Chúng ta đang bàn chuyện sách Triết học soạn cho thiếu niên. Có vội vàng không khi cái Triết học cho người lớn vẻ như vẫn chưa đâu ra đâu ?

Còn nhớ, đầu thập niên 80 thế kỷ trước, một phó tiến sĩ hay bông đùa – tên anh là Phạm Hoàng Gia (cầu cho hương hồn anh yên nghỉ vui vẻ) – khi giảng về Triết học, đã vui mồm kể giai thoại một vị học viên của trường N.A.Q. sau hai năm học đã viết thu hoạch bây giờ tôi đã biết Mác-Lê là hai đồng chí chứ không phải một!” Vì trò dại miệng ấy mà anh thất sủng cho tới khi qua đời. Nhưng câu đùa lại đóng góp rất lớn: nó cho thấy một thực trạng học Chính trị và Triết học.
Thế mà, liều lĩnh thật, nay lại còn bàn cả việc Triết học cho thiếu niên!

Triết lý và triết học
Đành thôi, việc học Triết vẫn phải tiếp tục, nó có thể bất cập, song không thể để Triết học bị tiêu diệt. Vả chăng, nó vẫn sống, nhưng nếu thiếu sự giáo dục Triết học, thì nó sẽ chỉ sống theo con đường của chủ nghĩa kinh nghiệm mà thôi.
Vì vậy ngay từ đầu có lẽ ta cũng nên phân biệt giữa triết lý và triết học.
Ở đời, ta thường hay gặp những cách triết lý mang tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa; như sau chẳng hạn: khôn sống mống chết – và cái triết lý đối lập may hơn khôn. Do chỗ kinh nghiệm của con người bao giờ cũng … chỉ là kinh nghiệm, nên hễ có ai nói A thì gần như có ngay cái B chọi lại. Và do chỗ chỉ là những kinh nghiệm mang tính tình thế, nên triết lý không bao giờ mang tính phổ quát.
Và đây là khía cạnh khác nữa phân biệt hai đối tượng đó. Trái với Triết lý có thể “học” theo nhiều con đường do kinh nghiệm tạo ra cho, Triết học cần được học một cách ít nhiều chính quy, cơ bản. Triết học không đi vào những trải nghiệm lặt vặt, mà nghiên cứu những vấn đề căn bản trên đời, thí dụ như sự Tồn tại của Ta, sự Nhận thức của Ta, các Giá trị, rồi đến Lý trí, Tư duy, và Ngôn ngữ của con người…  Triết học luôn luôn đi vào cái cốt lõi của mọi vấn đề: chẳng hạn như về nghệ thuật, mặc dù Triết học không nghiên cứu các ngón nghề, song nó vẫn lại đi vào mọi ngón nghề và lý giải những tra vấn lớn như: tại sao con người lại hoạt động nghệ thuật? Mối quan hệ giữa Thực tại với Biểu đạt và Cảm thụ nghệ thuật là như thế nào? …
Trong phần Dẫn nhập cuốn sách đồ sộ 897 trang Lịch sử Triết học phương Tây (History of Western Philosophy, Simon & Shuster, 1972), Bertrand Russell viết: “Triết học như tôi hiểu là cái gì đó nằm giữa Thần học và Khoa học. Giống như Thần học, nó là những điều tư biện về sự vật mà sự hiểu biết của con người về các sự vật đó cho tới nay vẫn chẳng có cách gì kiểm chứng nổi; thế nhưng, giống như Khoa học, nó dựa vào Lý trí của con người hơn là dựa vào Quyền uy… Mọi tri thức dứt khoát – tôi muốn khẳng định như vậy – thì thuộc về khoa học; còn mọi tín điều vượt quá khả năng những tri thức dứt khoát thì thuộc về Thần học. Nhưng giữa Thần học và Khoa học có một khoảng Phi Chiến Địa phơi thây ra cho cả hai phía tiến công vào, cái khoảng Phi Chiến Địa đó là Triết học”. (Trang xiii).    
Mở một cuốn sách Triết học, đọc lướt qua các chương mục, ta có thể thấy đâu là những khái niệm được Triết học quan tâm:  Những ý tưởng của con người về Vũ trụ, đâu là cái Bản nhiên và cái Lề luật trong Triết học, thế nào thì gọi là “sống”, con người là gì, bản chất của ngôn ngữ, bản chất của trí khôn, thế nào là cái Ý thức và cái Vô thức trong con người…
Những chuyện như thế được coi là quan trọng để Socrate phải nói rằng “sống một cuộc đời mà chẳng nhìn lại soi xét mình thì cái đời ấy chẳng đáng sống”  Còn Descartes cũng nói ”sống mà không có Triết học chính là sống nhắm mắt và chẳng một lần thử tìm cách mở mắt ra”

