Ba năm nay, những người quan tâm đến giáo dục nước nhà chăm chú theo dõi công việc của một nhóm người âm thầm đề xuất một định hướng Cải Cách Giáo Dục (CCGD) cho nước nhà. Nhóm có tên gọi tự đặt là Cánh Buồm.

Ba năm nay, những người quan tâm đến giáo dục nước nhà chăm chú theo dõi công việc của một nhóm người âm thầm đề xuất một định hướng Cải Cách Giáo Dục (CCGD) cho nước nhà. Nhóm có tên gọi tự đặt là Cánh Buồm.

Cánh Buồm trên Tia Sáng

Có lẽ giáo sư Hoàng Tụy là người đầu tiên để mắt đến nhóm Cánh Buồm này. Khi nhóm này ra mắt định hướng Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em và tiếp liền đó là cuộc ra mắt thăm dò dư luận mang tên Chào Lớp Một, tại Hội trường L’Espace 24 Tràng Tiền bao giờ cũng có mớ tóc bạc Hoàng Tụy yên lặng chăm chú theo dõi. Rất thiết thực, sau khi nhận giải thưởng Giáo dục từ Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, giáo sư Hoàng Tụy đã nhắn nhóm Cánh Buồm tới và giúi vào tay các em một phong bì “để các cậu mua mực in” …

Góp phần xây dựng một nền giáo dục hiện đại hóa cho nước nhà – một nền giáo dục có mục tiêu cao cả đào tạo những con người tự chủ, có trách nhiệm, và có tâm hồn phong phú. Đó là tuyên ngôn của nhóm Cánh Buồm. Và một nền giáo dục hiện đại hóa ở một đất nước còn nghèo, theo nhóm Cánh Buồm là nằm ngay trong cách học mà mục tiêu được nói rất rành rọt: tự học – tự giáo dục chứ không phải chạy theo những thiết bị đắt tiền.

Chỉ dưới mười thành viên, nhóm Cánh Buồm sẽ làm được gì cho công cuộc hiện đại hóa nền giáo dục đó? Cách làm mà họ lựa chọn là làm mẫu.

  • Làm mẫu qua một bộ sách để cả chuyên gia lẫn người bình thường cũng hình dung được thế nào là một nền giáo dục hiện đại hóa cần phải có cho dân tộc, cho đất nước ngay ở đây và vào lúc này;
  • Làm mẫu để cả xã hội thấy rõ bậc tiểu học là bậc của phương pháp học chứ không phải là bậc nhồi nhét kiến thức để đến nỗi những chữ “giảm tải”, “giảm tải sâu” thành kinh nhật tụng của những nhà giáo dục bất lực;
  • Làm mẫu vào môn học khó nhất Văn (Giáo dục nghệ thuật), Tiếng Việt (Ngôn ngữ học), Lối sống (Đạo đức sống đồng thuận), tiếng Anh (Công cụ thâm nhập vào nền văn hóa khác lạ), khoa học-công nghệ (công cụ thực nghiệm để tạo ra một tư duy thực chứng).

Chỉ điểm qua ba việc nhóm Cánh Buồm định làm mẫu đã có thể thấy tham vọng khoa học và cả tham vọng chính trị-xã hội của Cánh Buồm là đáng trân trọng.

Chuyên đề về “Một Cánh Buồm giáo dục” ở số báo này không mang tính tuyên dương – nó mở ra cuộc tranh luận xã hội để cả xã hội phản biện những tư tưởng, công việc và các sản phẩm về một nền giáo dục hiện đại hóa của nhóm Cánh Buồm.

Tia sáng số 15 ngày 5/8/2012