Trong bài “Sản phẩm kép của nền Giáo dục phổ thông”  tác giả nói đến sản phẩm cuối cùng của một nền Giáo dục phổ thông đúng như dân tộc và thời đại cần đến nó. Tác giả rất sung sướng khi thấy một đại biểu Quốc Hội có uy tín trả lời trên mạng Vietnamnet cũng đã dùng khái niệm ấy. Hai người ở hai vùng đất nước cùng có một cách nghĩ, chí ít là có cùng một cách nói to lên về một điều cả xã hội đang bận lòng. Quả tình là, nếu không hình dung được cuối cùng nền Giáo dục tạo ra những con người như thế nào thì làm sao ta có thể tổ chức được quá trình đào tạo những con người ấy?

Thời đại mới có cách làm việc khác với thời đại cũ, ấy là phải vừa hình dung cái sản phẩm cuối cùng như thế nào vừa phải tìm cách thiết kế chuỗi công việc tạo ra sản phẩm đó. Thời đại cũ chỉ nói gộp mục đích, mục tiêu, nói lâu thành quen mồm. Thời đại mới nói rõ và tổ chức cụ thể con đường đi tới mục đích bằng cách dần dần chiếm lĩnh từng mục tiêu. Thời đại cũ chỉ cần nói to lên cái nguyện vọng có một kiểu người như thế nào đấy. Còn công việc đi tới cái đích cuối cùng là tuỳ thời, tuỳ người, và thường được giới tướng số quy đồng cho tiện về hệ số tuỳ Trời hoặc tuỳ Số mệnh.

Do cách làm cũ chỉ cần nói lên nguyện vọng, nên ai ai cũng là thầy giáo được. Trong gia đình thì cùng với tiếng võng đưa kẽo kẹt là tiếng ầu ơ Con ơi muốn nên thân người (mục đích, mục tiêu) Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru (giải pháp duy nhất, lời khuyên). Cũng tình huống đó, nếu mẹ đi vắng thì “em ơi… chị ru”, kể cả khi chị vừa mới bị tượt vỏ chuối ở cổng lớp nhì trường làng, hoặc mới ngã vỡ mặt ở cổng trường Đại học sau này. Trong vụ việc trên, cánh đàn ông trong gia đình không hay ru em ngủ, không phải vì họ không biết hát ru, mà vì họ tỏ ra có nhiều điều biết người biết ta hơn cả. Mấy bậc đàn ông ba thế hệ đó không ru đứa nhỏ. Có lẽ vì ông nội và ông ngoại thì khiêm nhường, đời mình thất bại đã rõ, nào còn biết ru cháu những gì cho nó nên người đây. Còn hai anh đàn ông kia, họ biết thân mình cũng đang “phấn đấu” sầy vẩy. Khuyên lơn nổi ai, và ru nổi ai! Đành lòng im tiếng cho được tiếng khiêm tốn!

Cái ảo tưởng người được ru mà “ăn lời” thì sẽ “nên người” sang thời đại mới không tự nguyện mất đi. Hoàn cảnh lắm đấy, hoàn cảnh cả thôi: những lời ru kiểu đó đã hết có lẽ vì thời nay thiếu đay làm võng và cũng thiếu những phút nghỉ ngơi trên võng cho giáo viên tự túc tại gia vừa thiu thiu ngủ vừa dạy dỗ con em.

Thế nhưng đại diện toàn quyền của gia đình trong ngạch Giáo dục vẫn tiếp tục con đường đó, và tiếp tục một cách chính thống nữa. Nhà trường, cái nhà trường viết hoa, cái cơ sở đại diện cho khoa học và chính trị chịu trách nhiệm tổ chức Tương lai dân tộc, thì lại vẫn bấu víu vào cách làm cũ. Nói cho đúng ra thì, đó chẳng qua là cái thói quen muôn đời, hoặc là sự lười suy nghĩ, tất cả hùa vào làm cho Giáo dục vẫn tiếp tục chủ trương con đường làm cho trẻ em “ăn lời” để các cháu “nên người”. Hệ thống sư phạm cũ với năm bước lên lớp chính là sự củng cố cái đặc quyền của Nhà trường được giảng giải và trao cho con em cũng là cái đặc quyền nhưng đó là quyền ghi nhớ và nhắc lại những gì đã nghe giảng. Bạn đọc sẽ hỏi: sao mà đến nông nỗi bi thảm thế? Xin bạn hãy nhớ lại, những năm 60-70 của thế kỷ trước, nhà trường bắt đầu có những khơi mào cải tiến, với hai cải tiến đáng nhắc đến ở đây: phương pháp dạy học nêu vấn đề và cách cải tiến theo trường phổ thông Lipetxk của Liên Xô cũ. Ngay sự đòi hỏi cải tiến theo hướng đó đã cho thấy nhà trường gọi là “mới” nhưng chả hơn gì thời Socrates, ông cố tố của nghề dạy học nêu vấn đề. Còn phản ứng của giáo viên khi gọi trường Lipetxk thành trường bí bét đủ thấy sức mạnh của những cải tiến tới đâu một khi chúng không mang đầy đủ tính khoa học.

