Người lớn biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em, vậy sao không để trẻ em được tham gia vào quá trình biên soạn đó? Câu hỏi này hẳn đã được không ít người đặt ra, và ngày 7/4/2011 VTC News đăng bài phỏng vấn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi. Trong bài phỏng vấn, ông Thi cho rằng: “Trong toàn bộ quy trình biên soạn, quy trình làm việc của chúng ta chưa có khâu lấy ý kiến của các em học sinh. Như vậy, khi biên soạn SGK phải có sự tham gia của các em học sinh – đối tượng sử dụng SGK và cũng là đối tượng thực hiện chương trình giáo dục đó.”  Tuy nhiên, các em tham gia như thế nào thì “cần phải được cân nhắc”  “Vì đây là vấn đề chuyên môn nên việc tiếp thu ý kiến của các em cũng sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn nội dung, cách trình bày, cũng có thể liên quan đến cách truyền đạt kiến thức trên lớp giảng.”

Trong buổi sinh hoạt nghiệp vụ thường kì sáng thứ 7 vừa qua (ngày 9/4/2011) của nhóm Cánh Buồm, một cuộc thảo luận nho nhỏ được tổ chức xoay quanh ý kiến của ông Đào Trọng Thi. Trước buổi sinh hoạt này, các thành viên đều đã đọc bài phỏng vấn trên trang báo mạng, một người vốn nổi tiếng cẩn thận còn copy nguyên văn bài báo, gửi lại cho cả nhóm kèm lời mời tham gia thảo luận đầy hứa hẹn: sẽ quay phim chụp ảnh từng người phát biểu để lưu lại làm tư liệu! Dưới đây là nội dung cuộc thảo luận được trích ra từ biên bản buổi sinh hoạt và một vài suy nghĩ của người ghi chép.

Bạn Thanh Hải cho rằng: Ý kiến của ông Thi cho thấy người nói đã suy nghĩ về việc thay đổi chương trình sách giáo khoa và thực sự mong muốn có sự thay đổi để nó phù hợp với học sinh (HS), song lại chưa biết cách thực hiện sự thay đổi vô cùng cần thiết đó như thế nào. Việc hỏi ý kiến HS, mời HS tham gia vào quá trình biên soạn sách giáo khoa như trong bài phỏng vấn là không khả thi, không căn cứ trên cơ sở khoa học nào cả. Trước đây đã có lần bắt trẻ em gò lưng sửa lỗi mấy chục triệu bản sách giáo khoa, bây giờ lấy ý kiến của các em vào một tờ giấy và các nhà soạn sách ngồi đọc các ý kiến đó thì chẳng hiểu sẽ lấy đâu ra thì giờ?

Bạn Đức băn khoăn liệu đây có phải là động tác giả của các nhà quản lí, nhằm làm yên lòng dư luận về những “cải cách” mà họ đang tiến hành hay không? Không khéo lại chỉ đánh trống bỏ dùi – nêu thì cứ nêu mà làm thì chẳng nổi!

Bạn Quỳnh cho rằng không nên lấy ý kiến thông qua các diễn đàn, các buổi họp theo kiểu phát phiếu phỏng vấn cho các em. Trẻ em luôn phát triển. Nhu cầu của lớp trẻ em này sẽ không hoàn toàn giống các em sinh lớp trước hay lớp sau. Cứ cho rằng mỗi “khúc”  thay đổi lớn cần mất khoảng 5-10 năm thì cứ 5-10 năm lại chạy đi hỏi ý kiến, ghi chép rồi thay đổi hay sao? Và khi đó kết quả của 5 năm trước có còn giá trị hay không? Chúng ta lại thay sách theo định kỳ 5 năm hay sao?

     Thanh Hải: Hơn nữa vấn đề không phải chỉ là sở thích của trẻ em. Và yếu tố phương pháp và khoa học là những cái không phải là bất biến.

     Quỳnh: Việc định hướng chương trình phải là việc của người lớn. Làm cách gì để định hướng của người lớn phù hợp với tâm lý và nguyện vọng của HS?

