo rằng triết học bắt đầu với sự kinh ngạc. Triết học hiện đại lại cho rằng nó bắt đầu với những kinh nghiệm khổ đau, nghi ngờ, tuyệt vọng, sợ hãi. Cái nào cũng có lý cả, nhưng phải chăng động lực khiến ta làm triết học còn nằm sâu hơn, ở trong “bản tính” của con người ? Con người là một sinh vật đặc biệt, luôn tra hỏi, luôn đi tìm ý nghĩa, mong muốn soi sáng cho chính mình. Như thế, có nghĩa : ta suy tư triết học, vì… ta không thể làm khác được ! Thật thế, lịch sử triết học là lịch sử của những câu hỏi, của những cách đặt câu hỏi và rất nhiều khi, những cách đặt câu hỏi mở rộng bản ngã và chân trời của ta hơn cả những câu trả lời. “Câu trả lời đích thực cho câu hỏi chỉ là bước đi sau cùng của một chuỗi dài những bước đặt câu hỏi. Câu trả lời chỉ có giá trị, bao lâu nó bắt rễ trong việc hỏi” (Martin Heidegger).
Ai ?
Triết học có thể là một sự mạo hiểm, nhưng óc mạo hiểm không thôi chưa phải là động lực chủ yếu. Người xưa bảo rằng triết học bắt đầu với sự kinh ngạc. Triết học hiện đại lại cho rằng nó bắt đầu với những kinh nghiệm khổ đau, nghi ngờ, tuyệt vọng, sợ hãi.
Ai cũng có thể triết lý. Ai cũng có thể không cần đến triết lý gì cả. Nhưng chỉ một số ít người trở thành những “triết học gia” (Philosophologen). Một số ít hơn nữa mới xứng danh là “triết gia”. Nhưng, không ai có thể triết lý mà không thấy băn khoăn, thắc mắc, đau đáu. Tất nhiên, đau đầu, đau bụng, cả đau đời hay tính tình rầu rĩ không đủ để làm triết học ! Ngay cả khi đang cực kỳ hạnh phúc hoặc vô cùng bất hạnh ! Triết học còn là cái gì nhiều hơn trải nghiệm về sự khổ đau hay hạnh phúc. Nó trước hết phải là một hoạt động tinh thần, dù ban đầu chỉ đơn thuần là phản ứng. Triết học không chỉ cần sự nhạy cảm mà còn cần sức mạnh và năng lực của ý chí để tự khẳng định, để đương đầu với nghịch cảnh : không phải để dồn nén, hay thi vị hoá mà để thấu hiểu về nó. Sự kinh ngạc hay đau khổ là sự bắt đầu nhưng cũng có thể là sự kết thúc của triết học. Triết học cần phải “bẻ gãy” trải nghiệm cá nhân về thực tại bằng trí tuệ, biến hiện thực thành khả thể bằng sức mạnh vượt thoát của tinh thần.
Nói khác đi, tư duy triết học đòi hỏi ta phải biết giữ khoảng cách với chính mình, xem xét các vấn đề cá nhân, cá biệt một cách phổ quát, thoát ly khỏi cái đặc thù bằng một sự trừu tượng hoá nào đó. Xin hẹn lần sau sẽ đề cập ba đặc điểm của tư duy triết học : tư duy về nguyên tắc (vượt lên khỏi kinh nghiệm thường ngày), tư duy có hệ thống và nhất là, tư duy tự do.
Bùi Văn Nam Sơn