Jerome S. Bruner (1915-2016) là một trong những nhà tâm lí học (TLH) nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất thế kỉ XX. Ông là một trong những gương mặt then chốt trong cái được gọi là “cuộc cách mạng nhận thức”.
Bruner sinh ở thành phố New York và học tại Đại học Duke và Đại học Harvard (nhận bằng Tiến sĩ (TS) ở đó năm 1947). Trong Thế chiến II, Bruner làm công việc của một nhà TLH xã hội thăm dò công luận về tuyên truyền và các thái độ đối với ngành tình báo quân đội Hoa Kì. Sau khi lấy bằng TS, ông trở thành Giáo sư (GS) TLH cũng như đồng sáng lập viên và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhận thức (Center for Cognitive Studies).

Trong những năm 1940, cùng với Leo Postman, ông bắt đầu tìm hiểu các cách thức ảnh hưởng đến tri giác. Đôi khi được gọi là “Cái nhìn Mới” (New Look), hai ông tìm hiểu tri giác từ một định hướng mang tính chức năng (chống lại việc tách nó ra khỏi thế giới xung quanh). Thêm nữa, Bruner bắt đầu nhìn về vai trò của các chiến lược trong diễn trình phân loại con người, và khái quát hơn, là sự phát triển nhận thức của con người. Sự quan tâm đến TLH nhận thức này dẫn đến hứng thú đặc biệt với sự phát triển nhận thức của trẻ em (và những phương thức thể hiện của nó) và những hình thức giáo dục thích đáng có thể có.
Từ cuối những năm 1950 trở đi, Jerome Bruner trở nên hứng thú với việc học ở nhà trường Hoa Kì – và được mời chủ tọa cuộc họp 10 ngày ở Woods Hole, Cape Cod vào năm 1959 quy tụ các học giả và nhà giáo dục, do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (National Academy of Sciences) và Quỹ Hội Khoa học Quốc gia (National Science Foundation) bảo trợ. Một kết quả của cuộc họp là cuốn sách ghi dấu mốc Diễn trình giáo dục (The Process of Education) của ông (1960). Nó phát triển một số đề tài then chốt của cuộc họp và là một nhân tố quyết định cho sự phát sinh một loạt các chương trình giáo dục và thực nghiệm những năm 1960. Tiếp đó Jerome Bruner tham gia một số ban chỉ đạo và ủy ban (trong đó có Ban Cố vấn Giáo dục của Tổng thống – the President’s Advisory Panel of Education). Năm 1963, ông nhận Giải thưởng Khoa học Xuất sắc (Distinguished Scientific Award) của Hội TLH Hoa Kì (the American Psychological Association) và năm 1965 ông làm Chủ tịch Hội.
Trong những năm 1960, Jerome Bruner phát triển một lí thuyết về tăng trưởng nhận thức. Cách tiếp cận của ông (ngược với Piaget), nhìn về các nhân tố môi trường và thử nghiệm. Bruner gợi ý rằng năng lực trí tuệ ấy phát triển theo các giai đoạn qua từng bước thay đổi trong cách thức mà tâm trí được sử dụng. Tư tưởng của Bruner trở nên ngày càng chịu ảnh hưởng của các tác giả như Lev Vygotsky, và ông bắt đầu phê phán sự tập trung chú ý vào mối quan hệ liên cá nhân mà thiếu chú ý đến hoàn cảnh xã hội chính trị. Đầu những năm 1970, Bruner rời khỏi Harvard để dạy nhiều năm ở Đại học Oxford. Ở đó, ông tiếp tục nghiên cứu những câu hỏi về thao tác ở trẻ em và bắt đầu một loạt tìm tòi về ngôn ngữ trẻ em. Ông trở lại Harvard như một GS thỉnh giảng năm 1979 và hai năm sau, gia nhập Trường Nghiên cứu Xã hội (School for Social Research) mới mở ở thành phố New York. Ông trở nên phê phán “cuộc cách mạng nhận thức” và bắt đầu biện luận cho việc xây dựng một thứ TLH văn hóa. Việc “quay về văn hóa” này được phản ánh trong các tác phẩm về giáo dục của ông – đặc biệt trong cuốn Văn hóa của giáo dục (The Culture of Education) năm 1966.


