(Giới thiệu cuốn “Sự ra đời trí khôn ở trẻ em”)

Sau một thời gian chuẩn bị, bắt đầu từ năm 2014, nhà xuất bản Tri thức hỗ trợ nhóm Cánh Buồm xây dựng một Tủ sách sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm. Trong bước đầu, tủ sách này sẽ gồm có các công trình cơ bản của ba nhà tâm lý học tiêu biểu Jean Piaget, Howard Gardner, và Lev Vygotsky. 

 

Thật khó mà hình dung sao lại có chuyện lái còn tàu đi biển mà thiếu hải đồ và hải trình, chuyện thám hiểm núi cao rừng sâu mà không cần la bàn, hoặc là tổ chức một nền giáo dục quốc dân, tổ chức những cuộc thay sách thay chương trình và cải cách giáo dục, song lại không quan tâm đến tâm lý học giáo dục

Trong bối cảnh gần một thế kỷ qua, sự vắng mặt Piaget trong Tủ sách Tâm lý học giáo dục Việt Nam là điều có thể giải thích được không mấy khó khăn.

Trước hết, điều đó có nguyên nhân chính trị. Có một thời, thế giới này tuy tạm thời mà trong ý thức con người tưởng đâu đã như thành vĩnh cửu với sự phân chia thành hai phe. Đó là phe đế quốc và phe dân chủ, có khi gọi là phe tư bản và phe vô sản, cũng có khi gọi là phe dân chủ cũ và phe dân chủ mới.

Trong tình hình đó, việc Jean Piaget bị xếp ở “phe địch” là điều không ai bàn cãi. Song, vào những năm 1970 của thế kỷ trước, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, với tầm nhìn xa đã cảm thấy lo lắng cho tương lai nền giáo dục quốc dân của Việt Nam nếu vắng bóng Tâm lý học và vắng bóng các công trình Jean Piaget. Ông lập ra một trung tâm nghiên cứu tâm lý học và tổ chức dịch sách tâm lý học, bắt đầu với Jean Piaget. Ông cũng biên soạn song song một cuốn Từ điển tâm lý học. Cái ý thức khơi mào nghiên cứu tâm lý học phục vụ công cuộc giáo dục quốc dân thể hiện như vậy là quá rõ. Có điều là, một cuốn sách dịch Tâm lý học và Giáo dục hoàn toàn không đủ để giới thiệu một-phần-trăm Jean Piaget, kẻ “giản dị như một thiên tài”, như đánh giá của Albert Einstein.

Ngoài lý do chính trị, việc dịch và giới thiệu tâm lý học Jean Piaget còn khó khăn vì bản thân công trình của nhà tâm lý học thiên tài đó. Những tìm tòi của Piaget được ông mô tả vô cùng tỉ mỉ để từ đó rút ra những “kiến nghị” về những khái niệm tâm lý học mới. Những khái niệm này rất khó biểu đạt bằng hệ thống đặc ngữ khoa học (argot) đã quen dùng mà không sợ gây hiểu nhầm. Chẳng hạn, hãy lấy ví dụ bằng khái niệm được Piaget đặt tên là scheme. Thoạt nghe, thấy thuật ngữ đó hơi giống schema chẳng hạn. Và bạn đọc có thể nghĩ đó là một từ mô tả một cấu trúc mang tính chất một lược đồ nào đó. Thế nhưng, cái “lược đồ có cấu trúc” ấy là gì vậy? Đó là một cấu trúc trong “tư duy” trẻ nhỏ như là một “biên bản đầu tiên” trong não về một hành động chúng thực hiện được nhờ phản xạ – ví dụ hành động mút ngón tay cái. Nhưng nếu chỉ tới đó và dừng lại thì cái cấu trúc tư duy kia cũng chưa cần đến một thuật ngữ mới. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã Việt hóa thuật ngữ scheme bằng từ sơ cấu. Thế đã đủ chưa? Khốn nỗi, do chỗ cái cấu trúc đó lại luôn luôn động, chúng được đồng hóa vào trong cơ thể sinh vật học của trẻ nhỏ, rồi chúng được điều tiết để cái sơ cấu 1 biến đổi thành sơ cấu 2 và cứ thế thay đổi mãi cho tới những cấu trúc tư duy cao hơn.

Trình bày dài dòng như vậy để thấy, việc dịch Piaget không chỉ bao hàm việc chuyển nghĩa theo lối từ điển, mà đó là cả một công việc nghiên cứu để hiểu thật rõ khái niệm tâm lý học đặc trưng của Piaget.

Nhóm Cánh Buồm sau khi biên soạn xong bộ sách giáo khoa tiểu học mà mục đích là để kiến nghị một số cách hiểu khái niệm giáo dục gửi trong cách tiến hành giáo dục (không chỉ là những tranh cãi ngôn từ) đã tiến hành công việc sư phạm hóa bộ sách của mình bằng hai việc: (1) soạn những tập sách cẩm nang thực hành cho công dụng trước mắt, và (2) tổ chức dịch sách tâm lý học cho công dụng dài hạn.

Trước mắt, nhóm Cánh Buồm chọn hai tác giả để đưa vào làm những cái tên đầu tiên trong tủ sách này: Jean Piaget, và Howard Gardner (sau đó chắc chắn sẽ phải là Lev Vygotsky). Piaget là một nhà tâm lý học châu Âu mở đầu cho thời đại nghiên cứu sự phát triển tâm lý của trẻ em bình thường để tự tạo ra trí khôn bằng thao tác, Howard Gardner là một nhà tâm lý học châu Mỹ đã phá cái trần trí khôn chủ yếu tạo thành xoay quanh những môn học trường quy, để mở mang sang những trí khôn đa dạng tạo thành lý thuyết trí khôn nhiều thành phần của ông.

Tủ sách Tâm lý học Cánh Buồm mở đầu với hai nhà tiên phong ở hai thời kỳ khác nhau, Jean Piaget và Howard Gardner sẽ gợi ý cho các tác giả và dịch giả khác tiến hành những công việc tương tự và dần dần ở tầm cao hơn.

Nỗ lực này của nhóm Cánh Buồm, và đặc biệt là nỗ lực cá nhân của nhà thơ kiêm dịch giả Hoàng Hưng, rất đáng trân trọng. Không chỉ tự mình dịch hai cuốn đầu tiên trong trước tác tâm lý học Piaget (cuốn La naissanc de l’intelligence chez l’enfant và cuốn La construction du réel chez l’enfant), ông còn hiệu đính bản dịch do nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thực hiện (cuốn La formation du symbole chez l’enfant), và hơn thế, ông còn tổ chức dần bộ thuật ngữ Piaget, mở đường cho việc ngày càng đi sâu vào công trình nghiên cứu của Piaget “giản dị như một thiên tài”.

Bài giới thiệu này nhằm mở đầu chung cho toàn bộ Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm. Dĩ nhiên, tủ sách này hướng đến các giáo viên, các nhà nghiên cứu giáo dục, nó cũng gợi ý để các nhà trí thức trong và ngoài nước cùng xắn tay xây dựng tủ sách bước đầu với Jean Piaget, Howard Gardner, và Lev Vygotsky, để tiếp theo là những tác giả và tác phẩm đa dạng khác nữa.

Phạm Toàn.