Dịch những tác phẩm mang tính chuyên môn sâu của Piaget là một sự khổ công nhưng không thiếu niềm vui khám phá cho người dịch không được đào tạo chuyên ngành. Tôi hy vọng người đọc cũng có được hứng thú khám phá tương tự khi vượt qua những khó khăn tất yếu trong quá trình đọc sách.

Quyết định mới đây của ngành giáo dục Hoa Kỳ về Common Core Standards sẽ dẫn tới thay đổi căn bản cách dạy và học ở các trường phổ thông từ năm học tới: Triệt để thanh toán việc học sinh “học thuộc lòng” một cách thụ động, không chỉ tìm ra đáp án bài tập mà phải giải thích được tại sao tìm ra đáp án ấy; nghe chẳng khác tinh thần “đi lại con đường mà nhà văn, nhà ngôn ngữ đã đi để đến được tác phẩm văn học, kiến thức ngôn ngữ” của nhóm Cánh Buồm.

Quyết định này có sau 50 năm khi tác phẩm của Jean Piaget được dịch một cách hệ thống và gây tác động lớn ở một đất nước hiẹn đại, cho đến lúc ấy vẫn bị ngự trị bởi những lý thuyết giáo dục “hành vi luận” thể hiện chủ yếu ở việc áp đặt kiến thức, kỹ năng từ trên xuống cho người học.

Dịch những tác phẩm mang tính chuyên môn sâu của Piaget là một sự khổ công nhưng không thiếu niềm vui khám phá cho người dịch không được đào tạo chuyên ngành. Tôi hy vọng người đọc cũng có được hứng thú khám phá tương tự khi vượt qua những khó khăn tất yếu trong quá trình đọc sách.

Trong bài giới thiệu hôm nay, tôi chỉ xin chia sẻ vài điều mà bản thân tôi thu hoạch được trong quá trình vừa học vừa dịch/ hiệu đính 3 tập sách của Piaget.

I.VÀI DÒNG VỀ BA TẬP SÁCH “TRÍ KHÔN”, “CÁI THỰC” VÀ “BIỂU TƯỢNG”:

 Tập 1: Sự ra đời trí khôn ở trẻ em:

Tác giả quan sát, ghi chép tỷ mỷ mọi hành vi tự phát và phản ứng với các thí nghiệm mà ông thực hiện trên ba đứa con của mình trong hai năm đầu đời. Từ thực tế đó, tham chiếu các loại lý thuyết tâm lý, ông đi đến kết luận: ngay từ trong nôi, trẻ đã chứng tỏ một hoạt động cảm giác và vận động mang tính trí khôn, đến cuối năm thứ nhất thì hoạt động này đã thể hiện mọi tính chất của sự hiểu mang tính trí khôn. Tác giả gọi thời kỳ ra đời trí khôn của trẻ là thời kỳ trí khôn thực hành/ cảm giác-vận động, và chia thành những giai đọan: thích nghi cảm giác-vận động tạo bởi phản xạ (như bú…) và thích nghi học được; thích nghi cố ý đi từ đồng hoá tái tạo đến phát kiến những phương tiện mới bằng các kết hợp tâm trí. Đó là sự phát triển trí khôn trước khi có ngôn ngữ.

Tập 2: Sự xây dựng cái thực ở trẻ em

Nghiên cứu những thời kỳ trẻ đi đến chỗ có được biểu trưng của thế giới khách quan thường trực và độc lập với chính biểu trưng ấy. Từ sự phát triển ý niệm vật thể, trường không gian và sự kiến tạo các nhóm dịch chuyển, đến sự phát triển ý niệm nhân quả, trường thời gian, trẻ đi đến kiến tạo vũ trụ khách quan. Vậy là từ trạng thái thuần túy cá nhân của trí khôn ở bình diện cảm giác-vận động, trẻ đi đến sự hợp tác là cái xác định bình diện của tư duy. Đó cũng là quá trình chiến thắng tâm lý quy ngã (lấy cái tôi làm trung tâm) và những cản trở khác đối với sự hợp tác, và chính sự hợp tác cung cấp các công cụ để kéo dài sự xây dựng lý tính trong hai năm đầu đời và khai triển nó thành một hệ thống các quan hệ logic và những biểu trưng thích đáng.

Tập 3: Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em

Phân tích sự chuyển từ trí khôn cảm giác-vận động sang tư duy dựa trên các biểu tượng và ký hiệu, là bước chuyển quyết định đối với sự tiến hoá của lý tính. Thông qua phân tích giấc mơ và trò chơi của trẻ, Piaget vạch lại con đường tạo sinh biểu trưng, từ việc bắt chước tự phát của trẻ còn bú mẹ đến bắt chước chuyển vào nội tâm và có hình ảnh của ấu nhi. Như vậy, hoạt động biểu trưng của trẻ đi từ thời kỳ cảm giác-vận động, qua thời kỳ tiền khái niệm gắn với cấu trúc ngôn từ sơ khai, đến tư duy trực giác và thao tác, là những biểu trưng mang tính nhận thức.

