Nhóm Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn chủ trương vào ngày 19 tháng 11.2016 năm nay sẽ trình xã hội 8 cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt và Văn cho bậc Trung học cơ sở. Chúng tôi nhận được trước 4 cuốn: Văn lớp 6 (208 trang, khổ 19×26 cm)-Tiếng Việt lớp 6 (188 tr.) và Văn lớp 7 (196 tr.)-Tiếng Việt lớp 7 (180 tr.), đều do NXB Tri Thức ấn hành; 4 cuốn dành cho lớp 8 và lớp 9 tiếp sau, sẽ được in xong trước ngày ra mắt sách 19 tháng 11 nói trên.

Chủ đề của Văn 6 là “Cảm hứng nghệ thuật” nên sau bài mở đầu bàn tổng quát về “Cảm hứng nghệ thuật (Vì sao người ta làm ra tác phẩm nghệ thuật)” lần lượt có 5 phần với tổng cộng 15 bài học: (1) Tác phẩm thơ (Vì sao người ta làm thơ, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Thơ ngụ ngôn La Fontaine…); (2) Tác phẩm tự sự (Vì sao người ta viết văn tự sự, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán…); (3) Tác phẩm hội họa (Vì sao người ta vẽ, Người đặt nền móng đầu tiên cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, Tranh Tết); (4) Tác phẩm âm nhạc (Vì sao người ta chơi âm nhạc, Những câu hát giã bạn); (5) Tác phẩm kịch (Vì sao người ta chơi kịch-Kịch như là một môn học vỡ lòng, Trưởng giả học làm sang của Molière).Chủ đề của Tiếng Việt 6 là “Ngữ âm-Ghi âm”, gồm 2 phần với tổng cộng 9 bài học: (1) Tiếng Việt và chữ viết của người Việt (Dùng chữ Hán và chữ Nôm để ghi tiếng Việt, Ghi âm tiếng Việt bằng chữ quốc ngữ, Trương Vĩnh Ký-Nhà ngôn ngữ học đa tài, Nguyễn Văn Vĩnh với tiếng mẹ đẻ và chữ quốc ngữ, Nhà văn hóa Phạm Quỳnh với sự nghiệp phát triển chữ quốc ngữ, Ngữ âm địa phương của tiếng Việt, Cách người Việt phiên âm tiếng nước ngoài); (2) Tiếng nói và chữ viết của dân tộc khác (Lịch sử hình thành và phát triển “chữ quốc ngữ” ở Nhật Bản, Hangul và chữ viết của Hàn Quốc).Chủ đề của Văn 7 là “Giải mã tác phẩm nghệ thuật (Trữ tình và Kịch nghệ)” gồm 3 phần (1. Giải mã tác phẩm trữ tình; 2. Giải mã tác phẩm kịch nghệ. 3. Chuyển thể kịch) với tổng cộng 10 bài học.Chủ đề của Tiếng Việt 7 là “Từ và từ vựng” gồm 3 phần (1. Những khái niệm cơ bản; 2. Từ vựng-Từ điển; 3. Mở rộng vốn từ vựng), với tất cả 12 bài học.
Được gửi biếu để đọc trước 4 cuốn, nên Ban biên tập sách Trung học cơ sở Cánh Buồm cho tôi biết thêm vài điều như sau về các cuốn sách lớp 8 và 9:

Sách Tiếng Việt lớp 8 có chủ đề Các cách biểu đạt ngôn ngữ (cách khoa học, cách nghệ thuật, cách chính trị-xã hội). Sách Tiếng Việt lớp 9 có chủ đề Ngôn ngữ và tư duy với những bài về Phạm trù người, tư duy về môi trường, tư duy về cái Đẹp, tư duy về cái chết, và kết thúc ở đỉnh cao với bài tư duy về Thượng Đế.

Sách Văn Lớp 8 có chủ đề Giải mã tác phẩm tự sự với các phần Tự sự sử thi, tự sự dạng truyện lịch sử, tự sự dạng bút ký và du ký, tự sự dạng truyện và tiểu thuyết. Sách Văn lớp 9 có chủ đề Nghiên cứu nghệ thuật thông qua những việc làm trên hai tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du và Faust của Goethe.

