Tôi tự hứa sẽ thưởng cho mình món quà cho năm đầu tiên dành lại được tự do (tốt nghiệp đại học) sẽ phải là Paris. Tôi chỉ mới biết thoáng qua cái thành phố bí ẩn này qua hai chuyến đi trước đó và ngày ấy tôi đã nhận ra rằng bất cứ ai từng sống một năm tuổi trẻ của mình ở đó thì suốt đời sẽ mang kỷ niệm về một niềm hạnh phúc khôn cùng. Không ở nơi đâu như ở Paris, với tất cả các giác quan được đánh thức, người ta có thể cảm nhận được tuổi trẻ của mình nhập làm một với bầu không khí thành phố, cái thành phố tự nó dâng hiến cho tất cả nhưng chẳng ai thâm nhập được vào tận mọi bí ẩn của nó.
Không ở nơi đâu như ở Paris, ta có thể cảm nhận được hạnh phúc và sự học hỏi từ cuộc sống vô tư lự hồn nhiên, từ vẻ đẹp của những hình thức, khí hậu dễ chịu, và sự phong phú của truyền thống. Mỗi người trẻ tuổi chúng tôi đều nhận lấy cho mình một phần và như thế cũng góp phần của riêng mình vào bầu khí vô tư lự này. Người Trung Hoa và người Scandinavia, người Tây Ban Nha, người Hy Lạp, người Brazil và người Canada, tất cả đều cảm thấy như ở nhà mình khi đang ở bên bờ sông Seine. Chẳng có gì phải gượng ép cả: ta có thể chuyện trò, suy tưởng, cười đùa, la mắng như mình muốn, mỗi người đều sống theo ý thích của mình, cởi mở hoặc cô độc, hoang tàn hay tiết kiệm, xa hoa hay lang bạt; có chỗ cho mọi sự độc đáo riêng,  có chỗ cho mọi cơ hội. Có những nhà hàng sang trọng với các món ăn hấp dẫn mê hồn với giá hai hay ba trăm franc, với đủ các loại rượu vang, rượu cognac đắt khủng khiếp được sản xuất từ thời Napoléon; nhưng ta cũng có thể ăn ngon không kém tại bất kỳ quán ăn nào ở góc phố. Ở các quán ăn tại khu Latinh nơi các sinh viên thường lưu tới ta có thể gọi các món ngon nhất, vừa túi tiền, trước hoặc sau món bifteck bố béo, ăn kèm với vang đỏ hoặc vang trắng và bánh mỳ trắng. Ta có thể đi ra ngoài ăn mặc thế nào tùy thích: sinh viên đầu đội mũ béret đi dạo dọc đại lộ Saint-Michel; sinh viên trường họa, họa sĩ trong áo bành tô nhung đen, đầu đội mũ rộng vành; những thợ thuyền vận quần áo lao động hoặc áo sơmi bỏ ngoài quần thoải mái dạo bước trên những đại lộ sang trọng nhất; các cô bảo mẫu đầu đội mũ vải xếp nếp kiểu bretagne, các chủ quán rượu đeo tạp dề xanh . Chẳng cần phải là ngày quốc khánh 14 tháng 7 người ta mới thấy có các đôi trẻ nhảy múa ngoài đường phố sau lúc nửa đêm và cảnh sát thấy thế chỉ mỉm cười: thành phố chẳng phải là của tất cả mọi người hay sao? Chẳng ai cảm thấy gò bó trước bất kỳ ai: các cô gái xinh đẹp không ngượng đỏ mặt khi khoác tay một người đàn ông da đen hay một người Trung Hoa mắt một mí bước vào một khách sạn rẻ tiền. Ai bận tâm tới những thứ ngáo ộp như là chủng tộc, giai cấp, nguồn gốc? Người ta đi lại, chuyện trò, ngủ với ai mình thích và không phải bận tâm người khác nghĩ gì. A, để phải lòng Paris chỉ cần tới Berlin, cần phải trải nghiệm sự nô lệ tự nguyện ở nước Đức, với ý thức tôn ti trật tự đề cao địa vị và khoảng cách rõ rệt đến mức đau lòng. Ở Đức, vợ một viên chức không “giao du” với vợ một giáo viên trung học, vợ giáo viên trung học không chơi với vợ một thương nhân và nhất là vợ của người này không bao giờ chuyện trò với vợ một công nhân. Ở Paris di sản của Cách Mạng vẫn còn ở trong máu mọi người. Người