 II.MỘT SỐ KHÁI NIỆM XUYÊN SUỐT CÁC TÁC PHẨM CỦA PIAGET:

Trong quá trình dịch/ hiệu đính, chúng tôi vấp phải nhiều thuật ngữ – khái niệm quen thuộc nhưng Piaget sử dụng với nội hàm đặc biệt cho hệ thống lý thuyết của ông, và cả những thuật ngữ – khái niệm do ông đặt ra. Sau đây là một số khái niệm xuyên suốt mà tôi nghĩ nếu hiểu thấu thì có nghĩa là hiểu được căn bản các ý tưởng chính của tác giả.

Tri thức học sinh-triển: Đầu tiên phải nói về thuật ngữ “Tri thức học sinh-triển” (Epistémologie génétique) (một số bậc đàn anh của tôi đã dùng từ “biến sinh” để dịch “génétique”)

Từ “génétique/ genetic” (nghĩa gốc phái sinh của từ “genèse”: sự tạo sinh) do nhà triết học và tâm lý học Mỹ James Mark Baldwin(18611934) tạo ra để nhấn mạnh tính có sinh ra và có phát triển, có tiến hoá của tư duy logic, đối lập với những thuyết duy nghiệm coi kinh nghiệm là nguồn duy nhất của kiến thức.

“Tri thức học sinh-triển”, có nghĩa là khoa học về sự nhận thức, về sự hình thành tri thức dựa trên nguyên lý có sự tạo sinh và tiến hoá của trí khôn, được Piaget phát triển và trở thành nổi tiếng. Chính ông đã lập ra và trực tiếp làm Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Tri thức học sinh-triển Genève từ 1955 đến khi qua đời 1980. Lý thuyết của ông rốt cuộc dẫn tới một chân lý giáo dục thật đơn giản, đơn giản như chân lý: Trẻ em thu nhận kiến thức trong quá trình xây dựng kiến thức đó, nghĩa là rất tích cực, chủ động chứ không bị động, hay nói nôm na là “học thông qua làm”.

Cấu trúc sơ khai (schème). Piaget dùng từ “schème” của triết học cổ điển nhưng cho nó một nội hàm hoàn toàn khác.

“Schème” từ gốc Hy Lạp σχῆμα (skhêma), nghĩa là “sơ phác”, được Emmanuel Kant dùng để chỉ một phương cách hay phương tiện liên can đến trực giác, thông qua nó mà một khái niệm trở thành thực.

Các schème là những biểu trưng tâm trí đóng vai trò trung gian giữa các phạm trù của sự hiểu với các hiện tượng cảm giác. Khái niệm gắn với sự hiểu, trực giác gắn với biểu trưng của kinh nghiệm cảm tính. Ta có được các phán đoán là nhờ một cơ chế trung gian giữa hai vế. Cơ chế ấy Kant gọi là schème. Thí dụ: schème về số và con số, schème về thực thể là sự thường trực của cái thực tế trong thời gian…

Còn Piaget dùng schème để chỉ một cấu trúc hay tổ chức của các hành động luôn biến đổi hay phổ cập hoá khi được lặp lại trong những hoàn cảnh giống nhau hay tương tự, có thể thích nghi với nhiều tình huống, chứ không phải là một cơ chế tự động thuần túy.

Một số từ điển xuất bản ở Sài Gòn trước đây dịch schème là “sơ cấu”, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã dùng cách dịch này. Chúng tôi dịch là “cấu trúc sơ khai” cho dễ hiểu.

Theo Piaget, các đơn vị sơ cấp của hoạt động trí tuệ không phải là cảm giác, tri giác hay hành động mà là các cấu trúc sơ khai (CTSK). Thí dụ, CTSK của một hành động là tổng thể cấu trúc hoá của những tính chất có thể phổ cập của hành động, tức là những tính chất cho phép lặp lại cùng hành động ấy hay áp dụng vào những nội dung mới. Các CTSK biến đổi theo hướng ngày càng phổ cập hoá (thí dụ: CTSK mút ở bé sơ sinh, thọat tiên thể hiện ở việc mút không, đến mút ngón tay, sau thành mút nhiều vật khác nhau, rồi thành bú vú mẹ). Vậy là CTSK trở nên có tính “linh động” hơn. Chúng sẽ phối kết với nhau trong một tổ chức kiểu phương tiện – mục đích (thí dụ: CTSK cầm nắm + CTSK kéo àcấu trúc của động tác cầm cái que để kéo đồ chơi về phía mình).

Vậy các cấu trúc của trí khôn từ cảm giác-vận động đến thao tác, ngôn ngữ, khái niệm là những CTSK sinh ra và tiến hoá trong sự tương tác giữa chủ thể với môi trường.

Sự tương tác này thể hiện ở quá trình đồng hoá-điều tiết.

Cặp khái niệm đồng hóa-điều tiết:

Piaget cho rằng sự học tập, tức là sự phát triển các CTSK thao tác, là kết quả của một quá trình năng động tìm kiếm thế quân bình giữa chủ thể và môi trường, trong đó:

– Đồng hoá (assimilation) là sáp nhập một vật hay một tình huống vào cấu trúc tiếp nhận của chủ thể (cấu trúc đồng hoá). Trong quá trình ấy, chủ thể biến đổi các yếu tố của môi trường để có thể sáp nhập chúng vào cấu trúc tiếp nhận của mình.