     Hạnh: Câu cuối của ông Đào Trọng Thi: “Thực ra chủ đề là một nhưng cách tiếp cận có 2 cách, thứ nhất là thảo luận như người lớn. Cách thứ 2 là cách tiếp cận giống tư duy của trẻ em hơn tức là cách em được nêu lên ước mơ của mình và qua đó cũng thể hiện được ý kiến của các em. ” Như thế là hỏi các em thích học gì? Thích học như thế nào? Làm một cái khảo sát với kiểu câu hỏi đó sẽ không có hiệu quả để thay đổi chương trình. Hỏi ý kiến trẻ em nhưng đó phải là một quá trình và người lớn phải làm cách gì để thỏa mãn những nguyện vọng gửi trong những ý kiến đó.
     Đức: Ý của họ là “Em mơ gì về chương trình học” à?
     Toàn: Vấn đề Quỳnh và Hạnh nêu ra là rất đúng. Đồng ý là phải hỏi ý kiến trẻ em, nhưng sau một thời gian ý kiến của chúng thay đổi? Ta phải làm gì trước hiện tượng đó?
     Nam: Ý kiến của ông Đào Trọng Thi cho thấy hai điều: thứ nhất, từ trước đến nay trẻ em chưa được tham gia vào quá trình soạn sách giáo khoa. Thứ hai, đến giờ những người có trách nhiệm vẫn không biết cách lấy ý kiến trẻ em bằng cách nào. Việc lấy ý kiến trẻ em thực chất không có gì mới mẻ. Cần có một cách làm khả thi chứ không phải đưa cho các em một hai tờ giấy in sẵn, mời em điền vào rồi thu lại, ngồi đọc rồi gật gật, lắc lắc với nhau.
     Quỳnh: Sự khác biệt của hai cách hỏi ý kiến trẻ em là một bên đưa trẻ em vào một cuộc hội thảo, cho chúng phát biểu ý kiến, còn chúng ta lấy ý kiến trẻ em từ thực nghiệm chương trình học.
     Hải: Vấn đề giống như thầy thường nhắc bọn mình đừng chết vì những cái bé nhỏ hấp dẫn! “Diễn đàn cấp toàn quốc lắng nghe ý kiến của trẻ em” – chúng ta có nên tham dự không?
    Thảo: Không phải chỉ ở diễn đàn sắp tới mà hầu hết mọi diễn đàn dành cho trẻ em đều chỉ là “diễn” – trẻ em thường phải nói những điều người lớn bày cho chứ không phải ý kiến của chính mình. 
    Toàn: (phát biểu trong 5 phút về bài viết của Quỳnh và Nam.)

Bạn Nguyễn Thành Nam sẽ viết bài riêng và đăng trong cùng mục này. Mời đọc bài Hãy để HS tham gia biên soạn SGK: Bằng cách nào?

* * *

Vài suy nghĩ của người ghi chép, xin chia sẻ cùng cả nhà:

Chuyện hỏi ý kiến, chắc là cũng dễ nhất trí với việc “lấy ý kiến của học sinh” (không chỉ về sách giáo khoa, mà về cả cuộc đời của các em!). Vấn đề đáng được quan tâm là phương pháp thực hiện.

Để trả lời câu hỏi (tạm giới hạn trong vụ việc sách giáo khoa – SGK) cần sử dụng phương pháp nào để trẻ em thực sự được tham gia và tham gia có hiệu quả vào quá trình biên soạn SGK, chúng ta phải hiểu rõ hai đối tượng SGK của người lớn và SGK của trẻ em – SGK như là sản phẩm người lớn soạn ra, và SGK như là cách học của trẻ em.

Chúng ta cần có những cuốn SGK am hiểu và tôn trọng trẻ em. Cần am hiểu gì để có những cuốn SGK tôn trọng trẻ em?

Hai câu hỏi, hai nội dung, nhưng chỉ có một: tôn trọng trẻ em không bằng những cái kẹo, những xoa đầu và những “điểm 10 về tặng ông bà cha mẹ”! Tôn trọng trẻ em về thực chất là nghiên cứu cho tường tận cách học của trẻ em!

Nói cách khác, một bộ SGK đúng đắn phải bao hàm trong nó không chỉ các kiến thức mà phải có cả cách học để tự tìm ra kiến thức. Người lớn khi làm SGK hãy tôn trọng các em theo định hướng đó để nền giáo dục mang lại cho các em được chính các em thực hiện, và khi đó mới hy vọng có một nền giáo dục hiệu quả!

Cách tổ chức để nhận được ý kiến đóng góp thường xuyên của trẻ em chỉ có thể tiến hành qua thực nghiệm. Trong giai đoạn đầu, tổ chức Thực nghiệm ở một điểm (như trường Công nghệ GD của giáo sư Hồ Ngọc Đại từng làm từ năm học 1978 ở Giảng Võ). Tiếp theo, khi các nhà giáo dục đã quen cách làm, sẽ phải mở rộng các điểm thực nghiệm ra các vùng và các địa điểm đặc thù: ở các thành phố lớn trung tâm văn hóa cả nước hoặc cả vùng (Hà Nội, HCM, đồng bằng sông Cửu Long…; hoặc ở những nơi có đặc trưng văn hóa cần đi sâu bảo tồn và phát triển như Tây Nguyên). Làm được như vậy, hy vọng sau dăm bảy chục năm, sẽ có phong trào giáo viên tự nghiên cứu với chất lượng cao (chứ không phải là những hô hào “sáng tạo” chung chung, vô căn cứ).

Nền giáo dục cho trẻ em ở đâu cũng thế và bao giờ cũng vậy, đều nằm trong tay người lớn. Người lớn nói đây gồm ít nhất hai loại: nhà giáo dục, và nhà quản lý giáo dục.

Toàn bộ bí quyết của nhà giáo dục nằm trong sự am hiểu tâm lý và cách học của trẻ em. Nhà giáo dục không chỉ nương theo tâm lý trẻ em để tổ chức lại cách học (thể hiện ít nhất trong SGK), mà còn phải chủ động tổ chức lại cách học của trẻ em dẫn tới những biến đổi tâm lý trẻ em trong cách sống và cách học lâu dài về sau. Nếu chỉ nói “xin ý kiến trẻ em” nghe thì hay, nhưng có mùi vị mị dân, giả dối.

Đinh Phương Thảo

Nhóm Cánh Buồm