Triết học cho Thiếu niên – Phân tích cuốn Con người là gì?
Một công hai việc, có lẽ chúng ta sẽ xem xét vấn đề “Triết học cho Thiếu niên” thông qua việc khảo sát nhanh bộ sách Thú vui Tư duy (Chouette Penser!) dành cho các em nhỏ từ 11 tuổi trở lên của Pháp, do nhà xuất bản Tri Thức tổ chức dịch và xuất bản.
Những tít sách thật đa dạng và hấp dẫn: Con người là gì? Tự do là gì? Tại sao con người gây ra chiến tranh? Sao lại cười? Hòa trộn con trai con gái? Đủ lý do để mà tàn ác? Sao con người cứ tranh cãi hoài về Chúa?
Sách đều do các nhà nghiên cứu triết học và cũng là những nhà giáo có nghề soạn ra với trình độ chuyên nghiệp thật cao. Ở từng cuốn sách, cặp đôi với người viết văn bản là một họa sĩ có nét vẽ vô cùng phóng khoáng, tinh nghịch, gợi cảm. Không nói ra, nhưng cả văn bản viết và hình minh họa như thể cùng chung một tuyên ngôn thầm kín: đem lại món ăn tinh thần ý vị nhất cho thiếu niên.
Xin nói luôn, món ăn tinh thần đó không phải là những tài liệu tuyên truyền sống sượng. Mà đó là những gợi ý để người đọc suy nghĩ. Đúng như tôn chỉ của Bộ sách: Thú vui Tư duy.
Ta thử phân tích một cuốn: Con người là gì? Đó là một câu chuyện nhẹ nhàng về một nhà triết học sống cô đơn giữa sách vở và bụi bặm thư viện để viết một tài liệu giải thích con người là gì?
Dĩ nhiên câu chuyện dẫn bạn đọc tới khúc nhà triết học đó bí văn, cũng như nhà văn bí cả văn lẫn triết học, thế mới sinh chuyện!
Thế rồi, do lơ đễnh, lơ đễnh vì bí văn, và bí văn nên càng lơ đễnh, nhà triết học để ngỏ cửa, và một con chó đòi được vào nhà. Thấy con chó biết nói tiếng người, nhà triết học tò mò cho nó vào. Và sau khi vào được trong nhà, con chó nhảy tót lên ngồi trên sofa và bắt đầu trò chuyện bằng vai phải lứa với nhà văn-triết gia như hai nhà triết học không cùng quan điểm vậy.
Đôi bên bắt đầu tranh luận từng điều, và điều thứ nhất là: con người có phải là động vật xã hội hay không? Con chó hóm hỉnh nói to lên những nhận xét để thấy rằng vị triết gia hoàn toàn xa lánh mọi người, chỉ chúi mũi vào công việc, chẳng có gì là “xã hội” hết! Và đây là lập luận “phản biện” của con chó để định làm cho triết gia thua hoàn toàn :
–        Con người sinh ra để sống thành xã hội ư? Thật là quá quắt! Con người kẻ nọ sợ kẻ kia thì có! Con người vẫn chẳng nuôi một con chó để canh cổng nhà mình đấy ư? Chó có bao giờ khóa cửa ngõ kỹ lưỡng trước khi đi dạo không?
–        Chó thì chẳng có gì để mà bị mất cắp hết.
–        Vậy tại sao bác lại sợ bị đánh cắp? Nếu con người là một động vật xã hội, nó sẽ không lấy trộm của kẻ khác. Ấy thế mà, con người anh nào cũng dựng hàng rào quanh nhà. Hãy nhìn mà xem. Con người ghen tị với hàng xóm vì họ có căn nhà đẹp hơn, có mảnh đất lớn hơn, có chiếc xe khỏe hơn xe của mình. Và nếu không sợ bị trừng phạt, chắc là anh này sẽ cắt cổ anh kia để chiếm lấy tài sản của hắn… 
Nhà văn-triết gia tiếp tục cùng con chó còn tranh luận về những vấn đề khác nữa, đều là những luận điểm thuộcphạm trù người : lao động của con người, nó có thích lao động không, lao động của nó có khác gì không so với lao động của con kiến, … rồi bàn sang ngôn ngữ của con người, bàn sang tư duy của con người … và đụng tới đâu con chó cũng có ý kiến ngược lại hết!  Thậm chí là cách nói hóm hỉnh để bác bẻ triết gia – chẳng hạn về vấn đề lao động:
–        “Cứ như thể bác định làm cho em tin rằng sáng sáng bác thực bụng dậy sớm để đến trường dạy học ấy! Có chắc là bác thấy hài lòng và hạnh phúc khi bác bước đi trong giá rét để đến trường giảng bài, khi bác cứ như thể đánh vật để cố giảng giải những tư tưởng hết sức phức tạp cho lũ học sinh chỉ để một nửa tâm trí nghe bác nói thôi? Bác muốn em tin rằng con người sống để lao động ư: em thì em nói là họ lao động để sống, và họ sẽ còn sung sướng hơn nữa nếu được nghỉ lao động và làm những điều họ thích. Hạnh phúc, đó là sự lười biếng, con người cũng thế mà loài chó cũng thế!
Dĩ nhiên, tác giả không đứng ra làm trọng tài phán xử con chó cãi bây ra sao. Việc đó dành cho các bạn đọc thiếu niên tự suy nghĩ. Nhưng tác giả cũng đóng khung lại những ý tưởng cần được chốt lại. Chẳng hạn, đây là ý tưởng về chuyện “con người – động vật xã hội”:

KẺ NÀO KHÔNG THỂ LÀ THÀNH VIÊN MỘT CỘNG ĐỒNG HOẶC KHÔNG CẦN ĐẾN CỘNG ĐỒNG VÌ THẤY BẢN THÂN MÌNH LÀ ĐỦ, KẺ ĐÓ KHÔNG NẰM TRONG MỘT CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ, DÙ KẺ ĐÓ LÀ CON VẬT HAY LÀ CHÚA TRỜI. (Aristote).