Sở dĩ phải liệt kê khá dài dòng như trên để thấy bộ SGK Văn và Tiếng Việt của nhóm Cánh Buồm có những điểm nội dung khác lạ, độc đáo, không giống… với bất kỳ bộ SGK nào của cùng bộ môn/ cùng cấp lớp đã từng xuất hiện tại Việt Nam. Do vậy, nó cũng khác biệt hẳn so với bộ SGK Ngữ văn bậc Trung học cơ sở đang áp dụng/ lưu hành chính thức toàn quốc, vốn được biên soạn theo Chương trình Trung học cơ sở năm 2002 của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT). Ở bộ SGK Ngữ văn (6, 7, 8, 9) chính thức này, như chúng ta được biết, trong quá trình cải cách nhiều đợt, đã đạt được khá nhiều điểm tiến bộ. Bên cạnh những hướng cải tiến chung như giảm tải, giảm bớt mùi tuyên truyền chính trị, tăng thực hành, gắn đời sống, nét cải tiến nổi bật nhất của chúng là hướng “tích hợp”, mà biểu hiện rõ nhất là việc sáp nhập ba phân môn (Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn) vào một chỉnh thể Ngữ văn và do đó, từ chỗ có ba bộ sách Văn học, Tiếng Việt, Tập làm văn thì nay chỉ còn duy nhất bộ sách Ngữ văn (xem “Lời nói đầu”, trong Ngữ văn 6, Tập một, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2016, tr. 3).

Sách của Nhóm Cánh Buồm trái lại không đi theo hướng tích hợp, không có phần chú thích/ giảng giải từ ngữ, ngữ pháp và tập làm văn tích hợp (lồng ghép/ đi kèm) theo văn bản của bài giảng văn; còn nội dung các bài dùng làm bài học bên trong thì hầu như không có bài nào giống với bộ SGK chính thức của Bộ GD-ĐT! Tôi không có ý định đi sâu vào sự khác nhau đó, mà chỉ quan tâm tới cái riêng của bộ sách Cánh Buồm, và thấy nên nêu ra mấy điểm riêng của bộ sách này, ở chỗ chúng đã được soạn ra trên cơ sở định nghĩa lại nhiều khái niệm cơ bản từng chi phối nền giáo dục phổ thông nước ta lâu nay.

Một vài khái niệm mấu chốt của Cánh Buồm là như sau:

  • Định nghĩa Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên của cả dân tộc.
  • Định nghĩa Trưởng thành là về ba mặt (a) tư duy, (b) kiến thức, và (c) hành dụng.
  • Định nghĩa Chương trình học là một lý tưởng đào tạo và Sách giáo khoa là người bạn đường tạo năng lực tự học cho học sinh.

Về quan điểm chính trị, từ đó chi phối cách viết/ cách trình bày lịch sự và sự lựa chọn vật liệu giảng dạy (hay nội dung thông tin/ truyền đạt), SGK Cánh Buồm cũng khác hẳn với SGK của Bộ GD-ĐT. Chẳng hạn, ở Tiếng Việt 6, vua Bảo Đại được gọi bằng “ngài” (tr. 120); một số nhân vật/ nhà văn hóa có công lớn với sự nghiệp phát triển chữ quốc ngữ nhưng thuộc diện “nhạy cảm” như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh đã được giới thiệu khá đầy đủ với mỗi bài viết về mỗi ông đều dài từ trên 10 trang đến trên 20 trang, điều chưa từng thấy ở bất kỳ sách giáo khoa môn Văn nào trong nền giáo dục XHCN bấy lâu nay. Thậm chí, Phạm Quỳnh còn được gọi một cách mạnh dạn là “chí sĩ” (tr. 110); cả 3 ông Trương, Nguyễn, Phạm được gọi chung là “ba nhà yêu nước” (tr. 111): “Các bạn sẽ nhận ra những việc mà họ đã làm…Với cái nhìn trong trẻo, tấm lòng vô tư và tâm hồn trong sáng của mình, các bạn sẽ dễ dàng tự cảm nhận được tấm lòng yêu nước, thương nòi hết sức vô tư của họ” (tr. 77).

Tiếng Việt 7 với 12 bài viết (bài học) có thể coi là một tập hợp có hệ thống những kiến thức cơ bản vững chắc về từ và từ vựng tiếng Việt, nếu tách in riêng ra thành sách tham khảo sẽ rất xứng đáng là một tập tài liệu đáng tin cậy dùng chung cho giáo viên, sinh viên khoa ngữ văn và cho tất cả những ai có quan tâm muốn củng cố, bồi dưỡng kiến thức về ngôn ngữ Việt.

Trước tình trạng nền giáo dục Việt Nam đã/ đang gặp phải nhiều nỗi bế tắc và lúng túng kéo dài, chất lượng giáo dục ngày càng xuống cấp, sẽ là không quá đáng nếu xem sự xuất hiện SGK Cánh Buồm như một nỗ lực đầy thiện chí trong quá trình tìm tòi để cải cách căn bản nền giáo dục nói chung và chương trình-SGK nói riêng.