Những điều nói thật trên đây không nhằm vào một cá nhân nào cả. Đó không phải bản tính tác giả, đồng thời điều mọi người cùng phải quan tâm bây giờ là chữa một hệ thống chứ không chữa và không thể chữa những cá thể. Mong rằng những ai đang là người lớn khi đọc những dòng trên xin hãy bình tâm nghĩ về chính con đường đi học của mình và cùng tính toán chuyện cải cách Giáo dục cho đến đầu đến đũa. Để cả làng cùng nghĩ, và cũng để cho bài báo thêm tươi mát, tác giả xin phép dùng một tài liệu trong cuốn Tự truyện do ông vua Hề Charlot viết.

Ta đều biết về đường học hành thì chàng Charlot tội nghiệp không được như con nhà người ta. Theo cái lý đó, khi có “quyền lợi” đi học, hẳn Charlot phải “biết ơn” cái Nhà trường đó chứ? Không đâu! Charlot nhớ lại và viết về cái Nhà trường cổ truyền đó như sau:

Giờ đây, nhà trường với tôi là đoạn khởi đầu của những chân trời mới: lịch sử, thơ ca và khoa học. Nhưng nhiều đề tài lại dung tục và ngớ ngẩn, đặc biệt là môn số học: món cộng và trừ gợi ra hình ảnh một anh viên chức và một anh giữ két, còn công dụng tốt nhất của số học có lẽ là để không bị trả nhầm tiền lẻ.

Lịch sử thì là một bộ lưu trữ tính ác và bạo lực, một sự liên tục các cảnh bầy tôi giết vua còn vua thì giết hoàng hậu, giết anh em con cháu; địa lý thì chỉ những bản đồ là bản đồ; thơ ca thì chẳng có gì hơn là công việc rèn trí nhớ. Nền giáo dục đã làm tôi hoang mang, vì các kiến thức và các sự kiện là những thứ tôi thật ít quan tâm.

Charlot liền ước mơ và hóm hỉnh gửi các nhà giáo nào biết đón nhận thông tin những lời tâm sự này :

Giả sử như có một ai đó đã cho tôi một bài mở đầu cho mỗi điều phải học để kích thích trí tuệ tôi, đã phả vào hồn tôi cái thần kỳ thay vì chỉ có các sự kiện, đã làm tôi thú vị và cảm thấy mình nhập cuộc vì vẻ lừa gạt của những con số, đã lãng mạn hoá các tấm bản đồ, đã đem lại được cho tôi một quan điểm về lịch sử và dạy cho tôi nhạc tính của thơ ca, nếu vậy thì hẳn là tôi đã có thể thành một nhà bác học rồi đấy.

Bạn đọc thân mến, những lời trích dẫn trên còn hơn là một cuộc giải lao hoặc một sự gợi ý. Tác giả muốn nói tới điều này: thay thế cái gì cho cái Nhà trường lấy người dạy làm trung tâm kia? Bạn đọc sẽ đáp: thì lâu nay vẫn chẳng nói thay đổi thành nhà trường lấy người học làm trung tâm đó thôi? Có, khẩu hiệu đã có rồi, nhưng thực hiện ra sao? Chỉ cần trả lòi được câu hỏi này là đủ: để đổi mới Giáo dục, đã có cơ sở nghiên cứu hệ thống dạy học lấy học sinh làm trung tâm chưa? Có, thì ở đâu? Có, thì đã có thành tựu gì? Trả lời: số không. Ai thấy cái đó ở đâu, xin mách giúp bảo dùm. Theo tác giả biết, thì chỉ có một cơ sở do Hồ Ngọc Đại nghiên cứu không ngừng nghỉ từ năm học 1978-1979, nhưng những thành tựu của nó lại không được chú ý. Giả sử những nghiên cứu hai mưoi lăm năm ở đó là sai, thì đó cũng nên coi là những cái sai bác học, cái sai cần mẫn trong tinh thần trách nhiệm, hoàn toàn khác với những cái không bao giờ sai (Khẩu hiệu chẳng hạn, thì không bao giờ sai!).

