Lúc đầu tôi cứ nghĩ ông Phạm Toàn chỉ là một dịch giả, ông dịch cuốn Nền dân trị Mỹ (Democracy in America) của Alexis de Tocqueville (NXB Tri Thức), cuốn sách “gối đầu giường” của tôi từ năm 2007. Chính vì cuốn sách rất tâm đắc đó mà tôi mong được gặp ông để được học hỏi về một số thuật ngữ khó hiểu trong cuốn sách ông dịch, nhưng chưa có dịp.

Đầu năm 2014, đi dự buổi hội thảo, giới thiệu sách “Sự ra đời trí khôn ở trẻ em” của Jean Piaget do nhà thơ Hoàng Hưng dịch. Ở buổi  hội thảo đó tôi may mắn gặp ông và biết ông Phạm Toàn không chỉ là một dịch giả nổi tiếng, mà còn là một nhà giáo đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục trên 50 năm. Ông là nhà văn, nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục. Ông đã tham gia nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn sách cho học sinh dân tộc thiểu số, sách tâm lý giáo dục và bộ sách Công nghệ giáo dục cho học sinh trường Thực Nghiệm, ông đã nhận huy hiệu Lao động sáng tạo năm 1981, Giải nhì UNESCO khu vực châu Á và Thái Bình Dương năm 1984…

Cũng tại đây tôi được biết nhà giáo Phạm Toàn đáng kính đang thực hiện dự án khai dân trí rất thiết thực, đó là việc ông lập nhóm Cánh Buồm từ 2009 cùng Tủ sách tâm lý giáo dục Cánh Buồm khi đã ở tuổi U80. Ông là người chèo lái nhóm Cánh Buồm nghiên cứu biên soạn sách giáo khoa và thực hành dạy học môn Văn, Tiếng Việt trước mắt là ở cấp Tiểu học.

Sau đó tôi có vài dịp được gặp, được nói chuyện với ông ở Hà Nội và ở Sài Gòn.

Ông cho biết việc của ông và nhóm Cánh Buồm đang làm không phải vì lợi nhuận, không phải vì danh tiếng mà chỉ vì trách nhiệm công dân bình thường, và vì “mình không làm thì ai làm?”.

Bức xúc trước sự xuống cấp mọi mặt của xã hội Việt Nam, sự xuống cấp của đạo đức, của lối sống… có nguồn gốc từ sự thối nát của thượng tầng xã hội, và sự thối nát của nền giáo dục Việt Nam. Từ 40 năm qua, liên tiếp có các cuộc cải cách giáo dục, biến học sinh thành những đàn chuột bạch nhưng cuối cùng “mèo vẫn hoàn mèo”. Gần đây nhất là Bộ giáo dục cho phép các trường dùng nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng chỉ nằm trong “một chương trình khung” do Bộ giáo dục soạn sẵn (tất nhiên dưới lãnh đạo, thực ra là khống chế của Ban Tuyên giáo –VN). Nhà giáo  Phạm Toàn cho rằng đó chỉ là cải cách kiểu “đèn cù”. Ông khẳng định phải có nhiêu chương trình, nhiều bộ sách, vì theo ông mỗi bộ sách giáo phải phản ánh một lý tưởng giáo dục, đào tạo.

Vì thế câu “mình không làm thì ai làm” của nhà giáo Phạm Toàn trở thành triết lý hành động của nhóm Cánh Buồm.

Bởi không có ai phân công, không có sẵn nguồn kinh phí, không có văn phòng… nhân lực chỉ là những nhà trí thức tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp “khai dân trí” nước nhà, những nhà sư phạm, những người ham mê nghiên cứu dạy học tự nguyện.

Từ năm 2009 đến năm 2014 nhóm cánh buồm đã hoàn thành bộ sách giáo khoa Văn, Tiếng Việt bậc Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 và đã hướng dẫn thực hành, áp dụng thành công ở Trường Olympia International tại Hà Nội (một trường phổ thông liên cấp từ lớp 1 đến lớp 12).

Thành công ở đây không phải là thành tích để tâng bốc nhau, mà là học sinh học theo sách giáo khoa và phương pháp của nhóm Cánh Buồm đã nâng cao khả năng  tự học rõ rệt, và có nhiều nhiều học sinh giỏi so với trường khác, nên trường ngày càng có nhiều phụ huynh đến đăng ký cho con mình vào học.

Như nhà giáo Phạm Toàn đã nói: “Trường này không cần nghiên cứu khoa học mà họ cần học sinh giỏi để ganh đua với các trường khác. Cách của họ là dùng sách và phương pháp của chúng tôi ở tiểu học và số học sinh của họ tăng lên rất nhiều.”

