Một hệ thống giáo dục mà cứ bắt buộc ai ai cũng có kiến thức như nhau và ai ai cũng chỉ có một con đường đi thi vào đại học, là một hệ thống cho thấy các tác giả của nó còn thiếu một thứ trí khôn nào đấy.


Trí khôn: Được dạy dỗ hay tổ chức hoạt động ?

Có người hỏi “con ngỗng vì sao nổi?”. Ông hay chữ đáp “đa mao thiểu nhục tắc phù” (lắm lông í t thịt thì nổi). Người hỏi vặc lại “thế cái thuyền không lông không thịt sao cũng nổi?” Liền hỏi “cái hòn đá kia sao nứt làm đôi?” Ông hay chữ đáp “phi thiên đả tắc nhân đả” (không Giời đánh thì Người đập làm nó nên nỗi ấy”. Người hỏi lại vặc tiếp “thế cái …  ? (Truyện dân gian)

Có hai khái niệm cần được hiểu thật đúng thì mới ứng dụng được vào công cuộc giáo dục: “Thông minh” và “trí khôn”.

Khái niệm thông minh là một tính từ, tiếng Anh và tiếng Pháp có khái niệm tương đương diễn đạt là intelligent.Khái niệm trí khôn là một danh từ, tiếng Anh và tiếng Pháp có khái niệm tương đương diễn đạt là intelligence.

Nếu không tìm ra phương pháp khảo sát hai khái niệm này, một người làm cả đời, nhiều người làm nhiều đời cũng không xuể – lý do thật đơn giản: loài người thoát khỏi trạng thái động vật để thành người là cả một quá trình dài dặc tự làm ra trí khôn cho chính mình. Thành tích đó được sách vở ghi lại đã nhiều, mà các quan niệm đối lập nhau cũng lắm.

Chính vì thế, cần giới hạn phương pháp khảo sát, chọn lựa giữa hai cách hiểu – một cách, con người được dạy dỗđể trở nên thông minh, để có trí khôn, hay là một cách nữa, con người được tổ chức hoạt động để tự tạo ra trí khôn cho mình.

Cần hiểu đúng hai khái niệm trí khôn và thông minh

Trong trường hợp thứ nhất, việc dạy dỗ có thể có kết quả, thậm chí kết quả rất cao, nhưng kết quả không diễn ra với đông đảo dân chúng – mà chính vì thế, trong một thời gian dài, cả xã hội mới có quan niệm như thông minh vốn sẵn tư trời. Và sự thất vọng mang tính bi kịch thường xảy ra ngay cả với các “hổ phụ”, khi các bác đó không sinh ra hổ tử mà lại sinh… “cẩu tử”.

Được cái người dân bao giờ cũng khôn ngoan (bây giờ, người ta hay gọi là “minh triết”) tìm cách an ủi nhau trước những thất bại không sao lý giải nổi: Thôi mà, ai giàu ba họ ai khó ba đời, đau khổ mà làm gì, thua keo này bày keo khác, học tài thi phận ấy mà …

Còn trong trường hợp thứ hai …

Ba chân kiềng: Jean Piaget – Hồ Ngọc Đại – Howard Gardner

Để đi tới cách xử lý với vấn đề thông minh hoặc trí khôn theo con đường tổ chức cho con người tự tạo ra trí khôn của mình, ta cần kiên nhẫn hơn để tìm hiểu về cách thức làm việc đó.

Con đường nghiên cứu đó được tiến hành một cách tâm lý học, và nếu tổng kết theo nhận thức của người viết bài này, nghĩ rằng cái tam giác nhận thức luận tạo ra bởi ba tác giả tiêu biểu sau đây hẳn có thể có ích cho các nhà sư phạm (và cả các quan chức quen dạy dỗ thần dân):

Xin phép được diễn giải. Tâm lý học manh nha từ lâu, thậm chí từ thượng cổ, nhưng nó chưa bao giờ thành một khoa học. Chỉ vì muốn thành một môn khoa học, phải xác định được đối tượng nghiên cứu, thậm chí tìm được đơn vị nghiên cứu nhỏ nhất, và kết quả nghiên cứu phải kiểm chứng được – nhà khai sáng Immanuel Kant còn thách thức thêm: Phải toán học hóa được.

May sao, đến thế kỷ thứ 19, Wilhem Wundt nhà sinh lý học Đức đã tiến hành những thực nghiệm sinh lý học người (đo những phản ứng sinh lý của người trước nóng, lạnh, nặng, nhẹ, nhanh, chậm, vv…) có sự tham gia của người chịu thực nghiệm – và đó chính là bước đi đầu tiên để tâm lý học thành bộ môn thực nghiệm, để trở thành bộ môn khoa học.