Cuốn sách Những thế giới trong tâm trí (Actual Minds, Possible Worlds: dịch sát nghĩa là Các tâm trí hiện có, những thế giới có thể có) ra mắt lần đầu năm 1986 của Bruner là một công trình bao quát nhiều lĩnh vực: tâm lí học, triết học, ngữ học, xã hội học, văn hóa học, nhân học.
Ba phần chính của cuốn sách: Phần 1 đối lập hai phương thức tư duy (tư duy hệ hình hay logic, khoa học và tư duy tự sự). Phần 2, phần thiết yếu, bàn về thế giới quan kiến tạo luận: không có một thế giới có nghĩa được cho sẵn “ở ngoài kia”, mà thực sự nó được xây dựng (kiến tạo) bởi tâm trí con người. Phần 3, những liên can của tư tưởng trên với giáo dục và văn hóa nói chung.
Tinh thần chủ đạo của cuốn sách là nhấn mạnh vai trò của tâm trí, đặc biệt là tâm trí quan nghiệm đối với thế giới thực tại. Thế giới tồn tại trong các “nghĩa” của nó đối với con người, “nghĩa” của nó không nhất thành bất biến mà được sinh ra qua cách diễn giải khác nhau của mỗi người tuỳ thuộc hoàn cảnh văn hóa của họ.
Từ đó, tác giả đề cao chức năng nhận thức thế giới của các bộ môn nghệ thuật trong nhà trường, với phương thức “tự sự” (qua câu chuyện và chuyện kể) sinh động thay cho lí lẽ logic. Và chính việc dạy những tác phẩm nghệ thuật (cụ thể nhất là tác phẩm văn học) cũng phải tuân theo nguyên tắc gợi mở để học sinh tự diễn giải “nghĩa” của tác phẩm với kinh nghiệm và trí tưởng tượng của riêng mình, trên cơ sở “văn bản gốc” của tác phẩm mà sáng tạo “văn bản ảo” của riêng mình.
Cũng từ đó, ông đề nghị một thứ “ngôn ngữ” trong nhà trường: “ngôn ngữ của giáo dục là ngôn ngữ của sự sáng tạo văn hóa, không phải ngôn ngữ của sự tiêu thụ kiến thức hay chỉ thụ đắc kiến thức”.
Đó là những luận điểm nhất quán với chủ trương tổng quát về “văn hóa của giáo dục” của Bruner, có thể tóm tắt trong đoạn trích sau, ở đó từ “thương thảo” luôn được ông nhấn mạnh:
“… một nền văn hóa luôn luôn diễn tiến để được tái tạo theo sự diễn giải và tái thương thảo của các thành viên. Theo cách nhìn ấy, một nền văn hóa là một diễn đàn để thương thảo và tái thương thảo nghĩa và để giải thích hành động, cũng như là một tập hợp những quy tắc hay sự chuyên biệt hóa cho hành động. Thực vậy, mỗi nền văn hóa duy trì các thiết chế chuyên biệt hóa hay các cơ hội để tăng cường đặc điểm “giống như diễn đàn” này. Kể chuyện, sân khấu, khoa học, thậm chí pháp lí, đều là những kĩ thuật để tăng cường chức năng này – những cách khai thác các thế giới có thể có từ hoàn cảnh cụ thể của nhu cầu tức thời. Giáo dục là (hoặc nên là) một trong những diễn đàn chủ yếu để thực hiện chức năng ấy – dù nó thường rụt rè khi làm việc ấy. Đó là phương diện diễn đàn của một nền văn hóa cho những người tham gia có được vai trò luôn luôn làm ra và làm ra lại văn hóa – một vai trò chủ động như những người tham gia hơn là những khán giả thực hiện đóng những vai trò chuẩn tắc theo đúng quy tắc khi có những ám hiệu thích đáng”.
Đó cũng chính là tinh thần chủ đạo của một nền giáo dục khai phóng, dân chủ, tôn trọng người học, nhằm tạo ra những con người chủ động và sáng tạo cho xã hội tương lai.
Tháng 6/2021
Hoàng Hưng (Người dịch).