TT – “Các bạn trẻ đang chơi một trò chơi mà người chơi phải học hỏi rất nhiều, chắc chắn sẽ có người đi đến cuộc chơi chuyên nghiệp. Những ai dừng cuộc chơi cũng không mất gì mà lại thêm kiến thức về tin học, điện ảnh và kỹ năng làm việc nhóm”.

Đạo diễn Tô Hồng Hải đã nhận xét như vậy sau khi xem hết tập phim Try dài 90 phút, do một nhóm bạn học lớp 11B3, 11B4 và 12C4 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM thực hiện. Nội dung bộ phim xoay quanh đời sống của Nam – một cậu học sinh hiền lành, nhà nghèo, hay bị đám bạn của Long là những “đàn anh” ở trường bắt nạt. Một ngày nọ Vân là học sinh mới chuyển đến lớp của Long và Nam đang học. Ở đó diễn ra câu chuyện mâu thuẫn và tình cảm tuổi học trò.

Với chiếc máy ảnh nhỏ, nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM đã thực hiện tập phim Try dài 90 phút với nhiều cảnh lãng mạn và hành động – Ảnh: MAI VINH

Nhật ký học trò

Giữa lúc cộng đồng học sinh Việt Nam trên Internet đang rộ chuyện quay clip bẩn để đưa lên mạng rồi đếm số lượng người truy cập như cách chứng tỏ độ quan tâm của cộng đồng tới mình, thì nhóm học sinh trên đã quay hẳn một tập phim dài với thời gian thực hiện bốn tháng. Cứ sau mỗi lần tan học, cả nhóm ở lại lụi hụi lôi chiếc máy ảnh kỹ thuật số gia đình chuyển qua chế độ quay phim và bắt tay vào công việc. Thời gian quay phim kéo dài, nhiều cảnh quay đi quay lại tại trường nên các bạn trong trường tưởng nhóm này bị… khùng.

Làm phim, với Đặng Thành Phú – người xây dựng kịch bản, quay phim – dựng phim – là cách nhóm bạn cùng làm một món quà tặng cho nhau sau những năm học trò gắn bó, dù sao thì cũng chuẩn bị chia tay sau khi học xong lớp 12. Phú bộc bạch với các bạn mình: “Làm phim này rồi suốt đời tao với tụi bay không quên được đâu”.

Vân Anh (vai Vân) vừa thi tốt nghiệp THPT, mỗi lúc rảnh bật phim lên xem lại ngân ngấn nước mắt. Những nhân vật nguyên mẫu từ cô giáo, bà chủ căngtin, cô bạn trong lớp và có cả những cậu bạn trong nhóm làm phim cứ khiến Vân Anh xúc động.

Cẩn thận khi làm phim võ thuật
“Làm clip võ thuật khiến các bạn rất hứng thú bởi sẽ rất hút người xem và động tác phần nào đẹp nhưng hãy cẩn thận: các bạn không có đồ bảo hộ cũng như sự quản lý của người có kinh nghiệm nên dễ gặp chấn thương. Chưa nói các cảnh quay này thường thực hiện trong các công trình nhà cửa đang xây dựng cộng với máu liều tuổi mới lớn nên phần nguy hiểm tăng lên”, đạo diễn võ thuật Quốc Thịnh nói như thế khi phân tích bối cảnh một số đoạn phim.

Sơn Lâm, người khởi xướng ý tưởng và thủ vai Nam, không ngờ sau khi hoàn thành bộ phim cả nhóm lại có thêm những điều còn quý hơn những tập phim. “Làm việc chung nên chỉ cần một người tới trễ là kéo theo cả nhóm trễ, chẳng ra làm sao”, Hoàng Vũ nhận định và bạn cùng cả nhóm đã xây dựng được một phong cách làm việc đồng đội ăn ý, nhịp nhàng, đúng giờ giấc.

Trọng Phương, thủ vai Long “nhà giàu”, tưởng rằng bộ phim sẽ chẳng bao giờ hoàn thành vì có lúc cả nhóm không nhìn mặt nhau. Mỗi người một ý tưởng và ai cũng cho mình là nhất nên chẳng chịu hợp tác và giận dỗi, ngừng quay cả tháng. “Giờ tụi mình khác rồi, công việc là công việc, có khúc mắc gì thì bàn bạc. Cứ vùng vằng giận dỗi, lấy cái tôi ra áp đặt thì việc chung chẳng thành mà tình bạn cũng mất”, Hoàng Vũ chín chắn.

Nghề chơi cũng lắm công phu…

Làm cho vui, ghi lại kỷ niệm một thời của mình nhưng không có nghĩa làm việc một cách sơ sài. Clip Câu chuyện của rác do nhóm bạn là sinh viên năm nhất khoa báo chí & truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM được thực hiện theo phong cách stop motion. Cách làm phim này cần nguyên liệu là những bức ảnh được chụp liền mạch, để sau khi lắp ghép bằng trình dựng phim thì những hình ảnh tĩnh trở nên sống động như phim.
Để có đoạn phim Câu chuyện của rác, nhóm làm phim do Phương Anh đề ra ý tưởng đề xuất cách làm, phải chụp 2.500 bức hình ròng rã từ sáng tới chiều trong ba ngày. Mỗi cảnh phim phải chụp rất nhiều ảnh nhưng chỉ cần một sai sót nhỏ như xê dịch chân máy là toàn bộ chuỗi ảnh đó phải bỏ. Để tạo hình rác biết hoạt động, biểu cảm như con người và cũng… dễ thương như trẻ con, nhóm làm phim đã phải tạo nhiều con rối đóng vai rác có mắt, mũi, miệng.

Có được chuyển động như các nhân vật được các nhà làm phim chuyên nghiệp tạo ra trên máy tính là nhờ nhóm đã khéo tay “múa rối”, điều khiển nhân vật bằng những sợi chỉ và kẽm. Phương Anh phải cặm cụi làm thao tác này cho hầu hết ảnh chụp. Nhưng cực nhất là Thanh Thanh, người dựng phim của nhóm. Cô gái này phải tỉ mỉ gí sát đôi kính cận vào màn hình để sắp xếp các hình ảnh cho 1 giây phim, cứ cặm cụi như thế đến hết 3.600 giây. “Tụi mình không nghĩ là sẽ làm được nhưng rồi cả nhóm đã phải ngạc nhiên!”, Phương Anh hào hứng.

Đoạn phim Boys over power – The meteors strike do nhóm học sinh lớp 9A5 Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) thực hiện, chủ yếu là những pha trình diễn võ thuật nhưng dàn dựng và làm kỹ xảo công phu. Sau khi xem đoạn phim trên đạo diễn võ thuật Quốc Thịnh khâm phục: “Không thể ngờ tự học mà các bạn trẻ có thể làm kỹ xảo công phu và dàn dựng những pha võ thuật coi được như thế”. Quan sát trên YouTube thì clip của nhóm bạn này có số lượng truy cập đến 450.000 lượt.

Cần cù làm ra những tập phim nhưng lạ một điều là những nhóm làm phim trên đều không có ước mơ trở thành nhà làm phim hay những công việc có liên quan đến điện ảnh trừ Đặng Thành Phú – THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM – với ước mơ trở thành đạo diễn. Với họ, làm phim đơn giản là ghi dấu ngày đi học, để bạn bè sẻ chia cảm xúc với nhau và để bớt quan tâm đến những thứ xấu đầy rẫy ngoài cuộc đời.

MAI VINH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

http://teen.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=385852&ChannelID=560