vô sản cảm thấy mình cũng là một công dân tự do và đáng được kính trọng như người đi thuê mình, người bồi bàn bắt tay một vị tướng như bắt tay một đồng nghiệp. Các bà tiểu tư sản, vui tính, đứng đắn, sạch sẽ chẳng khi nào nhăn mặt khi bắt gặp một cô gái làng chơi ở hành lanh; hàng ngày họ vẫn chuyện gẫu với cô ta mỗi khi gặp ở cầu thang và con cái họ còn tặng hoa. Có lần tôi thấy một toán nông dân giàu có người vùng Normandi bước vào một quán ăn sang trọng ở gần Nhà thờ Madeleine, họ vừa rời một buổi lễ rửa tội; các bác ăn mặc theo kiểu nông dân, khua ầm ĩ những đôi giày nặng nề, đế bịt đinh như vó ngựa, tóc xức sáp thơm tận trong bếp cũng ngửi thấy. Họ nói to và rượu vào lại càng ầm ĩ, thọc tay vào sườn trêu ghẹo các bà vợ to béo. Những nông dân thứ thiệt này cảm thấy thoải mái giữa dân thành thị ăn mặc sang trọng, trang điểm chải chuốt, người hầu bàn không tỏ ra khó chịu trước những vị khách nhà quê như ta thường thấy ở Đức hoặc ở Anh, và phục vụ lịch sự và chu đáo như thể phục vụ các bộ trưởng hay nhân vật nổi tiếng. Chủ quán thậm chí còn vui vẻ chào hỏi, với một thái độ đặc biệt thân ái, những vị khách tỏ ra có phần quê mùa này. Ở Paris chỉ có những trái ngược tồn tại bên cạnh nhau chứ không có thứ tự cao thấp; không có ranh giới vô hình phân biệt những đại lộ sang trọng với những ngõ phố tồi tàn, ngự trị ở khắp nơi là một bầu không khí sinh động vui vẻ. Các nhạc công chơi nhạc trong các sân chơi ở ngoại ô; từ ngoài phố ta có thể nghe vọng qua cửa sổ những cô thợ khâu vừa làm việc vừa hát; lúc nào cũng có thể nghe thấy ở đâu đó một tiếng cười phá lên vui vẻ hay tiếng gọi nhau thân ái; nếu hai bác đánh xe ngựa có chẳng may to tiếng thì họ đều kết thúc bằng một cái bắt tay và cùng nhau làm vài chén kèm với món sò huyết giá phải chăng. Chẳng có gì là nặng nề, giả tạo cả. Trong quan hệ với phụ nữ người ta buộc vào dễ và cởi ra cũng vậy, ai cũng tìm thấy cho mình một người phù hợp, mỗi người trẻ tuổi đều tìm cho mình một bạn gái vui vẻ, không đoan trang giả tạo. A, cuộc sống ở Paris thật nhẹ nhõm, thú vị biết bao, nhất là khi người ta còn trẻ! Chỉ một cuộc dạo chơi cũng là một niềm vui và sự học hỏi bất tận, bởi chưng mọi thứ đều cởi mở – ta có thể tạt vào một hiệu sách cũ, lật giở xem các cuốn sách và người bán sách thấy thế cũng không làu bàu. Ta có thể vào các phòng tranh nhỏ của tư nhân hay là lục tìm từng món đồ trong các cửa hàng đồ cũ; có thể ngồi dự các phiên bán đấu giá tranh nghệ thuật và đồ cổ ở Khách sạn Drouot hay ngồi tán gẫu trong công viên với các cô bảo mẫu. Khi đã bắt đầu một cuộc dạo phố thì thật khó để dừng lại, phố xá muôn màu muôn vẻ luôn cuốn hút và bày ra một cái gì đó mới mẻ. Nếu mỏi chân ta có thể chọn một trong hàng nghìn quán cà phê và ngồi viết thư bằng giấy được cung cấp miễn phí đồng thời nghe những người bán hàng rong chào bán những món đồ lặt vặt. Chỉ có một khó khăn duy nhất: đó là không ra khỏi nhà hoặc là quay trở về chỗ trọ, nhất là khi mùa xuân chợt đến, khi ánh sáng bàng bạc lấp lánh trên sông Seine, khi cây cối trên các đại lộ bắt đầu nhú mầm và các cô gái trẻ cài trên ngực mấy bông hoa violette; nhưng cần chi phải đợi đến mùa xuân đến để ta có thể cảm thấy vui vẻ khi ở Paris.