Đường lối giáo dục mới mẻ, tiến bộ, hợp lý của Nhóm Cánh Buồm đã được nêu lên khá rõ rệt, mạch lạc ngay ở bìa các cuốn sách: “Bậc Phổ thông cơ sở, như tên gọi, là bậc tạo nền tảng trí tuệ cho toàn thể trẻ em – sau chín năm học, một trí tuệ nền tảng gồm có (a) một phương pháp học đúng đắn; (b) một tư duy mạch lạc; và (c) một năng lực hành dụng – hành trang và đạo lý vào đời của người thiếu niên 15-16 tuổi” (bìa Tiếng Việt 6, ấn bản 2016). Chỗ khác, còn nói rõ hơn: “Từ lớp Một đến lớp Chín, các em được hưởng nền giáo dục phổ thông cơ sở – năm năm đầu học phương pháp học, bốn năm tiếp theo tự trau dồi kiến thức để có thể sống có ích cho mình, cho gia đình và xã hội” (bìa Tiếng Việt 6, ấn bản 2015).

SGK Cánh Buồm chú trọng đào tạo tố chất con người, thay vì kỹ năng thi cử, cho học sinh, nên ở giai đoạn Tiểu học 5 năm có nhiệm vụ rèn luyện phương pháp học; giai đoạn Trung học cơ sở 4 năm có nhiệm vụ giúp các em dùng phương pháp học đã có để tự tìm đến các tri thức cần thiết. Từ đó suy ra: nhiệm vụ của bậc Phổ thông Trung học là tập nghiên cứu để chuẩn bị cho cách tập độc lập nghiên cứu ở bậc Đại học và cách độc lập nghiên cứu ở sau Đại học. Chương trình học lại có sự kết nối/ liên thông một cách hệ thống từ lớp 1 đến hết cấp Trung học cơ sở.

Nhóm Cánh Buồm chủ trương không chấm điểm học sinh, thay vào đó là cách đánh giá theo 3 tiêu chuẩn, như đúng-chưa đúng-sai, hoặc đúng-hay-rất hay…, như vậy cũng giúp tránh được tình trạng học sinh tranh điểm nhau gây mất đoàn kết, hoặc tệ nạn giáo viên dễ bị thiên vị đối với em này em khác.

Từ khi khởi động năm 2009, SGK Cánh Buồm đã được lần lượt biên soạn, tập trung trước cho môn Văn và môn Tiếng Việt vì 2 môn này có nhiều lợi thế trong việc truyền bá kiến thức nghệ thuật giúp tạo nên “một tâm hồn phong phú” cho thế hệ trẻ. Không ít bậc thức giả đã công nhận sách Cánh Buồm có nội dung phong phú, mới lạ, hấp dẫn, bổ ích.

Khi vừa nhận được bộ sách mới xuất bản (lớp 6, 7), tôi có đưa cho vài bạn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-giáo dục xem thử, ai cũng khen hay. Tuy nhiên, hầu như cả tôi cũng vậy, mọi người đều có chung một nỗi băn khoăn, trong tinh thần hết sức cảm thông, chia sẻ với nhóm chủ biên: liệu độ cao của chương trình như mô tả ở trên có thích hợp với lứa tuổi và trình độ thực tế của học sinh các lớp 6, 7 hiện nay? Có người cho rằng bộ sách có vẻ thích hợp hơn cho học sinh từ lớp 10 trở đi, hoặc thậm chí cho sinh viên bậc đại học. Người khác thì bảo nó phảng phất trông giống một tờ tạp chí hoặc sách chuyên đề có giá trị do nhiều tác giả tham gia viết; nhiều bài trong đó nên được coi là loại bài đọc thêm hơn là bài chính khóa, vì thường dài đến 10-20 trang. Ngoài ra, với những nội dung khác biệt hẳn so với chương trình chính thức/ chính thống của Bộ GD-ĐT, thì tính phổ cập nhân rộng và khả năng hòa nhập chung vào nền giáo dục quốc dân sẽ phải thực hiện theo lộ trình thế nào, hay rốt cuộc kế hoạch Cánh Buồm cũng chỉ dừng lại ở việc dạy thí điểm? Và rồi công việc đào tạo giáo viên để phục vụ thích nghi cho kế hoạch, chương trình, phương pháp giảng dạy đặc thù của Nhóm Cánh Buồm nữa? Cũng như khả năng thực hiện của họ cho những môn học khác ngoài môn Văn, như Sử, Địa, Sinh, Toán, Lý…? Về phương diện thi cử, nếu học theo sách Cánh Buồm thì có dự được một cách thành công vào những kỳ thi mang tính toàn quốc hay không, và do đó liệu sẽ có được bao nhiêu trường tư thục dám hoặc sẵn sàng áp dụng theo lối học mới mẻ này?