Sau Wundt, bác sĩ Alfred Binet người Pháp bắt đầu đo nghiệm trẻ em độ tuổi đi học và nhà tâm lý Mỹ ông Edward Thorndike tiến hành đo nghiệm rộng rãi trên động vật để tìm ra quy luật tâm lý học của huấn luyện và học tập và đến năm 1910 Thorndike đã có thể công bố bài báo hết sức quan trọng về Sự đóng góp của tâm lý học cho giáo dục.

Cuộc hành trình nghiên cứu tâm lý học từ châu Âu cuối thế kỷ 19 qua châu Mỹ để kiểm nghiệm trên diện rộng theo lối “công nghiệp”, rồi lại đã quay trở lại châu Âu trong những tổng kết của Jean Piaget hồi đầu thế kỷ 20. Trong công trình tâm lý học của Piaget có cả lý thuyết và thực nghiệm. Phần lý thuyết là con đường phát triển nhận thức một cách tự nhiên của con người từ khi lọt lòng.

Lý thuyết đó cho thấy học tức là tự học của chủ thể – kể từ việc học bằng bú, mút, sờ, nhai, cắn, ngửi… rồi toét miệng cười… cho đến những thao tác học tập phát triển từ những thao tác cụ thể (học và nhận thức bằng “mó máy”) đến những thao tác trừu tượng (tạo ra biểu trưng và dùng biểu trưng).


Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Piaget đã mở trường thực nghiệm mang tên Jean-Jacques Rousseau, ông đã cho chính ba đứa con của mình vào học trường này  –  để thực nghiệm sự tác động chủ động của nhà sư phạm vào các giai đoạn phát triển – thực nghiệm tổ chức cho trẻ em chiếm lĩnh các bộ môn trong giáo dục nhà trường. Một cách làm được Albert Einstein khen là “giản dị như một thiên tài”! Đó là lý do chọn Piaget như một đỉnh của chân kiềng lý thuyết tâm lý học giáo dục hiện đại.

Bây giờ ta sang chân kiềng thứ hai với đại diện – theo dự kiến của người viết – là Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Phải đặt Hồ Ngọc Đại vào hệ thống tâm lý học Xô Viết. Cần nói về hệ thống này và Hồ Ngọc Đại trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Cũng cần thấy, ngay cả sau khi rời Liên Xô về nước và sau khi Liên bang này sụp đổ, thì Hồ Ngọc Đại vẫn là người thuộc trường phái tâm lý học Xô Viết.

Cái tương tác quan trọng nhất giữa Hồ Ngọc Đại và trường tâm lý học này diễn ra trong bối cảnh trường thực nghiệm giáo dục phổ thông các lớp đầu cấp ở Moskva. Tại đây, khác với ở Trường thực nghiệm Jean-Jacques Rousseau của Piaget, thành tựu to lớn nhất của người Nga là sự dũng cảm tổ chức cho trẻ em chiếm lĩnh các khái niệm khoa học. Trên tư cách đó, bằng những thành tích dạy trẻ em 6-7 tuổi người Nga chiếm lĩnh toán học hiện đại, qua cả những tổng kết lý thuyết của ông, Hồ Ngọc Đại đáng được coi là người thuộc thế hệ nhà tâm lý học Xô Viết trẻ tuổi.

Tại Việt Nam, hoạt động tâm lý học giáo dục của Hồ Ngọc Đại được triển khai cả trong phòng thí nghiệm lẫn trên diện rộng, điều chưa từng có ở tất cả các thế hệ nhà tâm lý học trường phái Nga hoặc Xô-Viết. Thành tựu tâm lý học giáo dục của Hồ Ngọc Đại ở Việt Nam từ năm 1978 tới đầu thế kỷ 21 khi hệ thống Công nghệ Giáo dục đang triển khai của ông bị yêu cầu dừng hoạt động. Thành tựu do Hồ Ngọc Đại tạo ra không phải là số lượng học sinh thực nghiệm ở 43 tỉnh và thành phố trong cả nước. Cái đáng giá nhất của nó nằm ở chỗ khác: Nó đã đưa ra được một định nghĩa mới cho vấn đề vẫn gọi bằng lý thuyết.

