Có một câu hỏi thú vị thế này về chương trình học phổ thông: Tại sao trẻ em miền núi lại phải học tiếng Anh, phải học toán, lý, hóa, văn, sử, địa hay ngôn ngữ – những môn học được coi là phức tạp, thay vì học những kiến thức thực tiễn cần thiết để áp dụng phát triển nông lâm nghiệp nơi các em sống để xóa đói giảm nghèo?

Câu hỏi này không chỉ áp dụng riêng với học sinh miền núi, nông thôn hay hải đảo xa xôi. Ngay cả những giáo sư như Văn Như Cương hay Nguyễn Lân Dũng ở Hà Nội cũng cho rằng nên cắt bỏ nhiều kiến thức ‘hàn lâm’ như tích phân, đạo hàm mà sau khi học xong người học ‘quên luôn’ hay chẳng dùng tới trong cuộc sống hàng ngày.

Xin góp vài ý kiến cho câu hỏi lớn này. Trước tiên chúng ta hãy cùng suy nghĩ về quá trình một con người được ‘xã hội hóa’ và vai trò của nhà trường.

Từ khi lọt lòng tới khi trưởng thành, một con người đã được ‘dạy dỗ’ (nói ‘hàn lâm’ là được ‘xã hội hóa’) bởi môi trường gia đình và cộng đồng. Các em tiếp nhận những giá trị văn hóa gia đình và địa phương, cũng như những kinh nghiệm, tập tục. Nếu gia đình là nhà nông, rất có khả năng em biết đi chăn trâu, làm lúa trước khi tới trường. Nếu cộng đồng em là một làng nghề nhất định, càng có nhiều khả năng em giỏi nghề đó mà không cần sách vở.

Vậy có phải sứ mệnh của nhà trường phổ thông chỉ là để giúp tạo ra những con người phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của địa phương và gia đình?

Người viết cho rằng chúng ta cần cẩn trọng với quan điểm này.

Nhà trường thực sự ra đời (được tổ chức với trường ốc, sách vở, thầy trò) khi có khái niệm lãnh thổ quốc gia và hình hài của nó chịu sự chi phối mãnh liệt của quá trình thành lập nhà nước [1]. Theo nhà xã hội học Emile Durkheim, nhà trường từ khi ra đời đã luôn phải giằng co giữa ‘cái thiêng’ (the sacred) và ‘cái phàm’ (the profane) [2]. Nguyên từ ‘profane’ là ‘pro’ (trước) và ‘fane’ (cái đền) – cái phàm là những cái gì bên ngoài ngôi đền học vấn (như gia đình, nhà thờ, nhà nước, và hiện nay là những áp lực xã hội khác, đặc biệt là kinh tế).  Sứ mệnh nguyên thủy của nhà trường là nhằm tạo ra con người với thứ văn hóa khác với văn hóa ‘dân gian’ của gia đình hay cộng đồng. Thứ văn hóa ấy bao gồm thứ tri thức khái niệm giúp người học vươn rộng tư duy khỏi hàng rào bờ giậu hay lũy tre làng. Sự thành công của giáo dục của nhà trường được xác định bằng việc người học có thể dùng tri thức lĩnh hội được để thực hành và đối nhân xử thế ở bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào trong quốc gia-nhà nước của cá nhân đó [3]. Sứ mệnh khai phóng ấy tạo thành cái ‘thiêng liêng’ của nhà trường.

Nếu nhà trường chỉ giúp ‘nối dài’ kiến thức (theo kiểu kinh nghiệm, tay chân truyền thống) từ gia đình và cộng đồng địa phương, thì tốt nhất không nên có nhà trường, mà chỉ cần một hệ thống đào tạo nghề từ khi các em bé vượt qua 5 tuổi.

Một địa phương muốn phát triển nông, lâm hay lĩnh vực truyền thống của mình theo hướng hiện đại hóa đòi hỏi nhiều yếu tố: chiến lược phát triển, mô hình quản lý nhà nước và những thể chế có hiệu quả, minh bạch hay không? chính sách nhà nước trong việc phát triển nông thôn hay miền núi có thu hút được những nhân lực chất lượng cao, vốn là những người được đào tạo bài bản và hệ thống về chuyên môn ngành nghề nông, lâm nghiệp ở đại học hay cao đẳng hay không? (các trường nghề trung cấp chỉ giúp đào tạo nhân lực ở mức trình độ giới hạn).

Nếu giáo dục đại học vẫn còn là ‘tinh hoa’, có sự chọn lọc người học, thì nhà trường phổ thông lại rất cần trang bị cho họ một phông nền văn hóa khai phóng, bất kể họ từ tầng lớp hay hoàn cảnh gia đình, địa phương nào trong một quốc gia. Cái cách mà đa phần nhà trường hiện nay làm là không giúp người học thực sự hiểu bản chất khái niệm, thay vào đó là một mớ những thông tin chắp vá, học thuộc mà không hiểu nguyên lý đến nơi đến chốn. Điều này dẫn tới tình trạng coi khinh lý thuyết khái niệm. Phải hiểu lý thuyết khái niệm có được từ những môn học như toán lý hóa, văn sử địa hay ngôn ngữ vốn được hình thành theo bề dày lịch sử nhân loại [4], trước khi vội kết luận thế nào là suông hay không, cũng như vội đón nhận những khẩu hiệu rất thời thượng như ‘năng lực’ hay ‘kĩ năng’. Lý thuyết từ các môn học ấy suông hay không phụ thuộc rất nhiều vào nguồn đào tạo giáo viên và giá trị của một xã hội. Giá trị ấy là: tôn trọng tri thức khai phóng con người, thay vì thứ tri thức chỉ để học gạo, để vì mảnh bằng con con giúp sinh tồn.

Nguyễn Thị Kim Quý, 12/9/2014

Tài liệu tham khảo

[1] Green, Andy. 2013[1990]. Education and State Formation: Europe, East Asia and the USA. London: Palgrave Macmillan

[2] Durkheim, Emile. 1977. The Evolution of Educational Thought: lectures on the Formation and Development of Secondary Education in France (English trans. Collins, Peter). London: Routledge & Kegan Paul.

[3] Young, Michael. 2011. What Are Schools For? In Daniels, H., Lauder, H., & Porter, J., Knowledge, Values, and Educational Policy: A Critical Perspective. London: Routledge.

[4] như [3]

Nguồn : Viet-studies