Nhiều câu hỏi khác nữa còn có thể đặt ra thêm, và đường như những người chủ trương Nhóm Cánh Buồm cũng biết trước như vậy, tuy nhiên việc quyết định biên soạn bộ SGK mới của họ, cùng với nó là một chương trình giáo dục từ Tiểu học đến hết Trung học cơ sở theo đường lối mới, đã được nhóm chủ trương quan niệm là hành động tiên phong để làm ra một cái “mẫu” cho việc đề xuất các phương án cải cách giáo dục. Xét trên nhiều phương diện, việc làm này thật sự rất đáng trân trọng, và những kết quả phấn khởi đầu tiên ghi nhận được khi áp dụng thí điểm tại một số nhà trường đã cho thấy việc làm của Nhóm Cánh Buồm có ý nghĩa to lớn, góp phần thúc đẩy cải cách giáo dục, trong điều kiện ngành giáo dục cũng đang có chủ trương cho xuất bản nhiều bộ SGK do nhiều nhóm khác nhau biên soạn.

Trước thực trạng suy thoái đau lòng của nền giáo dục trong nước, và tình trạng sửa đổi vừa chậm chạp vừa lưng chừng về chương trình-SGK, Nhóm Cánh Buồm đã sốt ruột/ sốt sắng mạnh dạn “tự giao” nhiệm vụ cho mình chứ chẳng bị ai bắt buộc, để góp phần vào công cuộc cải cách. Ý đồ tốt đẹp này đã có lần được Nhóm Cánh Buồm nêu rõ trong Tờ trình tổng quát trước Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 16.7.2014: “Có một bộ phận trí thức đáng kính kiên trì phản biện và xoay xở đủ cách, …hòng xoay chuyển tư duy Giáo dục và tác động tới thực tiễn Giáo dục nước nhà… Nhóm Cánh Buồm chủ trương không ‘phản biện’, và càng không than vãn. Nhóm Cánh Buồm chủ trương cái gì làm được thì làm luôn. Sức yếu thì dồn sức vào ‘huyệt’ – làm một cái MẪU – cái ‘mẫu’ không phải như một tấm gương để ‘noi theo’, mà cái mẫu như một sự vật cụ thể vừa mang tính gợi ý và cũng vừa mang tính kích thích.

Tính gợi ý, đó là làm thực sự điều gì cần phải làm mà giới lãnh đạo Giáo dục chưa biết hoặc có thể đã biết mà chưa tổ chức làm được. Một việc quan trọng nhất Nhóm Cánh Buồm phải làm ngay là soạn lại sách giáo khoa tiểu học các môn Khoa học xã hội và Nhân văn. Tính kích thích, đó là làm thực sự và hết sức mình để đưa ra những đóng góp có thực, nhưng không coi đó là giá trị bậc nhất, mà luôn luôn hi vọng chính mình được đồng nghiệp vượt qua”.

Ngoài việc được mời báo cáo tại Quốc hội, trước đó ngày 3. 2. 2012, Vụ Tiểu học (thuộc Bộ GD-ĐT) cũng đã tiếp và nghe Nhóm trình bày kế hoạch biên soạn bộ SGK mới. Kết quả chung không tệ: Nhóm Cánh Buồm đã và đang nhận được sự tán trợ của không ít người cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, để tiếp tục tiến hành kế hoạch đã xác tín. Ở đời, nếu có được một người “tri kỷ” là may mắn lắm rồi (người xưa nói: “đắc nhất tri kỷ, tử khả dĩ hĩ”, có được một người tri kỷ thì dù chết cũng cam lòng), đằng này, Nhóm Cánh Buồm từ khi khai trương (chính thức năm 2012) đã có được khá nhiều “tri kỷ”, đó là 2 trường tư thục ở Hà Nội, 1 trường ở TP. HCM, và 1 trường khác ở Bắc Giang, đã chịu hợp tác với Nhóm để tiến hành thí điểm/ thể nghiệm chương trình học và nội dung, phương pháp mới/ tiến bộ; cũng như một số cá nhân, tổ chức khác đã thiện nguyện góp tiền in sách, cho mượn chỗ để tổ chức hội thảo, quảng bá.

