Học sinh lớp 3 có thể trình bày một báo cáo khoa học không? Đó là những gì mà chúng ta đang chứng thực về “biến cố văn hoá giáo dục” mà bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm cho ra đời.

Em hãy tưởng tượng đi!

Bạn có thể tưởng tượng một buổi hội thảo khoa học do các em học lớp 3, lớp 4… tổ chức?
Tại đây, các em đều trình bày báo cáo một bài khoa học về đề tài “Em hãy tưởng tượng đi!”. Trong bước khởi đầu tập đồng cảm như là điều kiện tiên quyết của việc học văn, các em đều tự tìm tòi, và thực hành khả năng liên tưởng, tự cấu tạo câu chuyện mang tính thuyết phục cao.
Chuyện này thực sự đã xảy ra ở một số trường học hiện nay đang áp dụng bộ sách giáo khoa “Hành trình trí tuệ từ mầm non đến lớp 9” của Tập thể tác giả nhóm Cánh Buồm.
Mười năm cho một bộ sách giáo khoa, “khởi nghiệp” soạn sách ở tuổi ngoài bảy mươi, nhà giáo Phạm Toàn và một nhóm bạn trẻ với “đôi bàn tay trắng” đúng nghĩa đen, khiến cho  chúng ta phải suy ngẫm về năng lực của những con người nuôi dưỡng niềm đam mê giáo dục của mình, là vô hạn.

Dạy học là “tổ chức sự trưởng thành”

Dựa trên nền tảng của giáo dục là “Tổ chức cho sự trưởng thành của thanh thiếu niên của dân tộc Việt Nam, đào tạo năng lực về sự trưởng thành để giúp trẻ em có khả năng nhìn xa trông rộng để vào đời”, nhóm biên soạn Cánh Buồm nhấn mạnh việc trang bị công cụ phương pháp là rất quan trọng.
Năng lực và sáng tạo chính là công cụ của giáo dục mà nhà trường và thầy cô có thể trao cho học sinh, đó là mục tiêu của bộ sách này.
Nhà giáo Phạm Toàn thực hiện bộ sách này xuất phát từ những kinh nghiệm mà nhiều năm tháng thầy dạy ở trường thực nghiệm.
Giống như câu tục ngữ “Cho cần câu chứ không cho con cá”, có nghĩa là tập cho học sinh sử dụng cần câu – tri thức để trưởng thành.
Kết quả của việc áp dụng phương pháp giáo dục từ bộ sách Cánh Buồm chính là: Học sinh có thể tự tìm tòi và tổ chức tri thức cho chính mình.

Áp dụng thế nào?

Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn nói: “Đây là một biến cố về văn hoá giáo dục. Tôi rất bất ngờ, tôi chỉ tham gia phần đọc duyệt nhưng càng đọc càng thấy bộ sách này quá hay. Tại sao lâu nay mình không học như vậy vì ở các nước tiên tiến đều học như thế cả.
“Bộ sách này  có thể giúp xoá bỏ kiểu thầy đọc trò chép, trái lại cả thầy và trò đều cùng tìm tòi, học hỏi trong sự hứng thú không ngừng. Từ lý thuyết chuyển sang thực hành vốn rất khó, nay đã có minh chứng rằng việc ấy là có thể làm được.
“Đây là một chương trình rất hiện đại và rất thiết thực, bởi chỉ cần học hết lớp 9, các em đã đủ trưởng thành và tự tổ chức cuộc đời mình một cách khoa học, nhân văn”.
Cũng theo thầy Sơn, việc đầu tiên mà nhóm đã làm được là cung cấp cho xã hội một bộ sách giáo khoa khá hoàn chỉnh, vượt ra khỏi bước thử nghiệm ban đầu.
Tuy vậy, qua chương trình Open Book – nhóm vẫn chủ trương tiếp tục lắng nghe các ý kiến đánh giá, góp ý để hoàn thiện là sớm hay muộn mà thôi.
Chúng ta có cơ sở để hy vọng rằng, với sự góp sức của các phương tiện truyền thông đại chúng, và sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh, kể cả việc sử dụng bộ sách cho phong trào giáo dục tại gia (Homeschooling) hiện nay ở các gia đình, bộ sách sẽ cung cấp thêm một chọn lựa khác trước khi được toàn xã hội chính thức chấp nhận như là giải pháp hiệu quả cho việc đổi mới tư duy và thực hành giáo dục.
Hy vọng, sắp tới nhóm Cánh Buồm sẽ tiếp tục biên soạn sách giao khoa từ lớp 10 – 12 và các môn học khác nữa.

“Trước hết, mục đích học văn của các bạn không nhằm đào tạo các bạn thành những nhà văn, những nhà thơ hoặc những nhà viết kịch. Mục đích học văn trong cuộc giáo dục phổ thông bậc cơ sở chỉ nhằm tổ chức tạo năng lực con người trưởng thành trong từng bạn. Con người trưởng thành đó phải có năng lực gì? Ngay trên trang bìa tất cả các sách trung học cơ sở Cánh Buồm đã ghi rõ: Bậc phổ thông cơ sở, như tên gọi, là bậc tạo nền tảng trí tuệ cho toàn trẻ em – sau chín năm học, một trí tuệ nền tảng gồm có: (a) một phương pháp học đúng đắn; (b) một tư duy mạch lạc; (c) một năng lực hành dụng – hành trang và đạo lý vào đời của thiếu niên 15 – 16 tuổi”.
[…]Người đi sau, những học sinh phổ thông chúng ta, sẽ không học vì mục đích trở thành những con người cả đời chuyên môn tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Người đi sau học cách làm ra tác phẩm bằng cách “làm lại” tâm hồn và kỹ năng của người đi trước – các nghệ sĩ – nhưng học theo cách đó để không rơi vào cách học nghệ thuật bằng cách nghe tán dương về cái đẹp nghệ thuật. Cách học nghệ thuật của chương trình Cánh Buồm là làm lại những thao tác chắt lọc của nghệ sĩ để tự mình am tường nghệ thuật qua cách làm ra tác phẩm nghệ thuật.Dĩ nhiên, rồi các bạn có thể sẽ thành nghệ sĩ như các bậc đàn anh nhà thơ, nhà văn, kịch sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ… Nhưng trước mắt, khi còn trên ghế nhà trường phổ thông, mục tiêu đào tạo chỉ là năng lực cho những con người trưởng thành bình thường nhưng có tâm hồn của nghệ sĩ, không vô cảm trước nỗi đau và niềm vui của con người, và biết cách tận hưởng cái đẹp nghệ thuật nhờ hiểu biết và cảm nhận được cách tạo ra cái đẹp đó”.(Trích “Văn 9 – Nghiên cứu nghệ thuật” của nhóm tác giả Cánh Buồm – NXB Tri Thức 2016, trang 7 – 9)

Ngân Hà, Tiếp thị thế giới.