Trong năm năm trở lại đây, có đến 47.000 vụ phạm pháp hình sự do HS, SV gây ra (Con số của Cục Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội. Chưa hết: trung bình mỗi năm cả nước có 4.746 người chưa thành niên phạm tội (nguồn: Viện Khoa học xã hội VN). “Học sinh càng lên các lớp cao, càng gia tăng tình trạng đi xuống về đạo đức, lối sống, nề nếp học tập, sinh hoạt”, (nhận xét của cô giáo Lê Nguyên Hương – Trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội, dựa trên những con số điều tra chắc chắn.)

Những con số gây giật mình? Đúng thế. Và những phân tích sâu sắc đi kèm –  chỉ một bài báo TTCT ngày 31-10-2009 cũng đủ gây ấn tượng. Không ai phủ nhận cả con số cùng những điều mổ xẻ phân tích. Và ít ra thì dư luận xã hội đã được báo động.

Chỉ có một điều đáng tiếc: bấy nhiêu số liệu và những mổ xẻ tìm nguyên nhân liệu đã đủ đảm bảo rằng người lớn đã hiểu trẻ em ? Mà nếu không hiểu trẻ em, thì chắc gì những bài học đạo đức mình đề ra đã phù hợp với chúng? Chắc gì những điều răn dạy được chúng “chấp nhận” nhằm đạt điểm cao và danh hiệu “học sinh giỏi” đã được chúng gìn giữ, một khi nhận thức của chúng thay đổi – và chắc chắn sẽ thay đổi?
Ta hãy thử tiếp nối bằng một câu chuỵên khác. Chuyện nhà tâm lý học Jean Piaget tìm hiểu nhận thức của trẻ em về đạo đức. Ông không dùng định kiến người lớn của mình làm chuẩn rồi đưa ra những lời khuyên răn, ông khiêm nhường tìm cách “xin ý kiến” các em.
Một thí dụ: Piaget kể cho các em ở các lứa tuổi 2 câu chuyện, và hỏi xem các em nghĩ gì. Chuyện thứ nhất: một cậu bé khi mở cửa làm vỡ 12 cái ly nằm khuất (dĩ nhiên là cậu không nhìn thấy). Chuyện thứ hai: một cậu bé làm vỡ 1 cái ly khi với tay lấy lọ mứt trên giá. Kể xong, Piaget nêu hai câu hỏi: hai cậu đánh vỡ ly đó cùng có lỗi như nhau hay là có một cậu có lỗi hơn? Nói rõ vì sao?
Tương tự như vậy, Piaget cũng “xin ý kiến” các em về việc thế nào là nói dối và thế nào là ăn cắp? Cũng có nghĩa là Piaget muốn lắng nghe lập luận, quan niệm, và cuối cùng là nhận thức của các em đối với chuyện ăn cắp và nói dối.
Với nhà sư phạm và với người lớn nói chung, điều quan trọng nên rút ra từ cách làm việc của nhà tâm lý học hàng đầu thế giới đó: ông không đưa ra chuẩn mục đạo đức và hành vi mà ông nghiên cứu cách nhận thức đạo đức của trẻ em. Khi viết lời nói đầu cho cuốn sách (in năm 1935) của mình, Piaget nói rất rõ ràng: Bạn đọc sẽ không tìm thấy trong sách này những phân tích trực tiếp về chuẩn mực đạo đức của trẻ em trong cuộc sống gia đình, học đường, và trong xã hội trẻ em với nhau. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu cách phán xét về đạo đức của trẻ em, chứ chúng tôi không đưa ra những mẫu hành vi hoặc tình cảm đạo đức của trẻ.

Vì thế mới nói rằng môn học khó nhất ở trường phổ thông bây giờ (và cả bao giờ nữa) là môn đạo đức.

Cách nghiên cứu đó mở rộng đường cho ít nhất hai thay đổi.
Thay đổi thứ nhất nằm trong những bổ sung của những nghiên cứu tiếp theo – Piaget không tự coi mình như cây đa cây đề tỏa bóng lên mọi nghiên cứu sau ông, nên cũng mở rộng cửa cho những phê phán, bổ khuyết.
Thay đổi thứ hai nằm trong sự thay đổi môi trường sống của chính trẻ em, nhất là trong sự giao lưu văn hóa chúng phải trải qua. Đặc biệt trong thời kỳ toàn cầu hóa mạnh mẽ ngày nay, khi những em nghèo nhất chỉ ngồi nhà không đi du lịch cũng vẫn có thể “lang thang trên mạng” và gặp gỡ với loài người, thì sự thay đổi nhận thức đạo đức càng hết sức bất ngờ.
Ngày nay, ở Việt Nam ta, trong mỗi gia đình đều có sự va chạm nhau (có khi là đối đầu nhau) giữa ba hệ thống nhận thức đạo đức. Một hệ thống thứ nhất được ai đó gọi bằng mẫu mực, truyền thống, thì lại bị những ai đó gọi bằng “khốt-ta-bít” hoặc “hâm”. Một hệ thống thứ hai được những ai đó tuyên dương cả bằng lời và bằng hành vi: kiếm tiền, tôn thờ đồng tiền – có khi đồng tiền ấy cũng đem lại sự thoải mái cho cả những “cụ khốt” nữa! Và một hệ thống thứ ba, chủ yếu là trẻ em đang đi học bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước.
Nếu mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, thì phải chăng từ nhận xét trên, ta cũng có thể ngoại suy ra điều này: xã hội cũng đang bâng khuâng đứng giữa mấy dòng nhận thức về đạo đức.
Vì thế mới nói rằng môn học khó nhất ở trường phổ thông bây giờ (và cả bao giờ nữa) là môn đạo đức. Môn Toán ngỡ là khó, nhưng nó có chuẩn mực rõ ràng, dễ theo. Môn Văn ngỡ là mông lung, nhưng cũng vẫn có “ngữ pháp” của nó, và cảm nhận nghệ thuật dù khó nhưng vẫn còn có cách chuyển tải đến trẻ em.
Riêng môn đạo đức thì quá mù mờ, chỉ vì sau mỗi hành vi đạo đức còn có cái động cơ. Trả lời đúng các câu hỏi đạo đức đấy, nhưng liệu trong bụng có thực thà nghĩ như mình vừa nói ra không? Tặng hoa chẳng hạn là hành động đẹp nếu chỉ nhằm làm vui lòng người nhận hoa, chứ không nhằm xin xỏ một đặc ân, càng không nhằm xỏ xiên … như trường hợp có người tặng hoa sắc mầu rực rỡ cho cụ Nguyễn Khuyến khi cụ đã bị lòa.
Nhưng chẳng lẽ nhà sư phạm không tìm ra lối thoát?

Nhóm CÁNH BUỒM