Năm 2015 có Trường Getaway International và một trường quốc tế mời ba nghiên cứu viên của nhóm Cánh Buồn về làm việc, một người làm hiệu phó và hai người phụ trách chuyên môn cho trường.

Đặc biệt là kinh phí thực hiện bộ sách Văn, Tiếng Việt cấp tiểu học trên cũng như việc triển khai thực hành trong 5 năm của nhóm Cánh Buồm là do các nhà hảo tâm tài trợ, không mất một đồng thuế nào của người dân VN.
Trong khi đó dư luận còn chưa lắng xuống về vụ dự án thay sách giáo khoa phổ thông 34 ngàn tỷ đồng do Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận trình bầy trước Quốc Hội (dù sau khi bị dư luận phẫn nộ thì chữa cháy bằng cách đổ lỗi cho cấp dưới, và chữa lại là chỉ có gần ngàn tỷ?).

Với thành tựu cho việc biên soạn sách giáo khoa và hướng dẫn giáo viên thực hành dạy, học thành công trong thực tế môn Văn, Tiếng Việt lớp 1 đến lớp 5, Nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm đã vinh dự được nhân Giải Thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh năm 2015 về sự nghiệp Văn hóa- Giáo dục.

Cũng cần nói thêm rằng: Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là một vinh dự lớn cho những nhà trí thức nhận được nó. Năm 2014 ông Thomas J. Vallely người Mỹ, giám đốc chương trình Fulbright (1990-2014), nhà sáng lập Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard , Chủ tịch Quỹ tín thác, Đổi mới Đại học Việt Nam (dự kiến là Giám đốc Đại học Harvard tại Sài Gòn) cũng được nhận Giải thưởng tương tự.
Tiếp theo những thành quả trên, từ tháng 11, năm 2014 nhóm Cánh Buồm tiếp tục nghiên cứu biên soạn cuốn sách Văn, Tiếng Việt cho cấp trung học phổ thông cơ sở. Và đến tháng 8-2015 nhóm Cánh Buồm với sự cộng tác, góp sức của nhà sư phạm, nhiều trí thức trong và ngoài nước đã hoàn thành và chính thức ra mắt bộ sách Văn và Tiếng Việt lớp 6.

Điều gì giúp  sách giáo khoa Văn, Tiếng Việt của nhóm Cánh Buồm được nhiều người ủng hộ và áp dụng?

Có phải là do phương pháp dạy học theo cách Learn by doing – làm mà học (giáo viên tổ chức hướng dẫn và làm các thao tác mẫu ban đầu, học sinh tự làm –học, học sinh cùng nhau đánh giá kết quả), giúp học sinh tự thu thập kiến thức, tự học, qua làm-học?

Có phải những  kết quả trên có được là từ việc nghiên cứu áp dụng các kết quả từ các công trình nghiên cứu về quá trình hình thành ngôn ngữ, hình thành ý thức của loài người, nghiên cứu về sự ra đời trí khôn ở trẻ em, và việc đúc rút chọn lựa từ các lý thuyết giáo dục Đông, Tây từ xưa cho đến đầu thế kỷ 21?

Cũng có thể do quan niệm đúng đắn của người cầm lái nhóm Cánh Buồm cho rằng “con người hiện đại là sống tự do, có trách nhiệm; nên nền giáo dục hiện đại phải là tự học và tự giáo dục”.
Phương pháp giáo dục Cánh Buồn: tập cho học sinh tự học ở bậc tiểu học đến tập tự nghiên cứu ở bậc đại học và độc lập nghiên cứu ở bậc trên đại học”, và hướng dẫn học sinh đồng cảm để chia sẻ, để tìm sự đồng thuận, nhưng vẫn tôn trọng sự khác biệt…

Cụ thể:

1. Dạy học sinh tiểu học là dạy học sinh Phương pháp tự học (kiến thức chỉ dùng để minh họa cho phương pháp).  Giáo viên tiểu học là người tổ chức, để học sinh tự học, tự đánh giá. Kết thúc tiểu học là học sinh đã hoàn toàn nắm vững phương pháp tự học.

2. Tiếp theo dạy học sinh trung học: trên nền tảng học sinh đã nắm vững phương pháp tự học ở tiểu học, sẽ dạy cho học sinh thu thập tri thức thông qua tự học.
3. Học bậc đại học là học cách tự nghiên cứu….

Trong cuộc giới thiệu sách của nhóm Cánh Buồm ngày 25-3-15 tại Sài Gòn,  khi được hỏi “bộ sách giáo khoa trước 1975 của VNCH nhiều người cho là rất hay , nhiều tiến bộ… tại sao không đem  in lại cho học sinh sử dụng, đỡ tốn kém tiền của?”.