 

Hoặc như ý tưởng về chuyện “ngôn ngữ của con người”:

CHẲNG CÓ CÁCH GÌ TÌM CHO RA MỘT CON VẬT HOÀN HẢO ĐẾN ĐỘ NÓ CÓ THỂ DÙNG VÀI TÍN HIỆU ĐỂ LÀM CHO ĐỒNG LOẠI NHẬN THỨC ĐƯỢC ĐIỀU GÌ KHÔNG LIÊN QUAN ĐẾN NHỮNG ĐAM MÊ (có tính bản năng) CỦA NÓ; VÀ CŨNG KHÔNG THỂ TÌM THẤY MỘT CON NGƯỜI DÙ LÀ KHÔNG HOÀN THIỆN MÀ LẠI KHÔNG DÙNG ĐƯỢC TÍN HIỆU NHƯ THẾ; ĐẾN ĐỘ LÀ NGAY CẢ NHỮNG NGƯỜI CÂM VÀ ĐIẾC CŨNG TẠO RA ĐƯỢC NHỮNG TÍN HIỆU RIÊNG DÙNG ĐỂ BIỂU ĐẠT SUY NGHĨ CỦA HỌ.  (Descartes)

Phạm vi một chương điểm sách không cho phép đi xa hơn nữa – và cũng không cần “đọc sách giúp” bạn đọc nhiều hơn mức cần thiết. Nhưng mấy đặc điểm này thì lại cần nhấn mạnh thêm, cho dù bài giới thiệu đã khá dài:
Đặc điểm một : Trong các cuốn sách thuộc bộ sách “Triết học cho thiếu niên”, ta sẽ không bắt gặp những tín điều nhồi sọ; mặt khác, những luận điểm khoa học đều đã được giới bác học đương thời chấp nhận, không có những “quan điểm” gây hoang mang vô ích (phi sư phạm) cho bạn đọc trẻ tuổi.
Đặc điểm hai : Những phản biện đưa ra đều mang tính lập luận với những cứ liệu chứ không “bác bẻ” hồ đồ võ đoán – thêm vào đó còn có tính hấp dẫn của hành văn – đủ sức dùng các lập luận đó mà huấn luyện tính nhạy bén cho những đầu óc thiếu niên.
Đặc điểm ba : Các tác giả soạn sách đã tỏ ra rất tôn trọng khả năng tổ chức tự học của các bạn đọc trẻ tuổi. Cách viết các cuốn sách này đều gợi ra những cuộc tranh luận có tổ chức của bạn đọc – và đó chính là cách học ở nhà trường nơi học sinh không bao giờ bị “truyền đạt” một chiều từ trên xuống.

Kết luận
Qua một số điểm sách còn sơ sài, ta thấy ở đây chẳng có chuyện bắt trẻ em đeo râu hoặc cư xử với trẻ em như những ông bà cụ non.
Đọc các cuốn sách thuộc bộ “Triết học cho thiếu niên” này, ta hình dung ra một cách học khác ở nhà trường – sao cho chính những độc giả trẻ tuổi của bộ sách này sẽ thúc đẩy cải cách giáo dục, chính các em sẽ góp phần xua đuổi cái sức ỳ của một nền giáo dục hết sức thiếu tôn trọng trẻ em. Chí ít là, một khi trẻ em đọc những những cuốn sách này, thì người dạy các em cũng phải chạy đua đọc sách để khỏi lạc hậu so với các em. Còn những “người lớn” khác chắc là cũng không nỡ tiếp tục in những loại sách, ra những loại báo chỉ cốt bắt các em mua, không cần đến khía cạnh giáo dục, nhất là không quan tâm gì hết đến giáo dục triết học cho các em.
“Một năm bắt đầu bằng mùa xuân”, người ta quen nói thế. Tương lai một dân tộc bắt đầu với “mùa trẻ em” và với việc học từ tấm bé của mùa trẻ em. Nhìn nhà trường cho mùa trẻ em hôm nay thì biết tương lai một dân tộc sẽ ra sao trong vụ gặp sau đó mươi lăm năm.
Theo chủ đề ta đang bàn, nhìn chất lượng triết học qua những gì các thiếu niên tự đọc và tự hấp thụ hôm nay, thì sẽ biết chắc tư duy của cả dân tộc trong tương lai sẽ như thế nào. Vụ gặp của cả dân tộc phụ thuộc vào cái nền tư duy đó.

Hà Nội, 27 – 5 – 2010

Nhóm CÁNH BUỒM