Nhóm Cánh Buồm cũng nhận được vài lời khích lệ động viên của một số quan chức có uy tín trong ngành giáo dục, và năm 2015 được nhận Giải Thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh về sự nghiệp Văn hóa- Giáo dục. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây chẳng phải là khen hay chê cho có chuyện rồi bỏ qua (như người ta vẫn thường như thế), mà Bộ GD-ĐT nên thực tâm và mau chóng tích cực tìm hiểu sâu thêm nữa việc làm của Nhóm này, lý do chính đáng trước hết vì Nhóm Cánh Buồm xứng đáng để được như vậy; nó là một hiện tượng quý hiếm trong thời buổi thực dụng chạy theo tiền bạc như hiện nay, để trên cơ sở nắm chắc giá trị việc làm của họ mà mạnh dạn cấp phát ngân sách tài trợ chính thức đủ cho Nhóm có điều kiện hoạt động hiệu quả hơn nữa. Giả định không có sẵn nhóm thiện nguyện này, Bộ GD-ĐT khi cần lập riêng thêm một nhóm nghiên cứu-biên soạn SGK mới có tính thử nghiệm, thì chi phí thực tế có lẽ còn tốn kém hơn nhiều!

Còn về khoảng chênh lệch/ khác biệt đang xuất hiện khá lớn giữa SGK Cánh Buồm với SGK lưu hành chính thức của Bộ, thiết tưởng đây cũng chẳng có gì mâu thuẫn, trái lại còn nên được hiểu theo nghĩa đúng đắn là có sự tương tác, bổ sung, tham khảo lẫn nhau, để tiến tới hoàn thiện dần các bộ SGK tương lai trong điều kiện cải cách không ngừng của nền giáo dục.

Nếu bảo SGK đang lưu hành chính thức của Bộ GD-ĐT phải nhượng bộ làm theo mô thức giáo dục mới của Nhóm Cánh Buồm thì điều này rõ ràng không thực tế, nếu không muốn gọi ảo tưởng. Vì vậy, nhân dịp Nhóm Cánh Buồm sắp ra mắt bộ sách Văn và Tiếng Việt cấp Phổ thông cơ sở, đánh dấu một đoạn đường thành tích quan trọng của họ, các quan chức có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT nên coi đây là một cơ hội tự nhắc nhủ sự chú ý, đồng thời thúc đẩy những cuộc hội luận song phương (giữa Bộ GD-ĐT và Nhóm Cánh Buồm), và sau đó có thể là một cuộc hội luận đa phương mở rộng nào đó (với sự tham gia của các nhà sư phạm độc lập trong và ngoài nước, các đại diện phụ huynh học sinh…), để bàn kỹ, nhằm tìm ra giải pháp chiết trung hợp lý nhất cho các vấn đề quan trọng đang còn tranh cãi, từ triết lý/ đường lối giáo dục cho đến chương trình-SGK đi cùng với phương pháp giảng dạy các môn học cụ thể.

Về phía Nhóm Cánh Buồm, có lẽ cũng chỉ còn hướng duy nhất dung hòa qua những cuộc hội luận khách quan như trên đề nghị thì mục tiêu, lý tưởng của nó mới được thể hiện đầy đủ trên thực tế, khi mà sách Cánh Buồm được lưu hành rộng rãi hơn như một trong những bộ SGK có uy tín được nhiều trường học và giáo viên hơn chấp nhận.

Xét cho cùng, trong điều kiện chấp nhận nền kinh tế thị trường, và giáo dục cũng là một loại dịch vụ, vấn đề cốt lõi vẫn chỉ là quyền tự do cạnh tranh biên soạn SGK. Trên cơ sở các bộ chương trình điều chỉnh lần chót sẽ được Bộ GD-ĐT ấn định và phổ biến rộng rãi (dưới dạng sách, tài liệu in hoặc điện tử; thỉnh thoảng có thể thay đổi ít nhiều bằng các văn bản điều chỉnh/ bổ sung), ngoài sách do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, thường chủ yếu áp dụng cho các trường công lập, mọi cá thể giáo viên hoặc nhóm giáo chức khác đều có thể tự do biên soạn SGK (tương tự như dưới thời VNCH, trước 1975). Sách nào soạn tốt hơn sẽ được xã hội chấp nhận nhiều hơn, và khi ấy, giả định sách của Nhóm Cánh Buồm tỏ ra lạc hậu, hoặc “bất cận nhân tình”, nó sẽ chịu số phận đương nhiên bị đào thải, theo đúng quy luật của thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Trần Văn Chánh.

10.11.2016.

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 31-1-17 (http://www.viet-studies.net/TranVanChanh_VeNhomCanhBuom.htm)