GS Hồ Ngọc Đại là người nêu ra một số Triết lý GD thực sự đã đi vào cuộc sống. Hôm nọ mình về quê, thấy trường Tiểu học ở đầu làng có khẩu hiệu rất to: “MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG, NÁO NỨC MỘT NIỀM VUI”!

Hỏi cô giáo, có biết khẩu hiệu trên của ai không?

Cháu không biết, đi họp, thấy trên phổ biến thì về làm theo thôi.

Cô thấy cái khẩu hiệu đó thế nào?

Cháu thấy rất hay và đúng ạ. GV phải làm sao cho HS đến trường vui thì các em mới muốn đi học, thích học ạ…


Bây giờ để ý, thấy nhiều trường dùng khẩu hiệu này thay cho khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” quá xa xưa! Xuất xứ của khẩu hiệu trên là Triết lý GD do Hồ Ngọc Đại nêu ra từ những năm 1979. Trong bài phát biểu khai giảng của HS trường Thực nghiệm năm 1979 -80, ông nói: Đi học là HẠNH PHÚC lớn nhất của trẻ em, phải làm cho trẻ em “MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG NÁO NỨC MỘT NIỀM VUI”! Người mình có thói quen thấy cái gì hay thì tùy tiện bắt chước, sử dụng… không cần để ý xuất xứ từ đâu? Ai là người có công sáng tạo ra giá trị đó.
Hồ Ngọc Đại có nhiều ý tưởng và những tuyên ngôn mang tính Triết lý giáo dục rất độc đáo, Trung tâm CNGD cần có người nghiên cứu, hệ thống hóa những điều này. Một vài điều lộn xộn, tôi còn nhớ, như:

  • Dạy học là “THẦY THIẾT KẾ, TRÒ THI CÔNG”, “THẦY TỔ CHỨC, TRÒ HOẠT ĐỘNG”. Thầy càng ra sức giảng, càng nhồi nhét cho HS thì càng.. .”phản động”. HS phải hoạt động, tự làm ra sản phẩm cho chính mình…
  • “TRẺ EM LÀ CỨU NGUY CỦA DÂN TỘC”!
  • Giáo dục phải làm cho “MỖI TRẺ EM PHÁT TRIỂN TRỞ THÀNH CHÍNH NÓ”, không phải học tập noi gương ai cả!
  • Lấy gì để đánh giá kết quả giáo dục? “LẤY TRẺ EM ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ GIÁO DỤC. Cái gì trẻ em chấp nhận, vui thích, làm nó phát triển thì cái đó là đúng, là tốt”.
  • “HIỆU TRƯỞNG LÀ BỘ TRƯỞNG TẠI CHỖ”! Đây là tư tưởng rất đúng đắn về vai trò của Hiệu trưởng và Tự chủ của nhà trường. Có lúc ông nói đùa: Sau một đêm, Bộ trưởng, các thứ trưởng, Vụ trưởng chết sạch, Hiệu trưởng, GV, HS vẫn hoạt động bình thường, chả sao!
  • Về Nội dung GD, từ 1978, Hồ Ngọc Đại dựa vào tư tưởng Triết học của G.W.F. Hegel, xác định các mặt GD gồm KHOA HỌC, NGHỆ THUẬT VÀ LỐI SỐNG. Khoa học có đối tượng tường minh, có thể hướng dẫn HS hành động trực tiếp khám phá, chiếm lĩnh đối tượng; nhưng Nghệ thuật thì đối tượng ẩn tàng, chỉ có thể hướng dẫn HS “săn lùng”, “vây bắt”; Lối sống phải giáo dục/hình thành bằng cách “Tổ chức cuộc sộng thật” của HS ở gia đình, nhà trường, xã hội…
  • Giáo dục phải biết rõ “CÁI và CÁCH”. Mỗi CÁI (đối tượng – môn học/bài học) phải có CÁCH (phương pháp, kỹ thuật) của nó, cho nó. CÁCH cực kỳ quan trọng, dạy trẻ là phải dạy cho chúng cái CÁCH khám phá đối tượng bằng những thao tác tường minh. Từ đó, trẻ nắm được phương pháp học…
  • NHÀ TRƯỜNG, GIA ĐÌNH, XÃ HỘI không phải ba môi trường giáo dục tách biệt, càng không phải ba lực lượng đối trọng của nhau. Đó là ba lực lượng giáo dục phối hợp hoạt động theo sự tổ chức, chỉ đạo, phân công của nhà trường, cùng nhắm vào mục đích chung là sự phát triển của trẻ.

Hồ Ngọc Đại và Mạc Văn Trang (Ảnh Mạc Văn Trang)

Hồ Ngọc Đại cũng có nhiều phát ngôn gây sốc, thơ “Bút Tre” nữa. Hồi sau xin kể.

15/11/2016
Theo Facebook Mạc Văn Trang.