Xưa nay, khi nghĩ tới lý thuyết, người ta thường nghĩ đến những con người chững chạc ăn nói ề à, khi viết văn thì chốc chốc lại có câu chú thích sách kinh điển – và người ta gọi đó là “lý thuyết” cùng “nhà lý luận”.

Bây giờ, với cách làm việc mới như đã được Hồ Ngọc Đại triển khai, lý thuyết được quan niệm lại: Đó là một định hướng từ khi bắt tay vào việc với sự hình dung kết quả cuối cùng và kết quả này được tạo ra trong suốt quá trình hoạt động được đảm bảo bằng những thiết kế khoa học – khách quan – để mở cho khả năng điều chỉnh. Cái định hướng lý thuyết như thế của Hồ Ngọc Đại là sự  tìm tòi vào cách học (thậm chí CÔNG NGHỆ HỌC) của trẻ em diễn ra trong suốt quá trình TỰ HỌC của các em, được dắt dẫn bởi những bản thiết kế được tạo ra một cách khoa học, được thực thi một cách khách quan, và được điều chỉnh thường xuyên (thông qua những “thửa ruộng mẫu”  —  demonstration plot —  hay là các trường thực nghiệm) cho phù hợp với thực tại bao giờ cũng năng động.

Và bây giờ ta sang chân kiềng thứ ba có tên tuổi đại diện là Howard Gardner.

Ông là tác giả của một định hướng lý thuyết có tên là lý thuyết trí khôn nhiều thành phần (Theory of Multiple Intelligences, viết tắt là MI). Định hướng này công nhận các thành tựu tâm lý học giáo dục đã hình thành, trừ một nhược điểm to lớn của chúng: Tính chất “tinh hoa – bác học” trong cách nhìn nhận trẻ em.

Thực vậy, lý thuyết MI phản đối cách “đo nghiệm” trẻ em chỉ bằng những câu hỏi và nhận được những câu trả lời bằng cây bút chì và tờ giấy trắng – đặc biệt coi trọng đưa lên ngôi Vương cho trí khôn toán học. Lý thuyết MI cho rằng trí khôn con người phong phú hơn thế rất nhiều, và cũng uyển chuyển hơn thế rất nhiều.


Sơ đồ 7 loại trí khôn của Howard Gardner

Theo H. Gardner, và quan điểm này đã được tất cả các nền giáo dục nào muốn dân chủ hóa đến tận gốc rễ nhận thức của người học, con người ta có ít nhất 7 thành phần trí khôn, có người có đủ cả 7 thành phần, nhưng không nhất thiết ai ai cũng cứ phải có đủ các thành phần đó thì mới “khôn”. Bảy thành phần đó là: Trí khôn ngôn ngữ, trí khôn lôgich-toán, trí khôn âm nhạc, trí khôn không gian, trí khôn cơ thể ở dạng động, trí khôn cá nhân hướng nội, và trí khôn cá nhân hướng ngoại.

Quan điểm này của Gardner về trí khôn người làm đảo lộn quan niệm về nhà trường vì cho rằng có những khi trí khôn con người được hình thành ngay cả bên ngoài nhà trường nữa. Quan điểm này đặc biệt ủng hộ sự đa dạng hóa nhà trường không dựa trên giàu nghèo và địa vị xã hội, mà dựa trên việc tổ chức một cách phù hợp nhất năng lực tự nhận thức của người học.

Ngô Bảo Châu: “Thông minh” và “trí khôn”

Bạn sẽ hỏi: như trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu, thì đó là “thông minh” hay đó là “trí khôn”?

Theo cách hiểu nào, ta cũng vẫn cứ có một Ngô Bảo Châu thông minh. Nhưng theo một cách nhìn khác đi về trí khôn – và cái này phải hỏi chính Ngô Bảo Châu thôi – rất có thể vị GS trẻ trung đó sẽ “phiến diện” về một thành phần trí khôn nào đó: Ta có quyền nghi ngờ Ngô Bảo Châu không làm xiếc giỏi như Marcel Marceau chẳng hạn, nghĩa là có thể thiếu cái trí khôn cơ thể ở dạng động… Biết đâu đấy?

Suy luận kéo theo nhận xét vừa rồi có thể như sau: Một hệ thống giáo dục mà cứ bắt buộc ai ai cũng có kiến thức như nhau và ai ai cũng chỉ có một con đường đi thi vào đại học, là một hệ thống cho thấy các tác giả của nó còn thiếu một thứ trí khôn nào đấy. Trí khôn cá nhân hướng nội và hướng ngoại chẳng hạn.

Là cứ đoán thế, biết đâu là chừng?!

Phạm Toàn