Vào cái thời tôi bắt đầu biết Paris, người ta chưa đi lại dễ dàng khắp thành phố nhờ tàu điện ngầm và xe hơi như ngày nay. Ngày ấy để đi từ khu Monmartre tới Monparnasse là cả một chuyến đi nho nhỏ và có thể hoàn toàn tin được giai thoại kể rằng nhiều người dân Paris sống ở bên hữu ngạn sông Seine chưa bao giờ đặt chân sang bờ bên kia, còn trẻ con chỉ chơi ở Vườn Luxembourg và chẳng bao giờ biết tới Vườn Tuileries hay là công viên Monceau. Dân Paris thứ thiệt hay người gác cổng đều tự nguyện sống quanh quẩn trong khu phố của mình; họ tự tạo cho mình một Paris bé nhỏ trong lòng Paris rộng lớn, thành thử mỗi quận đều có đặc điểm riêng, thậm chí mang màu sắc địa phương. Người ngoại quốc phải có sự quyết đoán nào đó mới chọn được cho mình một chỗ trọ tại Paris. Khu Latinh không còn hấp dẫn tôi nữa. Đó là nơi năm hai mươi tuổi trong chuyến đi ngắn tới Paris khi vừa đặt chân tới nơi tôi đã lao thẳng tới đó ngay. Buổi tối đầu tiên tôi ngồi trong quán càphê Vachette và lòng tràn ngập sự tôn kính tôi đã đề nghị người ta chỉ cho tôi chỗ thi sĩ Verlaine trước đây thường ngồi và chiếc bàn đá cẩm thạch mà mỗi lần say ông đều nổi cáu gõ mạnh vào đó bằng chiếc gậy của mình để yêu cầu được mọi người tôn trọng. Và tôi, dù không thích rượu nặng, đã gọi một cốc rượu bạc hà, thứ nước màu xanh nhạt hoàn toàn không phải là đồ uống tôi ưa thích; khi đó tôi còn trẻ và với tất cả lòng kính trọng dành cho các thi sĩ trữ tĩnh của nước Pháp, tôi thấy mình có bổn phận khi đến khu Lantin phải làm theo nghi thức này; vì tình cảm về phong cách, khi đó tôi đã chọn một căn buồng áp mái tầng năm ở gần Trường Sorbonne để sống lại không khí “thực sự” của khu Latinh như tôi đã biết qua sách vở. Ở tuổi hai mươi lăm tôi không còn những cảm xúc lãng mạn ngây thơ nữa, khu sinh viên có vẻ quốc tế, quá ít chất Paris. Và trên hết tôi muốn chọn một chỗ ở lâu dài, không phải vì những hồi ức văn chương mà là để theo đuổi công việc viết văn của mình. Các khu vực sang trọng của Paris, đại lộ Champs-Elysées hoàn toàn không thích hợp với kế hoạch của tôi, khu vực quanh quán Café de la Paix lại càng không, đó là nơi tụ tập của dân gốc Balkan giàu có và ở đó không ai nói tiếng Pháp ngoại trừ những bồi bàn. Khu vực yên tĩnh ở gần Saint-Sulpice rợp bóng các nhà thờ và tu viện, nơi Rilke và Suarès đã chọn, không còn cuốn hút tôi; lẽ ra tôi đã chọn đảo Saint-Louis để tiện đi lại giữa hai bờ sông Seine. Nhưng ngay trong tuần lễ đầu tiên, trong một lần đi dạo tôi đã tình cờ phát hiện một chỗ thích hợp hơn. Trong lúc đi nhẩn nha theo những lối đi có mái che của Palais-Royal tôi phát hiện một ngôi nhà