Trí khôn chính là sự đồng hoá theo nghĩa nó nhập toàn bộ dữ kiện của kinh nghiệm vào các khuôn khổ của nó.

Thí dụ: Xuất phát từ CTSK “mút không” có được như một phản xạ bản năng, đứa bé đi đến mút ngón tay cái, hay bất cứ vật gì tình cờ chạm vào môi, và sau đó là núm vú mẹ, tức là nó “đồng hoá” những vật thể này vào CTSK mút. Sự đồng hoá được phổ cập hoá như thế là cơ sở để trẻ “tái tạo” những kết quả có được từ hành vi có trước đó, hay “nhận ra lại” những vật quen thuộc, là một bước tiến của trí khôn cảm giác-vận động. Đồng hoá một mẫu hình vào những CTSK có sẵn cũng là nội dung của việc bắt chước, một bước tiếp của quá trình nhận thức thực tại. Hay sau này, khi trẻ để một cái vỏ sò trên một tờ bìa để chơi trò con mèo ở trên bức tường, nghĩa là trẻ “đồng hoá” cái vỏ sò vào “con mèo”, đó chính là sự hình thành “biểu trưng”, một bước tiến mới của trí khôn. Cuối cùng, người học thu nhận những cái mới lạ của thực tại vào trí óc của mình, tức là “đồng hoá” cái chưa biết vào khuôn khổ có sẵn trong kho kiến thức của mình.

– Điều tiết (accommodation): khi vật thể hay tình huống cưỡng lại những CTSK có sẵn của chủ thể, cũng có nghĩa là mới lạ so với khuôn khổ các CTSK ấy, thì cơ chế điều tiết làm việc, kéo theo sự biến cải cấu trúc tiếp nhận của chủ thể theo cách cho phép nó sáp nhập các yếu tố là đối tượng của việc học tập. Và như thế, chủ thể bị môi trường làm biến đổi và tiến hoá, hoàn thiện các CTSK của mình.

Thí dụ đơn giản nhất là: Việc trẻ bắt chước một động tác của người cha chính là kết quả sự điều tiết mắt khi theo dõi động tác ấy. Bắt chước hay chơi trò chơi là sự điều tiết phức tạp hơn các vận động của trẻ với những hoàn cảnh nảy sinh.

Từ lúc đầu, đồng hoá và điều tiết không tách khỏi nhau, để sau đó khu biệt nhau, rồi lại dựa vào nhau, điều phối với nhau, bổ sung nhau một cách biện chứng.

Tất cả quá trình thu nhận được/ học được những cái mới đều là kết quả sự điều phối giữa đồng hoá các yếu tố của môi trường vào các CTSK đã có của chủ thể, đồng thời điều tiết các CTSK ấy với các yếu tố mới của môi trường. Có lúc vế đồng hoá vượt trội, có lúc vế điều tiết vượt trội, có lúc hai vế cân bằng nhau, tạo ra sự đa dạng của các hình thức thu nhận.

Tổng quan về quá trình nhận thức thế giới của trẻ: quá trình kép đồng hoá-điều tiết làm biến đổi quan điểm hoàn toàn chủ quan, quy ngã (lấy cái tôi làm trung tâm) trong tâm lý đứa trẻ thơ thành sự nhận thức những vật thể tồn tại thường trực bên ngoài cái tôi, mở đầu quá trình định vị cái tôi ấy trong thế giới khách quan, hình thành mối quan hệ tương tác chủ quan – khách quan – là cơ sở nhận thức thế giới của người trưởng thành.

Nhìn một cách tổng quát, kết quả cuối cùng của quá trình đồng hoá- điều tiết là sự thích nghi (adaptation) của chủ thể với môi trường. Hoạt động trí khôn chính là hình thức cao cấp của sự thích nghi ấy.

Có thể kết luận: tư tưởng giáo dục Piaget – đào tạo những người sáng tạo tương lai thay vì những kẻ tuân phục mô hình hiện hành có sẵn của người lớn – đã hoàn toàn tỏ ra đúng đắn.

Tư tưởng ấy không hình thành một cách “duy ý chí”. Nó là kết quả của việc nghiên cứu khoa học nghiêm túc, cẩn trọng dựa trên quan sát, thực nghiệm, đúc kết thành môn “Tri thức học sinh-triển” Piaget, mà bộ ba tập “Sự ra đời trí khôn ở trẻ em”, “Sự xây dựng cái thực ở trẻ em”, “Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em” được coi như nền tảng của lý thuyết tâm lý học giáo dục ấy.

Ẩn ý của tủ sách Tâm lý học Cánh Buồm mở đầu với bản dịch Piaget chính là sự gợi ý cho các nhà Giáo dục Việt Nam đang đứng trước những vấn nạn của sự nghiệp trồng người, mà giải pháp nào thì cũng không thoát khỏi việc Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em, như khẩu hiệu từ ban đầu của nhóm Cánh Buồm.

 Hoàng Hưng.