Nghiên cứu một nền Giáo dục lấy người học làm trung tâm khó lắm. Trong lịch sử cận đại và hiện đại, có nhiều người có “đường lối” tư tưởng rất hay, nhưng thực thi lại không được. Chỉ vì các vị đó không tìm được cách thể hiện trong đường lối lấy người học làm trung tâm. Mà thiếu sót đầu tiên của các vị là không tìm ra được cách học của con người, trước hết là cách học trong giai đoạn trẻ thơ cho tới tuổi thiếu niên. Ở đây cần thấy những công việc của Jean Piaget là cực kỳ to tát. Nhà tâm lý học Jean Piaget vốn xuất thân đi ghi chép những bài đo nghiệm hệ số IQ ở trẻ em. Nhưng Piaget để ý tới những bài làm sai. Piaget đi tìm những cách lý luận của trẻ nhỏ, đó chính là những cách học khác nhau của các cháu. Jean Piaget đã dùng ngay ba đứa con của mình, Lucienne, Jacqueline và Laurent cùng các em học sinh trường thực hành thuộc Viện Jean-Jacques Rousseau ở Thuỵ Sĩ để làm nên những công việc bền bỉ có tên gọi là những thực nghiệm hình thành trí khôn ở người học là trẻ nhỏ.

Những chuyện tầy trời như thế để chuẩn bị cho một cuộc cải cách Giáo dục thực thụ lại hay bị quên. Nghe những bài học do tiến sĩ Hồ Ngọc Đại dạy, tôi biết rằng trước đây ở Liên Xô ông không được phép học về Piaget. Sở dĩ ông tự mầy mò về Piaget là vì ông phải hướng dẫn một sinh viên làm một luận án phê phán chống lại Piaget. Sau đó ông mới nhận thấy những điều tuyệt vời của nhà tâm lý học Thụy sĩ. Rồi ông đã có điều kiện cư xử khác đi, với hệ thống thực nghiệm Công nghệ Giáo dục bền bỉ của ông chỉ là một minh chứng dễ thấy nhất…

Trong khi đó, hệ thống sư phạm nói chung lại rất xa với cả lý thuyết lẫn thực nghiệm đủ sức cho ra đời cái mới đích thực nằm trong khẩu hiệu lấy người học làm trung tâm. Thực chất là người ta vẫn vướng như gà mắc tóc trong ảo tưởng trẻ em có “ăn lời” thì mới “nên người”. Nguy hiểm hơn, trong sách Nhập môn tâm lý học tái bản nhiều lần dùng cho các trường sư phạm Việt Nam do một người có uy quyền chủ biên thì lại vẫn nói về Tâm lý học Mỹ như sau:

Cũng giống hầu hết các nhà hành vi khác, Skinner đem tất cả các kết luận rút ra từ các công trình nghiên cứu trên động vật (chuột, bồ câu) vận dụng vào lý giải tâm lý con người. […  … ] Có lẽ trong những điều kiện nào đó, hoàn cảnh của con người ở xã hội Mỹ đã đưa các nhà khoa học tới cách suy nghĩ, cách nghiên cứu như vậy chăng? (Nhập môn tâm lý học, Hà Nội, 1988, Giáo Dục, trang 60).

Thay một cái cũ bằng một cái mới không thể chỉ tiến hành qua việc thay đổi khẩu hiệu, và trong khoa học là thay định hướng nghiên cứu. Mà cần thiết phải có một hoặc những công trình thực thi, thể hiện cần cù, với nỗi sợ bao giờ cũng có thể sai. Sai mà làm gẫy một cái cầu thì có thể làm cái khác và việc đó ai cũng thấy, cũng hiểu. Sai trong sự nghiệp trồng người thì một trăm năm sau mới phát lộ. Hãy biết sợ!

Phạm Toàn

Biệt thự Thu Trang, 7-11-2004

Đăng báo Người đại biểu nhân dân ngày 10-11-2004