Hơn 4 năm gồng mình chống chọi với căn bệnh Bạch Cầu (Ung thư máu), nhưng Thanh vẫn hoàn thành xuất sắc 4 năm học cấp II để bước vào cánh cửa trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội). Nhưng, chưa kịp học một buổi học nào thì Thanh vĩnh viễn ra đi…

“Con ước được làm người bình thường”

Đứng lặng rất lâu trước tấm hình của con, chị Thu nghẹn ngào kể về Hải Thanh – đứa con gái duy nhất của anh chị: “Vào những ngày bước vào cấp II, gia đình phát hiện em bị bệnh ung thư máu. Sau hơn 4 năm điều trị và tái phát, vừa bước vào cấp III, chưa kịp học một buổi học chính thức nào thì em đã ra đi”.

Những ngày đầu tiên phát hiện mình bị ung thư máu, khuôn mặt Thanh lúc ngào cũng thẫn thờ, ngơ ngác rồi nhiều khi chột dạ, em hỏi mẹ: “Máu trắng rồi con sẽ chết đúng không mẹ?”, “Như này thì bao giờ con chết hả mẹ?”.


Vẫn khao khát ước mơ được đến trường

12 tuổi bước vào khoa Ung bướu – Bệnh viện Nhi TW, Thanh trở thành một trong những người chị cả trong khoa. Bác sĩ – Tiến sĩ Bùi Ngọc Lan – Trưởng khoa Ung bướu vẫn còn nhớ như in hình ảnh người chị cả Hải Thanh :

“Luôn thấy cô bé cười rất nhiều và rất ít khi em kêu đau. Nhiều khi còn bắt gặp hình ảnh cô bé động viên, an ủi vỗ về các em, có khi còn cả những người mẹ trong khoa. Thực sự, đó là một cách chịu đựng đầy nghị lực”.

Sau mỗi lần hóa trị được về nhà, Hải Thanh đều xin được đến trường để tiếp tục học tập. “Những ngày thi chuyển cấp là những tháng ngày khó khăn nhưng cũng đầy nghị lực của em.

“Những lúc nhìn con đau con mệt, mình chỉ muốn khuyên con dừng lại. Nhưng rồi nhìn thấy con âm thầm chịu đựng và cố gắng, mình lại càng không cho phép bản thân được gục ngã. Cuối cùng, con cũng đỗ được vào trường THPT Lê Quý Đôn nhưng tội cho con, chưa được học một buổi học chính thức nào…” – chị Thu rưng rưng.

Những giây phút cuối cùng trong bệnh viện, Thanh đã nói thật nhiều về những điều ước. Những điều ước cho mẹ, cho gia đình, cho các em cùng cảnh ngộ còn với riêng cô bé, em chỉ ước một điều tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng lại đau đến thắt lòng: “Con ước được làm người bình thường”.

Những “chú lính chì” dũng cảm

“Bế con trên tay, vừa bước vào phòng nhìn thấy đầu mũi kim chọc tủy, mình đã vội quay mặt đi, không dám nhìn mũi kim đưa vào sống lưng con” – anh Hưởng vừa kể, vừa vuốt nhẹ những vết thâm đang bị sưng tấy trên đôi bàn tay nhỏ xíu của bé Thành (7 tháng tuổi).

Có những em bé đang ẵm ngửa hay mới chỉ vừa lên 1 -2 tuổi đang ngày ngày phải chịu đựng những cơn đau quằn quại, những khi li bì mệt lả vì hóa chất, những lần chọc tủy, và bao nhiêu lần lấy máu lấy ven. Mỗi ngày với các em thực sự là mỗi ngày sống và chiến đấu để giành giật sự sống cho chính mình.

Được tin chiều sẽ được về nhà, Bách (8 tuổi – Quốc Oai) đã chạy đi khoe khắp khoa rồi lại đi từng phòng chào tất cả mọi người. Trong cái nắng chiều nhạt dần, nhìn hình ảnh mẹ con chị Hương và bé Thảo (Hưng Yên) tung tăng đi về sau đợt điều trị thứ 2 bệnh K võng mạc mới thực sự thấy thấm thía cái gọi là niềm vui.

Những niềm vui ra viện dẫu chỉ được tính bằng ngày nhưng với các em là cả một hành trình phải chiến đấu.

Cùng xoa dịu nỗi đau

“Nhìn thấy hình ảnh các con đang điều trị mình lại nhớ lại những giây phút đau đớn của con thân yêu. Nhất là những ngày đầu tiên trở lại khoa, nhìn phòng con mình đã điều trị, giường nơi con mình đã nằm và ra đi có những bệnh nhi mới, vẫn những ống truyền ấy, bình hóa chất ấy, những gương mặt ngây thơ, tim mình như bị bóp nghẹt” – chị Thu tâm sự.


Ở đâu có sự sống, ở đó còn hy vọng

Bây giờ, chị đã trở thành một cộng tác viên đắc lực của khoa Nhi – bệnh viện K trong công việc hỗ trợ các gia đình bệnh nhân điều trị.

Cũng như chị Thu, bé Việt Dũng (10 tuổi rưỡi) của chị Hiền (Hà Nội) đã ra đi hơn 1 năm và từ ấy, khoa Ung bướu đã trở thành nơi quen thuộc luôn có bước chân mẹ Hiền. “Có những điều mà thực sự chỉ những người trong cuộc như mình mới có thể thấm thía hết được. Con trẻ ung thư, con đau lắm nhưng bố mẹ không những đau mà nhiều khi còn vô cùng khủng hoảng” – chị Hiền tâm sự.

Nói về vấn đề này, bác sĩ – Tiến sĩ Bùi Ngọc Lan cũng nhận định: “Điều trị ung thư cho bệnh nhi vô cùng phức tạp, không chỉ có phác đồ điều trị, hay những vấn đề về kinh tế mà còn cả vấn đề tâm lý không chỉ cho các con mà còn cho chính bố mẹ. Đây là việc làm cần thiết nhưng lại vô cùng khó khăn”.

Chị Lan cũng chia sẻ thêm: “Mới gần đây, đã có trường hợp con trai phải đưa bố từ ở quê lên tận phòng khám để ông có thể nghe trực tiếp lời khuyên của bác sĩ vì thực sự tình trạng bệnh của cháu đã không còn hy vọng.

Hơn nữa điều kiện gia đình lại khó khăn nên cách tốt nhất là để cháu về nhà điều trị. Đó cũng là khoảng thời gian cuối cùng quý giá mà gia đình còn có thể ở lại bên cháu. Nhìn ông cụ chào cảm ơn rồi ra về trên gương mặt đen xạm, đôi mắt mờ đục, đỏ hoe mình đọc được nỗi đau bất lực của người ông đã 70 tuổi buộc phải chấp nhận cái chết của đứa cháu mới hơn một tuổi”.

Con trẻ ung thư, có bao nhiêu nỗi lo vật chất nhưng cũng còn đó bấy nhiêu nỗi đau mà gia đình và các em vẫn đang ngày ngày phải chịu đựng…

Hồng Khanh

Nguồn : Vietnamnet