đặc biệt, nó được xây cất theo lệnh của hoàng thân Philippe đệ tứ (cháu nội Vua Louis 14), nằm ở mặt sau cung điện vuông vức khổng lồ này. Ngôi nhà xưa kia là một dinh thự tráng lệ nay đã xuống cấp và được dùng làm khách sạn với những tiện nghi hầu như sơ sài. Người ta giới thiệu cho tôi một căn phòng và tôi mừng rơn khi thấy nó có cửa sổ nhìn xuống khu vườn Palais-Royal, thường đóng lại vào buổi tối. Lúc đó ta chỉ còn nghe thấy tiếng thở nhè nhẹ của thành phố, những âm thanh không rõ rệt, theo nhịp tựa như những đợt sóng liên tục vỗ vào bờ bãi biển ở xa; những bức tượng lấp lánh dưới ánh trăng, và gió vào lúc sáng sớm thổi đưa tới mùi vị rau quả ở khu chợ Halles ở gần đó. Vào thế kỷ 18 và 19 khu vực này là nơi ở của nhiều nhà thơ và chính khách; đối diện theo đường chéo với khu vườn ở phía bên kia là ngôi nhà Victor Hugo và Balzac thường leo hàng trăm bậc cầu thang hẹp dẫn đến căn buồng áp mái của Marceline Desbordes-Valmore, nữ thi sĩ tôi vô cùng yêu thích; kia, chỗ lấp lánh ánh sáng trắng bạc (quán Café du Foy nay vẫn còn) là nơi Camille Desmoulins một hôm trong thời kỳ Cách mạng Pháp đã xô bàn đứng dậy kêu gọi mọi người cầm vũ khí cùng nhau tới đánh chiếm ngục Bastille, lối đi có mái vòm che nằm ở phía xa hơn là nơi viên trung úy Bonaparte thấp bé tội nghiệp đã tìm kiếm sự che chở trong đám các cô gái đi dạo có đức hạnh chẳng mấy đáng khen. Ở nơi đây mỗi viên đá đều kể lại lịch sử của nước Pháp; ngoài ra, Thư viện Quốc gia nơi tôi thường ngồi ở đó các buổi sáng chỉ cách một dãy phố, và Bảo tàng Louvre và các đại lộ đông đúc cũng nằm rất gần. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy chỗ mình từng mơ ước, một địa điểm nằm ở trung tâm Paris nơi trong nhiều thế kỷ đã sống cùng nhịp đập với trái tim nóng bỏng của nước Pháp. Tôi nhớ một hôm André Gide tới chơi, ông ngạc nhiên khi thấy có một nơi yên tĩnh ở ngay trong lòng Paris, rồi ông tuyên bố: “Chính là qua những người ngoại quốc mà chúng tôi mới được chỉ ra những địa điểm đẹp nhất của thành phố”. Và thực sự tôi không tìm thấy bất kỳ một nơi nào khác “paris” hơn và cũng thích hợp hơn căn phòng cô độc để làm việc và mơ mộng ngay giữa lòng cái thành phố sống đống bậc nhất thế giới này.
PHẠM ANH TUẤN dịch từ tiếng Pháp.

Trích Le Monde d’hier, (Thế giới hôm qua), của nhà văn Áo Stefan Zweig)

(Bản dịch phóng, dành tặng riêng cô cháu gái Christina nhân Cháu vừa tốt nghiệp phổ thông và đang có thời gian “gap year” ở Paris. Vì lý do bản quyền, sau khi đã xin phép Sao Bắc Media (nơi đang thu xếp dịch cuốn sách này), người dịch chỉ trích dịch một phần rất nhỏ của chương viết về Paris).