Nhà giáo Phạm Toàn trả lời đại ý: Sách giáo khoa của VNCH trước 1975 có hay mấy, nhưng sau 40 năm thì cũng có nhiều điểm không phù hợp. Do sau 40 năm tri thức thế giới đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tăng rất nhanh cả về lượng và chất, đã có thêm nhiều phát minh, nhiều học thuyết mới ra đời, đặc biệt là các tri thức về tâm lý, về nhân học, về xã hội học đã có nhiều điểm mới, các lý thuyết có trước 1975 cũng được kiểm định thêm nên có cách nhìn mới hơn, rõ hơn, sáng hơn, được đánh giá lại đúng đắn hơn.

Trả lời thư của nhóm Cánh Buồm về bộ sách Văn, Tiếng Việt lớp 6, học giả Bùi Văn Nam Sơn đã viết:

“Tôi rất hận hạnh được Quý Anh Chị giao nhiệm vụ đọc lại bản thảo cùng với nhiều vị khác. Xin chân thành cảm ơn sự tin cậy của Ban biên soạn. Tận dụng… “thế mạnh” của một người không có chuyên môn sâu về văn học và thiếu kinh nghiệm sư phạm, tôi đặt mình vào vị trí một cậu học sinh bước vào lớp sáu để đọc. Với đôi mắt hồn nhiên ấy, tôi có mấy nhận xét chân thành sau đây:

– Tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng rằng vào lớp Sáu, mình lại được học văn và tiếng Việt một cách thâm thúy và mới mẻ tuyệt vời như thế! Có lúc tôi giật mình: lớp Sáu mà được học thế này thì lên các lớp cao hơn, cho đến khi thi Tú tài, mình còn được học đến đâu nữa? Hết mấy “bồ chữ trong thiên hạ” chứ chẳng chơi!

Nếu qua kết quả thực nghiệm từ lớp 1 đến lớp 5, Quý Anh Chị có căn cứ để tin chắc rằng học sinh lớp Sáu có thể lĩnh hội được nội dung các bài giảng trong hai tập sách, tôi thật sự quá vui mừng trước tương lai tươi sáng của nền giáo dục nước nhà!

– Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và cảm phục đặc biệt đối với các vị phụ trách biên soạn, không chỉ về kiến thức uyên thâm mà đặc biệt về tài năng diễn đạt và truyền đạt những kiến thức ấy một cách sinh động cho học sinh. Tôi hoàn toàn tán đồng cách dàn dựng và cách sắp xếp nội dung bài giảng. Chỉ xin mạo muội có một vài ý kiến cá nhân để Quý Anh Chị tham khảo…”

GS. TSKH Hồ Ngọc Đại người chủ trì đề tài cải cách giáo dục từ những năm cuối thế kỷ 20, nhiều người tưởng ông là linh hồn của chương trình trường Thực nghiệm, nhưng ít ai biết rằng, bộ sách đó, ngôi trường và cả công trình thực nghiệm đó đều in đậm dấu ấn của Phạm Toàn.

GS. Hồ Ngọc Đại viết: “Tầng lớp trí thức trong xã hội là một thực thể có tầng có lớp. Lớp trên cùng gọi là thiên tài, số cá thế đủ đếm trên đầu ngón tay như Nguyễn Du, Mozart, Einstein. Kế theo là tầng lớp người có ý tưởng, đông lắm nhưng các cá thể có thể gọi theo tên riêng cộc lóc, ví dụ Phạm Toàn. Dưới cùng gọi là lớp học trò, đông không đếm xuể, nên tên gọi cá thể bao giờ cũng phải kèm theo hư danh, chức tước, bằng cấp… ví dụ Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Hồ Ngọc Đại” (trích từ web nhóm Cánh Buồm)

Có điều ít người để ý là nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu Phạm Toàn tốt nghiệp trường Sư phạm Trung cấp Trung ương năm 1953 (tương tự hệ Cao đẳng vì đào tạo để ra dạy cấp II hoặc bậc THCS ngày nay), nhưng nhà giáo Phạm Toàn không chỉ là “thuyền trưởng con thuyền” mang tên nhóm Cánh Buồm trong đó có người là thạc sỹ, có người là nghiên cứu sinh tiến sỹ, có người là nhà giáo ưu tú… mà ông còn là một trong ba người sáng lập trang Bauxite Việt Nam (nhằm chống lại việc TQ vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên) cùng với GS Nguyễn Huệ Chi và GS, TS Nguyễn Thế Hùng.

Ở tuổi 83, nhà giáo Phạm Toàn vẫn mang hết sức mình cống hiến cho khai dân trí, ông vẫn ngày đêm trăn trở tìm cách cống hiến nhưng tinh hoa trí tuệ sư phạm cho nền giáo dục Việt Nam.

Trần Bang.

(Theo Sài Gòn Báo, 2015).